Bức tranh KT- XH 6 tháng đầu năm 2023: Nhiều gam màu tươi sáng về phát triển hạ tầng giao thông

Tác giả: Vũ Thành Vũ

saosaosaosaosao

Với khối lượng công việc "khổng lồ" của năm 2023, Bộ GTVT đang quyết tâm tối đa và đã có những kết quả cụ thể, tạo ra kỳ vọng thiết lập những kỷ lục về phát triển hạ tầng giao thông.


Tăng tốc phát triển hạ tầng giao thông - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cắt băng khánh thành 2 cao tốc tại điểm cầu cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, ngày 29/4/2023

Khánh thành 7 đoạn tuyến cao tốc trong năm 2023

Vừa qua, sau hơn 1.000 ngày đêm thi công, 2 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 là đoạn Mai Sơn - QL.45 và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây đã khánh thành đưa vào khai thác, kịp thời phục vụ người dân đúng vào cao điểm dịp Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 Âm lịch), lễ 30/4, 1/5 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Với 4 làn xe cao tốc, vận tốc thiết kế 80 km/h trong giai đoạn phân kỳ đầu tư, cao tốc Mai Sơn - QL.45 giúp cung đường Hà Nội - Thanh Hóa rút ngắn thời gian di chuyển chỉ còn 2 giờ thay vì khoảng 3 giờ khi phải đi trên QL.1 vốn có mật độ phương tiện rất lớn.

Tại phía Nam, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đã được đưa vào khai thác với 99 km cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh, vận tốc thiết kế 120 km/h. Tuyến đường đã hiện thực hóa những kỳ vọng của người dân về việc di chuyển trong ngày trên cung đường TP. Hồ Chí Minh - thành phố biển Phan Thiết.

Đặc biệt, với việc cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây kết hợp với cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây dài 55 km, lần đầu tiên khu vực Đông Nam bộ và Nam Trung bộ có đoạn tuyến cao tốc liền mạch được đưa vào khai thác dài nhất với hơn 150 km, hứa hẹn tạo ra "cú hích" đáng kể cho tăng trưởng kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng cho khu vực trọng yếu này.

Trong tháng 5/2023, 2 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam là đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết (dài 100,8 km) và đoạn Nha Trang - Cam Lâm (dự án PPP, dài 49,1 km) cũng đồng thời khánh thành, đưa vào khai thác dịp 19/5/2023.

Bộ GTVT đang đặt quyết tâm tối đa để thực hiện cho được mục tiêu hoàn thành 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam khác là cao tốc QL.45 - Nghi Sơn (dài 43,28 km), Nghi Sơn - Diễn Châu (dài khoảng 50 km), cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn 2 đầu trong quý III và quý IV/2023.

Như vậy, trong 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 có tổng chiều dài 652,86 km, đến tháng 5/2023 có 6 dự án khánh thành đưa vào khai thác gồm: Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - QL.45, QL.45 - Nghi Sơn, Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây. Cuối năm 2023, số dự án thành phần hoàn thành dự kiến là 9/11. Trong năm 2024, Bộ GTVT dự kiến hoàn thành 2 đoạn còn lại là Diễn Châu - Bãi Vọt (dự án PPP, dài 49,3 km) và Cam Lâm - Vĩnh Hảo (dự án PPP, dài 78,5 km).

Rốt ráo "tăng tốc" các dự án giao địa phương làm chủ đầu tư

Song hành với việc khánh thành 7 đoạn tuyến cao tốc, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng vừa qua đã nhấn mạnh yêu cầu "các dự án trọng điểm có thời hạn hoàn thành trong năm 2023 dứt khoát phải đạt được, không được chậm trễ, không được chủ quan, đảm bảo tiến độ, nhất là chất lượng công trình".

Theo thống kê của Bộ GTVT, hiện nay nhiều dự án giao thông chậm tiến độ, thậm chí chưa giải ngân, đặc biệt là nhóm dự án giao các địa phương làm chủ đầu tư. Nguyên nhân chủ yếu vẫn tồn tại ở khâu thực hiện công tác GPMB, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, di dời hạ tầng kỹ thuật, điều chỉnh tổng mức đầu tư...

Để thúc đẩy tiến độ đầu tư xây dựng của dự án, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu Sở GTVT tỉnh Lạng Sơn khẩn trương phối hợp với cơ quan tham mưu của Bộ Tài nguyên và Môi trường để hoàn chỉnh thủ tục báo cáo đánh giá tác động môi trường, hoàn chỉnh các thủ tục về đầu tư để thẩm định, trình Bộ GTVT phê duyệt dự án QL.4B (tỉnh Lạng Sơn), đồng thời khẩn trương triển khai các thủ tục liên quan để sớm khởi công dự án.

Đối với các dự án chưa phê duyệt thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở, dự toán, Bộ trưởng yêu cầu các Sở GTVT: Hà Tĩnh, Quảng Trị, Đà Nẵng cần quyết liệt chỉ đạo tư vấn thiết kế khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, dự toán, đảm bảo chất lượng, trình thẩm định, phê duyệt để khởi công dự án theo tiến độ đã được chấp thuận.

Đối với các dự án đang thi công, không hoàn thành kế hoạch năm 2022, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu Sở GTVT các tỉnh: Điện Biên, Yên Bái, Hà Nam, Nghệ An, Thanh Hóa phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn chỉnh các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, điều chỉnh thời gian hoàn thành dự án ngay khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Đối với các dự án hoàn thành kế hoạch năm 2023, Bộ trưởng yêu cầu Sở GTVT các tỉnh: Hưng Yên, Hà Nam và Ban QLDA Công trình giao thông và Nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các nhà thầu huy động đầy đủ máy móc, thiết bị, nhân lực, vật tư, vật liệu..., tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, làm "3 ca, 4 kíp", bố trí đủ mũi thi công nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án; khẩn trương phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc liên quan đến GPMB để hoàn thành dự án theo kế hoạch.

Đối với các dự án hoàn thành kế hoạch sau năm 2023, Bộ trưởng yêu cầu Sở GTVT các tỉnh: Cao Bằng, Tuyên Quang, Quảng Bình, Đồng Tháp chỉ đạo các nhà thầu tập trung thi công, bám sát kế hoạch đã được chấp thuận; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc liên quan đến GPMB để hoàn thành dự án theo kế hoạch.

Các chủ đầu tư chủ động rà soát các khó khăn, vướng mắc để kịp thời giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã được bố trí năm 2023. Định kỳ hàng tuần hoặc đột xuất, các chủ đầu tư có văn bản tổng hợp báo cáo Bộ GTVT về tình hình thực hiện dự án, nêu rõ các khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp xử lý để kịp thời theo dõi, đôn đốc, xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý trong quá trình thực hiện dự án.

Nghiêm cấm các ban QLDA thỏa thuận với nhà thầu về việc "chung chi"

Bộ GTVT vừa ban hành Công điện về tăng cường công tác quản lý, thực hiện nhiệm vụ, công vụ, phòng ngừa, ngăn chặn tiêu cực liên quan đến hoạt động quản lý dự án để đảm bảo chất lượng, tiến độ, kế hoạch giải ngân các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông do Bộ GTVT quản lý. Đáng chú ý, Bộ GTVT nghiêm cấm các chủ đầu tư, ban QLDA có các hành vi sau:

- Thông đồng, móc ngoặc để hợp thức hóa hồ sơ thủ tục, làm sai lệch hồ sơ, kết quả công việc, tăng khống khối lượng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chèn ép, nhũng nhiễu, gây khó khăn cho đối tác để thu lợi cá nhân; áp đặt chỉ định mỏ vật liệu, chỉ định nguồn gốc, xuất xứ, gửi nhà thầu, nhà thầu phụ, nhà thầu cung cấp hàng hóa, vật tư, vật liệu cho dự án;

- Lựa chọn nhà thầu không có đủ năng lực, kinh nghiệm theo các quy định pháp luật và quy định của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; dàn xếp, thông thầu; quy định các điều kiện bất hợp lý, không phù hợp theo quy định pháp luật trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; có hành vi cản trở, hạn chế sự tham gia của nhà thầu; tiết lộ thông tin trong đấu thầu dẫn đến có đơn, thư khiếu nại không đúng làm việc lựa chọn nhà thầu bị kéo dài, phức tạp;

- Thông đồng, hợp thức hóa hồ sơ thủ tục cho các sai sót trong công tác giám sát, kiểm định, nghiệm thu kết quả khảo sát; thông đồng với tư vấn để đưa một số loại vật liệu vào hồ sơ thiết kế, hoặc "gửi giá, nâng giá" trong hồ sơ dự toán;

- Thỏa thuận với nhà thầu về việc "chung chi" để bỏ qua các sai sót về thủ tục, chất lượng; "gửi giá" qua các nhà cung cấp vật liệu đưa vào công trình; nhũng nhiễu, gây khó khăn khi ký hồ sơ nghiệm thu, thanh toán.

- Vi phạm quy định pháp luật về chuyển nhượng thầu, quản lý nhà thầu phụ không đúng quy định của pháp luật.