Hệ thống sông, kênh, rạch chằng chịt là một lợi thế điều tiết khí hậu, đem lại không gian thoáng mát cho TP HCM. Thế nhưng, không gian sông nước đang dần bị thu hẹp.
Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP HCM, 5.075 km kênh, rạch được sử dụng cho mục đích tiêu thoát nước thì phần lớn đã bị bồi lắng, tắc nghẽn dòng chảy, gây ngập. Do ngân sách TP hạn chế nên mới nạo vét, khơi thông dòng chảy được 1,6% tổng chiều dài các tuyến kênh, rạch.
Vấn nạn lấn chiếm
Tuy vậy, sự bồi lắng của tự nhiên không đáng lo ngại bằng vấn nạn lấn chiếm từ con người. Trong số 110 tuyến kênh, rạch do Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP HCM tuần tra đã phát hiện 54 tuyến bị san lấp, lấn chiếm làm thu hẹp dòng chảy, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng thoát nước của khu vực. Nhiều trường hợp đã phát hiện từ lâu nhưng vẫn chưa được xử lý triệt để, chưa trả lại hiện trạng cho hệ thống thoát nước của TP.
Chẳng hạn, rạch Cầu Cụt (quận Gò Vấp) là tuyến thoát nước chính cho khu vực đường Lê Đức Thọ, Lê Văn Thọ, Cây Trâm, Phạm Văn Chiêu… nhưng bị san lấp, lấn chiếm nên thường xảy ra ngập lụt. Những người dân ở phường 14, quận Gò Vấp cho biết lòng rạch trước kia rất rộng, nước trong, thậm chí có thể tắm được.
Tuy nhiên, nhiều hộ dân đóng cừ tràm lấn đất, xây dựng nhà trên mặt rạch khiến con rạch bị thu hẹp dần cộng với rác tràn ngập gây ô nhiễm trầm trọng, nước đen kịt, đứng xa 20 m vẫn có mùi hôi.
Dự án Opal Riverside (quận Thủ Đức, TP HCM) được triển khai khiến rạch thoát nước của người dân bị thu hẹp. |
Nghiêm trọng nhất là vào năm 2014, Công ty TNHH Thương mại Song Kim trong quá trình thực hiện dự án nhà ở đã đóng cừ tràm xuống lòng rạch và san lấp để xây tường rào kiên cố bằng bê tông cốt thép. Tháng 3/2015, các cơ quan liên quan đã kiểm tra và bàn hướng xử lý, còn dự án thì đã đổi chủ đầu tư!
Vi phạm của Công ty TNHH Thương mại Song Kim đã phần nào phản ánh một nghịch lý trong lĩnh vực đầu tư bất động sản tại TP hiện nay: trong khi khối lượng nhà ở hoàn thành tồn dư rất lớn, nhiều dự án tuy giao đất đã lâu vẫn bất động nhưng rất nhiều dự án bất động sản vẫn đua nhau lấn lấp kênh, rạch, cả có phép lẫn “chui”.
Dự án Opal Riverside (quận Thủ Đức) của Tập đoàn Đất Xanh đang triển khai nhưng gây nhiều lo lắng cho người dân trong khu vực. Theo ghi nhận của phóng viên, con rạch nhánh của sông Sài Gòn, chảy bên cạnh dự án, đã bị đóng cừ tràm lấn một phần lòng rạch, bên trên đổ đất và trồng cây, không chừa hành lang bảo vệ rạch.
Đoạn rạch tiếp giáp với sông Sài Gòn, dài khoảng 20 m, cũng bị bóp nhỏ để đổ đá xây kè. Trên hành lang bảo vệ sông Sài Gòn, chủ đầu tư dự án cũng đang xây dựng và trồng cây. Ông Phạm Văn Khánh (ngụ khu phố 4, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) cho biết con rạch nhánh của sông Sài Gòn trước kia rộng hơn 10 m và có chừa hành lang bảo vệ.
Khi dự án triển khai đã thu hẹp quá nửa lòng rạch.Theo ông Ngô Mạnh Tiến (tổ trưởng tổ 27, khu phố 4, phường Hiệp Bình Chánh), con rạch nguyên thủy rộng trên 10 m, giờ bị thu hẹp quá nửa. Con rạch này là đường thoát nước của nhiều tổ dân phố và một phần đường Kha Vạn Cân.
Vì thế, trong các cuộc họp tổ dân phố, người dân rất lo lắng về việc mùa mưa sắp tới sẽ bị ngập nên yêu cầu trả lại hiện trạng con rạch. Kiến nghị này đã đưa lên phường và quận nhưng vẫn chưa có phản hồi.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức, cho biết sau khi có phản ánh từ phía người dân, quận đã lập đoàn kiểm tra và kiến nghị Sở Xây dựng xử lý. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi xử lý những sai phạm gì thì ông Dũng từ chối trả lời.
Chặt dần “tứ chi”
Trong khi TP đang lên kế hoạch và tìm kiếm kinh phí để xây dựng các hồ điều tiết, mở rộng diện tích mặt thoáng nhằm giảm ngập và điều tiết khí hậu thì ngược lại, nhiều diện tích thoát nước tự nhiên đang dần bị thu hẹp. Rạch Dừa (phường Thảo Điền, quận 2) là một nhánh của sông Sài Gòn và mang trọng trách tiêu thoát nước cho nhiều tuyến đường.
Năm 2008, Sở Giao thông Vận tải (khi đó là Sở Giao thông Công chánh) ban hành danh mục về hệ thống tiêu thoát nước trên địa bàn TP với trên 900 tuyến kênh, rạch không được san lấp, lấn chiếm, trong đó có rạch Dừa. Theo bà Chu Thị Trọng, Trưởng Ban Điều hành khu phố 2, ngày trước rạch Dừa rất dài, chạy từ sông Sài Gòn đến đường Ngô Quang Huy hiện nay, nhiều nhánh chảy len trong các khu dân cư.
Khi nhiều tuyến đường, hẻm được hình thành, đoạn rạch chảy qua được thay bằng cống nên con rạch bị thu ngắn dần. Sau đó, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Tân Bình trong quá trình thực hiện dự án nhà ở lại tiếp tục lấp đi một phần rạch, thay thế bằng cống thoát nước.
Tuy nhiên, đoạn rạch còn lại vẫn chưa yên ổn khi mới đây, Công ty TNHH Địa ốc Trần Thành xin các cơ quan chức năng san lấp rạch Dừa tại đoạn tiếp giáp với cống thoát nước của Công ty CP Đầu tư Xây dựng Tân Bình để làm đường đi trong dự án nhà ở xã hội phường Thảo Điền.
Sở Giao thông Vận tải cho phép Công ty TNHH Địa ốc Trần Thành thay thế việc tiêu thoát nước tự nhiên của rạch Dừa bằng hệ thống thoát nước. Ông Trần Lê Thiệu, Trưởng Ban Điều hành khu phố 5, nhẩm tính đoạn rạch mà Công ty TNHH Địa ốc Trần Thành xin san lấp giải quyết thoát nước cho các hộ dân trong khu nhà ở của Công ty CP Đầu tư Xây dựng, hơn vài chục hộ bên ngoài và cho biết có rất nhiều hộ khó khăn.
“Vừa qua, chúng tôi vận động các mạnh thường quân hỗ trợ họ chi phí để chống ngập, chống dột… Nếu Công ty TNHH Địa ốc Trần Thành lấp rạch thì phải tính thật kỹ phương án thoát nước cho người dân, không thì việc nâng nền thành công cốc” - ông Thiệu kiến nghị.
Ngoài ra, còn khá nhiều “kịch bản khai tử” kênh, rạch khác đang được hiện thực hóa trên địa bàn TP. Chẳng hạn, rạch TT6 rộng hơn 20 m tại thị trấn Phú Xuân, huyện Nhà Bè bị các doanh nghiệp san lấp trái phép làm dự án, dù sau đó cơ quan chức năng có phát hiện thì con rạch vẫn bị “khai tử” để thay bằng cống hộp vì sự đã rồi! Hoặc một số rạch khác đã có tên trong danh sách thay thế bằng cống hộp do ô nhiễm.
Theo kiến trúc sư Võ Kim Cương, cống hộp chỉ có tác dụng thoát nước, trong khi hệ thống kênh, rạch tự nhiên còn có tác dụng thẩm thấu nguồn nước, ổn định mực nước ngầm và nền đất. Do đó, chỉ nên san lấp trong trường hợp mảnh đất đó có nhiều rạch quá chằng chịt và các rạch hẹp hơn 5 m.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.