Kinh nghiệm mua xe ô tô Honda CR-V cũ giá rẻ |
Mua xe ô tô cũ đang là xu hướng được khá nhiều người tiêu dùng thu nhập thấp ở Việt Nam lựa chọn. Trong đó, Honda CR-V là mẫu SUV cỡ nhỏ được yêu thích nhất trên thị trường ô tô Việt Nam. Các chuyên gia ô tô đánh giá dù là phiên bản cũ, CR-V vẫn đạt được sự ổn định trong động cơ và khả năng tiết kiệm nhiên liệu. Ngoài ra, ngoại hình của xe cũng mang một thiết kế mạnh mẽ, cá tính và sang trọng. Bên trong xe là một loạt tính năng tiện nghi, hiện đại và an toàn cho người lái.
Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn tìm được một chiếc xe đảm bảo chất lượng và có giá rẻ.
Mẹo mua xe ô tô Honda CR-V cũ giá rẻ, chất lượng tốt
1. Kiểm tra thông tin xe
Trước khi mua xe ô tô cũ, bạn cần kiểm tra kỹ thông tin về chiếc xe sẽ mua, về những trang bị tiêu chuẩn và phiên bản xe. Việc kiểm tra thông tin sẽ giúp bạn có thêm kiến thức khi tiếp cận xe tại đại lý ô tô cũ hoặc mua từ người quen. Bạn sẽ dễ dàng phát hiện những thiếu sót của chiếc xe và có thể đặt câu hỏi cho người bán. Từ đó có thể đưa ra quyết định mua hay không.
Những thông tin về xe thường xuất hiện trên mạng, tạp chí, tốt nhất là hãy theo dõi từ đại lý chính hãng của chiếc xe đó.
2. Tìm nơi bán, đại lý ô tô cũ uy tín
Ô tô cũ hiện đang được rao bán khá nhiều nơi, từ đại lý ô tô cũ đến những trang web, thậm chí còn xuất hiện trên mạng xã hội. Song, không phải nơi bán nào cũng đáng tin cậy. Bạn cần tìm hiểu kỹ hoặc hỏi thăm từ một số người có kinh nghiệm mua xe ô tô cũ để tìm ra nơi bán uy tín nhất.
3. Kiểm tra trực tiếp xe ô tô Honda CR-V cũ tại đại lý
Lưu ý, khi đến nơi mua xe ô tô Honda CR-V cũ, bạn hãy đi cùng một người có kinh nghiệm về xe. Người này sẽ giúp bạn đưa ra những nhận định hữu ích về tình trạng của xe. Ngoài ra, việc có người kinh nghiệm đi cùng sẽ giúp bạn không bị các nhân viên đại lý “dắt mũi” và mua phải chiếc xe kém chất lượng.
Dưới đây là một số chi tiết bạn cần kiểm tra kỹ lưỡng khi mua xe ô tô cũ:
Ngoại thất ôtô
Hãy đi một vòng quanh xe và kiểm tra tình trạng thân xe, bề mặt vỏ có vết gợn, lồi lõm hay không. Nếu có, nhiều khả năng xe đã được vá đắp, bạn không nên mua chiếc xe này. Tiếp đến hãy kiểm tra độ cân bằng của chiếc xe, xem nó có bị nghiêng hay bốn góc xe có bị lệch không. Vì khi xe từng bị đâm dụng, dù đã sửa chữa nhưng vẫn để lại dấu vết. Hoặc cũng có thể do hệ thống treo bị trục trặc, bạc đạn của bánh xe bị bể.
Về hệ thống đèn trên xe, hãy thử toàn bộ các đèn ngoại thất gồm đèn cốt, đèn pha, đèn thắng, đèn xi nhan cùng những đèn được trang bị thêm như đèn sương mù. Xác định chúng có bị xước, hỏng hóc hoặc các thấu kính của bóng đèn còn đầy đủ và nguyên vẹn hay không.
Sau đó, kiểm tra phần thấp của xe gồm gầm và lốp xe. Bạn có thể yêu cầu đại lý cho ô tô lên cầu để kiểm tra kỹ dưới gầm xe. Dùng đèn pin để theo dõi kỹ và chính xác hơn. Nếu có nhớt hay nước máy bị rò rỉ, chứng tỏ động cơ xe đang ở tình trạng không tốt. Kiểm tra cả bộ Cardan đồng tốc phía sau bánh trước và đảm bảo chụp cao su của trục láp phải tròn đều. Trường hợp bị nứt và chất bôi trơn bị rỉ, phần trục láp đã bị hỏng và bạn phải chịu chi phí sửa chữa khá tốn kém nếu mua nhầm chiếc xe này.
Cuối cùng, để kiểm tra tình trạng lốp xe, bạn hãy theo dõi số km trên bảng đồng hồ. Nếu một chiếc xe có số km nhỏ nhưng lốp lại mới thì hãy đặt nghi vấn, khả năng lốp xe đã gặp vấn đề trước đó. Tiếp đến kiểm tra nhãn hiệu và kích cỡ của lốp xe có đúng tiêu chuẩn kỹ thuật không bằng cách quay vô lăng để đưa bánh xe về một phía. Ngoài ra, bạn hãy kiểm tra mặt ngoài của vỏ lốp và vành bánh xe xem có vết mẻ, nứt không. Những va chạm với ổ gà sẽ làm xuất hiện tình trạng nứt vỏ lốp khiến bánh xe bị lệch, thậm chí nó còn gây hư hỏng cho hệ thống treo.
Trang bị nội thất
Kiểm tra toàn bộ các trang bị bên trong xe gồm ghế ngồi, vô lăng, bảng đồng hồ và cả những tiện ích như điều hòa, âm thanh,…
Ngoài ra, bạn cũng nên kiểm tra hệ thống phanh bằng cách kiểm tra các roto của thắng đĩa. Bề mặt đĩa phải bằng phẳng và không có các rãnh trầy sâu ở mặt đĩa.
4. Lái thử
Sau khi đã kiểm tra ngoại và nội thất của xe, bạn hãy thử lái để xác định lại tình trạng của xe. Bạn có thể nhờ người đi cùng cầm vô lăng vì với kinh nghiệm sẵn có họ có thể cảm nhận chính xác tình trạng của xe và đưa cho bạn lời khuyên bổ ích nhất.
5. Thỏa thuận giá
Nếu đã ưng ý một chiếc xe cũ, bạn có thể tính một số lỗi hỏng cần phải sửa chữa, thay thế và mặc cả giá với người bán. Khi đã đạt được thỏa thuận giá, bạn hãy yêu cầu bên bán làm các thủ tục cần thiết như giấy mua bán, trao tặng theo mẫu và xác nhận của địa phương nơi cư trú, hợp đồng bán kiêm thanh lý xe, biên bản bàn giao xe và giấy tờ hai bên. Tất cả giấy tờ đều phải lập thành 4 bản cho 2 bên và ghi rõ địa chỉ người bán và chi tiết xe.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.