Nâng cao năng lực hệ thống giám sát an toàn hàng không, thúc đẩy hội nhập quốc tế

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
Ý kiến phản biện 18/06/2015 07:15

Sau 20 năm bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ và 13 năm ký kết Hiệp định Hàng không Việt Nam - Hoa Kỳ, ngành Hàng không Việt Nam đã đạt được sự phát triển mạnh mẽ về lượng và chất trên nhiều mặt.

1406297017-may-bay1-1423801016893
Ảnh minh họa

Việc xóa bỏ cấm vận, đội tàu bay chủ lực của ngành Hàng không Việt Nam trong những năm đầu của thập niên 90 của thế kỷ trước bao gồm các tàu bay do Liên Xô cũ sản xuất (TU-134 A/B, JAK- 40, IL 19) với năng lực chuyên chở hạn chế đã được thay thế bằng thế hệ tàu bay do phương Tây chế tạo như Airbus, Fokker hoặc Boeing. Cho tới nay, đội tàu bay của các hãng Hàng không Việt Nam đã lên tới 119 tàu bay với các loại tàu bay hiện đại thế hệ mới như Boeing B777, Airbus A320/321 và A330.

Việc chuyển đổi sang thế hệ tàu bay do phương Tây sản xuất đã tăng cường khả năng cạnh tranh, năng lực chuyên chở của các hãng hàng không Việt Nam. Đặc biệt, việc chuyển giao công nghệ hiệu quả của nhà chế tạo tàu bay như Airbus, Boeing đã góp phần thay đổi đáng kể tư duy về công tác quản lý, khai thác và bảo dưỡng tàu bay thế hệ mới, nâng cao hiệu quả khai thác và hệ số an toàn cho đội tàu bay của ngành Hàng không Việt Nam. Các tàu bay do phương Tây chế tạo kể từ khi đưa vào khai thác tại Việt Nam, tính từ năm 1992 với tàu bay ATR-72, đã đạt được hệ số an toàn cao và không để xảy ra tai nạn thiệt hại về người và tài sản, giúp ngành Hàng không Việt Nam đạt thành tích 18 năm liên tục không để xảy ra tai nạn tàu bay (tai nạn tàu bay xảy ra gần nhất đối với tàu bay TU-134 vào tháng 9/1997). Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ và an toàn khai thác, các hãng hàng không Việt Nam tiếp tục hiện đại hóa đội tàu bay với các tàu bay thế hệ mới như Boeing B787- 900, Airbus A350 và các tàu bay A320/321 thế hệ mới.

Với những tiến bộ như trên, Hàng không Việt Nam đã hoàn thiện được mạng đường bay của mình trực tiếp tới hầu hết các khu vực trên thế giới ngoại trừ khu vực Bắc Mỹ, trong đó có Hoa Kỳ, mặc dù Hiệp định Hàng không Việt Nam - Hoa Kỳ cho phép các hãng hàng không của hai nước có thể mở đường bay trực tiếp tới nhau. Ngay sau khi Hiệp định được ký kết, hãng hàng không Delta Airlines của Hoa Kỳ đã mở đường bay trực tiếp tới Việt Nam, tuy nhiên, vẫn chưa có hãng hàng không Việt Nam nào mở đường bay trực tiếp tới Hoa Kỳ. Ngoài lý do thương mại, các hãng hàng không Việt Nam đang còn gặp rào cản về kỹ thuật trong việc mở đường bay trực tiếp tới Hoa Kỳ.

Chương trình Đánh giá an toàn hàng không quốc tế (IASA) của Cục Hàng không liên bang Hoa Kỳ (FAA) có trách nhiệm xác định công tác giám sát an toàn của quốc gia có hãng hàng không đang khai thác hoặc có kế hoạch mở đường bay trực tiếp tới Hoa Kỳ hoặc liên danh với hãng hàng không Hoa Kỳ đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn được quy định bởi Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Chương trình IASA chỉ tập trung vào đánh giá năng lực giám sát an toàn của quốc gia, không đánh giá năng lực của người khai thác tàu bay có kế hoạch mở đường bay trực tiếp tới Hoa Kỳ của quốc gia đó. IASA tập trung đánh giá việc tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn của ICAO quy định tại Phụ ước 1 (cấp phép nhân viên hàng không), Phụ ước 6 (khai thác tàu bay) và Phụ ước 8 (tiêu chuẩn đủ điều kiện bay) của Công ước Chicago về hàng không dân dụng (tài liệu ICAO 7300). Việc đánh giá và phân loại Mức 1 (đáp ứng các quy định của ICAO) và Mức 2 (không đáp ứng các quy định của ICAO) được thực hiện trên 8 yếu tố trọng yếu (Critical Elements - CE) của hệ thống giám sát an toàn hàng không của mỗi quốc gia, các yếu tố trọng yếu đó bao gồm: 1) Luật Hàng không dân dụng; 2) Quy chế an toàn hàng không; 3) Hệ thống quản lý nhà nước về hàng không dân dụng và chức năng giám sát an toàn hàng không; 4) Trình độ và công tác huấn luyện đối với đội ngũ nhân viên giám sát an toàn hàng không; 5) Tài liệu hướng dẫn, công cụ và việc cung cấp các thông tin an toàn; 6) Trách nhiệm kiểm tra, phê chuẩn, cấp phép nhân viên hàng không; 7) Trách nhiệm giám sát; và 8) Áp dụng chế tài đối với các vấn đề an toàn hàng không.

Việt Nam hiện tại chưa được FAA thực hiện đánh giá và phân loại theo chương trình IASA (FAA chỉ kích hoạt việc đánh giá và phân loại theo IASA khi có hãng hàng không của quốc gia liên quan đề nghị mở đường bay trực tiếp tới Hoa Kỳ hoặc có kế hoạch liên danh với một hãng hàng không của Hoa Kỳ). Đây chính là rào cản kỹ thuật đối với các hãng hàng không Việt Nam trong việc mở đường bay trực tiếp tới Hoa Kỳ.

Ngay sau khi Hiệp định Hàng không Việt Nam - Hoa Kỳ được ký kết cuối năm 2003, FAA đã thực hiện đánh giá kỹ thuật đối với năng lực giám sát an toàn hàng không của Cục Hàng không Việt Nam (CAAV) và đưa ra các khuyến cáo cần thiết để Việt Nam năng lực giám sát an toàn nhằm đạt được Mức 1 theo phân loại của Chương trình IASA. Báo cáo kết quả đánh giá kỹ thuật tháng 5/2004 cho thấy, Việt Nam khó có thể đạt được Mức 1 tại thời điểm được đánh giá và cần phải nỗ lực cải thiện hệ thống giám sát an toàn hàng không trên tất cả các yếu tố trọng yếu (CEs).

Bên cạnh các nỗ lực tích cực của Việt Nam trong việc hoàn thiện hệ thống giám sát an toàn hàng không của mình (xây dựng và ban hành Luật Hàng không dân dụng 2006, hoàn thiện tổ chức Nhà chức trách hàng không - Cục HKVN, bổ sung các chính sách tài chính đặc thù và cũng cấp tương đối đầy đủ nguồn lực cần thiết cho công tác giám sát an toàn hàng không…), trong giai đoạn 2007 - 2010, Công ty Boeing và Văn phòng Phát triển thương mại Hoa Kỳ (USTDA) đã tích cực hỗ trợ tài chính cho Công ty Tư vấn Robbinson Aviation (RVA) thực hiện dự án “Nâng cao năng lực giám sát an toàn bay” cho Cục Hàng không Việt Nam. Dự án kết thúc vào năm 2010 với việc ban hành Bộ quy chế an toàn hàng không lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay tại Thông tư số 01/2011/TT-BGTVT ngày 27/1/2011 và các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, cơ sở dữ liệu an toàn đã cơ bản hoàn thiện hệ thống giám sát an toàn hàng không của Việt Nam trên cả 8 yếu tố trọng yếu (CE), tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện tốt các chức năng về giám sát an toàn hàng không phù hợp với các tiêu chuẩn của ICAO. Báo cáo kết quả kiểm tra năng lực giám sát an toàn của ICAO đối với Việt Nam năm 2011 cho thấy, việc tuân thủ các quy định tại Phụ ước 1, 6, 8 và 13 theo lĩnh vực cấp phép nhân viên hàng không (PEL), khai thác tàu bay (OPS), tiêu chuẩn đủ điều kiện bay (AIR) và điều tra sự cố, tai nạn tàu bay (AIG) đạt mức trung bình 68%, cao hơn mục tiêu 60% của Chương trình an toàn hàng không toàn cầu (GASP) do ICAO đề ra.

Tuy nhiên, với hạn chế về nguồn lực và năng lực thực hiện, hệ thống giám sát an toàn hàng không của Việt Nam vẫn còn tồn tại một số các vấn đề như: 1) Chưa đảm bảo nguồn nhân lực cho công tác giám sát an toàn hàng không; 2) Yếu kém trong công tác đào tạo, huấn luyện cho đội ngũ giám sát viên an toàn hàng không; 3) Việc tuân thủ các quy trình kiểm tra theo quy định; 4) Công tác lưu giữ hồ sơ, tài liệu liên quan đến công tác phê chuẩn, giám sát an toàn hàng không; 5) Công tác xử lý và áp dụng chế tài đối với các vấn đề vi phạm an toàn hàng không (báo cáo kết quả đợt rà soát kỹ thuật của FAA năm 2013).

Để thực hiện khắc phục triệt để các khuyến cáo và đạt được Mức 1 theo phân loại của FAA, Cục Hàng không Việt Nam đã làm việc tích cực với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam và USTDA để đạt được hợp đồng tài trợ cho giai đoạn tiếp theo. Hợp đồng tài trợ sẽ được ký kết giữa USTDA và Cục Hàng không Việt Nam trong thời gian tới (cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7 năm 2015) sẽ hỗ trợ cho đơn vị tư vấn, do USTDA chỉ định, thực hiện việc khắc phục triệt để các khuyến cáo còn tồn tại của FAA đối với hệ thống giám sát an toàn hàng không của Việt Nam, đặc biệt tập trung vào công tác rà soát một cách toàn diện hệ thống và huấn luyện, đào tạo cho đội ngũ cán bộ thực hiện chức năng giám sát an toàn hàng không của Việt Nam. Dự án sẽ được triển khai thực hiện trong khoảng thời gian 6 tháng cuối năm 2015 và đặt mục tiêu đạt được Mức 1 theo phân loại của FAA vào cuối năm 2015.

Với mục tiêu đạt Mức 1 theo phân loại của FAA trong năm 2015, Việt Nam không những hướng tới việc hoàn thiện và nâng cao năng lực của hệ thống giám sát an toàn hàng không về thực chất mà còn mở ra thời kỳ hợp tác, thúc đẩy hoạt động trao đổi thương mại hàng không giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, một thị trường rộng lớn và vô cùng tiềm năng.

Việc mở rộng hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ đã mang lại những thay đổi to lớn trong lĩnh vực hàng không dân dụng và đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam. Trân trọng và ghi nhận những hỗ trợ và hợp tác tích cực của các đối tác Hoa Kỳ trong việc thúc đẩy sự phát triển của ngành Hàng không dân dụng Việt Nam, đặc biệt trong việc giúp đỡ Việt Nam nâng cao và hoàn thiện hệ thống giám sát an toàn hàng không trong thời gian vừa qua, chúng ta hy vọng việc đạt được Mức 1 theo phân loại của FAA về đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn hàng không của ICAO đối với Việt Nam sẽ tiếp tục giúp ngành Hàng không Việt Nam phát triển một cách bền vững và an toàn, mang lại những lợi ích to lớn và hiệu quả hơn nữa trong mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam - Hoa Kỳ.

Ý kiến của bạn

Bình luận