“Bến xe điện tử” - Giải pháp chuyển đổi số bến xe truyền thống

Tác giả: Hoàng Long

saosaosaosaosao
Sản phẩm 16/11/2022 11:22

Nhiều bến xe, nhà xe kinh doanh vận tải hành khách cố định đang lâm vào tình cảnh hành khách giảm sút, khách không vào bến trong khi nhu cầu đi lại của người dân luôn ở mức cao...


“Bến xe điện tử” - Giải pháp chuyển đổi số bến xe truyền thống - Ảnh 1.

Hành khách dễ dàng thao tác đặt vé online qua ứng dụng "Bến xe điện tử"

Ứng dụng công nghệ số trong quản lý điều hành

Đại dịch Covid-19 đã "quật ngã" nhiều doanh nghiệp, nhiều đơn vị phải dừng hoạt động, nặng hơn là phá sản hoặc đứng bên bờ vực phá sản. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp cũng không ngoại lệ, đặc biệt là những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải và du lịch khi xã hội bị giãn cách, mọi hoạt động vận tải khách hầu như bị đình trệ...

Khái niệm "Bến xe điện tử" thời gian qua không còn xa lạ với giới quản lý và vận tải. An Vui - Công ty công nghệ có thời gian hơn 7 năm gắn bó với ngành vận tải, tự hào là đơn vị cung cấp dịch vụ này. Giải pháp "Bến xe điện tử" nhằm hỗ trợ các bến xe truyền thống quản lý triệt để các hoạt động hỗ trợ nhà xe bán vé ủy thác, cải thiện trải nghiệm của hành khách khi ra bến xe mua vé, đồng thời giúp các doanh nghiệp vận tải đang hoạt động tại bến xe nâng cao doanh thu bán vé nhờ mở rộng kênh bán.

Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Phan Bá Mạnh - CEO An Vui cho biết, với việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào quản lý điều hành vận tải không phải là mới mẻ, nhưng chúng ta cần thay đổi suy nghĩ từ người làm chính sách, quản lý cho đến vận tải. Thực hiện tốt giải pháp này giúp chúng ta giải quyết được cả việc bến xe vắng khách, xe bỏ bến.

Theo ông Mạnh, bến xe phải là nơi giúp nhà xe có thêm khách hàng thay vì chỉ tập trung vào việc thu tiền phí vào bến. Do đó, các bến xe cần có giải pháp để hình thành một phiên bản "Bến xe điện tử" trên không gian mạng. Điều này giúp cho hành khách không phải ra bến xếp hàng mua vé mà có thể tải App của bến xe hoặc vào website "Bến xe điện tử" để mua vé của tất cả nhà xe đang hoạt động tại bến. Việc này giúp giảm tải áp lực giao thông của bến vào những ngày cao điểm, đồng thời giúp tiết kiệm thời gian cho hành khách khi xếp hàng mua vé. Quan trọng hơn, bến xe sẽ trở thành nơi thu hút hành khách, tăng tính trải nghiệm của hành khách, từ đó giúp cho các doanh nghiệp vận tải đang hoạt động tại bến nâng cao hiệu quả kinh doanh và có thêm khách hàng. Khi bến xe tạo thuận lợi cho nhà xe tăng doanh thu, xây dựng thương hiệu và hỗ trợ trong hoạt động ủy thác bán vé thì doanh nghiệp vận tải sẽ tự xin vào bến.

“Bến xe điện tử” - Giải pháp chuyển đổi số bến xe truyền thống - Ảnh 2.

Hành khách nhận vé điện tử, ra xe chờ giờ xuất bến

 Hiệu quả từ chuyển đổi số

Chuyển đổi số cho bến xe đang trở thành xu thế cấp bách cho các nhà xe, bến xe để cải thiện hình ảnh và tính hiệu quả. Ông Nguyễn Thanh Tùng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thiên Thảo Nguyên (đơn vị vận tải hành khách lữ hành) thông tin: "Chúng tôi ứng dụng công nghệ quản lý từ hệ thống bán vé điện tử, hóa đơn, quản lý điều hành toàn bộ hệ thống từ năm 2017 với sự giúp đỡ từ An Vui. Hệ thống điều hành, quản lý của chúng tôi cho đến nay đã hoàn thiện và đi vào vận hành tốt. Trong thời gian dịch Covid vừa qua, chúng tôi phải "ngủ đông" như bao doanh nghiệp khác, nhưng khi tình hình bình thường trở lại chúng tôi đã hoạt động trên 200% công suất. Vào cuối tháng 6 vừa rồi, vé bán online của chúng tôi đã phủ kín cho đến tháng 6/2023. Có được điều này là nhờ chúng tôi đã vận hành hệ thống bán vé điện tử từ mấy năm nay. Thành quả là khách hàng đặt vé theo ngày giờ và tiến hành thanh toán online. Sau đó, hệ thống xuất vé sẽ báo về điện thoại, email... cho hành khách, đồng thời báo ngược về tài khoản của công ty. Đây chính là điểm khác biệt của Thiên Thảo Nguyên với các doanh nghiệp vận tải lữ hành khác".

Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Nguyễn Minh Tiến - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bến xe Miền Tây cho biết, chúng tôi đã sử dụng phần mềm "Bến xe điện tử" do Công ty Cổ phần Công nghệ An Vui cung cấp. Đến nay, đã có gần 100 đơn vị trên 131 nhà xe thực hiện bán vé điện tử. Hành khách chỉ cần điền thông tin đầy đủ điểm đi, điểm đến và lựa chọn nhà xe, thời gian xuất bến. Sau 1 phút 30 giây, với tấm vé điện tử cùng mã QR Code, hành khách có thể ra xe đợi giờ xuất bến. Đây là bước cải tiến rất lớn trong điều hành quản lý của bến xe.

Cũng theo ông Phan Bá Mạnh, thị trường vận tải hành khách tại Việt Nam, đặc biệt là vận tải hành khách đường dài đang vận hành khá thủ công. Các chủ doanh nghiệp vận tải hành khách thường trưởng thành từ thực tế công việc, do đó hầu hết đều vận hành theo kinh nghiệm. Chính vì vậy, từ việc đầu tư phương tiện cho đến điều hành khai thác không đạt được kết quả cao, từ đó dẫn đến hành khách khi đi xe đường dài phải chịu chi phí cao mà chất lượng dịch vụ lại không đồng đều... Với lợi thế là một Startup công nghệ trong nước, nắm bắt được văn hóa tiêu dùng và hiểu rõ bản chất của thị trường vận tải nên An Vui đã nhanh chóng có được sự tin tưởng của những doanh nghiệp vận tải có quy mô lớn mong muốn chuyển đổi, ứng dụng công nghệ vào điều hành chuyên nghiệp như: Interbuslines, Kumho Samco, Sơn Tùng, Hà Hải, Kbus...