Ngày 30/11/2024, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam.
Tuyến đường sắt cao tốc này bắt đầu tại TP. Hà Nội (ga Ngọc Hồi) và kết thúc tại Thành phố Hồ Chí Minh (ga Thủ Thiêm), dài 1.541km, đi qua 20 tỉnh, thành phố. Quốc hội quyết nghị, phấn đấu khởi công năm 2027, hoàn thành năm 2035.
Đường sắt tốc độ cao có tốc độ thiết kế 350km/h, vận chuyển hành khách, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết. Dọc tuyến có 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa.
Sơ bộ tổng mức đầu tư hơn 1,7 triệu tỷ đồng (khoảng 67,34 tỷ USD) từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước và nguồn vốn hợp pháp khác, thực hiện theo hình thức đầu tư công.
Trước đó, đầu tháng 8/2024, tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội (đoạn trên cao dài khoảng 8,5km) chính thức khai thác thương mại. Đây là dự án đường sắt đô thị thứ hai của TP. Hà Nội đưa vào khai thác. Trên cơ sở quy hoạch đến 2030, tầm nhìn 2050, Hà Nội sẽ đầu tư xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị và 2 tuyến đường sắt nhẹ.
Ngày 22/12, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) cũng chính thức đi vào hoạt động, đánh dấu tuyến metro đầu tiên trên tổng số 10 tuyến, dài 510km, tổng mức đầu tư ước tính khoảng 67 tỷ USD của TP. Hồ Chí Minh sẽ hoàn thành từ nay đến năm 2050.
Cũng trong lộ trình hiện đại hóa ngành đường sắt, Bộ GTVT đang tích cực triển khai dự án Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng để phấn đấu khởi công vào cuối năm 2025; đã khởi công Dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét; tiến độ triển khai 6/7 dự án đường sắt giai đoạn 2021-2025 đáp ứng yêu cầu.
Ngày 28/11/2024, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã phê chuẩn bổ nhiệm ông Trần Hồng Minh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ GTVT, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Bộ trưởng Trần Hồng Minh trưởng thành trong quân đội, là tiến sỹ kỹ thuật chuyên môn về cầu đường bộ, cấp hàm Trung tướng.
Ngay sau khi nhận nhiệm vụ "tư lệnh ngành GTVT", Bộ trưởng Trần Hồng Minh đã liên tục có các chuyến thị sát các dự án giao thông trọng điểm, đặc biệt là các dự án cao tốc Bắc – Nam; trực tiếp làm việc với các địa phương, Ban QLDA, nhà thầu để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án.
Nhiệm vụ trước mắt của "tư lệnh ngành GTVT" là đôn đốc, giải quyết triệt để các vướng mắc ở các dự án đường bộ cao tốc, nhằm mục tiêu hoàn thành 3.000 km vào năm 2025. Đồng thời tiếp tục phát huy kết quả Bộ GTVT là một trong các bộ, ngành, địa phương có mức giải ngân trung bình cao của cả nước. Năm 2024, Bộ GTVT đã được được giao khoảng 75.481 tỷ đồng, đặt mục tiêu giải ngân 100%.
Đồng thời, Bộ trưởng Trần Hồng Minh cũng đang quyết liệt chỉ đạo toàn ngành đẩy nhanh việc hợp nhất Bộ GTVT với Bộ Xây dựng theo hướng tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả như chỉ đạo của Trung ương Đảng.
Luật Đường bộ cùng với Luật Trật tự, ATGT được tách ra từ Luật Giao thông đường bộ (năm 2008) ra đời giúp hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo cơ chế để huy động tối đa mọi nguồn lực đột phá trong đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ hiện đại, đồng bộ, làm cơ sở cơ cấu lại các phương thức vận tải, gắn phát triển GTVT với đảm bảo TTATGT.
Luật Đường bộ đưa quy hoạch mạng lưới đường bộ từ 10 năm lên tầm nhìn từ 30 năm đến 50 năm.
Các quy hoạch này được rà soát theo định kỳ 5 năm để điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển KT-XH trong từng giai đoạn.
Luật này cũng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, rõ trách nhiệm giữa các cấp, ngành, bảo đảm môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng trong hoạt động đường bộ, từ đó tạo đà cho vận tải đường bộ phát triển, góp phần phát triển KT-XH.
Xác định công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu, tính đến cuối tháng 12/2024, Bộ GTVT đã ban hành 33 Thông tư theo thẩm quyền; đã hoàn thành, trình Chính phủ 10/10 dự thảo văn bản theo Chương trình, kế hoạch đề ra.
Hiện nay, Bộ GTVT đang khẩn trương hoàn thiện để trình Chính phủ hồ sơ Luật Đường sắt Việt Nam (sửa đổi) và sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025); đồng thời tiếp tục thực hiện việc tổng kết, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Hàng không Việt Nam theo chỉ đạo của Chính phủ, tổng kết Luật Đường thủy nội địa Việt Nam, Bộ Luật Hàng hải Việt Nam.
Trong số các dự án giao thông lớn khánh thành đưa vào khai thác năm 2024, nổi bật là 2 dự án thành phần cuối cùng của 11 dự án cao tốc Bắc - Nam, giai đoạn 2017 - 2020. Đó là dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo và Diễn Châu - Bãi Vọt, dài 129km. Như vậy, tính đến cuối năm 2024, tuyến cao tốc Bắc - Nam đã hoàn thành đưa vào khai thác 2.021km.
Bộ GTVT xác định năm 2024 là "năm tăng tốc" hoàn thành các dự án đường bộ cao tốc nhằm hiện thực hóa mục tiêu hoàn thành 3.000 km vào năm 2025. Trong đó, 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025, tổng chiều dài 729km đang thi công cũng đều giữ nhịp giải ngân tốt, bám sát tiến độ hoàn thành, đưa vào khai thác trong năm 2025. Mục tiêu nối thông cao tốc Bắc - Nam xuyên Việt sẽ thành hiện thực trong năm tới.
Theo Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), đối với các gói thầu chính đang triển khai trên công trường Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, ACV đã chỉ đạo các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thi công, các gói thầu tổ chức hàng trăm mũi thi công với gần 7.000 chuyên gia, kỹ sư, công nhân, người lao động và gần 3.000 thiết bị thi công, cách thức tổ chức công trường khoa học, chuyên nghiệp, đảm bảo an ninh, an toàn trong quá trình thi công.
Về tổng thể, trong 4 dự án thành phần Dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1, đến nay, các dự án thành phần 1, 2 và 3 đã đạt và vượt tiến độ.
Trong tháng 12 này và quý I/2025, ACV tiếp tục mời thầu đối với 6 gói thầu cho các hạng mục xử lý nước thải, hệ thống quản lý sân bay, nhà để xe, nhà điều hành cảng. Các gói thầu này sẽ lần lượt khởi công trong quý I và II/2025.
Trong số các hạng mục, gói thầu quan trọng tại "siêu dự án" này, đến nay công trình Đài Kiểm soát không lưu đạt khoảng 94% khối lượng, dự kiến hoàn thành vào quý II/2025. Đối với hạng mục hạ tầng cảng hàng không, công trình đường cất hạ cánh, đường lăn đang triển khai thi công xây dựng dự kiến hoàn thành và khai thác kỹ thuật trong quý II/2025.
Hạng mục nhà ga hành khách đến nay đã cơ bản hoàn thành kết cấu phần khung, đang tiến hành lắp dựng kết cấu mái thép, dự kiến hoàn thành công tác xây dựng vào quý IV/2025.
Hạng mục hệ thống giao thông kết nối cũng đang triển khai thi công theo đúng tiến độ (đạt khoảng 50%), dự kiến hoàn thành vào quý IV/2025.
Mới đây, tại kỳ họp 8 Quốc hội khóa XV, đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành đã được thông qua với 100% đại biểu tán thành. Theo đó, dự án sẽ được mở rộng quy mô với một đường băng mới và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2026.
Trong năm 2024 có 3 dự án cao tốc do Bộ GTVT là cơ quan chủ quản dự kiến khởi công, gồm: Dầu Giây - Tân Phú; Chợ Mới - Bắc Kạn; Lộ Tẻ - Rạch Sỏi.
Trong đó, cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (Đồng Nai) dài khoảng 60km, là dự án thành phần nằm trong tổng thể tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương dài hơn 200 km nhằm kết nối TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh Tây Nguyên. Dự án kết nối cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, giúp giảm tải và bảo đảm ATGT trên QL20, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh Đồng Nai nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung.
Cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn (Bắc Kạn) dài 28,8km, kết nối tuyến Hà Nội - Thái Nguyên và Thái Nguyên - Chợ Mới, tạo thành mạng lưới giao thông đồng bộ, thúc đẩy phát triển KT-XH, bảo đảm an ninh quốc phòng của khu vực.
Cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (Cần Thơ) thuộc dự án nâng cấp tuyến đường trục dọc phía Tây Đồng bằng sông Cửu Long từ Cao Lãnh (Đồng Tháp) đến Rạch Sỏi (Kiên Giang). Trong đó, đoạn Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (Kiên Giang) dài 51,5km, quy mô hiện tại 4 làn xe, sẽ được nâng cấp theo tiêu chuẩn đường cao tốc.
Cùng đó, có 11 dự án đường cao tốc do địa phương được giao là cơ quan chủ quản dự kiến khởi công trong năm 2024. Trong đó cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh (Lạng Sơn, Cao Bằng) dài 93 km khởi công ngay trong ngày đầu tiên của năm 2024. Dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Sau khi hoàn thành (dự kiến năm 2026) và nối thông cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, thời gian di chuyển từ TP. Hà Nội đến Cao Bằng sẽ rút ngắn từ 5- 6 giờ xuống chỉ còn 2,5 - 3 giờ.
Cao tốc Lạng Sơn - cửa khẩu Hữu Nghị dài 60km bao gồm cả tuyến kết nối đến cửa khẩu Tân Thanh do tỉnh Lạng Sơn làm cơ quan chủ quản; cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Ninh Bình dài 26km do UBND tỉnh Ninh Bình làm cơ quan chủ quản; cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua Nam Định và Thái Bình dài 61km được đầu tư theo hình thức PPP; Cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu đoạn qua Hòa Bình dài 34km do tỉnh Hòa Bình là cơ quan chủ quản.
Tại phía Nam, dự án Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh dài 199km gồm 5 dự án độc lập do 5 địa phương là cơ quan chủ quản; cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Chơn Thành dài 60km do tỉnh Bình Dương là cơ quan chủ quản; cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài dài 65km do TP. Hồ Chí Minh là cơ quan chủ quản;cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc dài 67km do tỉnh Lâm Đồng là cơ quan chủ quản; cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương dài 74km do tỉnh Lâm Đồng là cơ quan chủ quản; cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành dài 129km do tỉnh Bình Phước là cơ quan chủ quản.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất 27.964 tỷ đồng, tăng khoảng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ chi phí và thuế, lãi ròng hợp nhất Vietnam Airlines đạt 4.441 tỷ đồng, chấm dứt 16 quý liên tiếp thua lỗ kể từ khi đại dịch Covid-19 ập đến.
Với Vietjet Air, kết quả kinh doanh hợp nhất cho thấy, Vietjet đạt 34.030 tỷ đồng doanh thu và hơn 1.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế sau 6 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng lần lượt 15% và 307% so với cùng kỳ.
Bamboo Airways đặt mục tiêu cắt lỗ trong năm nay, hòa vốn từ năm 2025 và tiến đến có lãi ở các năm tiếp theo.
Trong khi đó, để góp phần giảm áp lực tăng giá vé máy bay, Cục Hàng không Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp như: Tạo điều kiện để các hãng có thể thuê bổ sung tàu bay; điều chỉnh thời gian hoạt động khai thác tàu bay, tối ưu hóa thời gian khai thác tàu bay; tăng cường các chuyến bay đêm; tăng tham số điều phối trong các giai đoạn cao điểm…
Theo Tổng Cục thống kê, vận tải hàng hóa tháng 11/2024 ước đạt 246,2 triệu tấn, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 49,6 tỷ tấn.km, tăng 14,4%. Tính chung 11 tháng năm 2024, vận tải hàng hóa ước đạt 2.420,4 triệu tấn, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước. Vận tải hàng hóa tăng mạnh góp phần thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 369,93 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước.
Điểm đáng chú ý, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, ngành logistics được đánh giá là một trong những ngành tăng trưởng cao nhất của Việt Nam trong 10-15 năm tới. Tốc độ phát triển của ngành những năm gần đây đạt khoảng 14-16%, với quy mô khoảng 40-42 tỷ USD/năm. Hiện có khoảng trên dưới 3.000 doanh nghiệp vận tải và logistics, trong đó có hàng chục tập đoàn giao nhận hàng đầu thế giới đang hoạt động tại Việt Nam.
Tuy nhiên, chi phí logistics ở Việt Nam hiện trung bình ở mức 16-17% GDP, các năm trước đây là 18-19%, thậm chí có giai đoạn lên tới 25% GDP. Con số này cao hơn đáng kể so với Singapore (8%), Nhật Bản (11%), Malaysia (13%), Indonesia (13%)…
Vấn đề mấu chốt để kéo giảm chi phí logistics là tăng tốc kết nối hạ tầng giao thông với đầu tư phát triển các trung tâm logistics, cảng cạn, đẩy mạnh vận tải đa phương thức. Tại diễn đàn Logistics Việt Nam năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự và phát biểu nêu rõ mặc dù chúng ta có 3 cảng biển lọt vào top 50 cảng biển lớn nhất thế giới, cùng nhiều tuyến đường cao tốc mới đưa vào khai thác, nhưng muốn giảm hơn nữa chi phí logistics cần ứng dụng khoa học công nghệ tự động hóa, đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao và tạo ra môi trường pháp lý thông thoáng, hấp dẫn.…
Cùng đó, theo Thủ tướng, vấn đề quan trọng là cần có sự liên kết ngành, liên kết vùng, có nhạc trưởng để đẩy mạnh chuyển đổi từ tư duy, nhận thức, hành động đối với ngành logistics. Hiện các bộ, ngành như Bộ GTVT, Công thương, Kế hoạch và Đầu tư… đã làm rất tốt, song nếu có sự liên kết, phối hợp tốt hơn nữa thì ngành logistics có thể phát triển hơn nữa.
Sau thời gian thí nghiệm, thử nghiệm hiện trường, các nhà khoa học đã đưa ra kết luận khẳng định cát biển tại một số mỏ khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long hoàn toàn đủ tiêu chuẩn sử dụng để đắp nền đường.
Ngay sau khi kết quả thí điểm cát biển được công bố, Bộ TN&MT đã gửi văn bản đến các địa phương, trong đó có tỉnh Sóc Trăng - nơi dự kiến sẽ được khai thác cát biển, đề nghị việc quản lý, cấp phép khai thác cát biển phục vụ các dự án được áp dụng cơ chế đặc thù.
Cuối tháng 6/2024, Ban QLDA Mỹ Thuận phối hợp với tỉnh Sóc Trăng tổ chức khai thác mỏ cát biển, đưa về công trường phục vụ dự án đường cao tốc.
Sau 6 tháng kể từ khi cát biển được khai thác, đưa về phục vụ dự án cao tốc Hậu Giang - Cà Mau, nhiều đoạn tuyến đã được nhà thầu bơm cát vào để gia tải, với khối lượng gần 1 triệu m3.
Mới đây, kết luận tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án đường cao tốc tại khu vực ĐBSCL, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình xử lý cát biển phục vụ hoạt động xây dựng, san lấp, làm cơ sở để các địa phương nghiên cứu, triển khai thí điểm đối với các công trình, dự án trên địa bàn, hoàn thành trong quý 1/2025.
Trong năm 2024, Bộ GTVT đã hoàn thành kế hoạch cung cấp 100% các thủ tục hành chính trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ GTVT và kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia.
Cùng với đó, Bộ GTVT duy trì cung cấp 319 dịch vụ công trực tuyến (tỷ lệ 82,6% so với tổng số thủ tục hành chính) trên Cổng Dịch vụ công của Bộ GTVT và 308 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết tại cơ quan Bộ GTVT và các cục trực thuộc (tỷ lệ 100% theo kế hoạch).
Bộ GTVT đang xây dựng 4 bộ cơ sở dữ liệu nền tảng dùng chung. Trong đó, đã cơ bản hoàn thành cơ sở dữ liệu kết cấu hạ tầng đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đã đạt được một số kết quả về cơ sở dữ liệu phương tiện, cơ sở dữ liệu người điều khiển phương tiện, cơ sở dữ liệu doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực GTVT.
Đặc biệt, Bộ GTVT tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06. Đến nay đã hoàn thành đối soát, làm sạch 36,2 triệu GPLX, tích hợp 10,2 triệu thông tin GPLX lên ứng dụng VneID…
Cùng với chuyển đổi số, năm 2024, Bộ GTVT cũng nỗ lực các hoạt động chuyển đổi xanh. Bộ xây dựng Quy chuẩn thay thế Quy chuẩn về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô trong đó cập nhật các quy định liên quan đến ô tô điện; tổ chức xây dựng bộ tiêu chí và dự thảo TCVN cho trạm dừng nghỉ xanh, cảng biển, cảng hàng không xanh, nhà ga đường sắt xanh làm cơ sở xây dựng mới, chuyển đổi trạm dừng nghỉ, cảng biển, cảng hàng không, ga đường sắt theo tiêu chí xanh...
Mới đây, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 47 quy định kiểm soát khí thải đối với mô tô, xe gắn máy. Đặc biệt trong GTVT hiện nay, việc sử dụng phương tiện tiết kiệm nhiên liệu và có mức độ phát thải khí gây ô nhiễm môi trường thấp đang là xu thế chủ đạo hình thành môi trường giao thông xanh. Hiện tượng hãng xe điện Vinfast leo lên dẫn đầu lượng xe bán ra tại Việt Nam trong năm 2024 với gần 60.000 xe ô tô như một minh chứng rõ nét nhất cho xu hướng này.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.