Xử lý ngay những hành vi tham nhũng, tiêu cực trong bảo trì, đào tạo lái xe
Sáng 10/2, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã có buổi làm việc với Cục Đường bộ Việt Nam. Cùng dự có Thứ trưởng Lê Đình Thọ, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng, cùng các cơ quan tham mưu, giúp việc của Bộ.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đã biểu dương những kết quả mà tập thể lãnh đạo, cán bộ, viên chức, người lao động của Cục đường bộ Việt Nam trong suốt thời gian qua.
"Với việc vận tải khách chiếm 91,7%, hàng hoá chiếm 74,4% thị phần vận tải cho thấy vị trí, vai trò của ngành đường bộ có tác động rất lớn đối với việc phát triển kinh tế, đời sống xã hội và luôn được sự quan tâm của cả xã hội. Điều này cũng cho thấy trách nhiệm vô cùng nặng nề của ngành Đường bộ", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Qua theo dõi, lãnh đạo Bộ GTVT đánh giá rất cao sự chuyển đổi mô hình của Tổng cục Đường bộ VN thành Cục Đường bộ VN theo Nghị định 56/CP/2022 một cách quyết liệt, nhanh. Đặc biệt là làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, viên chức, người lao động…, không xảy ra kiện cáo.
Bên cạnh đó, Cục Đường bộ VN hoàn thành việc thu phí không dừng trước thời hạn theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ; hoàn thành công tác chuyển đổi số theo chỉ đạo của Bộ GTVT; công tác bảo trì hệ thống quốc lộ, đường cao tốc có nhiều chuyển biến tích cực góp phần phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của đất nước.
Ghi nhận những đóng góp mà ngành Đường bộ trong suốt thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu tập thể lãnh đạo Cục Đường bộ và cán bộ, viên chức người lao động phải quyết tâm, nỗ lực, làm việc với trách nhiệm, quyết tâm cao nhất theo tinh thần "làm đâu xong đó, làm đâu vẹn toàn đến đó".
Đồng thời, khẩn trương rà soát lại các quy định pháp luật còn chồng chéo, gây khó khăn trong quá trình những quy định không còn phù hợp để kịp thời đề xuất, điều chỉnh để nâng cao công tác quản lý nhà nước và ngăn chặn những kẽ hở có thể phát sinh tham nhũng, tiêu cực.
Ngoài ra, rà soát làm rõ vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước lĩnh vực đường bộ giữa Cục Đường bộ VN và các địa phương để quyết liệt thực hiện phần trách nhiệm của Cục Đường bộ VN "đúng vai, thuộc bài".
Bộ trưởng cũng yêu cầu Cục Đường bộ VN tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương một cách khoa học, hợp lý nhằm nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy năng lực, vị trí, vai trò của các cấp chính quyền trong công tác quản lý.
Tăng cường quản lý, khai thác hiệu quả dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình. Đồng thời, triển khai các giải pháp, đặc biệt đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động của phương tiện vận tải, người điều khiển phương tiện vận tải; phải giám sát, kiểm soát được thời gian làm việc của người lái xe.
Bên cạnh đó, triển khai ngay các giải pháp siết chặt công tác quản lý nhà nước lĩnh vực đường bộ, nhất là trong công tác bảo trì kết cầu hạ tầng giao thông, tổ chức, đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, phát hiện xử lý ngay những hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Bộ trưởng yêu cầu Cục Đường bộ VN rà soát, xử lý ngay những điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, nhất là trên các tuyến giao thông trọng điểm nhằm bảo đảm ATGT và giảm thiểu TNGT.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng yêu cầu tăng cường năng lực dự báo để xây dựng, triển khai kế hoạch bảo trì hàng năm có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, kịp thời, đúng đối tượng; Triển khai công tác bảo trì bảo đảm khách quan, đúng tiến độ, đúng chất lượng, tuyệt đối không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động bảo trì. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, trước hết tập trung thực hiện hiệu quả công tác thanh tra theo kế hoạch của Thanh tra Bộ GTVT; Tập trung rà soát, sửa đổi quy định pháp luật để nâng cao hiệu quả và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền triệt để trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.
Đề xuất cơ chế đột phá thu hút nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông
Tại buổi làm việc, người đứng đầu ngành GTVT cũng yêu cầu Cục Đường bộ VN phối hợp với Vụ Kế hoạch - Đầu tư và các cơ quan thuộc Bộ nghiên cứu, đề xuất cơ chế đột phá thu hút nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; phối hợp với Cục Đường cao tốc VN xác định các vị trí và hoàn thiện các quy định pháp luật về trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc để thực hiện thu hút nhà đầu tư. Triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ GTVT về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời khắc phục những bất cập, sơ hở trong quá trình tổ chức thực hiện dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, nhận thức, trách nhiệm trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Trước đó, Cục trưởng Cục Đường bộ VN Nguyễn Xuân Cường đã báo cáo với Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng về cơ cấu tổ chức, đặc biệt là từ ngày 01/10/2022 thay đổi mô hình tổ chức từ 3 cấp còn 2 cấp gồm cấp Cục và Khu. "Việc tổ chức lại cơ cấu tổ chức giúp giảm được 39 đầu mối, tình hình tư tưởng cán bộ, công chức ổn định, không để khiếu nại, đơn thư trong quá trình sắp xếp cán bộ", Cục trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Cường nêu một số khó khăn như khi chuyển đổi cơ cấu tổ chức, khối lượng công việc tăng lên do giảm đầu mối. Để khắc phục khó khăn, đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước lĩnh vực đường bộ, theo ông Cường, Cục thực hiện một số giải pháp đem lại hiệu quả cao, chẳng hạn như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm tin học vào trong công tác quản lý (đã có 20 phần mềm đang được sử dụng, phục vụ tốt công tác quản lý nhà nước).
Cùng với đó, nêu cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ công chức, đặc biệt là trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt; đánh giá cán bộ công chức được lượng hóa bằng phần mềm chấm điểm tự động và coi đây là một kênh thông tin quan trọng trong việc đánh giá, xếp loại cán bộ công chức hàng năm; Đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương và phân cấp giữa Cục với các đơn vị trực thuộc Cục.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.