Lợi thế về nông nghiệp, du lịch, kinh tế biên giới của An Giang là những định hướng trọng tâm của quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Với vai trò là cửa ngõ kết nối với các nước tiểu vùng Mê Kông, hệ thống giao thông thủy, bộ được đầu tư hoàn chỉnh, thông suốt, An Giang đang đứng trước thời cơ phát triển mới, tiềm năng và hiệu quả.
"Đánh thức" tiềm năng kinh tế vùng biên
An Giang có tuyến biên giới giáp Vương quốc Campuchia dài gần 100 km. Với 2 cửa khẩu quốc tế là Tịnh Biên và Vĩnh Xương, 2 cửa khẩu quốc gia Khánh Bình, Vĩnh Hội Đông cùng 2 cửa khẩu phụ là Bắc Đai và Vĩnh Gia tạo nên dòng chảy liền mạch và là cửa ngõ giao thương biên giới thuận tiện cả đường thủy lẫn đường bộ giữa các tỉnh ĐBSCL.
Hệ thống giao thông thuận tiện sẽ là đòn bẩy để thu hút các nguồn vốn đầu tư, do đó An Giang đã và đang tập trung nguồn lực nâng cấp và xây dựng mới trên 500 km đường giao thông nội tỉnh, có tính liên kết vùng theo quy hoạch được duyệt để kết nối với các tuyến đường huyết mạch. Về phía Bộ GTVT cũng đang triển khai nhiều dự án tại địa phương như: tuyến tránh TP. Long Xuyên, tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đang được gấp rút chuẩn bị khởi công xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu lưu thông, vận chuyển hàng hóa quy mô lớn, góp phần kết nối thông suốt, rút ngắn thời gian di chuyển, tiết kiệm tối đa chi phí cho người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Ngoài các khu công nghiệp đã được đầu tư, vận hành, Thủ tướng Chính phủ vừa chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Vàm Cống với quy mô gần 200 ha, đồng thời tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để mời gọi đầu tư mới và mở rộng cơ sở hạ tầng khu, cụm công nghiệp và các khu chức năng của khu kinh tế với tổng diện tích cho sản xuất công nghiệp trên 1.500 ha. Đây được xem là nền tảng vững chắc để mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Nhờ những nỗ lực đó, tiềm năng của An Giang đang dần được "đánh thức" một cách bài bản và toàn diện, trong đó sự hoàn thiện về hạ tầng kinh tế đã đóng góp không nhỏ vào việc khơi dậy tiềm lực và phát huy những thế mạnh vốn có của tỉnh. Góp phần vào những tiềm năng để bứt phá đó phải kể đến mạng lưới giao thông của tỉnh ngày càng được nâng cấp, mở rộng, tính kết nối giữa các vùng kinh tế ngày càng thuận lợi, cùng với đó là sự chuẩn bị về điều kiện để tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư, hạ tầng xã hội luôn sẵn sàng, đáp ứng đòi hỏi của nhà đầu tư. Đây là sự thể hiện quyết tâm của An Giang bằng việc khai thác tốt nhất nội lực và thu hút tối đa ngoại lực cho đầu tư phát triển.
Hạt nhân để vùng kinh tế ĐBSCL tăng tốc
Hiện nay, TP. Long Xuyên được xác định là một trong những trung tâm thương mại dịch vụ phía Tây Bắc của vùng ĐBSCL. Để kết nối vùng ĐBSCL với các vùng động lực kinh tế khác, Chính phủ đã quy hoạch hệ thống đường bộ cao tốc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với tổng chiều dài khoảng 1.166 km, bao gồm 3 trục dọc kết nối các tỉnh, thành phố trong vùng với vùng Đông Nam Bộ và 3 trục ngang nhằm tăng cường kết nối với hệ thống cảng biển trong vùng với các cửa khẩu quốc tế.
Trong đó, tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (dài khoảng 191 km, quy mô 6 làn xe) là một trong 3 trục ngang quan trọng. Ngoài ra, tuyến đường liên tỉnh kết nối An Giang với các tỉnh ĐBSCL cũng được đẩy mạnh đầu tư, như: tuyến Khánh Bình - Chợ Mới (An Giang) - Lấp Vò (Đồng Tháp) dài khoảng 85 km; tuyến An Giang - Kiên Giang - Hậu Giang (từ QL.N1 đến QL.61C, dài khoảng 130 km)...
Ngoài ra, hệ thống đường bộ cùng với kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa được Trung ương tập trung đầu tư phát triển, đặc biệt là tuyến đường thủy TP. Hồ Chí Minh - An Giang - Kiên Giang, hành lang vận tải thủy kết nối với Campuchia qua sông Tiền, sông Hậu..., từ đó tạo động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế An Giang phát triển.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh An Giang, cầu Châu Đốc được khởi công vào tháng 3/2023. Cầu bắc qua sông Hậu Giang, thuộc dự án kết nối liên vùng (N1) đoạn từ thị xã Tân Châu đến TP. Châu Đốc, kết nối với tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp với tổng mức đầu tư trên 2.130 tỷ đồng.
Dự án do Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang làm chủ đầu tư, thời gian thực hiện là 4 năm. Đây là công trình giao thông cấp I với tổng chiều dài tuyến gần 21 km, trong đó tuyến chính dài hơn 17 km với điểm đầu tại nút giao với Đường tỉnh 954 tại phường Long Sơn (thị xã Tân Châu) và điểm cuối tại nút giao với QL.91 (phường Vĩnh Mỹ, TP. Châu Đốc). Riêng công trình cầu Châu Đốc có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 500 tỷ đồng.
Công trình cầu Châu Đốc là một dấu ấn quan trọng, kết nối thông thương với Cửa khẩu Quốc tế Vĩnh Xương. Khi dự án hoàn thành sẽ kết nối theo trục ngang các tỉnh Tây Nam bộ nằm trên trục biên giới Long An, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang. Hiện nay, công trình cầu Châu Đốc và tuyến N1 đang được các nhà thầu tập trung nỗ lực để thi công nhanh, đáp ứng tiến độ, kế hoạch đề ra.
Cầu Châu Đốc là mong ước mấy chục năm nay của bà con Châu Đốc - Tân Châu, bởi khi có cây cầu này bà con Châu Đốc đi Tân Châu sẽ không còn phải lụy phà nữa, hàng hóa sẽ được thông thương, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng biên giới. Tuy nhiên, hiện nay cầu Tân Châu - Hồng Ngự (Đồng Tháp) vẫn chưa được thực hiện do nhiều nguyên nhân. Nếu được Chính phủ tạo điều kiện và sớm xây dựng thêm cầu Tân Châu - Hồng Ngự thì vùng ĐBSCL sẽ có thêm cơ sở để tăng tốc, tạo thế và lực cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.