Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn thông xe với điều kỳ tích

Tác giả: Vũ Thành Vũ

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 30/09/2019 07:50

Sau 2 năm “hồi sinh” dự án đình trệ “không lối thoát”, cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn đã được thông xe, tạo nên niềm vui lớn của miền Đông Bắc.

DSC_9872
Đường cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn đã bắt đầu thông xe kỹ thuật vào ngày 29/9.

Nền tảng vững chắc cho phát triển

Với hàng loạt kỷ lục được xác lập khẳng định năng lực triển khai xây dựng giao thông “made in Vietnam”, đường cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn đã bắt đầu thông xe kỹ thuật vào ngày 29/9. Tuyến cao tốc đã “cán đích” trước 3 tháng so với tiến độ đề ra, và đến đầu năm 2020 sẽ bắt đầu thu phí khi vận hành chính thức.

Tuyến cao tốc được hoàn thành giúp “thông mạch” giao thông cao tốc từ Hà Nội đi tỉnh biên giới Lạng Sơn, kết nối hành lang kinh tế đường bộ quan trọng lớn nhất giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trong đó, thời gian di chuyển rút ngắn còn khoảng 2 giờ so với 3,5 giờ trước đây.

Biểu dương những nỗ lực tạo nên “kỳ tích” trong triển khai xây dựng cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhìn nhận, tỉnh Bắc Giang, tỉnh Lạng Sơn, Bộ GTVT cùng Chủ đầu tư và các cơ quan, đơn vị đã có công lớn khi dẹp bỏ được sự đình trệ, giải quyết được hết những khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua của dự án, từ đó hoàn thành “mạch máu giao thông” trọng yếu này trong thời gian kỷ lục.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, tuyến cao tốc này không chỉ giảm áp lực ùn tắc trên QL1, rút ngắn thời gian di chuyển, mà còn có vai trò đảm bảo an ninh quốc phòng, tạo nên nền tảng vững chắc thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế khi lưu thông hàng hóa thuận lợi hơn đáng kể, cũng như là “cú hích” cho phát triển du lịch, dịch vụ,...

DSC_9808
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng biểu dương những nỗ lực tạo nên “kỳ tích” trong triển khai xây dựng cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn tại Lễ Thông xe.

Để tiếp nối “kỳ tích” đã đạt được, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Chủ đầu tư nhanh chóng hoàn thiện các hạng mục còn lại của Dự án, đảm bảo tiến độ, chất lượng để vận hành khai thác chính thức. Chính quyền địa phương Bắc Giang và Lạng Sơn tiếp tục triển khai nhiệm vụ đảm bảo khai thác hiệu quả Dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn.

Hiện nay, đoạn tuyến Bắc Giang – Chi Lăng còn cách TP Lạng Sơn khoảng 30km và là nút thắt gao thông cần sớm được tháo gỡ trong thời gian tới. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ GTVT cần phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thúc đẩy quá trình triển khai Dự án tuyến cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị và triển khai Dự án cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) trong giai đoạn 2021 – 2025.

IMG_20190929_132002Bình đồ tổng thể tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn - Cao Bằng.

DSC00375Tiếng trống rộn rã chào mừng tuyến cao tốc Hà Nộ - Bắc Giang - Lạng Sơn đã chính thức thông suốt.

DSC00383Bộ trưởng Bộ GTVT cùng các đại biểu tại Lễ Thông xe cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.

DSC00427Các đại biểu cắt băng khánh thành tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn (đoạn tuyến Bắc Giang - Chi Lăng).

DSC00446Các đại biểu hòa chung niềm vui lớn miền Đông Băng trong Lễ Thông xe tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.

DSC00455Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trao đổi thông tin tại Lễ Thông xe tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn .

DSC00469Tuyến cao tốc đã “cán đích” trước 3 tháng so với tiến độ đề ra, và đến đầu năm 2020 sẽ bắt đầu thu phí khi vận hành chính thức.

DSC_9766Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn được xây dựng mới hoàn toàn dài gần 64km, mặt đường rộng 25m gồm 4 làn xe với vận tốc thiết kế 100 km/giờ cùng 2 làn dừng khẩn cấp. Tổng mức đầu tư toàn Dự án là hơn 12 nghìn tỉ đồng. Điểm đầu của dự án nằm tại Km 45+100 (giao cắt với QL1 tại xã Mai Sao, Chi Lăng, Lạng Sơn). Điểm cuối tại Km 108+500, nối với điểm cuối QL1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang.

DSC_9693Tuyến cao tốc sẽ bắt đầu thu phí từ đầu năm 2020 đến 2037. Dự kiến, mức phí thấp nhất là 2.000 đồng/km với xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống và cao nhất là 7.200 đồng/km với các xe tải trọng lớn.

Kỳ tích hồi sinh

Chia sẻ về quá trình “hồi sinh” dự án được cho là đã “chết yểu”, ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả, dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn được khởi công từ năm 2015, tuy nhiên do các nhà đầu tư của giai đoạn đó yếu kém về nguồn lực và năng lực quản trị nên đã bị chậm tiến độ gần 2 năm. Đến tháng 6/2017, hợp phần QL1 mới chỉ đạt 13% sản lượng và không triển khai được hợp phần đường cao tốc.

Thậm chí, người đứng đầu Nhà đầu tư lúc đó là ông Nguyễn Văn Dương (thuộc Công ty UDIC) đã bị khởi tố hình sự trong vụ án đánh bạc bằng công nghệ cao. Dự án rơi vào đình trệ hoàn toàn, nhiều nhà thầu đứng bên bờ vực “vỡ nợ” vì đã ứng hàng trăm tỉ đồng để thực hiện Dự án. Số nợ ngày càng lớn, vượt qua sự kiểm soát, đã có Nhà thầu nghĩ đến việc tìm tới cái chết vì không tìm thấy lối thoát.

Ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần
Ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả chia sẻ quá trình thực hiện dự án tại Lễ thông xe cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.

Trong bối cảnh tưởng như tuyệt vọng ấy, tháng 6/2017, trên cơ sở báo cáo Bộ GTVT, Nhà đầu tư mới thuộc Tập đoàn Đèo Cả được mời tham gia đề xuất giải pháp thực hiện, tháo gỡ các vướng mắc dự án như chỉnh tuyến, bố trí các tuyến công vụ, xử lý tài chính tín dụng, loại bỏ các Nhà thầu yếu kém, giải ngân cho một loạt Nhà thầu khiến họ như “chết đi sống lại”.

Trong 2 năm triển khai, Dự án bị “bủa vây” bởi nhiều rắc rối, hệ lụy từ Nhà đầu tư cũ để lại, nhất là trong giai đoạn nước rút, các Nhà thầu có năng lực yếu kém đã bỏ dở không kết thúc được phần việc đã ký hợp đồng. Với kinh nghiệm có được từ những Dự án trọng điểm quốc gia trước đây, Nhà Đầu tư mới đã chỉ đạo các Nhà thầu mạnh tiếp cứu, nhờ đó Dự án đã hoàn thành và tạo nên niềm tin cho người dân.

Trước đây hơn 1 năm, từ tháng 3/2018, hợp phần Quốc lộ 1 đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng giúp nâng cao năng lực vận tải, giảm thiểu TNGT, đảm bảo ATGT trên tuyến QL1 đoạn qua địa bàn 2 tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn. Nhưng đến hợp phần cao tốc thì không thể triển khai được.

Điều đáng nói, cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn không chỉ “cán đích” trước 3 tháng mà còn bù đắp lại tiến độ bị chậm từ hơn 2 năm trước. Trong khi đó, Dự án này có những gói thầu với độ khó rất cao như đi qua địa hình miền núi, giải pháp ổn định mái taluy,…

Nguyên Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng còn cho rằng, Dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn đã phá bỏ được sự trì trệ cố hữu của các Dự án cao tốc tại Việt Nam trước đây khi không có Dự án nào có thể hoàn thành trước 5 năm.

Bên cạnh kỳ tích về năng lực và thời gian thi công, dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn còn xác lập kỷ lục trong việc GPMB của các dự án cao tốc khi bàn giao mặt bằng đến 80% chỉ trong 6 tháng.

Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn được xây dựng mới hoàn toàn dài gần 64km, mặt đường rộng 25m gồm 4 làn xe với vận tốc thiết kế 100 km/giờ cùng 2 làn dừng khẩn cấp. Tổng mức đầu tư toàn Dự án là hơn 12 nghìn tỉ đồng. Điểm đầu của dự án nằm tại Km 45+100 (giao cắt với QL1 tại xã Mai Sao, Chi Lăng, Lạng Sơn). Điểm cuối tại Km 108+500, nối với điểm cuối QL1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang.

Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn được Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư tại văn bản số 2167/TTg-KTN ngày 30/10/2014 và Bộ GTVT phê duyệt đầu tư tại Quyết định 1249/QĐ-BGTVT ngày 9/4/2015 do Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn thực hiện, bao gồm 2 hợp phần: Hợp phần QL1 (tăng cường mặt đường QL1 đoạn Km1+800 - Km106+500) với tổng chiều dài khoảng 110 km; Hợp phần cao tốc (tuyến cao tốc Bắc Giang - TP Lạng Sơn đoạn Km45+100 - Km108+500).

Từ nay đến đầu năm 2020, tuyến cao tốc chưa thu phí và sẽ bắt đầu thu phí từ đầu năm 2020 đến 2037. Dự kiến, mức phí thấp nhất là 2.000 đồng/km với xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống và cao nhất là 7.200 đồng/km với các xe tải trọng lớn.

Ý kiến của bạn

Bình luận