Sau 14 tháng, Dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận vẫn ở vạch xuất phát

Thị trường 16/04/2016 12:44

Sau hơn 14 tháng kể từ khi tái khởi động, tiến độ Dự án Xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn I theo hình thức hợp đồng BOT vẫn loanh quanh ở vạch xuất phát.

 

Sau 14 tháng, dự án 15.000 tỷ vẫn loanh quanh ở vạ
Ảnh minh họa.

Kết quả thi công ngoài hiện trường tại Dự án Xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, theo ghi nhận của Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông - Vận tải - GTVT) vào cuối tuần trước, là rất nghèo nàn. Sau hơn 14 tháng kể từ ngày tái khởi động lại, trên công trường của Dự án có tổng mức đầu tư gần 15.000 tỷ đồng, gồm 24 gói thầu xây lắp, trải dài 55 km này, số lượng máy móc cơ giới không tới 20 chiếc.

Trong số 7 gói thầu khởi công trước, hiện mới chỉ có 3 gói thầu đã tập kết được thiết bị, đang lập văn phòng, lán trại và đào bóc hữu cơ. Trong số này, khá nhất là Gói thầu số 1 do liên danh Công ty Thái Sơn - Cienco1 thi công. Gói thầu này đã huy động được máy đào, máy ủi, máy san, lu rung…, nhưng mỗi loại chỉ 1 chiếc, không đủ tính là 1 mũi thi công. Quan ngại nhất là Gói thầu số 3 của Công ty Tuấn Lộc, Gói thầu số 3a của Công ty BMT thậm chí chưa triển khai thực hiện hoặc dừng thi công từ lâu.

Cần phải nói thêm rằng, mặt bằng của 7 gói thầu khởi công trước, tính đến đầu tháng 4/2016, là khá xông xênh khi các địa phương đã bàn giao được tới 86% công địa (10,6/12,5%). Tuy nhiên công trường dù đã trải qua 2 mùa khô vắt từ năm 2015 đến 2016 vẫn hoang lạnh, vắng tiếng máy, thưa tiếng người.

“Các nhà thầu chưa quyết tâm, quyết liệt triển khai, dẫn đến tiến độ thực hiện của các gói thầu khởi công trước rất chậm”, ông Đặng Trung Thành, Phó cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông nhận xét.

Chính thức được khởi động lại từ tháng 2/2015, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là một phần của đường cao tốc TP.HCM - Cần Thơ (gồm 3 đoạn TP.HCM - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ). Dự kiến, đường cao tốc sẽ hoàn thành vào cuối năm 2018 và hoàn vốn bằng thu phí đường bộ.

Dù được kỳ vọng là rút ngắn thời gian lưu thông từ TP.HCM đến các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của khu vực này, đồng thời giảm tải cho Quốc lộ 1, nhưng với tiến độ triển khai “rùa bò” như trên, việc hoàn thành đúng tiến độ đang ngoài tầm với của nhà đầu  tư.

Đáng quan ngại là, hiện nhà đầu tư Dự án là Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, với các thành viên góp vốn là Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc, Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh, Công ty cổ phần Đầu tư BMT, Công ty TNHH Tập đoàn Thắng Lợi, Công ty cổ phần Hoàng An, Công ty cổ phần đầu tư Cầu đường CII, vẫn chưa thể hoàn thành các thủ tục để trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Bộ GTVT) xem xét, đàm phán hợp đồng chính thức, tiến tới ký hợp đồng tín dụng với các nhà tài trợ.

“Đây là một trong các lý do chính dẫn tới tình trạng thi công bê trễ trên hiện trường của các nhà thầu đồng thời cũng là nhà đầu tư tại Dự án”, một chuyên gia cho biết.

Theo thông tin của Báo Đầu tư, hiện có tới 3/6 doanh nghiệp tham gia góp vốn tại Dự án là Tuấn Lộc, Cầu đường CII, Thắng Lợi chưa nộp được Báo cáo tài chính năm 2015 được kiểm toán để thể hiện năng lực tài chính của Liên danh nhà đầu tư, dù Bộ GTVT liên tục thúc giục.

Trong một diễn biến mới nhất, ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT đã yêu cầu các thành viên trong liên danh nhà đầu tư hoàn chỉnh lại Báo cáo tài chính năm 2015 được kiểm toán, trong đó lưu ý, tỷ lệ tham gia đầu tư Dự án phải theo đúng hồ sơ dự thầu lựa chọn nhà đầu tư. “Nghiêm cấm các nhà đầu tư thực hiện việc chuyển nhượng trái quy định của pháp luật. Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền) phải kiểm tra, theo dõi và báo cáo Bộ GTVT, chịu trách nhiệm nếu để nhà đầu tư chuyển nhượng khi chưa được Bộ chấp thuận”, ông Nhật nhấn mạnh.

Lãnh đạo Bộ GTVT cũng yêu cầu Công ty BMT phải có Báo cáo tài chính năm 2015 được kiểm toán, Công ty Tuấn Lộc bổ sung Báo cáo tài chính thời điểm được kiểm toán theo quy định trước ngày 30/4/2016. “Hết thời hạn này, nếu nhà đầu tư vẫn chưa đủ hồ sơ theo quy định, Ban PPP chủ trì, phối hợp Vụ Tài chính và các cơ quan, đơn vị liên quan báo cáo Ban cán sự Đảng Bộ GTVT về việc từ chối ký chính thức hợp đồng Dự án và thông báo với Bộ Kế hoạch và Đầu tư rút Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư”, ông Nhật chỉ đạo.

Ý kiến của bạn

Bình luận