Cần tiếp tục giải ngân khoảng 20.194 tỷ đồng
Tại cuộc họp giao ban tháng 10 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 2 tháng cuối năm của Bộ GTVT vào chiều nay (24/10), ông Lưu Quang Thìn - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Kế hoạch - Đầu tư cho hay, tính đến hết tháng 10/2022, Bộ GTVT dự kiến giải ngân khoảng 30.134 tỷ đồng, đạt 59,9% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao (gồm 2.991/4.877 tỷ đồng vốn ODA, đạt 61,3% và 27.143/45.451 tỷ đồng vốn trong nước, đạt 59,7% kế hoạch).
"Kết quả giải ngân hết tháng 10/2022 vẫn duy trì ở mức cao hơn bình quân chung của các bộ, cơ quan Trung ương và bình quân chung cả nước nhưng chậm so với kế hoạch đã đề ra khoảng 655 tỷ đồng và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (66,1%)", ông Thìn nói.
Bộ Tài chính dự kiến cả nước giải ngân từ đầu năm đến hết tháng 10 khoảng 51,34% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã giao.
Với kết quả giải ngân tới hết tháng 10/2022 như nêu trên, từ nay tới cuối năm Bộ GTVT cần tiếp tục giải ngân khoảng 20.194 tỷ đồng (chiếm 40,1%).
Trong đó tập trung vào nhóm các dự án, gồm: 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 cần giải ngân khoảng 6.504,4 tỷ đồng (chủ yếu cho cho công tác GPMB); 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 cần giải ngân khoảng 3.909,8 tỷ đồng.
Cùng với đó là các dự án ODA cần giải ngân khoảng 2.494 tỷ đồng; các dự án quan trọng, cấp bách cần giải ngân 1.513,9 tỷ đồng; nhóm các dự án giao thông còn lại khoảng 5.470 tỷ đồng.
Nêu cụ thể, Thìn cho biết, cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 lũy kế giải ngân 11.574,9 tỷ đồng/15.484,7 tỷ đồng, đạt 75% kế hoạch năm; còn phải giải ngân 3.909,8 tỷ đồng.
"Đến thời điểm này, công tác giải ngân các dự án đáp ứng tiến độ yêu cầu (đạt 11.574,9 tỷ đồng/10.752,9 tỷ đồng, vượt 7,6% so với kế hoạch). Một số dự án chủ đầu tư cần tập trung chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân", ông Thìn nói.
Đề cập đến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 – 2025, ông Thìn cho biết, lũy kế giải ngân 2.087,4 tỷ đồng/8.591,8 tỷ đồng, đạt 24% kế hoạch năm, còn phải giải ngân 6.504,4 tỷ đồng. Giá trị giải ngân các dự án chủ yếu phục vụ công tác GPMB do các địa phương thực hiện, dự kiến tập trung giải ngân trong 2 tháng cuối năm 2022 và 1 tháng đầu năm 2023.
Công tác giải ngân đáp ứng tiến độ yêu cầu (giải ngân đạt 2.087,4 tỷ đồng/1.792,3 tỷ đồng, vượt 56% so với yêu cầu). Một số dự án chủ đầu tư cần tập trung chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân.
Đối với các dự án ODA, ông Thìn cho biết, lũy kế giải ngân 3.237/5.731tỷ đồng, đạt 56,5% (gồm 2.991/4.877 tỷ đồng vốn nước ngoài, đạt 61,3% và 246/854 tỷ đồng vốn đối ứng, đạt 28,8%), còn phải giải ngân 2.494 tỷ đồng. Một số dự án chủ đầu tư cần tập trung chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân.
Các dự án động lực, quan trọng cấp bách lũy kế giải ngân 2.432,3 tỷ đồng/3.946,2 tỷ đồng, đạt 62% kế hoạch năm. Hiện nay còn phải giải ngân 1.513,9 tỷ đồng.
"Tiến độ giải ngân các dự án chậm so với kế hoạch (giải ngân 2.432,3 tỷ đồng/2.812,4 tỷ đồng, chậm 15% so với yêu cầu). Các chủ đầu tư cần tích cực đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án để hoàn thành kế hoạch được giao", ông Thìn cho biết.
Đối với các dự án giao thông trong nước còn lại, lũy kế giải ngân 10.088/15.558 tỷ đồng, đạt 64,8%, còn phải giải ngân 5.470 tỷ đồng (chủ yếu các dự án mới được giao, bổ sung kế hoạch, đang trong giai đoạn đấu thầu), trong đó số vốn chưa giải ngân tập tập trung ở một số dự án . Một số dự án chủ đầu tư cần đẩy nhanh tiến độ để đảm bảo hoàn thành trong năm 2022.
Phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án trọng điểm
"Thời hạn giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022 theo quy định chỉ còn 3 tháng (tháng 11, 12 và tháng 1/2023), tuy nhiên khối lượng giải ngân kế hoạch còn lại rất lớn 20.194 tỷ đồng (bình quân phải giải ngân khoảng 6.731 tỷ đồng/tháng), trong khi mùa mưa bão đang đến gần, sẽ là thách thức rất lớn để hoàn thành kế hoạch", ông Thìn cho hay.
Để bảo đảm giải ngân hết kế hoạch được Thủ tướng chính phủ giao, Vụ KH&ĐT đề nghị thủ trưởng các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đẩy mạnh giải ngân tại các dự án có kế hoạch còn lại lớn, đặc biệt là tại các dự án trọng điểm, các dự án phải hoàn thành, cơ bản hoàn thành trong năm 2022 như: Cao tốc Bắc - Nam phía Đông; cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; các dự án đường sắt cấp bách; Tân Vạn - Nhơn Trạch; Kết nối Tây Nguyên; Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc; Tuyến tránh QL1A qua Cà Mau; Tuyến tránh phía Đông TP.Buôn Ma Thuột; kết nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình;...
Các cơ quan, đơn vị của Bộ GTVT cũng cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương để đẩy nhanh tiến độ, sớm giải ngân cho các công tác GPMB. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ các dự án đang thực hiện; rà soát, đề xuất nhu cầu điều chỉnh kế hoạch năm 2022 trước ngày 30/10/2022 để Bộ GTVT tổng hợp có Quyết định điều chỉnh kế hoạch trước ngày 15/11/2022.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.