Vừa đưa vào khai thác, cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận đã chuẩn bị mãn tải

Tác giả: Vũ Thành Vũ

saosaosaosaosao
Đường bộ 10/06/2022 13:15

Sau khi đưa vào khai thác, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, những cũng còn một số bất cập.


Tuyến huyết mạch quan trọng của vùng ĐBSCL mới đi vào vận hành nhưng đã giải quyết tình trạng ùn tắc căng thẳng từ rất nhiều năm trước

Tuyến huyết mạch quan trọng của vùng ĐBSCL mới đi vào vận hành nhưng đã giải quyết tình trạng ùn tắc căng thẳng từ rất nhiều năm trước

Mỗi ngày đêm phục vụ hơn 23.000 lượt xe

Thông tin về tình hình phục vụ người dân lưu thông miễn phí dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận trong 40 ngày qua để đánh giá các chỉ tiêu, bất cập, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân, ông Nguyễn Quang Huy, Tổng Giám đốc HHV (đơn vị tham gia quản lý vận hành tuyến cao tốc) cho biết, tuy là tuyến đường huyết mạch quan trọng của vùng ĐBSCL mới đi vào vận hành nhưng cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã giải quyết tình trạng ùn tắc căng thẳng từ rất nhiều năm trước, đẩy nhanh sự liên thông kết nối, thúc đẩy phát triển KT-XH.

“Tính từ ngày 30/4/2022 đến nay, tổng lưu lượng xe lưu thông trên tuyến đến nay khoảng gần 800.000 lượt, trung bình khoảng 23.000 lượt xe/ngày đêm.

Việc Tập đoàn Đèo Cả nỗ lực khắc phục nhiều khó khăn để phục vụ người dân miền Tây lưu thông trên tuyến hai dịp Tết cổ truyền 2021, 2022 và việc phục vụ lưu thông miễn phí vừa qua nhận được sự đồng thuận rất lớn từ dư luận xã hội và lãnh đạo địa phương nơi dự án đi qua”, ông Huy thông tin.

Cũng theo lãnh đạo HHV, để công tác quản lý khai thác vận hành dự án đảm bảo an toàn, thông suốt, Tập đoàn Đèo Cả đã bố trí hơn 100 nhân sự có kinh nghiệm, chuyên môn, huy động các xe cứu thương, xe chữa cháy, xe cứu hộ cứu nạn từ các dự án: Hầm Đèo Cả, Cù Mông, Hải Vân, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn vào dự án Trung Lương - Mỹ Thuận.

Công tác bảo đảm ATGT cũng nhận được sự hỗ trợ tích cực của Cục CSGT (Bộ Công an), chính quyền địa phương.

Trong khoảng 40 ngày qua, đơn vị vận hành đã phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức cứu hộ 225 trường hợp xe bị hỏng, chết máy, nổ lốp, hết nhiên liệu; tiếp nhận giải đáp thắc mắc và sự cố qua số hotline là hơn 500 cuộc gọi.

Cần sớm  nhận diện các bất cập hiện hữu

Mặc dù nỗ lực huy động tối đa nguồn lực, song, theo ông Nguyễn Quang Huy, thời gian phục vụ phương tiện lưu thông miễn phí thời gian qua cũng lộ ra một số bất cập.

“Đầu tiên là vấn đề ATGT. Chỉ trong thời gian ngắn đã xảy ra các vụ va chạm giao thông làm 2 người chết, 1 người bị thương”, ông Huy chia sẻ và tiếp lời, hiện dự án mới hoàn thành giai đoạn 1 (giai đoạn phân kỳ), chưa có làn dừng khẩn cấp.

Các tuyến đường cao tốc từ Sài Gòn nối Cần Thơ ngay sau khi khai thác có khả năng không đáp ứng được lưu lượng thực tế

Các tuyến đường cao tốc từ Sài Gòn nối Cần Thơ ngay sau khi khai thác có khả năng không đáp ứng được lưu lượng thực tế

Toàn tuyến chỉ bố trí 11 điểm dừng khẩn cấp ở hai bên với khoảng cách trung bình 10km/1 dải. Chiều rộng dải dừng xe khẩn cấp chỉ 2m, khó khả thi để xe di chuyển tới điểm dừng, đặc biệt các loại xe container, dẫn đến rất khó khăn cho công tác cứu nạn, cứu hộ.

Chưa kể, dọc hai tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương (49,6km) và Trung Lương - Mỹ Thuận (51,5km) chỉ có 1 trạm dừng nghỉ tại Km28+200. Đoạn từ Km28+500 đến cuối tuyến (Km101+126) dài 73km chưa được bố trí các trạm dừng nghỉ trên tuyến để các phương tiện dừng kiểm tra kỹ thuật, nghỉ ngơi, đảm bảo đúng yêu cầu và tổ chức ATGT theo quy định.

“Đáng lo ngại nhất là hiện nay, lượng xe lưu thông trên tuyến ghi nhận trung bình 23.000 lượt/ngày đêm, gần chạm mức mãn tải. Nguyên nhân là do việc đầu tư và đưa tuyến đường vào khai thác được thực hiện theo quy hoạch và tính toán căn cứ vào mốc khởi điểm cách đây 13 năm.

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế đất nước, lưu lượng xe về miền Tây ngày càng tăng cao, các tuyến đường cao tốc từ Sài Gòn nối Cần Thơ ngay sau khi khai thác có khả năng không đáp ứng được lưu lượng thực tế trong thời gian tới”, lãnh đại HHV bày tỏ sự lo lắng.

Trên cơ sở đó, đại diện đơn vị quản lý vận hành khai thác mong muốn cơ quan chức năng sớm tổ chức đánh giá, nhận diện các bất cập hiện hữu.

Theo dự kiến, doanh nghiệp dự án sẽ thu phí từ ngày 1/7/2022 căn cứ phương án phê duyệt.

Tuy nhiên, trước tình hình hiện nay, các cơ quan liên quan cần tổ chức kiểm tra, đánh giá vấn đề và thực trạng liên quan đến phân kỳ đầu tư dự án, làm cơ sở để xem xét điều chỉnh quy trình vận hành khai thác.

Đồng thời, cấp thiết bổ sung ngay các điểm dừng cứu hộ cứu nạn, kiểm tra kỹ thuật đáp ứng quy mô theo chuẩn đường cao tốc để kiểm tra kỹ thuật, cứu hộ cứu nạn, bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông.

“Cơ quan chức năng cũng cần sớm nghiên cứu, triển khai sớm giai đoạn 2 cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận để hoàn chỉnh, đảm bảo quy mô kết nối với các tuyến cao tốc đầu tư theo quy hoạch trong khu vực như tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng”, đại diện HHV đề xuất.

Nâng cao văn hóa tham gia giao thông. Đẩy mạnh tuyên truyền về pháp luật và văn hóa tham gia giao thông trên tuyến đường cao tốc như giữ khoảng cách, tốc độ cho phép… và một số hạn chế của đường cao tốc giai đoạn 1 để người dân hiểu, chia sẻ.

Được biết, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng chiều dài 51,1km, tổng mức đầu tư hơn 12.600 tỷ đồng. Điểm đầu dự án tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (nối tiếp đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương), điểm cuối giao với QL30 tại nút giao An Thái Trung (huyện Cái Bè, Tiền Giang).

Dự án khởi công từ tháng 11/2009, sau gần 10 năm đình trệ với 2 lần thay đổi nhà đầu tư, 3 lần khởi công, 4 lần lùi thời hạn hoàn thành. Hết năm 2018, dự án chỉ mới đạt hơn 10% tiến độ.

Từ tháng 3/2019, Tập đoàn Đèo Cả tham gia quản trị, điều hành dự án và “nhập cuộc” bằng một loạt biện pháp như: kiện toàn năng lực quản trị điều hành, đề xuất giải pháp thu hút vốn tín dụng với hình thúc hợp vốn các ngân hàng lần đầu áp dụng tại nước ta, loại nhà đầu tư/nhà thầu yếu kém năng lực thi công, lập đồng hồ đếm ngược ngày thông tuyến, gắn trách nhiệm cho mình và cho cơ quan nhà nước các mốc tiến độ của dự án.

Vượt qua đại dịch Covid-19 trong hai năm 2020 - 2021, các vấn đề về hạn, xâm nhập mặn, nguồn nguyên liệu khan hiếm tại vùng ĐBSCL, hơn 1.500 cán bộ, kỹ sư, công nhân của Tập đoàn Đèo Cả đã thay ca nhau ngày đêm bám sát công trường hoàn thành dự án chỉ sau hơn 3 năm đạt chuẩn thiết kế giai đoạn 1, phân kỳ đầu tư mà Bộ GTVT phê duyệt.

Ý kiến của bạn

Bình luận