Xuân Nhâm Dần và kỳ vọng bứt phá

Vượt qua những khó khăn, thử thách của năm 2021 với nhiều ấn tượng, các lĩnh vực đường bộ, hàng hải, hàng không, đường thủy nội địa, đường sắt góp phần không nhỏ trong thành công chung của ngành GTVT. Trước thềm Xuân Nhâm Dần, các lãnh đạo Ngành đặt nhiều kỳ vọng vào sự phục hồi và phát triển năm 2022 bởi đây là năm bản lề cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025.

 

“Đẩy mạnh chuyển đổi số”

Nguyen Van Huyen

Ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng Cục trưởng Tổng cục ĐBVN

Năm 2021, Tổng cục ĐBVN đã có nhiều thành tựu trong chuyển đổi số như việc sử dụng mô hình điện toán đám mây cho các hệ thống phần mềm, hệ thống cơ sở dữ liệu của Tổng cục ĐBVN, xây dựng dữ liệu quản lý phương tiện, người điều khiển phương tiện, hoạt động vận tải và dữ liệu quản lý kết cấu hạ tầng GTVT. Để phát huy kết quả đã đạt được trong năm 2022, Tổng cục ĐBVN sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp nền tảng cho chuyển đổi số, đó là tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của lãnh đạo, cán bộ, người dân và doanh nghiệp về chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số trong lĩnh vực GTVT đường bộ.

Trong đó, Tổng cục sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống thu phí điện tử không dừng, đặc biệt là hệ thống thu phí điện tử không dừng trên đường cao tốc để cung cấp dịch vụ tiện lợi cho người dân và doanh nghiệp; hoàn thiện hệ thống kiểm soát tải trọng xe tự động để phục vụ công tác kiểm soát tải trọng xe trên quốc lộ và đường cao tốc; triển khai dự án xây dựng Hệ thống thông tin phục vụ quản lý nhà nước của Tổng cục ĐBVN, trong đó có xây dựng Hệ thống quản lý hoạt động vận tải đường bộ toàn quốc và xây dựng Hệ thống quản lý, giám sát công tác đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe toàn quốc...

“Quan trọng nhất vẫn là sự nỗ lực, cố gắng của chính hãng bay”

Dinh Viet Thang

Ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam

Bức tranh năm 2021 được cải thiện nhiều gam màu tươi sáng hơn so với năm 2020, đặc biệt vào nửa cuối năm 2021 khi việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 được đẩy nhanh tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Tại nhiều thị trường trọng điểm của hàng không Việt Nam như Đông Bắc Á, châu Âu sẽ đủ điều kiện tạo miễn dịch cộng đồng, làm cơ sở từng bước mở lại hoạt động vận chuyển hàng không quốc tế.

Với những đánh giá nêu trên, thị trường hàng không Việt Nam bắt đầu phục hồi từ giữa quý III/2021 và có cơ sở để kỳ vọng sẽ bứt phá trong năm nay. Chỉ bay mới có thể tồn tại, các hãng không bay thì không có doanh thu, điều này giống như dòng máu trong cơ thể nếu tắc sẽ làm gián đoạn rất lớn. Hỗ trợ nguồn vốn của Chính phủ chỉ là hỗ trợ “mồi”, khuyến khích các hãng hàng không duy trì hoạt động, điều quan trọng nhất vẫn là sự nỗ lực, cố gắng của chính hãng bay.

“Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng cảng biển”

Ong Nguyen Dinh Viet

Nguyễn Đình Việt - Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam

Năm vừa qua, Cục Hàng hải Việt Nam đã tập trung các giải pháp tăng cường quản lý, nâng cao trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của các chủ thể tham gia dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Cục cũng thực hiện quản lý, giám sát các hợp đồng cho thuê khai thác kết cấu hạ tầng bến cảng container quốc tế Cái Mép, bến cảng tổng hợp Thị Vải, cầu 5, 6, 7 bến cảng Cái Lân; hoàn thiện Đề án cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cảng biển An Thới, tài sản vốn dư gói thầu số 1 và gói thầu số 4 trình Bộ GTVT; thương thảo và ký kết phụ lục sửa đổi, bổ sung các hợp đồng cho thuê khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển đã ký kết; triển khai thực hiện các chỉ đạo của Bộ GTVT về công tác cho thuê quản lý khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển.

Về công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng hàng hải, năm 2021, Cục triển khai nạo vét duy tu 7 tuyến luồng, trong đó có 3 tuyến luồng hoàn thành, 3 tuyến luồng được chấp thuận điều chỉnh thời gian hoàn thành sang năm 2022 và 1 tuyến luồng (luồng Sa Kỳ) Bộ GTVT đã chấp thuận dừng, không triển khai công trình. Hiện nay, công tác nạo vét duy tu luồng hàng hải vẫn tiếp tục được đặc biệt quan tâm, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để triển khai thực hiện.

Trong năm 2022, Cục Hàng hải Việt Nam tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư xây dựng theo kế hoạch, tiến độ đã đề ra. Đối với 5 dự án cấp bách ngành Hàng hải, Cục tiếp tục thực hiện rà soát trình tự thủ tục thanh, quyết toán các công việc đã hoàn thành, trả nợ khối lượng công việc hoàn thành dự án luồng Phan Thiết và công tác chuẩn bị đầu tư 4 dự án còn lại, tránh nợ đọng xây dựng cơ bản. Đối với các dự án đầu tư công trung hạn (5 dự án) đã được Bộ GTVT chấp thuận chủ trương đầu tư, Cục Hàng hải Việt Nam tiếp tục thực hiện triển khai giai đoạn chuẩn bị dự án và giai đoạn thực hiện dự án theo quy định...

“Tuyến nào cũng là “vận tải luồng xanh””

Cuc truong Bui Thien Thu

Ông Bùi Thiên Thu - Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam

Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được công bố trong năm qua là một “điểm sáng” quan trọng, bởi đây là cơ sở để đường thủy nội địa vượt qua nhiều khó khăn, triển khai hiệu quả các bước phát triển tiếp theo. Trong thời gian tới, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam sẽ căn cứ theo Quy hoạch, khẩn trương báo cáo về nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, bao gồm việc huy động vốn đầu tư.

Một “điểm sáng” quan trọng khác là vận tải và an toàn. Quan điểm của chúng tôi là các lợi ích của vận tải thủy như vận chuyển khối lượng lớn, tiết kiệm chi phí, giảm thiểu tác hại môi trường... phải luôn gắn liền với an toàn. Năm qua, TNGT đường thủy giảm rất sâu cả 3 tiêu chí.

Nhìn lại năm 2021, dưới tác động của đại dịch Covid-19, đường thủy nội địa đã chuyển “nguy” thành “cơ” khi hàng hóa phải dịch chuyển từ đường bộ xuống đường thủy, nhưng hơn hết, điều này đã giúp tạo thành thói quen, đi sâu vào tiềm thức của chủ hàng. Tuyến nào của đường thủy nội địa cũng là “tuyến vận tải xanh”. Đây là một thành công bước đầu để những năm tới, chủ hàng, chủ tàu gắn kết với nhau hơn, sử dụng vận tải thủy nội địa tối ưu hơn.

“Muốn phát triển phải đổi mới công nghệ của hạ tầng”

Ong Vu ANh Minh

Ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam

 Rào cản lớn nhất của ngành Đường sắt Việt Nam trong suốt nhiều năm nay vẫn luôn là hệ thống hạ tầng cũ kỹ, lạc hậu, khó có thể đổi mới, phát triển. Muốn đường sắt đổi mới toàn diện, có thể bắt kịp và cạnh tranh với phương thức vận tải khác, quan trọng nhất là phải đổi mới công nghệ của hạ tầng, điều này đòi hỏi thời gian dài và kinh phí rất lớn. Hiện nay, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đang nỗ lực khai thác tối đa năng lực của hạ tầng hiện có, tập trung vào việc xây dựng đề án để quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt để trình Chính phủ và Bộ GTVT nhằm tháo gỡ các “nút thắt” cho vận tải đường sắt, đồng thời tạo ra những cơ chế để có thể khuyến khích đầu tư xây dựng, mở rộng toàn bộ hệ thống kho bãi, các trung tâm hậu cần phục vụ logistics, đầu nối đường sắt đến cảng biển - khu công nghiệp, kết nối với các loại hình vận tải khác. Năm 2022, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam kỳ vọng những vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp về đầu tư từ ngân sách nhà nước, quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia... sẽ sớm được tháo gỡ để Tổng công ty từng bước vượt qua khó khăn và có được cơ hội phát triển.

Ý kiến của bạn

Bình luận