Theo Dự thảo Đề án, từ nay đến năm 2020, ngành hàng không Việt Nam (HKVN) sẽ phải tăng tỷ trọng vận tải hàng không trong cơ cấu chung của ngành giao thông vận tải (GTVT), đặc biệt trên các hành trình đường dài, quốc tế.
Đến 2020, vận tải hành khách nội địa chiếm tỷ trọng 3,23%; vận tải hàng hóa nội địa chiếm khoảng 0,04% trong tổng thể ngành GTVT; Tăng thị phần vận tải hành khách quốc tế đối với HKVN lên 45,9%. Đẩy mạnh phát triển thị trường vận tải hàng không, thị trường vận tải HKVN đứng thứ 5 trong ASEAN. Vận tải hàng không trở thành loại hình giao thông phổ biến, có vai trò quan trọng đối với việc phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, vùng biển đảo.
Dự thảo cũng nêu rõ phấn đấu đến năm 2020, có hoạt động khai thác quốc tế thường lệ đến toàn bộ các cảng hàng không quốc tế được công bố. Đến năm 2020, đội tàu bay của các hãng HKVN đạt từ 190-210 chiếc; các hãng hàng không truyền thống xếp hạng 4-5 sao theo tiêu chí đánh giá của Skytrax, các hãng chi phí thấp có chất lượng ngang bằng với các hãng hàng không cùng loại trong khu vực; giữ tỷ lệ chậm chuyến, hủy chuyến của các hãng hàng không Việt Nam ở mức từ 12-15%; giảm tỷ lệ không hài lòng của hành khách đối với dịch vụ hàng không qua các năm…
Theo Cục Hàng không Việt Nam, một loạt nhiệm vụ, giải pháp đã được đặt ra để thực hiện mục tiêu nói trên, Trong đó, bao gồm đổi mới thể chế, chính sách và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; Nâng cao hiệu quả vận tải hàng không, tăng cường kết nối, phát triển vận tải đa phương thức và logistics; Nâng cao chất lượng công tác lập và tổ chức thực hiện quy hoạch; Nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; khuyến khích, thu hút đầu tư ngoài ngân sách; Đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu và cổ phần hoá các doanh nghiệp; Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ…
Đưa ra đánh giá về thị trường HKVN, đại diện Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) cho rằng, diễn biến thị trường thay đổi nhanh chóng trong năm qua và những tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, vị đại diện này cũng bày tỏ sự lo ngại về khả năng phát triển để đạt các mục tiêu trên, bởi bản thân hãng này cũng đang rất phân vân kế hoạch phát triển đội bay, mạng đường bay.
Nhìn nhận tình hình thị trường hàng không và những mục tiêu trong Đề án mà Cục Hàng không Việt Nam đưa ra, Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu – khẳng định, muốn vận tải hàng không phát triển thì các lĩnh vực khác như hạ tầng, quản lý bay cũng phải phát triển đồng bộ.
Thứ trưởng Phạm Qúy Tiêu cũng yêu cầu cơ quan xây dựng đề án cần rà soát kỹ càng, loại bỏ những chỉ tiêu không khả thi, bất hợp lý, không để soạn thảo văn bản thì dễ mà thực thi văn bản thì khó. Cuối cùng, Thứ trưởng lưu ý xây dựng các chính sách phát triển vận tải hàng không phải chú ý cả hàng không truyền thống và hàng không giá rẻ.
Hiện nay, Việt Nam có 4 hãng hàng không đang khai thác thương mại là Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines, VietJet Air và Vasco. Đội bay của Việt Nam đang khai thác 111 tàu bay, 56 đường bay quốc tế, 46 đường bay nội địa. Về thị phần vận chuyển hành khách quốc tế của các Hãng HKVN năm 2014 là 44,3%. Có 51 hãng hàng không nước ngoài thuộc 25 quốc gia và vùng lãnh thổ khai thác 83 đường bay từ 47 điểm đến đi/đến Việt Nam, trong đó có sự tham gia của nhiều hãng hàng không lớn trong khu vực và trên thế giới; chiếm tỷ trọng 55,7% thị trường vận chuyển hành khách quốc tế.
Theo đánh giá của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), thị trường HKVN đang đứng thứ 3 thế giới về tốc độ tăng trưởng.
Theo Dân Trí
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.