Nhiều góp ý quan trọng cho dự thảo Nghị định về quản lý ô tô nhập khẩu |
Ngày 13/6 tại TP HCM Báo Thanh Niên và Cty Cổ phần Báo Thanh Niên đã tổ chức buổi Tọa đàm “Góp ý dự thảo Nghị định về quản lý ô tô nhập khẩu” do Liên bộ GTVT – Công Thương chủ trì soạn thảo trình Chính phủ. Tham gia Tọa đàm có các Luật sư, nhà báo, các chuyên gia về ô tô, các nhà sản xuất, nhập khẩu xe ô tô Audi, Mercedes-Benz.
Quy định điều kiện dễ dãi
Tại buổi tọa đàm, dưới góc độ pháp luật, các luật sư đều cho rằng dự thảo về nghị định trên gây nhiều lo ngại về tính hợp lý. Luật sư Nguyễn Văn Hậu dẫn dự thảo quy định rằng muốn nhập khẩu ô tô chỉ cần đáp ứng 2 điều kiện là có ít nhất 1 cơ sở bảo hành, bảo dưỡng phù hợp với loại ô tô nhập khẩu; và có cam kết bằng văn bản với Bộ Công Thương về việc thực hiện trách nhiệm bảo hành, bảo dưỡng, triệu hồi, thu hồi ô tô khi bị lỗi kỹ thuật, là khá dễ dãi cho các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô.
Cũng theo luật sư Hậu, Khoản 1, Điều 21 dự thảo nghị định (lần 2), quy định khá bất hợp lý. Nhà nhập khẩu ô tô chỉ là một bên trung gian đưa sản phẩm ô tô sản xuất từ nước ngoài về Việt Nam, họ không đủ quyền và khả năng để tự thực hiện việc bảo hành, bảo dưỡng và triệu hồi, thu hồi sản phẩm ô tô của các nhà sản xuất nước ngoài khi chưa được nhà sản xuất nước ngoài ủy quyền.
Do đó, ông Hậu kiến nghị cần quy định chặt chẽ hơn về điều kiện nhập khẩu ô tô như có văn bản chứng nhận các điều kiện chính sách bảo trì, bảo dưỡng, triệu hồi xe một cách nghiêm ngặt của nhà sản xuất, các chính sách này phải đảm bảo thực hiện đồng bộ tại nước nhập khẩu. Doanh nghiệp phải có văn bản ủy quyền của nhà sản xuất nước ngoài trong việc cung cấp dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng, triệu hồi, thu hồi sản phẩm,...
Xe nhập khẩu luôn thu hút thị hiếu người tiêu dùng Việt vì chất lượng và mẫu mã |
Về trách nhiệm bảo hành, bảo dưỡng ô tô, theo Luật sư Hậu, tại khoản 2, điều 4 dự thảo quy định “doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp nhập khẩu ô tô phải có trách nhiệm cung cấp cho người tiêu dung giấy (sổ) bảo hành ô tô có thời hạn tối thiểu 03 năm hoặc 100.000km tùy điều kiện nào đến trước…” Đây là quy định trói buộc máy móc, và phi thị trường không cần thiết vì chế độ bảo hành từng hãng đều không giống nhau và thay đổi thường xuyên…
Theo LS Hậu, cần có quy định rõ về các loại giấy tờ mà doanh nghiệp kinh doanh ô tô cần phải có như giấy ủy quyền cấp dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô; hợp đồng hỗ trợ kỹ thuật và cả hợp đồng cung cấp phụ tùng chính hãng...
Về quy định số lượng cơ sở bảo hành (theo dự thảo chỉ yêu cầu sở hữu tối thiểu 01 cơ sở tại khoản 5 điều 10 và điểm a khoản 1 điều 21) là chưa đáp ứng quyền lợi khách hàng, cần quy định số lượng cụ thể cơ sở bảo hành bảo dưỡng trong khu vực và khoảng cách địa lý để có thể đáp ứng nhanh chóng cho người mua xe.
Ngoài ra theo các Luật sư, dự thảo Nghị định chỉ quy định trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô trong việc bảo hành, bảo dưỡng, thu hồi ô tô mà chưa đưa ra chế tài xử lý khi các doanh nghiệp vi phạm. Trường hợp có vi phạm xảy ra thì doanh nghiệp bồi thường như thế nào cho người tiêu dung, căn cứ nào để bảo đảm doanh nghiệp sẽ thu hồi xe khi có lỗi kỹ thuật…
Tổng giám đốc nhà nhập khẩu chính thức Audi tại Việt Nam Lauren Ganet:"Nhà sản xuất hay nhập khẩu cũng cần phải cam kết trách nhiệm khi phân phối sản phẩm " |
Với vai trò nhà nhập khẩu chính thức Hãng xe Audi tại thị trường Việt Nam, Tổng giám đốc Laurent Genet ngạc nhiên vì quy định của dự thảo nghị định không yêu cầu cam kết cụ thể của nhà sản xuất và nhà phân phối về sản phẩm với người tiêu dùng. ông Genet khẳng định, chỉ những nhà sản xuất mới có đủ chức năng, xác nhận rằng nhà nhập khẩu phân phối có đủ hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật để thực hiện việc bảo hành bảo dưỡng ô tô của mình và vấn đề cung cấp phụ tùng chính hãng hay không.
Người tiêu dùng Việt Nam quá thiệt thòi
Ông Nguyễn Minh Đồng (phải) - Chuyên gia về công nghệ ô tô :" ở Châu Âu đi bất cứ nước nào cũng có thể bảo hành, bảo dưỡng xe nếu có thương hiệu đó, thậm chí không cần chính hãng" |
Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Minh Đồng, chuyên gia trong ngành công nghệ ô tô từng làm việc ở Châu Âu hàng chục năm cho biết: Để giảm chi phí cho người dùng ngoài bảo hành, bảo trì ô tô chính hãng cũng nên quy định có thể bảo hành bảo dưỡng xe ở những garage không chính hãng để giảm chi phí.
Theo lời ông Đồng ở Châu Âu một Garage đảm bảo yêu cầu cùng lúc sửa cả xe Mercedes-Benz, Audi, BMW miễn là đáp ứng được kỹ thuật. Điều vô lý hết sức ở Việt Nam dẫn đến thiệt thòi cho khách hàng mua xe nhập khẩu là phải trả thêm hàng nghìn USD để vào bảo hành bảo dưỡng chính hãng. Ở Châu Âu hay Mỹ việc bảo hành ô tô được áp dụng trên toàn thế giới, khách hàng được sử dụng dịch vụ bảo hành chính hãng sản phẩm thương hiệu đó ở nơi họ đến. Ông Đồng cho rằng: Người mua xe nhập khẩu tại Việt Nam có thể khởi kiện việc này ở châu Âu vì như vậy là sai luật".
Ông Đồng không đồng tình việc ông Lauren Ganet, đại diện Audi tại Việt Nam viện dẫn phải nhập thêm thiết bị từ nước ngoài phù hợp về khí hậu, hạ tầng Việt Nam để bảo hành bảo dưỡng các sản phẩm không chính hãng nên phải thu thêm chi phí. Kinh nghiệm nhiều năm làm việc ở ngành ô tô nước ngoài giúp ông Đồng chỉ ra bản chất vấn đề: Thị trường nhỏ bé như Việt Nam bất cứ Hãng xe nào không có thời gian đầu tư công sức thiết kế riêng sản phẩm, nên không có chuyện phải nhập riêng thiết bị chuyên dùng cho xe không chính hãng. Thiết bị đưa từ Đức đang dùng bảo dưỡng bảo hành chính hãng tại Việt Nam dư sức làm được.
Bảo hành không chính hãng xe Audi tại Việt Nam phải tốn thêm chi phí |
Về linh kiện, phụ tùng chính hãng, không nên hiểu là chỉ hãng đó mới sản xuất được, ông Đồng chỉ ra, rằng linh kiện, phụ tùng được nhà sản xuất công nhận quy chuẩn là được, vì thực tế 60% chiếc xe do các nhà cung cấp linh kiện cấu thành mà nhà sản xuất chính hãng đặt hàng.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng cần mở cửa cho các nhà nhập khẩu không chính hãng vào để người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn.
Từ 1/7/2017 khi Thông tư Thông tư 20/2011/TT-BCT sắp hết hiệu lực và Bộ Công Thương đang soạn thảo nghị định để thay thế. Tuy nhiên dự thảo nghị định thay thế nói trên vẫn còn rất nhiều dòng ý kiến trái chiều.
Dự thảo này tạo niềm phấn khởi cho các nhà nhập khẩu ô tô không chính hãng, nhưng họ lại phụ thuộc vào những nhà nhập khẩu chính hãng vốn nắm lợi thế từ quy định buộc phải có giấy ủy quyền trong lĩnh vực này.
Cuộc chơi xe nhập khẩu có thực sự cạnh tranh giữa nhà sản xuất và nhà nhập khẩu không chính hãng hay không? Và dự thảo phải quy được trách nhiệm rõ ràng về bảo hành, bảo dưỡng và triệu hồi sản phẩm khi có lỗi. Làm sao đủ sự ràng buộc để đảm bảo quyền lợi của khách hàng. Có lẽ bản thân các doanh nghiệp không e ngại sự cạnh tranh nhưng họ cần chính sách tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng trên thị trường và đảm bảo quyền lợi các bên.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.