Hết cảnh nhà tranh tre, nứa lá
Những ngày cuối tháng 9/2024, tiết trời Quảng Ngãi khá mát mẻ, nhưng bên trong công địa thi công hầm số 3 dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn không khí vẫn nóng bức, ngột ngạt đến khó thở. Đứng ở khu vực gương hầm chỉ chừng 10 phút, những người dân văn phòng như chúng tôi không thể chịu nổi khi cơ thể như sắp bốc hỏa, tim đập nhanh, chân run do thiếu không khí, buộc phải rút sớm ra ngoài cửa hầm.
Phía bên trong hầm, hàng trăm cán bộ, công nhân vận trên mình những bộ quần áo, thiết bị bảo hộ gắn logo của Tập đoàn Đèo Cả vẫn miệt mài làm việc, tổ nổ mìn, chỗ đào gương, mũi gia cố bê tông vỏ hầm… thay phiên nhau làm việc suốt ngày đêm. "Không khí ngột ngạt nóng bức là do hầm chưa được đào thông. Những người công nhân như chúng tôi đã quá quen với điều kiện làm việc khắc nghiệt, vất vả như thế này rồi", anh Vũ Văn Phương - Tổ trưởng tổ khoan hầm số 3 cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn chia sẻ.
Khu ăn nghỉ của người lao động ở cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn đều được bố trí điều hoà, bình nóng lạnh, vệ sinh khép kín. Tập đoàn Đèo Cả còn hỗ trợ chi phí ăn uống 3 bữa/ngày và một bữa phụ cho công nhân thi công ca đêm
Trước khi về đầu quân cho Đèo Cả, anh Phương đã có tới 16 năm kinh nghiệm chinh chiến ở các đơn vị chuyên khoét núi đào hầm thủy điện. "Khi nguồn công việc tại các dự án xây dựng thủy điện đã cạn kiệt, nhiều doanh nghiệp buộc phải giải thể, tôi quyết định chuyển về làm việc tại Tập đoàn Đèo Cả và đã gắn bó ở đây hơn 4 năm.
Công việc khoan hầm xuyên núi không có quá nhiều khác biệt so với hầm thủy điện trước kia nhưng khi về làm ở Đèo Cả, tôi thực sự ấn tượng với dàn máy móc mới, thiết bị tiên tiến, hiện đại ở các công trường. Điều này đã phần nào giúp cho những người thợ đào hầm như chúng tôi bớt gian nan, vất vả. Hơn nữa, công tác đào hầm do Đèo Cả thực hiện rất nhanh, đạt độ chính xác và an toàn gần như tuyệt đối", anh Phương nói.
Theo anh Phương, đối với các tổ đội đào hầm, công việc hàng ngày bắt đầu từ 6 giờ sáng và kết thúc vào 18 giờ tối. "Giữa ca, chúng tôi có khoảng 2 tiếng ăn trưa và tranh thủ ngả lưng để tái tạo sức lao động", anh Phương chia sẻ và cảm nhận được sự tử tế của Tập đoàn Đèo Cả trong công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.
"Trước đây, khi đi thi công ở các hầm thủy điện, chúng tôi đã quen với cảnh sinh hoạt trong các căn nhà tranh tre, nứa lá, thiếu thốn đủ đường. Nhưng từ khi đầu quân cho Đèo Cả ở các dự án hầm Thung Thi, hầm bao biển Hạ Long,… đến nay là hầm cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, dù ở công trường nào, Tập đoàn cũng đầu tư xây dựng những khu ăn nghỉ cho người lao động rất khang trang, sạch đẹp.
"Các khu nghỉ đều là những căn hộ lắp ghép thông thoáng được trang bị điều hòa, bình nóng lạnh, vệ sinh khép kín. Trong tổ hợp khu vực sinh hoạt còn có bếp ăn tập thể, khu rèn luyện thể thao: sân bóng đá, bóng bàn phục vụ người lao động sau những giờ làm việc căng thẳng", anh Phương chia sẻ.
Không nợ lương, chậm lương
Hoàn cảnh tương tự, anh Nguyễn Văn Trung (51 tuổi) - một thợ đào hầm ở cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, sinh ra ở mảnh đất xứ Nghệ đến nay cũng gắn bó với Tập đoàn Đèo Cả được hơn 4 năm. "Đi làm xa, vài tháng mới được về nhà một lần, môi trường làm việc nặng nhọc vất vả nhưng tôi vẫn muốn gắn bó lâu dài với Tập đoàn Đèo Cả. Bởi ở đây, người lao động được đãi ngộ rất tốt, thu nhập ổn định, chưa bao giờ bị nợ lương hay chậm lương. Cuối năm, chúng tôi còn được thưởng thêm tháng lương 13", Anh Trung nói.
Hơn 30 năm làm thợ bảo dưỡng trên các nhà ga đường sắt, ông Lương Ngọc Tính (55 tuổi) về đầu quân cho Đèo Cả từ năm 2021 với vai trò là thợ cơ khí. Trước khi đặt chân đến mảnh đất Quảng Ngãi cùng Tập đoàn Đèo Cả, ông Tính đã "chinh chiến" ở các dự án hầm Thung Thi (cao tốc Mai Sơn - QL45) và hầm Trường Vinh (cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu).
Lau vội những giọt mồ hôi lăn trên gò má đen sạm khi vừa ra cửa hầm, ông Tính bộc bạch: "Làm việc ở các hầm xuyên núi khó khăn, vất vả hơn rất nhiều so với nghề bảo dưỡng ở các ga đường sắt trước đây, nhưng bản thân tôi thấy rất tự hào khi được cống hiến một phần công sức lao động cho các dự án trọng điểm quốc gia. Mỗi lần đi qua các dự án đã hoàn thành mà tôi từng tham gia thi công, trong lòng luôn dâng trào cảm xúc rưng rưng, xúc động xen lẫn niềm vui khôn tả. Chúng tôi chỉ mong Tập đoàn Đèo Cả ngày càng có thêm nhiều công trình, dự án mới để gắn bó lâu dài".
Trao đổi với Tạp chí GTVT, Ông Nguyễn Quang Huy - Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho biết, không chỉ ở cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, để đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người lao động, Tập đoàn Đèo Cả đã đầu tư xây dựng 7 khu văn phòng làm việc và nhà ở chính, rộng khoảng 13.000 m2 tại các dự án do Tập đoàn Đèo Cả đang thi công, với giá trị mỗi văn phòng khoảng 10 tỷ đồng. Mỗi khu vực đều được xây dựng các khu tổ hợp thể thao sân bóng nhân tạo, sân cầu lông, bóng chuyền...
"Người lao động được đảm bảo chế độ ăn ngủ đẩy đủ, tất cả các phòng nghỉ đều được bố trí điều hoà, công ty hỗ trợ chi phí ăn uống 3 bữa/ngày và một bữa phụ cho cán bộ thi công ca đêm.Các bữa ăn đều được thay đổi thực đơn đa dạng đảm bảo về dinh dưỡng cũng như khẩu vị. Đồng thời hệ thống lọc nước được trang bị đẩy đủ hệ thống máy lọc nước RO có khử khuẩn bằng tia cực tím", ông Huy nói.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Đèo Cả liên kết với các bệnh viện, mời các bác sỹ và huy động trang thiết bị đến các công trường để tổ chức khám định kỳ tổng thể toàn bộ cán bộ nhân viên. "Sức khoẻ chỉ cho bản thân là chưa đủ, nhiều khoá đào tạo sơ cấp cứu được tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, công nhân viên để ứng biến trong một số tình huống rủi ro về sức khoẻ có thể xảy đến với đồng nghiệp khi làm việc", ông Huy nói và cho biết thêm, tại các công trường, Tập đoàn Đèo Cả còn tổ chức các hội thao nâng cao tinh thần người lao động như: giải bóng đá, hội thi lái xe lái máy giỏi, tiếng hát người lao động…
Quyết tâm hoàn thành cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn trước 8 tháng
Ông Nguyễn Quang Huy - Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho biết, cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn là dự án thành phần có quy mô lớn và phức tạp nhất trong dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 với chiều dài 88 km và 3 hầm xuyên núi. Sau khi được địa phương bàn giao đủ 100% mặt bằng và hưởng ứng chiến dịch 500 ngày đêm hoàn thành 3.000 km cao tốc Bắc - Nam vào năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ phát động, Tập đoàn Đèo Cả đã tăng cường nhân sự, máy móc thiết bị, tổ chức thi công 3 ca 4 kíp để đẩy nhanh sản lượng, đặt mục tiêu hoàn thành dự án vào cuối năm 2025 (vượt tiến độ 8 tháng so với hợp đồng).
Theo ông Huy, hiện nay, Tập đoàn Đèo Cả đã huy động hơn 4.000 nhân sự cùng 1.750 máy móc thiết bị tổ chức 50 mũi thi công toàn tuyến, làm việc 3 ca 4 kíp, riêng các hạng mục hầm thi công 24/24h. "Theo hợp đồng, tháng 8/2026 là mốc hoàn thành công trình. Tuy nhiên, với năng lực và nỗ lực của liên danh nhà thầu, sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ GTVT và đồng hành của địa phương, chúng tôi sẽ đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành dự án vào 31/12/2025. Nếu mặt bằng được bàn giao đúng như kế hoạch, các mỏ vật liệu được giải quyết sớm hơn thì dự án còn có thể về đích sớm hơn nữa", ông Huy cho biết.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.