Cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, báo chí luôn là người bạn đồng hành, là công cụ, là vũ khí sắc bén đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, đồng thời là liều thuốc tinh thần để cổ vũ, động viên giúp nhân dân vượt lên gian lao, kiên định con đường độc lập dân tộc, tiến lên CNXH. Những câu chuyện của Người với báo chí cách mạng vẫn luôn là những bài học quý cho muôn thế hệ sau.
Người luôn nhấn mạnh vai trò quan trọng của người làm báo: "Nói đến báo chí trước hết phải nói đến những người làm báo", "Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ", "Tờ báo chỉ là giấy trắng mực đen mà thôi. Nhưng với giấy trắng mực đen ấy, người ta có thể viết những bức tối hậu thư".
"Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng. Đạo đức đó là cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư". Bác cũng yêu cầu cán bộ báo chí phải biết tự phê bình và phê bình. Bác coi đó "là vũ khí cần thiết và sắc bén, giúp cho chúng ta sửa chữa sai lầm và phát triển ưu điểm". Đối với nhà báo cách mạng "viết cũng như mọi việc khác, phải có chí, chớ giấu dốt, nhờ tự phê bình và phê bình mới tiến bộ".
Bác Hồ là tấm gương về tự phê bình, tự nhận lỗi khi báo chí có sai sót. Chuyện kể rằng, bài báo "Cần phải ra sức trồng nhiều hoa màu" với bút danh T.L đã xảy ra sai xót. Sau đó, Bác đã viết "Xin lỗi" đăng trên Báo Nhân Dân (14/3/1962) dưới đầu đề: "Làm thế nào cho lạc thêm vui", đúng ra là một tấn lạc đổi được 1,5 tấn (1 tấn rưỡi) gang. Vì sai sót một dấu phẩy (,) mà viết thành 15 (mười lăm) tấn gang. Đó là một thái độ không nghiêm túc, cẩn thận. T.L. xin thật thà tự phê bình và xin lỗi các bạn đọc".
Chỉ rõ tôn chỉ, mục đích của báo chí cách mạng Việt Nam, Người dạy rằng: "Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ CNXH, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới", suy rộng ra là phục vụ sự nghiệp xây dựng CNXH, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN và đóng góp tích cực cho hòa bình thế giới vì mục tiêu của thời đại là độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Với Bác, hình ảnh đẹp nhất, hồn hậu nhất, gần gũi nhất chính là những người dân lao động chân chất, bình dị.
Vào Tết Mậu Tuất 1958, sau khi được phân công đi theo Bác về thăm bà con nông dân xã Việt Hưng ở ngoại thành Hà Nội và một số nhà máy, trường học, nhà báo Việt Thảo đã kịp thời viết được bài tường thuật khá dài. Anh nhờ đồng chí Phan Mỹ là Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ chuyển Bác xem. Một lát sau, Việt Thảo được Bác gọi vào. Bác cười to: "Chú viết vậy là nhanh và cũng rất văn hoa". Việt Thảo chưa hiểu ý Bác thì Bác nói tiếp: "Chú viết về Bác thì đậm đà. Câu chuyện của đồng chí Bí thư Chi bộ xã Việt Hưng về công việc của bà con nông dân vất vả vượt khó khăn năm nắng mười sương thì chẳng thấy chú viết nhiều. Lần sau nên chú ý điều này nhé!". Bác cầm bút cắt gần một nửa bài viết và sửa thành một tin ngắn gọn rồi cười: "Chắc là tác giả không vui lắm đâu. Chú bằng lòng nhé".
Để đảm bảo tính khách quan, đồng thời tiếp nhận những phản hồi từ độc giả, Người đề nghị các tờ báo nên có mục "Ý kiến bạn đọc", coi ý kiến bạn đọc là những ý kiến đấu tranh. Cái mới đấu tranh với cái cũ, cái tốt đấu tranh với cái không tốt. Người dạy rằng, trong biểu dương phải rút ra được kinh nghiệm có ý nghĩa phổ biến, phê bình phải cụ thể, rõ ràng. Phê bình và tự phê bình là biện pháp tăng cường tính chiến đấu, vì "phê bình và tự phê bình là vũ khí rất cần thiết và rất sắc bén, nó giúp chúng ta sửa chữa sai lầm và phát triển ưu điểm. Vì khéo lợi dụng nó mà Đảng ta và dân ta ngày càng tiến bộ. Đối với báo chí cũng vậy".
Vì vậy mà có chuyện, đầu năm 1968, Thành đoàn Hà Nội tổ chức Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ lần đầu tiên. Ban Chấp hành Thành đoàn gửi tờ trình và một danh sách 15 cháu có thành tích học tập, lao động và làm nhiều việc tốt, đề nghị Bác thưởng huy hiệu. Bác yêu cầu các đồng chí giúp việc kiểm tra lại những cháu nào đã được báo đăng về thành tích học tập, lao động. Kết quả có 8 cháu trong số 15 cháu trong sách danh đã được đăng báo. Bác cho rằng những cháu đã được nêu gương trên báo không có dư luận phản đối, tức là đã được nhiều người thừa nhận. Bác quyết định thưởng huy hiệu cho 8 cháu đó và nêu ý kiến với Thành đoàn Hà Nội tiếp tục đăng thành tích của 7 cháu còn lại để kiểm nghiệm qua dư luận rồi Bác sẽ thưởng huy hiệu vào đợt sau.
Là người am hiểu tinh hoa văn hóa đông tây, kim cổ và sớm tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy rõ sức mạnh to lớn, diệu kỳ của báo chí trong sự nghiệp cách mạng, trong đời sống xã hội và trong việc nâng cao dân đức, dân trí. Đặc biệt, từ thực tiễn hoạt động sinh động của cách mạng Việt Nam, Bác coi báo chí là một thứ vũ khí cách mạng sắc bén và đã sử dụng báo chí một cách tài tình để tuyên truyền cách mạng, để vận động nhân dân tham gia sự nghiệp cách mạng. Vì vậy, từng câu chữ, hình ảnh đều phải được đặt trong bối cảnh cụ thể sao cho đạt hiệu quả tuyên truyền, cổ động và khích lệ một cách cao nhất.
Đó là câu chuyện ngày 18/11/1965 khi đoàn đại biểu anh hùng và chiến sĩ thi đua đầu tiên của các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc đến chào Bác. Nhân dịp này, nhà báo Hồng Lân được đồng chí Lê Quang Đạo - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị tạo điều kiện để anh được "lọt" vào vườn hoa Phủ Chủ tịch trong vai "phụ quay phim" vì Bác chỉ đồng ý hai đồng chí quay phim Quân đội vào quay một số hình ảnh để làm kỷ niệm. Nhờ vậy, đồng chí Hồng Lân đã được viết bài tường thuật để khi có dịp sẽ xin phép Bác cho tuyên truyền trên Đài phát thanh và báo chí.
Khi duyệt bài viết của Hồng Lân, từ đồng chí Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đến đồng chí Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương đều tâm đắc và thống nhất để nguyên, dặn tác giả mang đến nhờ đồng chí Vũ Kỳ xin ý kiến của Bác. Sau một ngày chờ đợi, đồng chí Hồng Lân vui mừng khi được tin vui: Bác đồng ý cho đăng báo và đọc trên đài. Bác chỉ tỉa bớt một đôi chỗ, trong đó có tình tiết về những giọt nước mắt lăn trên má Bác. Qua đồng chí Vũ Kỳ, đồng chí Hồng Lân - tác giả bài viết được biết Bác nói đại ý: Đồng chí nhà báo viết đúng tình cảm của Bác, nhưng lúc này, đồng bào chiến sĩ miền Nam đang chiến đấu đương đầu với giặc mà lại nói, lại tả việc Bác khóc là không có lợi.
Những lời dạy, bài báo của Người bao giờ cũng có giá trị lý luận và thực tiễn cao; vừa nhuần nhị, đậm đà tính dân tộc, vừa giàu tính hiện đại; vừa mang tính chiến đấu, vừa có sức cảm hóa, thuyết phục mạnh mẽ đối với người đọc, người nghe... Đó chính là phong cách của Hồ Chí Minh.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.