Từ phản ánh của bạn đọc, chúng tôi đã ghi nhận trên nhiều tuyến đường mà đơn vị thi công đào đường để lắp đặt các công trình ngầm, công trình cải tạo hệ thống hạ tầng TP HCM.
Đường lồi lõm, gồ ghề
Sáng 25-5, trên đường Hai Bà Trưng (quận 3) xuất hiện một “hố tử thần” ở phần đường mà đơn vị đào đường đêm trước mới tái lập. Theo quan sát, các phui đào mà đơn vị thi công tái lập đều gồ ghề, lồi lõm, gây không ít khó khăn cho các phương tiện qua lại.
Được biết, đường Hai Bà Trưng đang thi công công trình “sửa chữa ống cấp 2” do Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn làm chủ đầu tư và Công ty CP Đại Lộc là đơn vị thi công. Ngày 19-5, Công ty CP Đại Lộc đã bị Đội Thanh tra giao thông số 3 thuộc Thanh tra Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM xử phạt lỗi không hoàn trả mặt bằng như nguyên trạng sau khi thi công.
Tái lập mặt đường ẩu trên Quốc lộ 13, đoạn qua phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức |
Chỉ vào phui đào chằng chịt những vết vá đường, ông Nguyễn Văn Nam (ngụ đường Hai Bà Trưng, phường 8, quận 3) nói: “Xe cộ qua lại vài ngày thì nó lại lõm xuống, đơn vị thi công lại đắp thêm một lớp mới, trông chẳng giống ai”.
Cách đó không xa, đường Phan Đình Phùng (quận Phú Nhuận) cũng bị đào lên để lắp đặt hệ thống thoát nước nhưng đơn vị thi công tái lập ẩu khiến người dân bức xúc. Tại những phui đào, lớp nhựa đường bị lõm xuống thành rãnh gây mất an toàn cho người tham gia giao thông. Tương tự, một số tuyến đường khác như Đào Duy Từ (quận 10), Trần Quang Diệu và Lý Chính Thắng (quận 3)... cũng bị đào lên rồi tái lập nham nhở, không đúng nguyên trạng như quy định.
Nghiêm trọng hơn, một số tuyến đường như Quốc lộ 13 (quận Thủ Đức) sau khi thi công dự án nâng cấp, cải tạo hệ thống thoát nước, đơn vị thi công đổ lớp nhựa bê tông cao hơn mặt đường. Sau gần 1 năm, lớp nhựa này bị sụt xuống tạo thành những vết nứt. Đường Hồng Bàng (quận 6) cũng bị nứt khi đơn vị thi công lập rào chắn đào đường thi công một công trình khác.
Phạt 4 triệu đồng/lần không ăn thua
Theo Thanh tra Sở GTVT, từ đầu năm đến nay, đơn vị này đã xử phạt 137 trường hợp đơn vị thi công không tái lập mặt bằng hoặc hoàn trả mặt bằng không như nguyên trạng. Để tăng tính răn đe đối với các trường hợp tái phạm, Thanh tra Sở GTVT đang nghiên cứu, đề xuất những đơn vị nào vi phạm 3 lần sẽ không cho đấu thầu các công trình tiếp theo trong thời gian 2-3 năm.
Được biết, mức phạt vi phạm hành chính đối với lỗi tái lập mặt bằng không như nguyên trạng là 4 triệu đồng/lần vi phạm. Nếu đơn vị thi công không khắc phục, các khu quản lý giao thông đô thị sẽ phải tái lập và khấu trừ tiền ký quỹ ban đầu của doanh nghiệp.
Phân tích về nguyên nhân, các nhà chuyên môn cho rằng việc tái lập mặt đường không như nguyên trạng là do đơn vị thi công không đủ năng lực; nhà thầu muốn tiết kiệm chi phí nên sử dụng vật liệu kém chất lượng; chủ đầu tư khoán trắng công việc cho đơn vị thi công, không quan tâm chất lượng...
Cũng theo các chuyên gia, để chấm dứt tình trạng này, cần phải xử phạt nặng hơn, phạt như hiện nay không ăn thua vì việc thu lợi từ thi công ẩu cao hơn so với việc nộp phạt. Cần ngưng cấp phép thi công, thay thế nhà thầu khác hoặc không cho phép thi công trên địa bàn TP trong thời gian nhất định nếu tái phạm. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần phối hợp để tổ chức phân luồng giao thông hợp lý nhằm tạo điều kiện về thời gian để thi công và tái lập mặt bằng. Bên cạnh đó, Sở GTVT cũng phải thường xuyên giám sát việc thi công...
“Việc tái lập mặt đường ẩu, không đúng nguyên trạng gây mất mỹ quan đô thị và năng lực vận hành của các tuyến đường. Đối với các công trình đào đường lắp đặt công trình ngầm, khi nghiệm thu phải có sự tham gia của sở hoặc các khu quản lý giao thông đô thị. Nếu chất lượng không đạt thì xử phạt và yêu cầu khắc phục, nếu vẫn tiếp tục vi phạm thì thu hồi giấy phép thi công” - TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, nêu quan điểm.
Hai tuần xử phạt 14 đơn vị thi công Thanh tra Sở GTVT TP cho biết trong 2 tuần qua đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với 14 đơn vị thi công đào đường và tái lập mặt bằng không đúng quy định với tổng số tiền 81 triệu đồng. Các vi phạm trong công tác đào đường mà các đơn vị thường mắc phải: không treo biển thông tin hoặc thông tin không đầy đủ; không bố trí người hướng dẫn, điều tiết giao thông; không thu dọn các biển hiệu, rào chắn, phương tiện khi thi công xong; không thực hiện đúng quy định trong giấy phép thi công; để vật liệu, phương tiện thi công ngoài phạm vi công trình cản trở giao thông; không hoàn trả phần đường theo nguyên trạng sau khi thi công. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.