Starting Technical Business – Khởi nghiệp trong lĩnh vực An toàn thông tin”

Tác giả: Đăng Minh

saosaosaosaosao
Ứng dụng 28/08/2021 07:32

Mới đây ngày 26/08, hội thảo trực tuyến với nội dung “Starting Technical Business – Khởi nghiệp trong lĩnh vực An toàn thông tin” đã được Làng Công nghệ An toàn không gian mạng tổ chức. Đây là chương trình nằm trong chuỗi "Cyber Security Talk", thuộc khuôn khổ tiền sự kiện TECHFEST VIETNAM 2021 do Học viện Kỹ thuật mật mã và Công ty cổ phần An ninh mạng Việt Nam VSEC làm trưởng làng, doanh nghiệp xã hội CyberKid đồng hành tổ chức.

anh 1

Hội thảo được tổ chức trực tuyến với chủ đề “Starting Technical Business – Khởi nghiệp trong lĩnh vực An toàn thông tin”

Tới tham gia và chia sẻ tại buổi hội thảo trực tuyến “Starting Technical Business – Khởi nghiệp trong lĩnh vực An toàn thông tin (ATTT)” có sự góp mặt của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực An toàn thông tin trong nước và quốc tế là ông HD Moore - CEO công ty Rumble – Nhà phát triển của Metasploit Framework – môi trường dùng để kiểm tra, tấn công và khai thác lỗi của các service, Metasploit Framework được dùng phổ biến trong giới Bảo mật; ông Nguyễn Lê Thành (RedDragon) – Phó Tổng Giám đốc phụ trách công nghệ thông tin tại tập đoàn VNG - Co.founder VNSECURITY; và điều phối chính của chương trình là Ông Trương Đức Lượng - CEO Công ty Cổ phần An ninh mạng Việt Nam VSEC - Một trong những chuyên gia đầu ngành với hơn 12 năm hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) tạiViệt Nam.

Buổi hội thảo với nội dung trao đổi về những vấn đề khởi nghiệp trong ngành ATTT đã nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng startup trong lĩnh vực CNTT nói chung và ATTT nói riêng, với gần 200 lượt đăng ký và câu hỏi gửi về ban tổ chức chương trình. Tại buổi hội thảo, các vị diễn giả đã chia sẻ trực tiếp về quá trình khởi nghiệp của bản thân và trả lời nhiều câu hỏi của các khán giả tham dự.

Trong chương trình, ông HD Moore có chia sẻ rằng: “Trước khi bắt đầu 1 doanh nghiệp về an toàn thông tin, bạn nên giỏi một thứ ngoài lĩnh vực này trước như: mạng lưới quan hệ tốt, khả năng kinh doanh, khả năng marketing,…điều này cần thiết để xử lý các vấn đề phát sinh trong thực tế. Và câu hỏi nên đặt ra là liệu sản phẩm này có vượt trội hơn so với các đối thủ có trên thị trường? Và trong 5-10 năm tới, liệu tôi có thể phát triển sản phẩm này không? Trong ngành này thường tốn 5-7 năm để công ty có thể đem về lợi nhuận, 2-3 năm đầu sẽ rất khó khăn”.

Ngành ATTT là môi trường tiềm năng để phát triển khởi nghiệp, nhất là tại Việt Nam, khi nhu cầu ATTT đang được nhà nước và các doanh nghiệp dành nhiều sự quan tâm và có định hướng phát triển rõ ràng. Việt Nam đang là một trong số ít các quốc gia có tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm ATTT cao, đạt ngưỡng 91%.

anh 2

Các chuyên gia trao đổi thảo luận tại buổi hội thảo trực tuyến.

Với mục tiêu "Xây dựng nền tảng và tạo động lực phát triển bền vững hệ sinh thái Công nghệ An toàn không gian mạng Việt Nam", làng Công nghệ An toàn không gian mạng sẽ liên tục tổ chức các hoạt động cộng đồng trong thời gian sắp tới như: hội thảo chuyên ngành, cuộc thi tìm kiếm startup trong lĩnh vực ATTT, Hackathon 2021,...Tại sự kiện triển lãm giải pháp TECHFEST VIETNAM 2021, Làng cũng sẽ chào đón hàng trăm doanh nghiệp, startup và các quỹ đầu tư. Làng Công nghệ và An toàn không gian mạng luôn nỗ lực giúp nâng cao nhận thức và làm giàu cho hệ sinh thái ATTT của Việt Nam.

“Chính phủ Việt Nam ngày càng chú trọng hơn vào vấn đề ATTT, đặc biệt là vấn đề an ninh mạng cho cá nhân và các doanh nghiệp cũng như khuyến khích các doanh nghiệp startup trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT). Do đó, làng ATTT là một trong những hạng mục được chú trọng hàng đầu trong khuôn khổ chương trình TECHFEST VIETNAM 2021 theo đề án 844 của Chính phủ.” – Ông Trương Đức Lượng – TGĐ Công ty Cổ phần An ninh mạng Việt Nam – Đồng trưởng làng Công nghệ An toàn không gian mạng chia sẻ.

Ý kiến của bạn

Bình luận