Ăn mì tôm, ngủ lán trại, bám đèo Khánh Lê khắc phục sạt lở thông tuyến QL27C

Tác giả: Đại Thắng

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 24/12/2024 18:17

Để thông được tuyến QL27C qua đèo Khánh Lê nối địa bàn hai tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng sớm nhất có thể, trong suốt 10 ngày qua, từ cán bộ quản lý đường bộ đến đội ngũ kỹ sư, công nhân, lái máy đều ăn, ngủ tại chân công trình, bám đường, khắc phục sạt lở.

thông tuyến QL27C
Ăn mỳ tôm, ngủ lán trại, bám đèo Khánh Lê khắc phục sạt lở thông tuyến QL27C - Ảnh 1.

Vị trí sạt lở trên đèo Khánh Lê có khối lượng lớn nhất tại Km43+300 QL27C

"Điểm nóng" sạt lở trên tuyến QL27C

Có đến tận nơi, chứng kiến hiện trường sạt lở trên tuyến đường đèo Khánh Lê thuộc QL27C qua địa bàn xã Sơn Thái (huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa), chúng tôi mới thấu hiểu được những nỗi khó khăn, vất vả, hiểm nguy mà lực lượng khắc phục sạt lở, đảm bảo giao thông phải đối mặt.

Ông Lê Thuận Đoàn, Giám đốc Công ty CP Quản lý Xây dựng đường bộ Khánh Hòa (nhà thầu quản lý bảo dưỡng thường xuyên tuyến QL27C qua tỉnh Khánh Hòa) nhớ lại, vào lúc 7h00 ngày 15/12, lực lượng tuần đường trên đèo Khánh Lê báo tin mưa lớn kéo dài đã gây sạt lở ta-luy dương ở một số vị trí tạ Km42+380, Km55+800, Km59+010, Km64+500 với khối lượng lớn, gây ách tắc giao thông. Ngay lập tức, Công ty đã huy động phương tiện, nhân lực, vật tư tiếp cận hiện trường, hót dọn đất, đá, đảm bảo giao thông. 

"Khi sắp thông tuyến, một loạt vị trí khác trên đèo Khánh Lê lại xảy ra sạt lở lớn tại Km43+300, Km52+800, Km53+900, Km54+410, Km54+780, Km54+900 khiến tuyến QL27C qua đèo Khánh Lê tê liệt hoàn toàn. Trong đó, vị trí sạt lở tại Km43+300 có khối lượng đất, đá lớn nhất, ước lượng hàng trăm nghìn mét khối. Trước tình huống đó, chúng tôi tiếp tục huy động thêm phương tiện, thiết bị, nhân lực tăng mũi thi công khắc phục sạt lở, hót dọn, thanh thải đất, đá", ông Đoàn kể lại và cho biết, so với các tình huống khắc phục sạt lở trước đây, lần này đơn vị phải đối mặt với nhiều bất lợi, thách thức hơn như: Khắc phục trong điều kiện thời tiết mưa lớn; liên tục gặp phải những tảng đá lớn, ước tính khoảng 60 - 70% khối lượng sạt lở vùi lấp đường là đá tảng; nguy cơ tiếp tục xảy ra sạt lở từ sườn mái, ta-luy; thi công nổ mìn phá đá...

"Mọi tình huống nguy hiểm, mất an toàn đều có thể xảy ra bất cứ lúc nào, vì thế buộc chúng tôi vừa làm vừa canh chừng, phòng ngừa các tình huống", ông Đoàn nói.

Video: Sau 7 ngày nỗ lực khắc phục sạt lở, đến 7h00 ngày 24/12, tuyến QL27C qua đèo Khánh Lê đã được thông 2 làn xe

Có mặt ở vị trí sạt lở nghiêm trọng tại Km43+300 với khối lượng đất, đá lớn nhất, PV ghi nhận 4 máy múc loại gàu 1,8 m3 dàn hàng ngang làm việc hết công suất, không ngừng nghỉ, liên tục múc chuyển đất, đá lên thùng xe. 10 xe ben loại lớn nối đuôi nhau sẵn sàng vào vị trí tiếp nhận, vận chuyển, thanh thải, giải phóng đất, đá khỏi phạm vi sạt lở. Cạnh đó, ngay phía hai đầu tuyến, các máy xúc lật liên tục vận hành hót dọn bùn đất đưa về khu vực tập kết. Mũi khoan, nổ mìn phá đá làm việc hết công suất. Tiếng máy, tiếng khoan, tiếng động cơ gầm rú, vang trời..., rộn ràng, sôi động như một đại công trường.

Khuôn mặt lấm lem dầu máy, anh Nguyễn Chí Hiếu, công nhân lái xe ben BKS 79H-049.46 cho hay, từ ngày vào "điểm nóng" khắc phục sạt lở đến nay anh chưa được về nhà thăm gia đình, vợ con. 10 ngày nay, anh cùng hơn 40 công nhân, lái máy khác đều ăn, ngủ tại hiện trường, bám đèo Khánh Lê khắc phục sạt lở, nỗ lực thông tuyến QL27C.

"Mấy ngày đầu lên tuyến, anh em công nhân, lái máy gần như ăn mì tôm ngày 3 bữa, nằm lều, ngủ võng giữa thời tiết mưa lạnh, tắm rửa rất hạn chế bằng nước suối chảy. Điều kiện sinh hoạt thiếu thốn nhưng thấy cảnh người dân chờ chực mong được thông tuyến, qua đèo, anh em động viên nhau làm việc "3 ca, 4 kíp" xuyên ngày đêm, với nỗ lực thông tuyến sớm nhất có thể", anh Hiếu bày tỏ.

Bám đường, xuyên ngày đêm thông huyết mạch giao thông

Trực tiếp chỉ huy công trường thi công khắc phục sạt lở đèo Khánh Lê, ông Nguyễn Minh Thắng, Trưởng phòng Xe máy thiết bị (Công ty CP Quản lý Xây dựng đường bộ Khánh Hòa) cho biết, trước tình huống sạt lở nghiêm trọng với khối lượng đất đá lớn và có tính chất phức tạp, để đảm bảo giao thông, thông tuyến nhanh nhất có thể, có thời điểm nhà thầu huy động hơn 30 đầu máy, thiết bị, bố trí các mũi thi công xuyên ngày đêm 24/24h. Đội ngũ công nhân, lái máy làm việc liên tục "3 ca, 4 kíp" với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm, động viên nhau cùng vượt lên điều kiện thời tiết khắc nghiệt, bám hiện trường, làm việc.

Video: Ông Lê Thuận Đoàn, Giám đốc Công ty CP Quản lý Xây dựng đường bộ Khánh Hòa (nhà thầu thi công) thông tin về công tác khắc phục sạt lở

"Nhiều anh em công nhân, lái máy có bố mẹ già yếu, ốm đau hay các con còn nhỏ, một mình vợ phải cáng đáng, lo toan việc gia đình, nhưng tất cả đều gác lại việc riêng, chung sức, bám công trường làm việc cả ngày lẫn đêm. Tôi thật sự xúc động khi có những công nhân, lái máy luôn có tinh thần làm việc nhiệt huyết như vậy", ông Thắng chia sẻ.

Trực tiếp đến hiện trường khắc phục sạt lở trên tuyến QL27C qua đèo Khánh Lê, thăm lán trại nơi ăn, ở, sinh hoạt của các kỹ sư, công nhân, lái máy, ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Khu Quản lý đường bộ III (Cục Đường bộ Việt Nam) không khỏi xúc động khi chứng kiến không gian, vật dụng hết sức tối giản nếu như không muốn nói là thiếu thốn, tuy nhiên tinh thần làm việc luôn ở mức độ cao nhất.

"Nhiệm vụ khắc phục sạt lở, đảm bảo giao thông có khối lượng công việc lớn. Làm việc dưới áp lực thời gian, thời tiết khắc nghiệt, mưa lạnh, hiểm nguy chờ chực, vì vậy việc đảm bảo sức khỏe, an toàn, tinh thần cho anh em là điều quan trọng nhất. Đơn vị thi công cần tiếp tục quan tâm, động viên, tạo điều kiện ăn ở, sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe, tinh thần tốt nhất cho đội ngũ kỹ sư, công nhân, lái máy ở hiện trường để đáp ứng tiến độ, chất lượng thi công khắc phục sạt lở, đảm bảo giao thông", ông Bình bày tỏ và nhìn nhận, tiến độ khắc phục, đảm bảo giao thông hết sức quan trọng, tuy nhiên công tác thi công phải tuyệt đối đảm bảo an toàn, có phương án, biện pháp phòng ngừa các tình huống phát sinh, nhất là trong điều kiện thời tiết mưa lớn, nguy cơ phát sinh sạt lở vẫn còn tiếp diễn.

Ăn mỳ tôm, ngủ lán trại, bám đèo Khánh Lê khắc phục sạt lở thông tuyến QL27C - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Khu Quản lý đường bộ III (bên phải) đến hiện trường sạt lở thăm hỏi, động viên lực lượng khắc phục, đảm bảo giao thông

Sau gần 9 ngày nỗ lực khắc phục sạt lở, bắt đầu từ 7h00 ngày 24/12, tuyến QL27C qua đèo Khánh Lê chính thức bảo đảm thông xe 2 làn. Hiện nay, thời tiết khu vực vẫn đang diễn biến phức tạp, do đó, để đề phòng nguy cơ tiếp tục sạt lở, gây mất an toàn cho người tham gia giao thông, Khu Quản lý đường bộ III yêu cầu đơn vị chức năng tiếp tục duy trì đóng đường ngăn xe từ 17h00 đến 7h00 sáng hôm sau qua đèo Khánh Lê. Trường hợp có tình huống phát sinh liên quan đến lưu thông, Khu Quản lý đường bộ III sẽ thông báo kịp thời đến các cơ quan có liên quan và người tham gia giao thông.

"Khu Quản lý đường bộ III tiếp tục chỉ đạo đơn vị tích cực, khẩn trương khắc phục các hư hỏng để khôi phục lại tình trạng giao thông bình thường trong thời gian sớm nhất. Trong thời gian đóng đường ngăn xe từ 17h00 đến 7h00 sáng hôm sau qua đèo Khánh Lê, Khu Quản lý đường bộ III đã đề nghị lực lượng CSGT Công an tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Lâm Đồng tiếp tục phối hợp, hỗ trợ điều tiết ngăn xe cho đến khi đủ điều kiện thông xe 24/24h trong ngày" ông Bình cho biết thêm.

Công tác khắc phục sạt lở, đảm bảo giao thông trong tình huống thiên tai, mưa lũ phải chịu áp lực rất lớn, đối mặt với nguy hiểm và ở đó có những con người luôn nỗ lực hết mình, thầm lặng và cống hiến. Bởi vậy, có đến tận nơi, cùng ăn, cùng ở, "kề vai, sát cánh" với đội ngũ kỹ sư, công nhân, lái máy ở tuyến đèo Khánh Lê, chúng tôi mới thật sự thấm thía giá trị câu nói "giao thông đi trước mở đường".

Video: Anh Nguyễn Chí Hiếu, công nhân lái xe ben BKS 79H-049.46 và ông ông Lê Thuận Đoàn, Giám đốc Công ty CP Quản lý Xây dựng đường bộ Khánh Hòa chia sẻ tinh thần làm việc ở công trường