Khái niệm chung về tịnh không đứng
Theo kết quả nghiên cứu đã được công bố và được Hiệp hội Đường bộ thế giới (PIARC), Tổng cục ĐBVN, Hội KHKT Cầu đường Việt Nam (thành viên của PIARC) đưa vào từ điển thuật ngữ [1] 20 thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt, thì Tịnh không đứng trên đường bộ (Vertical Clearance, còn được gọi là chiều cao xây dựng - Construction headroom) là chiều cao tính từ đỉnh mặt đường đến mặt dưới của cầu vượt bao gồm chiều cao thông thủy tối thiểu (Minimum headroom) cộng với khoảng trống phù hợp bù thêm theo phương thẳng đứng nhằm xét đến sai số thi công và dự phòng.
Chiều cao thông thủy tối thiểu gồm chiều cao cho phép của phương tiện vận tải đường bộ ở trạng thái đứng yên cộng với độ nẩy động học theo chiều thẳng đứng của phương tiện khi chạy trên đường.
Qui định về tịnh không đứng của một số nước
Từ bản chất của tịnh không đứng như đã trình bày, các nước trên thế giới đã đưa ra các yêu cầu về tịnh không đứng trên hệ thống đường bộ như sau:
* Mỹ, Canada và Mehico:
Theo tài liệu "Federal Size Regulations for Commercial Motor Vehicles" [2] được công bố bởi U.S. Department of Transportation, Federal Highway Administration vào năm 2004 thì hầu hết các giới hạn chiều cao nằm trong khoảng từ 13 feet, 6 inch (4,11 m) đến 14 feet (4,27 m)". Còn theo trang Info@Mexicomlogistics.com thì: "Trên khắp các tỉnh của Canada, giới hạn chiều cao xe là 4,15 m" và "ở Mexico: Chiều cao tối đa được phép cho tất cả các loại xe là 4,25 m (13,94 ft)" [3].
Theo Order 1321.1C FHWA Directives Management - Qui định quản lý của Cục Đường bộ Liên bang Mỹ (FHWA) quy định về Vertical Clearance [4] thì "Các tiêu chuẩn cụ thể về tịnh không đứng được áp dụng cho hệ thống cao tốc liên bang duy trì tính toàn vẹn của nó cho các mục đích quốc phòng. Trên các tuyến đường cao tốc liên bang, chiều cao thông thủy của các công trình không được nhỏ hơn 16 feet (4,9 m) trên toàn bộ chiều rộng lòng đường, bao gồm cả chiều rộng có thể sử dụng của vai đường. Ở các khu vực đô thị, tịnh không đứng 16 feet (4,9 m) sẽ áp dụng cho ít nhất một tuyến cao tốc. Trên các tuyến cao tốc đô thị liên bang khác, chiều cao thông thủy không được nhỏ hơn 14 feet (4,3 m)". Ngoài ra, tịnh không đối với giàn biển báo và cầu vượt dành cho người đi bộ là 17 feet (5,1 m).
* Đức:
Điều 32 của StVZO [5] được sửa đổi lần cuối năm 2021 về "Kích thước của phương tiện và tổ hợp phương tiện" quy định rằng, chiều cao tất cả các phương tiện cơ giới cũng như các tổ hợp phương tiện và xe kéo (bao gồm bất kỳ phương tiện vận chuyển có thể hoán đổi cho nhau được chở cùng) không được vượt quá 4 m. Theo RAA - Quy chuẩn xây dựng đường cao tốc [6] thì tịnh không đứng trên đường cao tốc (Autobahn) bao gồm tổng của các đại lượng: chiều cao tối đa được phép của xe (4 m); không gian phía trên xét đến độ nẩy động học theo phương thẳng đứng khi xe vận hành (oberer Bewegungsspielraum - 0,25 m) và không gian phía trên dự phòng cho mọi trường hợp bất lợi (oberer Sicherheitsraum - 0,45 m). Như vậy, tịnh không đứng trên đương cao tốc Autobahn của Đức là 4,7 m, còn trên đường ô tô không phải cao tốc tùy theo cấp đường là 4,2 - 4,5 m (Hình 2).
* Pháp:
Chiều cao cho phép tối đa kể cả hàng hóa cũng là 4 m. Theo điều R.131 của Quy chuẩn đường ô tô (Code de la voirie routiere) [7] qui định khi xây dựng cầu vượt qua đường ô tô phải đảm bảo chiều cao thông thủy tối thiểu là 4,3 m ở phía dưới cho toàn bộ phạm vi bề rộng của đường.
Quy định về chiều cao tối đa được phép của xe tải của các nước châu Âu được thể hiện ở bảng dưới đây:
Chiều cao và chiều rộng tối đa được phép của xe tải ở châu Âu (m)
Country | Height | Width |
Albania | 4 | 2.55 (1) |
Armenia | 4 | 2.55 |
Austria | 4 | 2.55 (1) |
Azerbaijan | 4 | 2.55 (1) |
Belarus | 4 | 2.55 (1) |
Belgium (2) | 4 | 2.55 (1) |
Bosnia-Herzegovina | 4 | 2.55 (1) |
Bulgaria | 4 | 2.55 |
Croatia | 4 | 2.55 (1) |
Czech Republic | 4 | 2.55 (1) |
Denmark | 4 | 2.55 (1) |
Estonia | 4 | 2.55 (1) |
Finland (5) | 4.40 | 2.60 (6) |
France | 4 | 2.55 (1) |
Georgia | 4 (8) | 2.55 (1) |
Germany | 4 | 2.55 (1) |
Greece | 4 | 2.55 |
Hungary | 4 | 2.55 (1,11) |
Ireland | 4.65 (14) | 2.55 (1) |
Italy (16) | 4 | 2.55 (1) |
Latvia | 4 | 2.55 (1) |
Liechtenstein | 4 | 2.55 (1) |
Lithuania | 4 | 2.55 (1) |
Luxembourg | 4 | 2.55 (1) |
Malta | 4 | 2.55 (1) |
Moldova | 4 (17) | 2.55 (1) |
Montenegro | 4 | 2.55 (1) |
Netherlands (2) | 4 | 2.55 (1) |
North Macedonia | 4 (16a) | 2.55 (1) |
Norway (20) | not defined | 2.55 (1) |
Poland | 4 | 2.55 (1) |
Portugal (2,16) | 4 (24,25,26) | 2.55 (1) |
Romania | 4 | 2.55 (1) |
Russia | 4 | 2.55 (1) |
Serbia | 4 | 2.55 (1,29) |
Slovakia | 4 | 2.55 (1) |
Slovenia | 4.20 | 2.55 (1) |
Spain | 4 (32) | 2.55 (1) |
Sweden | not defined | 2.60 |
Switzerland | 4 | 2.55 (1) |
Turkey | 4 | 2.55 (1) |
Ukraine | 4 (17) | 2.60 |
United Kingdom | not defined | 2.55 (1) |
* Trung Quốc và Nhật Bản:
Mục 6.1.1 của Khoản 6.1 Điều 6 của Qui phạm thông số kỹ thuật quản lý đường ô tô (Trung Quốc) [8] qui định "Xe vi phạm một trong các tiêu chuẩn hạn chế sau đây là xe vận tải quá giới hạn: Tổng chiều cao của xe và hàng vượt quá 4 m tính từ mặt đất". Quy chuẩn đường ô tô của Nhật Bản quy định chiều cao cho phép tối đa của xe kể cả hàng hóa là 3,8 m và tịnh không cầu vượt qua đường ô tô kể cả cao tốc tối thiểu là 4,5 m [9] (Hình 3).
* Việt Nam:
Khoản 8 Điều 3 của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và sửa đổi năm 2018 [10] đều quy định: "Khổ giới hạn của đường bộ là khoảng trống có kích thước giới hạn về chiều cao, chiều rộng của đường, cầu, bến phà, hầm đường bộ để các xe kể cả hàng hóa xếp trên xe đi qua được an toàn".
Khoản 6 Điều 55 "Bảo đảm quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ" quy định: "Bộ trưởng Bộ GTVT quy định điều kiện, tiêu chuẩn và cấp giấy phép cho cơ sở đăng kiểm xe cơ giới; quy định và tổ chức thực hiện kiểm định xe cơ giới".
Thực thi Khoản 6 Điều 55 của Luật Giao thông đường bộ, Bộ GTVT đã ban hành Quy chuẩn QCVN 09:2015[11] trong đó tại mục 2.1.1. Các thông số kỹ thuật cơ bản đã quy định: a) Kích thước giới hạn cho phép của xe: Chiều cao không lớn hơn 4,2 m đối với xe khách hai tầng và không lớn hơn 4,0 m đối với các loại xe khác.
Như vậy, chiểu theo Khoản 8 Điều 3 của Luật Giao thông đường bộ thì "khoảng trống có kích thước giới hạn về chiều cao" của đường để cho "các xe kể cả hàng hóa xếp trên xe đi qua được an toàn" hay là chiều cao thông thủy tối thiểu (Minimum headroom) sẽ là:
Chiều cao giới hạn của xe (4,00 m) hoặc (4,2 m) + độ nẩy động học theo phương đứng khi xe chạy (0,25 m) = 4,25 m hoặc 4,45 m.
Như vậy, tịnh không đứng trên đường ô tô theo các quy định trước đây là 4,5 m cho mọi cấp đường trong Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 4054:1985 "Đường ô tô, Tiêu chuẩn thiêt kế - High ways - Design standard" [12]; Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 4054:1998 "Đường ô tô - Yêu cầu thiết kế/Highway - Specifications for design" [13]; Khoản 1, Điều 11 "Giới hạn hành lang bảo vệ phía trên không" của Nghị định số 172/1999 [14] là có cơ sở khoa học, đảm bảo được hiệu quả kinh tế kỹ thuật trong đầu tư xây dựng mới, trong cải tạo, nâng cấp, sửa chữa các công trình xây dựng cầu đường và đảm bảo "để các xe kể cả hàng hóa xếp trên xe đi qua được an toàn" theo luật định.
Điều 12 và Điều 17 của Thông tư số 07/2010/TT-BGTVT [15] quy định "Xe có trọng tải thiết kế từ 5 tấn trở lên: chiều cao xếp hàng cho phép nhỏ hơn hoặc bằng 4,2 m; xe ô tô chuyên dùng chở container: a) Chiều cao xếp hàng cho phép nhỏ hơn hoặc bằng 4,35 m: Áp dụng đến hết ngày 31/12/2010; b) Chiều cao xếp hàng cho phép nhỏ hơn hoặc bằng 4,2 m: Áp dụng từ ngày 01/01/2011". Với những quy định này thì xe khách 2 tầng và xe xếp hàng có chiều cao tối đa là 4,2 m vẫn "đi qua được an toàn" vì phía trên còn có 0,3 m khoảng không dự phòng xét đến độ nẩy và không gian dự trữ.
Thực tế vận tải trên mạng đường bộ nước ta từ năm 2004 trở về trước cũng như đến nay với tịnh không cầu vượt 4,5 m đã chứng tỏ hiệu quả kinh tế kỹ thuật của các qui định này (trừ hai trường hợp hi hữu từng xảy ra vào năm 2009 đối với cầu vượt đoạn km377 trên QL1A thuộc địa phận xã Mai Lâm, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa [16] và cầu vượt ở Cát Lái [17]. Các cây cầu này đã được yêu cầu "nạo" bớt đường để xe chở hàng vi phạm các qui định của luật pháp có chiều cao lớn hơn 4,5 m được đi qua (Hình 4 và 5).
Những bất cập kể từ năm 2004
Đồng thời với sự tồn tại của các văn bản pháp quy kỹ thuật có hiệu lực như các tiêu chuẩn quốc gia, các quy chuẩn quốc gia và Thông tư số 07/2010 nêu trên, năm 2004, Bộ GTVT đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 186/2004 [18] và Nghị định số 11/2010 [19], trong đó Khoản 1 Điều 19 của Nghị định số 186/2004 qui định chiều cao của khoảng không trên đường là: "Đối với đường là 4,75 m (bốn mét bảy lăm) tính từ tim mặt đường trở lên theo phương thẳng đứng" và Khoản 1 Điều 21 của Nghị định 11/2010 qui định: "Đối với đường là 4,75 m tính từ điểm cao nhất của mặt đường trở lên theo phương thẳng đứng. Đối với đường cao tốc theo tiêu chuẩn quốc gia" (Nghị định 11/2010 ban hành sau khi đã có Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, mà theo Luật này thì tiêu chuẩn quốc gia chỉ là một văn bản kỹ thuật được công bố để khuyến khích áp dụng, thì sao lại có thể trong một văn bản quy phạm pháp luật là Nghị định lại quy định lấy theo một văn bản kỹ thuật? Trước đây cũng đã từng xảy ra đối với đường sắt, xin được đề cập ở phần sau).
Chính từ các "Qui định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ" của Nghị định 186/2004 nên trong TCVN 4054: 2005 "Đường ô tô - Yêu cầu thiết kế/Highway - Specifications for design" [20] do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành năm 2005 (trước khi có Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật 2006, TCVN được coi là văn bản pháp quy kỹ thuật bắt buộc phải tuân thủ) mặc dù vẫn quy định xe thiết kế có chiều cao tối đa là 4 m nhưng tịnh không đứng đối với đường cấp III trở lên là 4,75 m. Không những thế, trước đây, TCVN5729:1997 "Đường ô tô cao tốc - Yêu cầu thiết kế/Freeway and Expressway - Specifcation for design" [21] quy định giới hạn tĩnh không phía trên đường cao tốc H = 4,75 m thì năm 2012, TCVN 5729: 2012 do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố [22] lại là "H = 5,0 m là chiều cao giới hạn tĩnh không kể từ điểm cao nhất trên bề mặt phần xe chạy" dù xe thiết kế vẫn có chiều cao giới hạn là 4 m.
Phải chăng có sự khác biệt giữa "Khổ giới hạn của đường bộ… để các xe kể cả hàng hóa xếp trên xe đi qua được an toàn" theo qui định của Luật Giao thông đường bộ với "chiều cao của khoảng không trên đường để bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ" theo qui định của các Nghị định 186/2004 và Nghị định 11/2010? Dù có sự khác biệt đó thì tịnh không của cầu vượt trên các tuyến quốc lộ, các trục đường đô thị chính, đường cao tốc phải tuân theo các quy định về khổ giới hạn của Luật Giao thông đường bộ chứ sao lại phải nâng thêm 0,25 m mà không cần biết tại sao. Lời tuyên bố của một cựu quan chức của Bộ GTVT với truyền thông vào năm 2009 rằng "Độ cao cầu trên quốc lộ dưới 4,75 m là sai" [17] là đã căn cứ vào đâu? Nếu vậy thì hóa ra các nước phát triển như Đức, Pháp, Nhật, kể cả Mỹ… đều sai hết hay sao?
Đã từng có chuyện lấy nội dung của văn bản kỹ thuật để biến thành quy định của quy phạm pháp luật gây ra những rắc rối trong công tác quản lý nhà nước về kỹ thuật. Câu chuyện xảy ra sau khi QL5 nâng cấp đưa vào khai thác năm 1998. Để nâng cao năng lực vận tải của tuyến đường này, một loạt cầu vượt cho người đi bộ và xe thô sơ được thiết kế, xây dựng. GS. Nguyễn Phúc Trí - nguyên Viện trưởng Viện Thiết kế GTVT trực tiếp chủ trì thiết kế các cây cầu này. Vướng mắc lớn nhất chính là Điều 17 của Nghị định 39-CP/1996 [23] về bảo đảm trật tự, ATGT đường sắt qui định "Phạm vi giới hạn bảo đảm an toàn của nền đường sắt là 5 m kể từ chân nền đường đối với nền đường đắp hay kể từ mép đỉnh đối với nền đường đào hoặc là 3 m kể từ chân rãnh dọc hay chân rãnh đỉnh của đường…".
Nền đường sắt Hà Nội - Hải Phòng chủ yếu là nền đường đắp. Nếu tuân thủ qui định này thì mép của các trụ cầu vượt phải cách "5 m kể từ chân nền đường" và do đó, yêu cầu khẩu độ của cầu vượt sẽ phải tăng lên gần chục mét. Mọi người đều thấy vô lý vì nếu như vậy thì tại sao lại cho phép tàu có thể chạy qua các hầm đường sắt được. Khi đó, một lãnh đạo Bộ đã giao cho tôi tìm cách xử lý. Đọc đi đọc lại Điều 17 này, tôi vẫn không trả lời được cái trị số 5 m, kể cả trị số 3 m là căn cứ vào đâu hay lấy từ đâu bởi vì những người soạn thảo Nghị định không thể nghiên cứu thực nghiệm hay lý thuyết gì đó để tìm ra nó mà phải căn cứ vào kết quả nghiên cứu của nước ngoài. Cuối cùng, tôi tìm đươc 1 khuyến cáo y chang trong Tiêu chuẩn thiết kế đường sắt khổ 1435 (TCVN 4117:1985) [24] được biên dịch từ Tiêu chuẩn cùng tên của Liên Xô, được thể hiện ở phần nền đường, mục 4.8.3 về chiều rộng chiếm đất "…Khoảng cách tính từ chân nền đường (đối với nền đường đắp) hay từ mép đỉnh mái dốc (đối với nền đường đào) tới giới hạn chiếm đất là 5,0 m, hoặc từ mép ngoài rãnh dọc hay mép ngoài rãnh đỉnh tới giới hạn chiếm đất là 3,0 m…".
Khuyến cáo phạm vi chiếm đất của nền đường trong tiêu chuẩn thiết kế đã được lấy y nguyên để qui định đối với "Phạm vi giới hạn bảo đảm an toàn của nền đường sắt" trong Nghị định 39-CP. Tôi đã báo cáo trực tiếp vấn đề này cho vị lãnh đạo Bộ và vướng mắc đã được giải quyết.
Xin được cung cấp thêm là năm 2003, để vượt đường sắt Bắc - Nam ở khu vực cầu Cửa Tiền khi xây dựng tuyến tránh Vinh, tư vấn dự án cho biết chỉ cần nâng tịnh không cầu vượt thêm 0,1 m theo yêu cầu của Tổng công ty Đường Sắt Việt Nam thì giá thành cầu vượt này sẽ tăng thêm 10 tỷ đồng (các yêu cầu của Tổng công ty ĐSVN về tịnh không các cầu đường bộ vượt qua đường sắt hồi đó cũng rất duy ý chí, về sau mới được chúng tôi giải quyết thỏa đáng, xin được kể trong một bài viết khác).
Kiến nghị
- Cần xem xét lại quy định tịnh không trên đường ô tô từ cấp III trở lên trong TCVN 4054:2005 là 4,75 m, trong TCVN 5729:2012 là 5,00 m và các quy định liên quan trong Nghị định 186/2004 và Nghị định 11/2010 "Quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ" cũng như nội dung trả lời báo chí của 1 quan chức ở Bộ GTVT đã dẫn ở trên yêu cầu "chiều cao của khoảng không trên đường để bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ" hay "độ cao cầu" trên toàn bộ các quốc lộ từ cấp I đến cấp VI đồng bằng cũng như miền núi tối thiểu phải là 4,75 m.
Nếu phải tuân thủ các qui định này để nâng cấp toàn bộ các cầu vượt trên mạng đường bộ, kể cả đường cao tốc được xây dựng trước đây và xây mới các cầu vượt trong các dự án cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các tuyến quốc lộ và cao tốc hiện nay thì sẽ phải tiêu tốn một lượng kinh phí khổng lồ chỉ vì những phương tiện cố tình vi phạm các qui định về kích thước giới hạn như đã trình bày ở trên.
Các cầu vượt trên mạng đường bộ nước ta đến nay có tịnh không 4,5 m đối với quốc lộ và 4,75 m đối với cao tốc đang rất tốt và đảm bảo an toàn trong khai thác. Nếu chúng phải được nâng thêm 0,25 m nữa thì sẽ phải xử lý chúng như thế nào? Phá đi xây mới? Cải tạo nâng chiều cao? Nguồn kinh phí lấy từ đâu? Lãng phí này ai chịu trách nhiệm? Không thể chạy theo những kiến nghị phi kinh tế kỹ thuật của các doanh nghiệp như thế được.
- Nếu các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan trước năm 2004 không sai nhưng vì các tiêu chuẩn TCVN 4054: 2005 và TCVN 5729: 2012 đã được lựa chọn đưa vào Khung tiêu chuẩn của các dự án xây dựng đường ô tô và đường cao tốc hiện nay thì Bộ GTVT cần ban hành một Quyết định về tịnh không đứng trên hệ thống quốc lộ và trên các tuyến ô tô cao tốc với nội dung căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đã được ban hành trước năm 2004 để các cơ quan chức năng liên quan thực hiện.
- Cần đề xuất và phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu sửa đổi các quy định cứng nhắc và không hợp lý về kinh tế, an toàn và kỹ thuật liên quan đến tịnh không đứng trong các tiêu chuẩn TCVN 4054: 2005 và TCVN 5729: 2012.
Tài liệu đã dẫn
[1]. Glossary, PIARC Road Dictionary (Theme1 5), World Road Association 2015.
[2]. U.S. Department of Transportation, Federal Highway Administration ((2004), Federal Size Regulations for Commercial Motor Vehicles.
[3]. Info@Mexicomlogistics.com.
[4]. Order 1321.1C FHWA Directives Management - Clearance.
[5]. Straßenverkehrs-Zulassungs-Ordnung (StVZO) (2012), Bundesministeriums der Justiz.
[6]. RAA - Richtlinien für die Anlage von Autobahnen Ausgabe: 2008.
[7]. Accord de Legifrance, Code de la voirie routiere Edition: 2022.
[8]. TG. 中华人民共和国行业标准. JTG DXXX-2020, 公路路政管理技术规范
[9]. 内閣は道路法 (昭和27年法律第180号) 第30条第1項及び第2項の規定に基づき、この政令を制定する。
[10]. Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và sửa đổi năm 2018.
[11]. QCVN 09:2015/BGTVT Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô.
[12]. TCVN 4054:1985: "Đường ô tô, tiêu chuẩn thiêt kế - High ways - Design standard".
[13]. TCVN 4054:1998: "Đường ô t.ô - Yêu cầu thiết kế/Highway - Specifications for design".
[14]. Nghị định số 172/1999/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Bảo vệ công trình giao thông đối với công trình giao thông đường bộ.
[15]. Thông tư số 07/2010/TT-BGTVT của Bộ GTVT Quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn.
[16]. Báo Tuổi trẻ (23/04/2009), Cầu vượt xây thấp, phải "nạo" nền đường!
[17]. Plo.vn (02/11/2009), Nghịch lý: Xe không chui lọt qua gầm cầu vượt.
[18]. Nghị định 186/2004/NĐ-CP Quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
[19]. Nghị định số 11/2010/NĐ-CP của Chính phủ Quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
[20]. TCVN 4054:2005: "Đường ô tô - Yêu cầu thiết kế/Highway - Specifications for design".
[21]. TCVN5729:1997: "Đường ôtô cao tốc - Yêu cầu thiết kế/Freeway and Expressway - Specifcation for design".
[22]. TCVN5729:2012: "Đường ôtô cao tốc - Yêu cầu thiết kế/Freeway and Expressway - Specifcation for design".
[23]. Nghị định 39/CP của Chính phủ về bảo đảm trật tư an toàn giao thông đường sắt.
[24]. TCVN 4117:1985 về đường sắt khổ 1.435 mm - Tiêu chuẩn thiết kế.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.