Xây dựng và phát triển sân bay: Kinh nghiệm từ Thái Lan

Giao thông toàn cầu 19/05/2021 05:43

Với mục tiêu vực dậy ngành du lịch và kinh tế đất nước sau những thiệt hại nặng nề bởi đại dịch Covid-19, Thái Lan đã lên kế hoạch đầu tư phát triển Hành lang kinh tế phía Đông, trong đó tập trung phát triển công nghiệp và xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng hàng không.


 

Anh 1

Trước dịch Covid-19, sân bay Survanabhumi đã rơi vào tình trạng quá tải

 

Sân bay Survanabhumi quá tải
Là quốc gia du lịch hàng đầu Đông Nam Á nên các sân bay ở Thái Lan luôn không ngừng nỗ lực để đón đầu làn sóng du khách tăng trưởng liên tục qua các năm. Thủ đô Bangkok hiện đang giữ vị trí chiến lược trong mạng lưới sân bay quốc gia với hai sân bay quan trọng là Survanabhumi và Don Mueang, chiếm khoảng 3/4 tổng lưu lượng hành khách.Sân bay quốc tế Survanabhumi nằm cách Thủ đô Bangkok khoảng 30 km về phía Đông là sân bay lớn nhất ở Thái Lan, đồng thời là một trong những sân bay quan trọng nhất ở Đông Nam Á. Đây cũng là một trong những sân bay có diện tích lớn nhất thế giới với tháp điều khiển cao tới 132 m. Sân bay này bắt đầu hoạt động từ tháng 9/2006 nhằm giải tỏa bớt áp lực cho sân bay Don Mueang đã cũ kĩ và quá tải. So với Don Mueang, vị trí gần trung tâm giúp Survanabhumi dễ dàng kết nối với Thủ đô và nhiều địa điểm du lịch trên khắp cả nước thông qua 3 tuyến đường cao tốc và 3 tuyến tàu điện. Công suất của sân bay Survanabhumi đạt 45 triệu hành khách/năm nhưng hiện tại đang rơi vào tình trạng quá tải, vượt công suất tới hơn 170.000 hành khách, dẫn đến những tình trạng như: thiếu cầu ống lồng, hành khách phải di chuyển bằng xe buýt vào nhà ga hay xếp hàng dài để chờ kiểm tra hộ chiếu... Năm 2020, Survanabhumi chỉ được Skytrax xếp thứ 48 trong top 100 sân bay tốt nhất thế giới, kém xa vị trí quán quân là sân bay Changi ở Singapore. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của sân bay Survanabhumi mà còn giáng một đòn mạnh vào ngành du lịch Thái Lan, vốn đóng vai trò quan trọng thúc đẩy GDP quốc gia.

Chiến lược phát triển trung tâm hàng không Đông Nam Á
Trước tình hình này, Chính phủ Thái Lan đã lên kế hoạch mở rộng sân bay Survanabhumi - một bước đi quan trọng thực hiện mục tiêu đưa Thái Lan trở thành trung tâm hàng không ở Đông Nam Á, trước mắt là hoàn thành và đưa vào sử dụng nhà ga vệ tinh số 1. Theo ông Saksayam Chidchob - Bộ trưởng Bộ GTVT Thái Lan, nhà ga vệ tinh số 1 của Survanabhumi dự kiến sẽ đi vào hoạt động đầu năm 2022, nâng tổng công suất của sân bay lên thêm 15 triệu hành khách mỗi năm. Công trình sẽ có 4 tầng với 28 cổng ra máy bay, trong đó 8 cổng phục vụ máy bay cỡ lớn A380. Dự án xây dựng đường băng thứ 3 của sân bay Survanabhumi cũng đã triển khai và dự kiến sẽ tiếp nhận máy bay vào năm 2023. Ban quản lý sân bay Survanabhumi cũng đã tranh thủ thời gian gián đoạn du lịch vì dịch bệnh Covid-19 để cải tạo, sửa chữa các đường băng hiện có. Hiện tại, Tổng công ty Cảng Hàng không Thái Lan (AoT) đang lên kế hoạch tiếp tục đầu tư xây dựng thêm nhà ga sân bay thứ 2. Dù đang vấp phải những ý kiến trái chiều về vị trí nhưng Thủ tướng Thái Lan khẳng định, việc xây dựng nhà ga sân bay thứ 2 là rất cấp thiết để đáp ứng sự gia tăng lưu lượng hàng hóa và hành khách trở lại sau khi đại dịch Covid-19 kết thúc. Sau khi hoàn thành, nhà ga thứ hai này sẽ đáp ứng thêm khoảng 30 triệu hành khách mỗi năm. Ban quản lý sân bay Survanabhumi cũng đang tính toán phương án tiếp tục mở rộng thêm các nhà ga và đường băng để nâng công suất sân bay lên tới 150 triệu hành khách mỗi năm vào năm 2030. Việc nâng cấp sân bay Survanabhumi là một phần trong Chiến lược phát triển Hành lang kinh tế phía Đông (gồm 3 tỉnh tiếp giáp với Thủ đô) trị giá 1,7 nghìn tỷ baht với mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển các ngành công nghiệp tiên tiến dọc theo bờ biển phía Đông Thái Lan. Hành lang kinh tế này là nỗ lực của Chính phủ Thái Lan nhằm tăng cường thu hút đầu tư dài hạn để vực dậy và thúc đẩy nền kinh tế đất nước sau những thiệt hại nặng nề bởi dịch Covid-19. Ngoài Survanabhumi, Don Mueang và U-Tapao là hai sân bay lớn còn lại trong hệ sinh thái 3 sân bay phục vụ phát triển kinh tế cho khu vực Bangkok và Hành lang kinh tế phía Đông. Trong đó, sân bay quốc tế U-Tapao (vốn là một sân bay quân sự cũ) hiện đang được lên kế hoạch đầu tư xây dựng trở thành một sân bay quốc tế tầm cỡ trong tương lai, có khả năng phục vụ tới 60 triệu hành khách mỗi năm. Với vị trí gần Pattaya, một điểm nóng du lịch ở Thái Lan, sân bay U-Tapao sẽ được Chính phủ rót 290 tỷ Baht (2,9 tỷ USD) để xây dựng thêm ga hành khách thứ ba, đồng thời phát triển các cơ sở vật chất khác như ga hàng hóa và trung tâm bảo trì hàng không. Dự án sẽ được thực hiện dưới hình thức đối tác công - tư do hải quân Thái Lan hợp tác với liên doanh BBS (gồm Công ty Xây dựng STEC - hãng hàng không Bangkok Airways và Tập đoàn BTS). Ước tính, dự án này sẽ đem về cho ngân sách khoảng 305 tỷ baht tiền cho thuê đất, chia sẻ lợi nhuận và 62 tỷ baht tiền thuế. Dự án cũng sẽ tạo ra 15.600 việc làm trong vòng 5 năm. Bên cạnh đó, Chính phủ Thái Lan còn lên kế hoạch xây dựng hệ thống đường sắt hạng nhẹ kết nối cả 3 sân bay Survanabhumi, Don Mueang và U-Tapao. Đường sắt cao tốc liên kết 3 sân bay sẽ kéo dài khoảng 220 km, với khả năng chuyên chở 147.000 hành khách/ngày trong năm đầu tiên hoạt động, thời gian di chuyển từ sân bay U-Tapao đến Bangkok là 45 phút. Dự án nhằm hỗ trợ sự phát triển của các khu vực xung quanh Thủ đô Bangkok và thu hút đầu tư nước ngoài vào hành lang kinh tế phía Đông. Dự kiến, dự án đường sắt cao tốc và nhà ga hành khách thứ ba của sân bay U-Tapao sẽ hoàn thành vào năm 2023.

Ý kiến của bạn

Bình luận