Tuổi trẻ ngành GTVT hạt nhân nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ

Tác giả: Hạ Liên

saosaosaosaosao
Khoa học - Công nghệ 26/03/2020 06:03

Trên cả 5 lĩnh vực, ngành GTVT đã có nhiều ứng dụng khoa học công nghệ từ vật liệu mới, công nghệ thi công mới, giao thông thông minh, đem lại hiệu quả thiết thực. Những thành tựu ấy có sự đóng góp không nhỏ của các đoàn viên thanh niên, nhà khoa học trẻ ngành GTVT.

anh bai tuoi tre cua DUong

Kỹ sư trẻ Nguyễn Anh Tuấn (bên trái) kiểm tra hiện trường ứng dụng Đề tài Nghiên cứu chế tạo hệ thống giám sát tự động và điều khiển tập trung cho thiết bị tín hiệu đường ngang

Tiếp nối truyền thống hào hùng

Trong hai cuộc kháng chiến chống đế quốc Pháp, đế quốc Mỹ, hàng chục vạn đoàn viên, thanh niên ngành GTVT đã liên tục thi đua lao động, sản xuất, cùng với quân đội, nhân dân đảm bảo giao thông thông suốt, tổ chức vận tải, phục vụ chiến đấu và tham gia chiến đấu, chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam với tinh thần: “Sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm”; “Mở đường mà tiến, đánh địch mà đi” với quyết tâm xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, góp phần quan trọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau ngày đất nước thống nhất, bước vào thời kỳ đổi mới, tuổi trẻ ngành GTVT đã không ngừng lao động, sáng tạo, góp phần làm thay đổi nhanh chóng hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT với kỹ thuật và công nghệ tiên tiến được áp dụng. Tiêu biểu là QL1 từ Bắc vào Nam được nâng cấp hoàn chỉnh, các trục đường cao tốc được hình thành, đường Hồ Chí Minh ngày càng được nối dài, các cầu Bãi Cháy, Mỹ Thuận, Rạch Miễu, Cần Thơ, Pá Uôn, hầm đường bộ đèo Hải Vân, nhà ga sân bay quốc tế... được hoàn thành với công nghệ tiên tiến và khai thác hiệu quả.

Không dừng lại ở đó, trong nhiều năm qua, với sức trẻ năng động, nhiệt huyết, thanh niên ngành GTVT luôn nỗ lực cùng với tập thể cán bộ, nhà khoa học nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, vật liệu mới..., đóng góp vào các hoạt động khoa học và công nghệ của Ngành. Nhiều đề tài và tiêu chuẩn có ý nghĩa khoa học, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng các công trình GTVT. Những kết quả nghiên cứu đã được đưa vào ứng dụng phục vụ sản xuất của Ngành. Những vật liệu mới, công nghệ mới được ứng dụng trong xây dựng, quản lý bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT theo các lĩnh vực đường bộ, đường sắt và đường sắt đô thị, hàng không (sân bay), hàng hải, đường thủy nội địa như: Ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý chất lượng xây dựng, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2013 - 2020; nghiên cứu ứng dụng phương pháp thiết kế hỗn hợp bê tông nhựa Superpave phù hợp với điều kiện Việt Nam; nghiên cứu ứng dụng mô hình thí nghiệm uốn mẫu dầm bán nguyệt SCB (Semi-Circular Bending) để xác định đặc trưng chống nứt, kháng mỏi của bê tông nhựa chặt ở Việt Nam và đề xuất các giải pháp cải thiện; nghiên cứu ứng dụng công nghệ chụp ảnh viễn thám sử dụng thiết bị bay không người lái (UAV) trong khảo sát sụt trượt các tuyến giao thông ở Việt Nam… Từ năm 2014 đến nay, trên cơ sở dự án hợp tác giữa Viện và Nhật Bản, các nghiên cứu viên trẻ đã tham gia xây dựng và góp phần ban hành bộ tiêu chuẩn kỹ thuật cảng biển và hạ tầng bến cảng Việt Nam…

Tuổi trẻ ngành GTVT đã tích cực tham gia triển khai các hoạt động khoa học công nghệ xuất phát từ thực tế sản xuất của Ngành để kịp thời góp phần khắc phục những khó khăn về kỹ thuật trong xây dựng, sửa chữa và bảo trì các cơ sở hạ tầng giao thông.

Sáng tạo, dám nghĩ, dám làm

Là một trong những thanh niên tiêu biểu, có nhiều công trình nghiên cứu ứng dụng phục vụ sản xuất của ngành GTVT về vật liệu mới, công nghệ mới, ThS. NCS. Lưu Ngọc Lâm - Phó Giám đốc Phòng Thí nghiệm trọng điểm Đường bộ I (Viện Khoa học và Công nghệ GTVT) chia sẻ, các bạn thanh niên tuổi đời còn trẻ khi làm công tác nghiên cứu khoa học ai cũng sẽ gặp khó khăn. Khó khăn từ việc phát hiện, đề xuất vấn đề cần nghiên cứu cho đến viết đề xuất đề tài nghiên cứu làm sao cho hay, cho trúng.

“Thực tế, thanh niên làm công tác nghiên cứu khoa học thường bị sự cạnh tranh rất lớn từ những chuyên gia có kinh nghiệm lâu năm nên những đề xuất của người trẻ thường ít được lựa chọn. Bởi lẽ, nghiên cứu khoa học là một công việc cần có kinh nghiệm, từ việc phát hiện, đề xuất vấn đề cần nghiên cứu đến việc tổ chức triển khai công tác nghiên cứu đảm bảo chất lượng và tiến độ”, anh Lâm cho biết.

Mặc dù có nhiều khó khăn nhưng theo anh Lâm, với niềm đam mê và nhiệt huyết tuổi trẻ thì không có gì là không thể. Để có kinh nghiệm làm công tác nghiên cứu, ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường đại học, anh và đồng nghiệp luôn phấn đấu rèn luyện, tham gia công tác nghiên cứu khoa học để tích lũy kinh nghiệm, ban đầu tham gia chủ trì các đề mục trong đề tài nghiên cứu, rồi dần dần làm chủ nhiệm đề tài cấp Cơ sở, cấp Bộ. Trong thời gian đó, anh đã từng phải làm đi làm lại rất nhiều lần vì đề tài còn thiếu sót, chưa đạt yêu cầu. Với sự kiên trì, ý chí vươn lên, những đề tài mà anh Lâm thực hiện luôn đạt được muc tiêu đề ra.

“Điều khiến tôi tâm đắc nhất trong công tác nghiên cứu khoa học là sản phẩm nghiên cứu của mình được đưa vào ứng dụng rộng rãi trong ngành GTVT và góp phần kiểm soát, nâng cao chất lượng công trình, từ đó đóng góp cho sự phát triển chung của Ngành. Tôi quan niệm bản thân luôn phải học tập, rèn luyện, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học để đáp ứng yêu cầu theo chiến lược phát triển khoa học công nghệ GTVT”, nhà nghiên cứu khoa học trẻ Lưu Ngọc Lâm tâm sự.

Cũng như anh Lâm, chàng kỹ sư trẻ Nguyễn Anh Tuấn của Viện Chuyên ngành Cơ khí tự động hóa đo lường, Viện Khoa học và Công nghệ GTVT là “cha đẻ” của nhiều công trình, đề tài khoa học nghiên cứu về hệ thống giao thông thông minh ITS, ứng dụng thông tin số hóa, nghiên cứu thiết kế hệ thống tự động thu nhận và xử lý dữ liệu cho biển báo điện tử VMS. Anh luôn tự hào khi những công trình nghiên cứu của mình được đưa vào ứng dụng thực tế, đáp ứng yêu cầu của ngành GTVT.

“Nghiên cứu khoa học là công việc mà ở đó bản thân tôi có cơ hội vận dụng, phát huy những kiến thức đã được học tại trường, được học từ những người đi trước. Tiếp cận những thành tựu khoa học công nghệ, tôi đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm cả về chuyên môn và cách thức tổ chức sao cho khoa học nhất, hiệu quả nhất, thiết thực nhất”, anh Tuấn chia sẻ.

Có thể thấy, trong suốt chặng đường 75 năm của ngành GTVT, mỗi bước tiến của Ngành đều có sự đóng góp tích cực của lực lượng đoàn viên, thanh niên. Tự hào về quá khứ hào hùng, chúng ta luôn khắc sâu trong lòng và biết ơn những tấm gương anh dũng chiến đấu, lao động, sản xuất, hy sinh của những đồng chí đoàn viên, thanh niên ngành GTVT qua các thời kỳ. Truyền thống và lòng tự hào đó sẽ tiếp tục là động lực, là điểm tựa vững chắc để tuổi trẻ ngành GTVT thực hiện tốt hơn những nhiệm vụ, yêu cầu đặt ra, đặc biệt là cải thiện năng suất, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại, phục vụ Ngành trong xu thế của cách mạng công nghiệp 4.0.

Trong nhiều năm qua, Đoàn Thanh niên Bộ GTVT luôn nỗ lực cùng với các đơn vị trong Ngành xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ năng động, nhiệt huyết, có kiến thức về khoa học công nghệ để phục vụ ngày càng tốt hơn các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn, góp phần xây dựng ngành GTVT ngày càng phát triển bền vững. Thực hiện phong trào "Tuổi trẻ sáng tạo", Đoàn Thanh niên Viện Khoa học và Công nghệ GTVT là một trong những cơ sở đoàn mũi nhọn trong công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, được Đoàn Thanh niên Bộ GTVT lựa chọn là một trong những cơ sở đoàn hạt nhân để tổ chức thực hiện phong trào nói trên..

Anh Nguyễn Kim Thành

Ủy viên Ban Thường vụ Đoàn Bộ GTVT,

Bí thư Đoàn Viện Khoa học và Công nghệ GTVT

Ý kiến của bạn

Bình luận