Một tin xấu cho những người đã và đang hút thuốc, nghiên cứu mới của các nhà khoa học chỉ ra: Ngay cả khi cai thuốc, bạn cũng không thể bước vào vùng an toàn của bệnh tật. Theo đó, thói quen hút thuốc lá sẽ để lại những “dấu chân” tổn hại trên bộ gen của bạn suốt 3 thập kỷ.
Điều này gây ra bởi sự methyl hóa DNA, một quá trình di truyền ngoại gen khi mà một nhóm methyl bị chèn vào DNA, làm thay đổi chức năng của nó. Methyl hóa DNA diễn ra bất thường có thể là nguyên nhân dẫn đến ung thư và bệnh tim mạch.
Kể cả đã cai thuốc 30 năm, bạn vẫn không thoát được vòng tròn bệnh tật
Mặc dù số lượng người hút thuốc lá đã giảm mỗi năm, đó vẫn là nguyên nhân gây ra số ca tử vong có thể ngăn ngừa cao nhất trên toàn thế giới. Một lý do quan trọng là ngay cả khi đã dừng hút thuốc, bạn vẫn có nguy cơ cao mắc nhiều bệnh nguy hiểm, thậm chí là sau khoảng thời gian cả thập kỷ.
Ung thư, bệnh tim mạch và tắc nghẽn phổi mãn tính vẫn thường trực đe dọa những người tưởng mình đã nằm trong vùng an toàn khi cai được thuốc lá.
Từ trước đến nay, các chuyên gia y tế chưa chắc chắn về những cơ chế phân tử, chịu trách nhiệm cho việc duy trì khả năng gây bệnh lâu dài của thuốc lá. Nhưng nghiên cứu mới của các nhà khoa học đến từ Trường Y Đại học Harvard đã hé lộ một phần điều đó.
Được công bố trên tạp chí Circulation: Cardiovascular Genetics, nghiên cứu điều tra vai trò của quá trình methyl hóa DNA, chịu trách nhiệm cho nhiều điều kiện gây bệnh liên quan đến hút thuốc. Các nhà khoa học đã thu thập mẫu máu từ gần 16.000 tình nguyện viên tham gia. Trong số đó có cả những người còn hút thuốc và những người đã cai thuốc trong thời gian dài.
Phân tích quá trình methyl hóa DNA trên bộ gen của họ, các nhà khoa học nhận thấy có tới 7.000 gen sẽ bị ảnh hưởng bởi việc hút thuốc. Hầu hết chúng có thể biến mất sau khi một người đã cai thuốc khoảng 5 năm. Nhưng cũng có trường hợp methyl hóa DNA tồn tại trong gen của họ đến cả 3 thập kỷ. Một số trong đó đã được chỉ ra phải chịu trách nhiệm cho sự phát triển ung thư và bệnh tim mạch.
“Nghiên cứu của chúng tôi đã chỉ ra bằng chứng thuyết phục cho thấy hút thuốc có ảnh hưởng rất lâu dài lên bộ máy phân tử của chúng ta. Đó là một tác động có thể kéo dài hơn 30 năm”, Roby Joehanes tác giả chính của nghiên cứu đến từ Trường Y Đại học Harvard cho biết.
Tuy nhiên, khi bạn còn hút thuốc ở độ tuổi 50, đó chưa phải là quá muộn để thực hiện sự thay đổi. “Tin đáng khích lệ là một khi bạn ngừng hút thuốc, đa số các tín hiệu methyl hóa DNA sẽ trở lại mức độ bình thường sau 5 năm. Điều đó có nghĩa là cơ thể bạn cũng đang cố gắng chữa lành những tác động có hại của việc hút thuốc lá”.
Không dừng lại ở việc cảnh báo tác hại nguy hiểm của thuốc lá, nghiên cứu mới này còn có nhiều ý nghĩa quan trọng với y học. Việc xác định được những tín hiệu methyl hóa DNA có thể giúp các nhà khoa học phát triển những chỉ dấu sinh học, nhằm đánh giá tiền sử hút thuốc của bệnh nhân. Nó cũng có thể trở thành một hướng đi để phát triển những phương pháp điều trị mới với những căn bệnh nguy hiểm liên quan đến hút thuốc lá.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.