Kon Rẫy điểm du lịch sinh thái hấp dẫn du khách

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
Xã hội 01/02/2017 16:12

Tình đất hiền hòa, tình người hào sảng, mến khách, Kon Rẫy là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển các loại hình du lịch. Nhiều thắng cảnh đẹp cùng với bề dày văn hóa lịch sử sẽ là tiền đề cho miền đất phát triển ngành “công nghiệp không khói” trong tương lai không xa.

1
Toàn cảnh huyện Kon Rẫy nhìn từ trên cao

Cảnh sắc hùng vĩ

Được tách ra từ huyện Kon Plông theo Nghị định số 14/NĐ-CP ngày 31/01/2002 của Thủ tướng Chính phủ, Kon Rẫy là huyện miền núi cao, nằm trên trục QL24, cách TP. Kon Tum 26km về hướng Đông Bắc, phía Tây giáp huyện Đăk Hà, phía Đông giáp huyện Kon Plông, phía Nam giáp các huyện K’Bang, Đăk Đoa, Chư Păh của tỉnh Gia Lai. Toàn huyện có 7 đơn vị hành chính (6 xã và 01 thị trấn). Tổng diện tích tự nhiên toàn huyện 91.134,55 ha. Dân số trên 25.000 người, mật độ dân cư 25 người/km2, được phân bổ tại 56 thôn với 62 làng, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 66%, chủ yếu là Bah Nar (nhánh Jơ Lâng), Xơ Đăng (nhánh Tơ Đra)... Tiềm năng phát triển chủ yếu của huyện là tài nguyên đất đai, lâm nghiệp, khoáng sản và thủy lợi. Thiên nhiên ưu đãi với tiểu vùng khí hậu Tây Trường Sơn, thuộc vùng khí hậu nhiệt đới vùng trung Kon Tum. Nhiệt độ trung bình khoảng 20 - 22oC. Lượng mưa trung bình 2.000 - 2.200mm. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm, độ ẩm từ 82 - 87%.

Mạng lưới giao thông trên địa bàn huyện ngày càng phát triển, đặc biệt là tuyến QL24 đi qua huyện đầu tư theo tiêu chuẩn đường cấp III. Đây là tuyến giao thông huyết mạch của huyện, nối thành phố Kon Tum, huyện Kon Rẫy đi Kon Plông, tỉnh Quảng Ngãi và cảng biển Đà Nẵng, Dung Quất. Bên cạnh đó, các tuyến tỉnh lộ 677, huyện lộ đến trung tâm các xã, thị trấn đã được cứng hóa phục vụ nhu cầu lưu thông, vận chuyển hàng hóa thông suốt 02 mùa. Các công trình thủy lợi được quy hoạch và đầu tư đồng bộ đáp ứng nhu cầu tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp. 100% các xã, thị trấn trên địa bàn huyện được sử dụng điện lưới quốc gia. Hệ thống điện phục vụ cho sản xuất, kinh doanh luôn được quan tâm và đầu tư. Hệ thống cấp nước đô thị phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất kinh doanh luôn được đảm bảo với nhà máy cấp nước trung tâm huyện lỵ với công suất 4.000m3/ngày/đêm và hệ thống cấp nước sinh hoạt đảm bảo cung ứng nước cho gần 4.000 hộ.

Độc đáo cảnh quan rừng, thác…

Kon ray 2
Thác Đăk Kôi ngày đêm reo nhạc nước

Huyện Kon Rẫy cuốn hút du khách bởi những nét hoang sơ tự nhiên và sự đa dạng văn hóa sắc tộc của người dân bản địa. Từ TP. Kon Tum về với Kon Rẫy trên tuyến QL24 cũng như tỉnh lộ 677 về Đăk Pơ Xi, huyện Đăk Hà, dọc hai bên đường là những thôn làng của người dân tộc thiểu số với mái nhà rông cao vút mang màu sắc huyền bí nằm hài hoà với từng thôn, làng với nét hoang sơ giữa núi rừng Tây Nguyên. Địa hình đồi núi dốc được bao bọc bởi những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn, có thảm thực vật phong phú và nhiều loại động vật quí hiếm tạo cho Kon Rẫy có khí hậu ôn hòa đặc trưng. Ngoài các danh lam thắng cảnh tự nhiên, di sản văn hóa, Kon Kẫy còn nổi tiếng với những món ẩm thực dân gian độc đáo và hấp dẫn, những địa danh gắn liền với lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc như: Chiến thắng đồn Kon Braih, khu căn cứ Huyện ủy H16… Vì vậy, Kon Rẫy có nhiều tiềm năng phát triển du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái, danh lam thắng cảnh và tâm linh.

Trong đó, những điểm nhấn quan trọng của du lịch như: Thác nước Đăk Kôi thuộc địa phận thôn 1, xã Đăk Kôi với tổng diện tích trên 5ha, cách tỉnh lộ 677 khoảng 25 phút đi bộ, qua 02 suối nhỏ và các cánh đồng lúa nước. Chiều cao của thác gần 100m, phía dưới thác có bãi đá dài khoảng 50m được chia làm 7 tầng nối liền nhau.

Tại địa bàn thôn 7, xã Đăk kôi có thác 3 tầng với tổng diện tích trên 10ha. Đứng trên thác thỏa sức ngắm những cánh đồng ruộng lúa và đi lên hang động nơi che giấu cán bộ trong thời chiến.

Lòng hồ thủy điện Đăk PNe (thôn 1, xã Đăk PNe) với tổng diện tích trên 5ha. Địa hình nơi đây rất đẹp, mặt hồ phẳng lặng, nước trong xanh và được bao quanh bởi các khu rừng nguyên sinh, nơi đây rất thuận lợi cho việc chèo thuyền, câu cá, ngắm cảnh thiên nhiên.

Suối nước nóng Đăk Toa nằm ở địa phận thôn 13, xã Đăk Ruồng, có diện tích khoảng 3.000m2, cách QL24 khoảng 2.800m, cách trung tâm hành chính huyện 3.500m và tỉnh lộ 677 đi Đăk Kôi khoảng 150m. Suối nước nóng hiện nay đã bị bồi lấp từ cơn bão số 9 năm 2009. Tuy nhiên ở một vũng bùn (loại bùn khoáng có màu đen mịn, không có mùi hôi tanh) có diện tích khoảng 20m2 vẫn còn nhiều mạch nước nóng phun ngược lên mặt đất, nước nóng khoảng 68oC. Cách suối nước nóng khoảng 100m là dòng sông Đăk Snghe với bãi cát trắng mịn, nhiều hàng cây tre xen lẫn vào ruộng lúa và khu sản xuất của nhân dân tạo nên một khung cảnh thôn quê hiền hòa, thơ mộng.

Thác Đăk Snghe nằm giữa địa phận xã Đăk Tơ Lung và thị trấn Đăk Rve có diện tích khoảng 10,5ha, cách QL24 là 4km, cách trung tâm hành chính huyện 10,4km. Từ QL24 đi vào thác Đăk Snghe là đường đất đỏ, dọc hai bên đường đi vào thác là những rẫy nương của dân, được bao bọc bởi những cánh rừng xanh bạt ngàn với nhiều loại thú rừng, chim muông quý hiếm. Dãy liên hoàn 3 thác của sông Đăk Snghe được bố trí rất gần nhau. Thác 1 và Thác 2 nằm sâu dưới sườn đồi, có độ sâu khoảng 100m, nơi đây rất thích hợp với những người đi khám phá, thích cảm giác mạnh và môn thể thao leo núi. Hai thác nước thoải với nhiều phiến đá phẳng lì như cỗ bàn dọn sẵn, dòng nước đổ mạnh gặp những ghềnh đá tung bọt trắng xóa đâm thẳng vào mặt nước trong xanh được che mát bởi những bóng cây cổ thụ buông mình soi bóng xuống dòng nước trong tạo nên một cảnh thật nên thơ. Thác 3 cách đó không xa, có địa hình rất thuận lợi cho những chuyến cắm trại ngủ rừng và thú vui câu cá thư giãn, hai bên sườn thác là những cánh rừng nguyên sinh xanh mát đang rộn ràng với những bản đồng ca của các loài chim rừng.

Đậm chất dân dã

4
Khoảnh khắc đêm lửa trại trong mùa lễ hội

Với phong tục cả làng một nhà, bà con dân tộc người Tiểu nơi đây trong sinh hoạt hàng ngày vẫn mang tính cộng đồng. Điều này đã chi phối mọi hoạt động của từng cá nhân, từng bộ tộc. Khi một nhà có việc tức là cả làng có việc và ngược lại, vì vậy cuộc sống vẫn còn nguyên nét hoang sơ của người  bản địa.

Bên cạnh đó, sắc màu của lễ hội như: Lễ mừng lúa mới, lễ cúng máng nước, lễ đâm, bắn trâu, lễ mừng nhà Rông, lễ ăn con Dúi... đã và đang thu hút sự hiếu kì của du khách. Ngoài những lễ chính trên còn có những nghi lễ theo nông lịch sản xuất trong năm và việc riêng của từng gia đình như: Lễ chọn đất, lễ dọn rẫy, lễ đặt tên, lễ bỏ mả, xả xui, ăn lá lúa... Điều đặc biệt là trong tất cả các lễ hội, dù được tổ chức quy mô lớn hay nhỏ đều không thể thiếu vắng sự có mặt của tiếng cồng, tiếng chiêng và điệu múa xoang của những thiếu nữ. Thêm một điều thú vị ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số là vẫn còn giữ việc ngủ đầm, vì vậy một số làng đã trở thành điểm đến của khách du lịch nước ngoài.

Bên cạnh đó, ẩm thực ở đây vô cùng độc đáo được tạo ra từ rừng không nơi nào có được như: Muối kiến vàng giã với riềng rừng, chuột rừng nướng muối ớt, đọt sa nhân, cá niêng và lá mì nấu ống lồ ô, gà rừng nướng lá é… và tận hưởng bầu không khí trong lành sau mỗi buổi sáng mai thức dậy.

Không những thế, Kon Rẫy còn có nhiều điểm di tích lịch sử nổi tiếng như: Căn cứ cách mạng Huyện ủy H16, xã Đăk Kôi; di tích lịch sử chiến thắng đồn Kon Braih, xã Đăk Ruồng; xưởng luyện gang xã Đăk Kôi, hang che dấu cán bộ cách mạng hay những chuyến xe đạp “đổ” đèo Măng Đen ngắm ánh nắng chiều và dừng chân bên cầu dây văng ngắm thị trấn Đăk Rve trong buổi hoàng hôn tạo nên một bức tranh thủy mặc sông nước hữu tình, lấy được lòng du khách gần xa.

Ý kiến của bạn

Bình luận