Bộ GTVT tăng cường nhiều giải pháp nâng cao chất lượng công tác đào tạo, cấp GPLX

Tác giả: Thanh Huyền

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 06/06/2023 13:51

Bộ GTVT vừa có báo cáo gửi các Đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, trong đó nêu bật việc tăng cường các giải pháp quản lý công tác đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi giấy phép điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy.


Bộ GTVT đẩy mạnh các giải pháp quản lý giấy phép điều khiển phương tiện - Ảnh 1.

Học viên thực hành kỹ năng lái xe tại Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe Minh Long, tỉnh Lạng Sơn

Phân cấp mạnh mẽ cho địa phương

Đối với lĩnh vực đường bộ, theo đánh giá của Bộ GTVT, những năm gần đây, công tác quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) đã được Bộ GTVT phân cấp tương đối triệt để cho địa phương.

Đồng thời thực hiện mạnh mẽ xã hội hóa các cơ sở, đào tạo sát hạch lái xe, cơ bản, đáp ứng nhu cầu học và sát hạch lái xe của xã hội. Bộ GTVT cũng thường xuyên, liên tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX gắn với tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; trong đó tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, ứng dụng công nghệ thông tin; triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trong công tác cấp đổi giấy phép lái xe trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Theo Bộ GTVT, về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, Bộ GTVT đã tập trung xây dựng và thường xuyên rà soát, cập nhật, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật.

Đến nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công tác này được ban hành với nhiều quy định rõ ràng, đầy đủ tại 3 Luật (Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Luật Đầu tư, Luật Giáo dục nghề nghiệp), 3 Nghị định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe, 4 Thông tư quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ 3 Quy chuẩn và cũng đã phối hợp các Bộ Công an, Quốc phòng, Tài chính, Y tế ban hành các Thông tư liên tịch; các quy trình quản lý trong đào tạo, sát hạch cấp GPLX đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX.

Bộ GTVT đẩy mạnh các giải pháp quản lý giấy phép điều khiển phương tiện - Ảnh 2.

Thiết bị DAT gắn trên xe tập lái

Về hệ thống cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch, hiện nay, cả nước có 371 cơ sở đào tạo lái xe ô tô phân bố ở 63 tỉnh, thành phố; 154 trung tâm sát hạch lái xe ô tô, phân bố tại 57 tỉnh, thành phố, hiện còn 6 tỉnh chưa có trung tâm sát hạch gồm: Lai Châu, Tiền Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu, Bắc Kạn và Vĩnh Long.

Theo báo cáo của các Sở GTVT, đến ngày 28/2/2023, cả nước có 40.682 xe ô tô tập lái, 48.419 giáo viên dạy thực hành, 3.893 giáo viên dạy lý thuyết, 2.361 giáo viên vừa dạy lý thuyết và dạy thực hành.

Thông tin về kết quả cụ thể về công tác quản lý cấp, đổi GPLX, Bộ GTVT cho biết, năm 2022 cả nước cấp 845.323 GPLX ô tô và 927.095 GPLX mô tô. Đến nay, cả nước đã cấp 12.235.597 GPLX ô tô và 51.045.668 GPLX mô tô.

Hiện nay, GPLX Quốc gia được cấp, đổi theo 3 hình thức: người dân đến làm thủ tục trực tiếp hoặc đăng ký sử dụng dịch vụ công mức độ 3 hoặc sử dụng dịch vụ công mức độ 4 đổi giấy phép lái xe quốc gia qua Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Cùng với đó, GPLX quốc tế đã áp dụng dịch vụ công mức độ 4 trong việc cấp GPLX quốc tế. Đến nay, cả nước đã cấp 38.931 GPLX Quốc tế, trong đó có 5.711 hồ sơ theo hình thức trực tiếp và 33.220 hồ sơ thực hiện qua cổng dịch vụ công Quốc gia.

Hiện nay, dữ liệu GPLX đã được tích hợp vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Cục Đường bộ Việt Nam đã phối hợp với Cục CSGT trong việc tra cứu, quản lý vi phạm của người lái xe.

Bộ GTVT đẩy mạnh các giải pháp quản lý giấy phép điều khiển phương tiện - Ảnh 3.

Thực hành lái xe qua cabin tập lái

4 giải pháp nâng cao công tác đào tạo, sát hạch, quản lý GPLX

Đề cập đến những tồn tại, hạn chế, Bộ GTVT cho hay, thời gian vừa qua, thông qua công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ và chuyên đề cũng như nắm bắt thông tin từ dư luận xã hội, Bộ GTVT luôn xác định đây là lĩnh vực có phạm vi, ảnh hưởng lớn đối với xã hội, tác động đến nhiều đối tượng, có nhiều diễn biến phức tạp trong thực tiễn, nhưng một số nơi có hiện tượng buông lỏng trong công tác quản lý, giám sát dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy cơ tiêu cực.

"Chính vì vậy, ngay từ đầu năm 2023, Bộ trưởng Bộ GTVT đã quyết định thành lập các Đoàn kiểm tra toàn diện, tổng thể công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX của các Sở GTVT trên phạm vi toàn quốc; đồng thời quán triệt quá trình kiểm tra phải tuân thủ nguyên tắc công khai, minh bạch, độc lập, khách quan, nghiêm túc, làm đến đâu xử lý sai phạm đến đó; chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ GTVT và pháp luật về kết quả thanh, kiểm tra", Bộ GTVT nêu rõ.

Đến nay, qua kiểm tra nhận thấy có tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, thực hiện của Sở GTVT, tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực như: Việc khai thác dữ liệu DAT để quản lý công tác đào tạo còn hạn chế; chưa kiểm tra, giám sát khoá học, kỳ thi cấp chứng chỉ hoặc thực hiện còn hình thức, không đúng thực tế; để cơ sở đào tạo gửi báo cáo 1 qua phần mềm chậm nhiều ngày; xét duyệt thí sinh đạt điều kiện dự sát hạch khi chưa đối chiếu đầy đủ dữ liệu qua hệ thống DAT; có hiện tượng thí sinh trao đổi với nhau, sát hạch viên trao đổi với thí sinh trong sát hạch lý thuyết.

Bộ GTVT
Qua công tác kiểm tra, Thanh tra Bộ GTVT, Cục ĐBVN đã chuyển thông tin nhiều cơ sở đào tạo lái xe nghi ngờ có dấu hiệu tiêu cực đến cơ quan công an địa phương để xác minh, làm rõ, xử lý theo đúng thẩm quyền quy định".

Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ rà soát văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn về đào tạo, sát hạch, cấp giấp phép lái xe cơ giới đường bộ để kịp thời phát hiện những nội dung không còn phù hợp đề xuất sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế.

Đồng thời chấn chỉnh, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; rà soát, hoàn thiện các tiêu chuẩn, điều kiện về cơ sở vật chất đối với các cơ sở đào tạo lái xe; có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, chấm dứt tình trạng cấp GPLX cho người nghiện ma túy, người không đủ năng lực, hành vi, sức khỏe; nghiên cứu giải pháp quản lý lái xe sau đào tạo; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đào tạo, sát hạch, quản lý lái xe theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 10 ngày 19/4/2023.

Song hành với đó, Bộ GTVT sẽ tổ chức thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Trung ương, Ban Cán sự đảng Bộ GTVT, pháp luật của nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Bộ GTVT đẩy mạnh các giải pháp quản lý giấy phép điều khiển phương tiện - Ảnh 5.

Lực lượng cảng vụ thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam kiểm tra người lái và phương tiện thủy nội địa

Chủ động nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo trong lĩnh vực ĐTNĐ

Trong lĩnh vực đường thủy nội địa (ĐTNĐ), Bộ GTVT cho biết đã triển khai nhiều nỗ lực phòng, chống tiêu cực; triển khai nhiều văn bản đề nghị UBND các địa phương, các đơn vị tăng cường quản lý công tác đào tạo, sát hạch thuyền viên; tổ chức nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác đào tạo. Qua đó, hoạt động đào tạo, thi, sát hạch cấp Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn (GCNKNCM), Chứng chỉ chuyên môn (CCCM) thuyền viên thủy nội địa được chấn chỉnh kịp thời, các cơ quan đơn vị đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất, giám sát công tác đào tạo thông qua camera, thiết bị định vị phương tiện thực hành.

Trong quá trình kiểm tra, giám sát, Bộ GTVT đã phát hiện một số tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, đào tạo, cấp Giấy chứng nhận, Chứng chỉ chuyên môn như: việc triển khai công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử trong công tác đào tạo còn hạn chế; việc quản lý, lưu trữ hồ sơ đào tạo tại một số cơ sở chưa thực sự chặt chẽ, việc tuân thủ đầy đủ quy định về nội dung, chương trình, thời gian đào tạo và các quy định khác của pháp luật chưa nghiêm.

Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục rà soát hệ thống văn bản pháp luật về công tác đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa, kịp thời phát hiện những tồn tại, bất cập để đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động này.

Đồng thời tiếp tục ưu tiên đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu để tăng cường công khai, minh bạch, hạn chế tiêu cực, gian lận; tăng cường công tác quản lý nhà nước theo phân cấp quản lý; nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng; nghiêm túc quán triệt tới công chức, viên chức, người lao động không để tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, tiêu cực trong công tác đào tạo, kiểm tra, cấp, đổi giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa.

Mặt khác, Bộ GTVT cũng sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền, giáo dục công tác đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa.

Bộ GTVT
Bộ GTVT tiếp tục tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát trách nhiệm của các đơn vị có dấu hiệu vi phạm pháp luật; chủ động đề xuất các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo, phù hợp yêu cầu quản lý, phù hợp thực tiễn; hạn chế tối đa các kẽ hở, ngăn chặn nguy cơ tiêu cực có thể xảy ra.