Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật đạt giải thưởng sách Việt Nam 2016 |
Những dấu mốc quan trọng
Ngày 9/6/1960, thay mặt Ủy ban Khoa học nhà nước (UBKHNN) đồng chí Tạ Quang Bửu đã ký Quyết định số 185-KHH/QĐ về việc thành lập Nhà xuất bản Khoa học, (tiền thân của Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật), trực thuộc Ủy ban Khoa học nhà nước. Dù với tên gọi nào thì Nhà xuất bản cũng được giao nhiệm vụ là thực hiện chức năng xuất bản các xuất bản phẩm phục vụ công tác quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) trong việc hoạch định và triển khai các chủ trương, chính sách pháp luật, thúc đẩy nền Khoa học và kỹ thuật (KH&KT) nước nhà.
Quá trình hình thành và phát triển của Nhà xuất bản trong suốt chiều dài sáu thập kỷ đã minh chứng cho tầm nhìn chiến lược của UBKHNN thời điểm năm 1960 - cần có một Nhà xuất bản chuyên ngành định hướng KH&KT sát với nhu cầu bạn đọc, cung cấp tài liệu đáp ứng được các định hướng lớn của Đảng, Nhà nước về phát triển KHKT, gắn liền với sự ra đời và phát triển của UBKHNN (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ).
Khẳng định tầm quan trọng của KH&CN trong sự nghiệp đổi mới đồng nghĩa nhấn mạnh vai trò, vị thế sách KH&KT, với mục tiêu phát triển KH&CN “đưa KH&CN thực sự trở thành động lực then chốt, đáp ứng các yêu cầu cơ bản của một nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Vì thế việc tiếp thu và chuyển giao thành tựu KH&CN thông qua sách KH&KT của các nước tiên tiến là con đường ngắn nhất để Việt Nam xây dựng một hệ thống tư liệu KH&KT phù hợp với điều kiện trước mắt và là yêu cầu cấp thiết có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.
Ra đời ở thời điểm miền Bắc vừa giải phóng mấy năm, trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, vừa xây dựng CNXH ở miền Bắc vừa vừa phải chuẩn bị cho việc giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Trình độ văn hoá của cán bộ và nhân dân còn thấp. Được sự chỉ đạo sát sao Ủy ban Khoa học Nhà nước, ngay từ ngày đầu thành lập, Nhà xuất bản đã nhanh chóng bám sát thực tiễn của đất nước thực hiện nhiệm vụ: xuất bản tài liệu, sách báo, tranh ảnh... phục vụ công tác nghiên cứu và phổ biến khoa học góp phần xây dựng nền khoa học và kỹ thuật nước nhà, đẩy mạnh công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện thống nhất đất nước.
Từ một cơ sở ban đầu thực hiện nhiệm vụ đưa in các tài liệu của UBKHNN đưa tới. Nhà xuất bản đã bắt tay xây dựng phương hướng phát triển với kế hoạch đề tài và đội ngũ cán bộ trong những chặng đường đầu tiên. Định hướng xuất bản theo hai mảng sách: sách tham khảo (chuyên ngành) cho cán bộ KH&KT và sách phổ biến khoa học cho quần chúng rộng rãi với các mảng đề tài khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật, đặc biệt phục vụ sản xuất và chiến đấu, bảo đảm đời sống nhân dân và đóng góp xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Những cuốn sách đầu tiên của Nhà xuất bản là là bộ sách Khoa học và đời sống – 2 tập; Giải đáp khoa học - 2 tập; Đời sống thực vật; Nguồn gốc loài người…Xuất bản phẩm chủ yếu thời kỳ này là sách phổ thông, nâng cao dân trí, phục vụ sản xuất, sức khỏe, kinh tế, chống mê tín dị đoan, các sách về văn, sử, địa, các công trình của các Viện nghiên cứu. Từ những kiến thức cơ sở khoa học ban đầu, những cuốn “Về các cấu trúc Buôcbaki" “Những quy luật của tự nhiên” đến những cuốn sách về lĩnh vực nông nghiệp như “Cơ sở khoa học tăng năng suất lúa chiêm”... Nhà xuất bản đã xuất bản với sự cộng tác của các Nhà khoa học tổ chức dịch và biên soạn để nâng cao trình độ văn hoá của cán bộ và nhân dân thời kỳ đó.
Tháng 8/1965, đế quốc Mỹ bắt đầu cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Sách của Nhà xuất bản đã kịp thời phục vụ sản xuất nông nghiệp, phục vụ phong trào thủy lợi ở nông thôn, hướng dẫn phòng chống vũ khí hóa học của địch, sửa chữa ô tô và đường sá phục vụ chiến đấu như cuốn “Một số kinh nghiệm thi công mặt đường thời chiến”,“Những điều cần biết về chiến tranh hóa học”, “Phòng và chống chiến tranh vi trùng”... có giá trị rất lớn trong hoàn cảnh chiến tranh, là hành trang của các nhà khoa học, các kỹ sư, các cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ trên khắp các nẻo đường Tổ quốc.
Ngay từ thời kỳ đầu tiên đó, Nhà xuất bản đã thiết lập quan hệ hợp tác quốc tế với Nhà xuất bản Tiếng Nga (Liên Xô) và năm 1973, cuốn Từ điển kỹ thuật Nga - Việt ấn phẩm hợp tác với Liên Xô đã được xuất bản.
Đặc biệt, trong hoàn cảnh đế quốc Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc, làm việc trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt, những cuốn sách tổng hợp những công trình khoa học Việt Nam có giá trị, sách về chiến lược phát triển khoa học của các nước, sách về cách mạng kỹ thuật và công nghệ của thế giới được ra đời phục vụ công tác lãnh đạo và quản lý khoa học và kỹ thuật như “Đổi mới chính sách và chiến lược” của Lê Trọng Hiến và Nguyễn Ngọc dịch, “Tiêu chuẩn hóa và cách mạng khoa học kỹ thuật” của Hoàng Mạnh Tuấn, bộ sách 5 tập “Những vấn đề cốt yếu của quản lý” của H. Koonatz, C.O’Donnel, H.Weithrich... Cũng trong khoảng thời gian này bộ sách về dược liệu “Những cây cỏ thường thấy ở Việt Nam bộ 6 tập” của GS. Võ Văn Chi …“Những cây thuốc và vị thuốc ở Việt Nam” của GS.TS Đỗ Tất Lợi gồm 6 tập, được bổ sung, sữa chữa và tái bản đến nay là 19 lần, với tổng số trên 100 nghìn bản in - một kỷ lục, khó có một cuốn cách khoa học chuyên ngành nào vượt qua. Những cây thuốc, bài thuốc ấy là những cây cỏ, trái cây có ở quanh ta, áp dụng hướng dẫn trong sách để dự phòng hoặc chữa trị bệnh trong điều kiện y dụng cụ thuốc men thiếu thốn, nguồn cung cấp hạn chế của thời chiến.
Những khó khăn, điều kiện vật chất thiếu thốn, lạc hậu không ngăn cản những con người khát vọng, tiên phong trong việc xây dựng những nền tảng ban đầu về hệ thống tài liệu khoa học và kỹ thuật, đưa nhanh các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, đời sống và quốc phòng, mau chóng xây dựng một nền khoa học và kỹ thuật tiên tiến, tự mình giải quyết được những vấn đề của đất nước. Kết quả ấy đã chứng minh tầm quan trọng của sách KH&KT cũng như sự đóng góp đáng kể của Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật trong lịch sử góp phần vào thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Sau Đại thắng mùa xuân năm 1975, thống nhất đất nước. Trước yêu cầu to lớn và cấp bách về phát triển KH&CN trong giai đoạn mới trước đây chỉ giới hạn trong phạm vi miền Bắc Việt Nam. Sách KH&KT lại tiếp tục phục vụ nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế, xây dựng nền khoa học Việt Nam thống nhất. Cuốn "Thiên nhiên Việt Nam" ra đời trong điều kiện GS. Lê Bá Thảo chưa đi khảo sát được khắp nước sau ngày thống nhất đã sử dụng rất nhiều tư liệu từ các tác giả Pháp, nhất là nhà địa lý P. Gourou và được dư luận đánh giá cao. Sách in ra kịp thời biếu tặng các đại biểu quốc hội lần đầu tiên họp sau khi Việt Nam thống nhất hai miền Nam – Bắc.
Năm 2013 Nhà xuất bản hợp tác với Nhà xuất bản giao thông Tây Nam Trung Quốc và Trường Đại học Xây dưng Hà Nội xuất bản cuốn sách “Fundamen of Environmental Science anh Engineering”. Cũng trong thời gian này Nhà xuất bản đã làm việc trao đổi mua bản quyền sách của Nhà xuất bản Wiley Là NXB chuyên về các ấn phẩm khoa học, kỹ thuật và công nghệ và O'Reilly là một công ty của Hoa Kỳ trong lĩnh vực xuất bản các sách kỹ thuật về máy tính, lập trình và internet để xuất bản những cuốn sách phục vụ nhu cầu tìm hiểu kiến thức về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ở Việt Nam. Tuy kết quả còn rất khiêm tốn, nguồn lực vật lực hạn chế, nhưng hy vọng sẽ là cơ sở ban đầu đặt nền móng cho sự hợp tác của Nhà xuất bản trong tương lai.
Nhiều kết quả ấn tượng
Những năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, Nhà xuất bản đã xuất bản các ấn phẩm thông tin chọn lọc, các tổng luận phân tích chuyên đề và các chuyên khảo với tổng số hàng trăm đầu sách, phát hành hàng vạn bản in, hướng vào những vấn đề ưu tiên của phát triển kinh tế - xã hội, KH&CN “Tóm tắt tài liệu khoa học - kỹ thuật Việt Nam”; “Thông tin chiến lược khoa học, kỹ thuật, kinh tế”; “Tổng luận khoa học, kỹ thuật, kinh tế”; “Thông tin chuyển giao công nghệ” Vietnamese Scientific and Technical Abstracts... “45 năm khoa học - kỹ thuật Việt Nam”
Nhiều cuốn sách của Nhà xuất bản được in với số lượng hàng vạn bản, tái bản, nối bản nhiều lần; nhiều cuốn sách tham gia triển lãm sách quốc tế. Trong bối cảnh đất nước mới thống nhất, nền kinh tế còn mất cân đối, chưa ổn định, đời sống còn nhiều khó khăn, cơ chế quản lý kinh tế còn mang nặng tính chất hành chính bao cấp, song hoạt động của Nhà xuất bản đã từng bước ổn định, nhiều đổi mới, đạt những kết quả đáng khích lệ. Với những thành tích, kết quả đạt được và đóng góp trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Năm 1980 Nhà xuất bản KH&KT vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.
Cho đến nay, Nhà xuất bản đã trải qua các thời kỳ lịch sử, nhiều lần chuyển đổi mô hình hoạt động, nhưng ở mô hình nào Nhà xuất bản cũng đổi mới phương thức hoạt động chuyển đổi cơ chế, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đồng thời cải thiện đời sống cán bộ, nhân viên Nhà xuất bản. Sau 60 năm thành lập, sau 34 năm Đổi mới, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật đã cho ra mắt bạn đọc trên 20.000 đầu sách với hàng tỷ bản in tăng vượt trội so với thời điểm năm 1960 là 26 đầu sách và hàng nghìn trang in.
Trong suốt 60 năm qua, nhà Xuất bản đã xuất bản trên 40 mảng đề tài sách bao phủ các ngành khoa học, Xuất bản trên 200 tên Từ điển các loại, phủ khắp hầu hết các ngành khoa học tự nhiên và khoa học cơ bản, một số ngành khoa học kỹ thuật quan trọng; Đạt hơn 100 giải thưởng trong nước và quốc tế, Giải thưởng sách Việt Nam và một số giải thưởng của các hội, ngành, lĩnh vực KHCN sách khoa học – công nghệ và quản lý.
Hội nghị về công tác xuất bản được NXB tổ chức hằng năm |
Từ năm 2010 Nhà xuất bản tham gia Chương trình hỗ trợ tài liệu và sách đến 28 Trường đại học và Viện nghiên cứu mới thành lập hoặc ở những địa bàn khó khăn. Từ năm 2018 Nhà Xuất bản đã xây dựng mạng lưới Kết nối các tổ chức có nhu cầu xây dựng và phát triển Không gian đọc Đổi mới và sáng tạo. Cho ra đời của Không gian đọc đổi mới và sáng tạo (IRS): giới thiệu các cuốn sách hay, kinh điển và quan trọng về đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh đó, Nhà xuất bản đã tổ chức biên tập, xuất bản và phát hành “Sách vàng Sáng tạo Việt Nam” từ năm 2016 đến năm 2020. 75 công trình sáng tạo của tác giả, nhóm tác giả được tuyển chọn tuyên truyền, vận động, khơi dậy niềm tự hào về trí tuệ Việt Nam, phát huy năng lực sáng tạo của dân tộc để góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước. Tổ chức biên tập, xuất bản “Sách Trắng Khoa học và Công nghệ Việt Nam” từ năm 2014. Cung cấp nhiều thông tin mới về đường lối, chủ trương, chính sách của Nhà nước về KH&CN, những cải cách về chính sách phát triển KH&CN, tiềm lực, thành tựu KH&CN giúp các nhà quản lý, hoạch định chính sách có những quyết sách hợp lý để thúc đẩy KH& CN Việt Nam phát triển.
Trong suốt sáu thập kỷ qua, tùy theo từng thời kỳ lịch sử với nhiệm vụ của mình, các thế hệ cán bộ Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật đã xuất bản những bộ sách, mảng sách, đề tài hữu ích, phục vụ sự phát triển KH&CN. Là kết quả lao động gian khổ của nhiều thế hệ đội ngũ tác giả, cộng tác viên, biên tập viên, cán bộ NXB qua các thời kỳ phục vụ sự phát triển KH&CN. Góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước thực hiện nhiệm vụ quản lý và phát triển KH&CN của Bộ KH&CN; từng bước trang bị và nâng cao tri thức KH&CN trong và ngoài nước cho các đối tượng học sinh, sinh viên, các nhà khoa học, các cán bộ doanh nghiệp, các nhà hoạch định chính sách thuộc các lứa tuổi, vùng miền; đóng góp tích cực cho việc nhận thức, hiểu biết, ứng dụng KH&CN, giúp nâng cao năng suất lao động của doanh nghiệp, địa phương, quốc gia. Quá trình đó đã diễn ra không biết mệt mỏi, trải qua nhiều năm tháng với những nỗ lực không ngừng của nhà xuất bản với mạng lưới liên kết đội ngũ tác giả, cộng tác viên và các độc giả…
Các ấn phẩm của Nhà xuất bản khoa học và kỹ thuật |
Định hướng phát triển
Ngày nay, trong bối cảnh toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế sâu rộng và tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội. Xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới và khu vực, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đã trở thành một triết lý tiến bộ về tư duy và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhu cầu đọc, hiểu và thực hành về nó trở nên thôi thúc hơn bao giờ hết trong thời điểm này, Nhà xuất bản khoa học và kỹ thuật chủ động nắm lấy cơ hội đổi mới và tìm kiếm những bước chuyển mình có ý nghĩa.
Đổi mới sáng tạo công nghệ là thông qua việc tạo ra, truyền bá và sử dụng tri thức, biến tri thức thành gía trị. Trong dòng chảy đó, xuất bản sách KH&CN là một trong những công cụ chính cho việc truyền bá, phổ biến kiến thức, đáp ứng nhu cầu giải quyết những vấn đề mới, trước những thách thức của xã hội hiện đại.
Sách luôn mang lại những nấc thang mới cho sự phát triển. Bởi một cuốn sách, có thể làm thay đổi số phận của một con người, có thể làm thay đổi định hướng của một doanh nghiệp, có thể làm thay đổi vận mệnh của cả một dân tộc… vì vậy Nhà xuất bản cần xây dựng các chương trình, dự án sách đúng mức và đầu tư đúng hướng, vì sách, vừa là một công cụ vừa là một nguồn lực trọng tâm để đạt được khát vọng phát triển.
Ngành công nghiệp xuất bản đang trải qua giai đoạn thay đổi quan trọng. Những xuất bản phẩm mới này cần được xem xét trong bối cảnh kỹ thuật số phát triển nhanh chóng bằng nội dung hấp dẫn và riêng biệt hơn trên các nền tảng khác nhau để bắt kịp, đáp ứng yêu cầu đổi mới của đất nước và của ngành.
Hiện nay, Việt Nam đang xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2045 với khát vọng đưa đất nước phát triển thịnh vượng. Hơn bao giờ hết, cần phải tiếp tục đổi mới tư duy cũng như hành động một cách quyết liệt nhằm phát huy mạnh mẽ nguồn vốn trí tuệ và sức sáng tạo của con người. Những ấn phẩm mới của Nhà xuất bản phải mang hơi thở mới của Chiến lược phát triển KH&CN, có thương hiệu trong chiến lược đổi mới; tác động tốt và có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần nâng cao nhận thức về vai trò và ý nghĩa của đổi mới sáng tạo trong quá trình đổi mới công nghệ Quốc gia;
Với yêu cầu đó, nhiệm vụ đặt ra đối với Nhà xuất bản và đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ xuất bản, đội ngũ biên tập viên là rất vẻ vang nhưng cũng rất nặng nề. Trong thời gian tới, Nhà xuất bản cần thực hiện các giải pháp khơi dậy sự đam mê nghề nghiệp, tình yêu sách, sức sáng tạo, hành động mạnh mẽ, để thúc đẩy phát triển KH&CN nước nhà, trong đó tập trung vào một số nội dung sau:
Thứ nhất, với vai trò bà đỡ “Nhà xuất bản có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị trong hợp tác xuất bản sách để xây dựng chương trình, dự án, tủ sách” cho ra đời những cuốn sách, bộ sách hay, có giá trị định hướng thị trường, hướng tới nền văn hóa đọc và nghiên cứu khoa học tốt, tạo ra nền tảng tri thức mạnh. Chú trọng phát triển mảng đề tài có tính ứng dụng cao. Những đề tài góp phần nâng cao năng suất, chất lượng lao động, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, hiệu quả sản xuất kinh doanh của nền kinh tế. Xây dựng những tủ sách phổ biến khoa học kỹ thuật, đưa tiến bộ khoa học và kỹ thuật cho bà con nông dân, đưa tiến bộ khoa học và kỹ thuật tới vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Đưa ra các giải pháp hiệu quả để tăng cường liên kết xuất bản phục vụ doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, trường đại học. Đề xuất cơ chế Nhà nước đặt hàng những xuất bản các công trình nghiên cứu khoa học, công nghệ có tính ứng dụng cao trọng điểm, công nghệ mũi nhọn, tuyên truyền phổ biến khoa học công nghệ cho đại chúng và nông dân. Thu hút các nguồn lực xã hội, nhất là nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp để thực hiện các nhiệm vụ này.
Thứ hai, với vai trò truyền bá kiến thức KH&CN, Nhà xuất bản phối hợp với Trung tâm nghiên cứu và phát triển truyền thông KH&CN, Cục Thông tin KH&CN Quốc gia cũng như các hệ thống các Trung tâm thông tin KH&CN và các đơn vị báo chí trong Bộ… xây dựng chương trình truyền thông, truyền bá, phổ biến tri thức KH&CN tuyên truyền cơ chế, chính sách, pháp luật về KH&CN. Tạo hiệu ứng mạnh mẽ về truyền thông, góp phần thay đổi quan điểm về hình ảnh, vai trò của khoa học đối với sự phát triển của đất nước.
Thứ ba, với chức năng xuất bản các xuất bản phẩm phục vụ công tác quản lý của Bộ, Nhà xuất bản cần xây dựng cơ chế phối hợp giữa Nhà xuất bản với các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ trong công tác xuất bản. Trên cơ sở hợp tác vì nhiệm vụ chung, giải quyết lợi ích giữa ba bên Nhà xuất bản, đơn vị hợp tác và Bộ chủ quản trong việc tổ chức, quản lý và kiểm soát lĩnh vực xuất bản một cách có hệ thống thực hiện đúng các quy định của Đảng và pháp luật về xuất bản.
Thứ tư, đổi mới, nâng cấp và từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất – kỹ thuật và công nghệ xuất bản, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và công nghệ để cải tiến Nhà xuất bản và tạo lợi thế cạnh tranh quốc tế, áp dụng công nghệ thông tin để hiện đại hóa quy trình biên tập và thực hiện quản lý xuất bản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt là xây dựng nhiệm vụ công nghệ xuất bản điện tử (dự báo sẽ đóng vai trò then chốt trong tương lai) sẽ đem lại sự thay đổi hữu hiệu cho Nhà xuất bản.
Thứ năm, đổi mới về cơ chế sử dụng và trọng dụng cán bộ xuất bản, biên tập viên, trong đó quan tâm đến 3 đối tượng chính là: Những cán bộ tổ chức đề tài, dự án, các biên tập viên được giao chủ trì các nhiệm vụ quan trọng và các biên tập viên trẻ. Đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế về xuất bản sách khoa học, hợp tác xuất bản chung với đối tác chiến lược, các nước tiên tiến; tăng cường phát triển mạng lưới cộng tác viên tại các địa bàn trọng điểm có công nghệ nguồn, công nghệ cao… Phát triển mạng lưới kết nối cộng đồng các Nhà khoa học,....
Xã hội loài người phát triển được một phần lớn là nhờ con người có khả năng học tập lẫn nhau cộng hưởng các sức mạnh cá nhân tạo nên sức mạnh to lớn của cộng đồng. Sách báo sẽ là một nguồn tài nguyên vô giá giúp cho con người học tập và không ngừng vươn lên để tự hoàn thiện mình. Trên hành ấy, Nhà xuất bản luôn nhận được những đóng góp miệt mài, sáng tạo không mệt mỏi của các thế hệ nhà khoa học, đội ngũ cán bộ Nhà xuất bản, đội ngũ tác giả, cộng tác viên đối với công tác Xuất bản bản sách khoa học kỹ thuật phục vụ sự nghiệp phát triển KH&CN.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.