Sau gần 2 ngày ngược dòng sông Đà khoảng 250 km, chiều muộn ngày 27/2/2004, lần lượt từng chiếc phà chở các xe đặc chủng cùng các thớt tượng trên đó lên đến khu vực cảng Tà Hộc. Hàng chục công nhân hỗ trợ đi trên một chiếc xe riêng của Vietranstimex nhanh chóng tỏa xuống lắp đặt chiếc cầu dẫn nặng 20 tấn thay thế lưỡi phà để những chiếc xe có hệ thống rơ moóc tự hành Cometto chở các thớt tượng nặng nhất có thể từ sà lan bò xuống đường an toàn (Ảnh 1).
Khi chiếc xe thứ hai đang nhích dần từ sà lan lên thì trời đã bắt đầu tối trong khi phía bờ đối diện các xe còn lại vẫn chưa được lệnh nổ máy tiến sang cập bến (Ảnh 2). Đoàn công tác của Bộ GTVT thống nhất tạm ngừng cho các xe còn lại lên bờ để sáng hôm sau mới tiếp tục (Ảnh 3). Trong khi đó, bà Võ Thị Hồng, Giám đốc Công ty Mỹ thuật Trung ương và ông Nguyễn Văn Hạnh thay mặt Công ty Đoàn Kết cũng như anh Nguyễn Đăng Sâm, Tổng Giám đốc Vietranstimex vẫn đề nghị phải tiếp tục cho các sà lan còn lại cập bến và đi tiếp.
Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức đã nhẹ nhàng nói với họ rằng, anh là người chịu trách nhiệm chính trước Chính phủ đối với sự an toàn tuyệt đối và tiến độ đã vạch ra với công việc vận chuyển tượng đài, nên mọi người cần làm theo những gì Đoàn công tác của Bộ đã quyết định.
Đến lúc này, chúng tôi mới biết, còn có đoàn đại biểu thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND và Mặt trận Tổ quốc tỉnh Sơn La do Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thạo dẫn đầu đã đến động viên và tặng quà cho cán bộ công nhân của Công ty Dịch vụ Vận tải II Vietranstimex (Ảnh 4).
Sáng hôm sau, 28/2/2004, khi chiếc xe cuối cùng rời khỏi sà lan lên bờ an toàn, đoàn chúng tôi cùng với vị Thượng tá, Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh Sơn La và nhóm cán bộ, công nhân của Điện lực Sơn La đi trước để kiểm tra lần cuối tình trạng kỹ thuật của các cây cầu và nhất là tình trạng thông thoáng của hai bên đường và chiều cao của đường dây truyền tải điện và thông tin, các băng rôn, biểu ngữ, cổng chào, biển quảng cáo… căng ngang qua đường đã được xử lý đủ cho đoàn xe khủng đi qua chưa?
Đi được khoảng chục cây số, xe chúng tôi dừng lại chờ vì không còn nhìn thấy đoàn xe chở tượng đi sau. Tỉnh lộ 110 từ thị trấn Hát Lót đi qua xã Nà Bó đến cảng Tà Hộc ngày ấy vừa mới khai thông, mặt đường đất cấp phối. Tháng 2 đã là mùa khô của Tây Bắc, mù mịt bụi nên tầm nhìn bị hạn chế. Anh Đức lo ngại các xe chở nặng dễ bị pa-ti-nê (patiner - bánh xe quay tại chỗ, không bám đường) do lớp bụi mịn và đá mạt khá dày (Ảnh 5 và 6).
Quả đúng là như vậy. Đoàn xe bị pa-ti-nê phải dừng lại xử lý khá lâu dù đội ngũ của Vietransimex có đủ kinh nghiệm và các dụng cụ thiết bị hỗ trợ. Mãi đến gần 12 giờ trưa, đoàn xe mới về đến gần thị trấn Hát Lót và dừng nghỉ dù quãng đường từ Tà Hộc đến chỗ đoàn xe dừng chân chỉ khoảng hai chục cây số. Trưa nắng nóng, giữa núi rừng hoang sơ nhưng không hiểu từ đâu mà hàng trăm người dân đã vui mừng phấn khởi kéo đến vây quanh đoàn xe. Nét mặt người nào cũng hớn hở như đang đón chào đoàn quân thắng trận Điện Biên năm nào.
Nhiều người tò mò tìm cách vén các tấm vải đỏ rồi chui đầu vào để xem và tận tay sờ vào các thớt tượng. Rồi họ bàn tán, ồn ào tranh luận với nhau. Người thì trầm trồ bảo chưa bao giờ được trông thấy tượng đài khổng lồ như vậy. Người thì thắc mắc hình như tượng bằng bê tông chứ không phải bằng đồng vì họ nhìn thấy cả cốt thép và cả lớp đá dăm dính vào bê tông… (Ảnh 7, 8, 9, 10).
Qua khỏi thị trấn Hát Lót thì bắt đầu tối. Khi đoàn xe đi qua cầu Trắng bắc qua suối Nậm La, một di tích lịch sử được xếp hạng, các chiến sĩ cảnh sát giao thông và cán bộ thanh tra giao thông tỉnh Sơn La hướng dẫn rất chu đáo. Hơn 8 giờ tối, chúng tôi cùng đoàn xe mới về đến Thị xã Sơn La. Toàn bộ 11 chiếc xe đặc chủng được xếp đỗ ngay ngắn trên QL6, đoạn đi qua Thị xã ngay dưới chân đồi Khau Cả, nơi có di tích lịch sử nhà tù Sơn La nổi tiếng. Mỗi xe đều có một chiến sĩ đứng gác. Nhân dân Thị xã đi đón đoàn xe chở tượng kéo về rất đông dù trời đã tối và dù họ cũng không được đến gần các chiếc xe chở tượng.
Sáng sớm ngày 29/2/2004, chúng tôi lên đường tiếp tục cuộc hành trình. Do thời gian rất ngắn nên nhiệm vụ tăng cường các cầu yếu kể từ khi bắt đầu khảo sát đánh giá cho đến khi đưa ra giải pháp và triển khai thi công tăng cường các cầu yếu… đều giao trực tiếp cho Khu Quản lý Đường bộ II tổ chức thực hiện, nên một số cây cầu cần có sự kiểm tra đánh giá tại chỗ của Đoàn công tác của Bộ để đưa ra quyết định cuối cùng. Các đoạn tuyến tiếp theo của QL6 có nhiều cầu yếu vừa được gia cố như vậy, nên Đoàn công tác của Bộ phải đi trước kiểm tra lần cuối để quyết định cho xe đi qua đơn chiếc hay vẫn theo đoàn, tốc độ di chuyển là bao nhiêu hay có cần bắt buộc phải dừng lại chờ bổ sung tăng cường khẩn cấp hay không theo các kịch bản đã được đặt ra trước đó.
Đoạn tuyến 20 cây số đầu tiên tính từ Thị xã Sơn La chỉ có 3 cây cầu nhỏ vượt nhịp 7 m, 9 m và 13 m đều là cầu vòm đá xây. Cây cầu đầu tiên mà đoàn chúng tôi dừng lại là cầu Nà Hày bắc qua suối Muội nên còn có tên là cầu Suối Muội, được xây dựng năm 1972 với tải trọng thiết kế H10, kết cấu dầm thép vượt nhịp 26 m, hai mố đá xây, bản mặt cầu bê tông cốt thép kê trực tiếp lên dầm thép. Đây là cây cầu mới, được xây dựng tại vị trí của chiếc cầu phao tre đảm bảo giao thông trước đây, nằm ở phía hạ lưu cầu Nà Hày cũ. Cầu cũ bằng bê tông cốt thép đã bị phá hoại bởi 14 trận bom với 350 quả bom các loại. Cầu Nà Hày đã được xếp hạng di tích lịch sử. Năm 1967, bà Nguyễn Thị My, Cung trưởng cung II, Hạt giao thông - người đã góp phần to lớn bảo vệ cung đường và cây cầu này; sau này bà My là người duy nhất và đầu tiên của ngành GTVT tỉnh Sơn La được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
Lúc này là giờ đi học của các cháu học sinh nhưng Cảnh sát Giao thông phải tạm thời khóa đường hai đầu cầu để chuẩn bị cho đoàn xe chở tượng đi qua. Chúng tôi cùng xuống dưới suối kiểm tra. Mố cầu còn tốt, đã bổ sung 2 trụ tạm bằng đà giáo thép đa năng gối lên chồng nề bằng tà vẹt gỗ, chia dầm thép giản đơn thành dầm liên tục 3 nhịp 6 m + 14 m + 6 m. Cả đoàn thống nhất để đoàn xe đi qua bình thường. Công việc chỉ diễn ra chưa đầy mười lăm phút. Các cháu học sinh cùng các thầy cô giáo tỏ ra rất thích thú và reo hò vẫy chào đoàn xe chở tượng đi qua.
Khoảng 10 giờ 30 phút, sáng ngày 29/2/2004, đoàn chúng tôi đến chân đèo Pha Đin. Mọi người tranh thủ trải tấm vải mưa xuống một bãi cỏ, lôi các thứ lỉnh kỉnh mang theo để cùng ăn trưa (Ảnh 11 và 12). Thế nhưng chưa kịp ăn thì có mấy vị sĩ quan quân đội đến xin gặp Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức. Một vị mang quân hàm đại tá tỏ ra rất bức xúc cho biết đã đến gặp một vị lãnh đạo Cục Cảnh sát Giao thông đang làm nhiệm vụ ở đây để yêu cầu cho xe của họ đi qua đèo Pha Đin nhưng bên Cảnh sát Giao thông cho biết là họ cấm đường theo lệnh của Thứ trưởng Bộ GTVT. Vị đại tá cho biết, ông nguyên là Thư ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cần đi gấp lên Mường Phăng, Sở Chỉ huy của Chiến dịch Điện Biên Phủ trước đây, để giải quyết công việc khẩn. Anh Đức giải thích cho ông ta rằng để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các phương tiện tham gia giao thông và cho chính cả đoàn xe chở tượng, nên toàn đoạn tuyến qua đèo hiện đang bị cấm để tạo điều kiện cho đoàn xe chở tượng vượt đèo. Thế nhưng vị đại tá vẫn không chịu, còn lớn tiếng đại ý, ông ấy là đại tá, là sĩ quan cao cấp, ông ấy có quyền được ưu tiên… Tôi đứng cạnh nói xen vào đại ý, anh là đại tá, là sĩ quan cao cấp thì anh lại càng phải nêu gương chấp hành quy định điều khiển và tổ chức giao thông của chúng tôi và kiên nhẫn chờ đợi. Để hạ nhiệt không khí căng thẳng, tôi đùa với ông ta rằng, dù vợ tôi cũng là đại tá, nhưng khi ở nhà thì vẫn là vợ mà. Thế là mọi người phá ra cười và ông ta cũng hết bức xúc. Chiều hôm sau, khi chúng tôi dừng nghỉ ở Mường Ảng, mấy vị sĩ quan quân đội này còn đến làm quen với chúng tôi rất vui vẻ.
(Mời bạn đọc đón đọc tiếp Bài 3: Vượt đèo Pha Đin)
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.