Cách nào kéo giảm TNGT trên cao tốc mới đưa vào khai thác?

Tác giả: Nhóm PV

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 27/05/2024 06:07

Trong thời gian qua, xảy ra một số vụ TNGT trên các tuyến cao tốc mới đưa vào khai thác đang được cơ quan chức năng của Bộ GTVT tích cực tìm nguyên nhân khắc phục.


Hoàn thiện hệ thống đường bộ cao tốc theo tiêu chuẩn, xây dựng hệ thống trạm dừng nghỉ, tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật đi đôi với tuần tra xử lý vi phạm bằng công nghệ... sẽ góp phần kéo giảm TNGT trên các tuyến cao tốc, nhất là cao tốc 2 làn xe vừa đưa vào khai thác.

Phương tiện vượt ẩu trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Hoàn thiện hệ thống cao tốc

Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng muốn kéo giảm TNGT trên các tuyến cao tốc mới đưa vào khai thác đang trong giai đoạn phân kỳ đầu tư cần lưu ý mấy điểm sau:

Thứ nhất, trên những đoạn đường chỉ có 2 làn xe cho 2 chiều lưu thông riêng biệt và phân cách bằng vạch sơn liền, các đoạn mở rộng để xe được phép vượt ngắn, đồng nghĩa với thời gian an toàn để vượt cũng rất ngắn, chỉ đáp ứng cho rất ít xe cùng vượt, khi có nhiều xe xin vượt thì làn đường để xe vượt không đủ dài và cũng không đủ thời gian để vượt, gây ức chế cho tài xế và nguy cơ xảy ra tai nạn. Do đó để giảm kéo giảm TNGT cần khai thác và tổ chức giao thông tương ứng như đường cấp III đồng bằng (vận tốc dưới 70km/h).

Thứ hai, nên hạn chế một số loại xe vận tải hạng nặng, vì thực tế rất nhiều xe vận tải hàng hóa khi tham gia vào cao tốc 2 làn không đảm bảo tốc độ tối thiểu (60km/h) sẽ dẫn đến tình trạng xe muốn vượt không vượt được, ùn tắc giao thông... lợi thế về đường cao tốc sẽ không phát huy được, khoảng cách an toàn không đảm bảo sẽ dẫn đến TNGT.

Cách nào kéo giảm TNGT trên cao tốc mới đưa vào khai thác?- Ảnh 1.

Nhiều phương tiện đi dưới tốc độ tối thiểu

Còn theo ông Hoàng Đức Thắng, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, cần lắp đặt hệ thống camera giám sát tự động, tổ chức các lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm các trường hợp lái xe cố tình vi phạm giao thông. Bố trí hệ thống điện chiếu sáng, làn dừng khẩn cấp… Đồng thời theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình TTATGT trên cao tốc để kịp thời điều chỉnh, bổ sung, tổ chức giao thông phù hợp với quá trình khai thác.

Ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ TNGT trên cao tốc, trong đó có hạ tầng giao thông, ý thức, kỹ năng tham gia giao thông và chất lượng phương tiện là 3 yếu tố chính. Đường cao tốc các phương tiện di chuyển với tốc độ cao nên các tuyến đường phải tuyệt đối đảm bảo an toàn về mặt kỹ thuật. Đối với các đường cao tốc mà chỉ có 2 làn xe lưu thông được đánh giá là chưa đảm bảo kỹ thuật vì rất nguy hiểm cho người và phương tiện đang lưu thông. Vì vậy Chính phủ, Bộ GTVT cần sớm cân đối để bố trí kinh phí đầu tư lên 4 hoặc 6 làn xe để phương tiện lưu thông trên đường cao tốc mới đảm bảo an toàn.

Cũng theo ông Tính, tuyến cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết gần 200 km mà không có trạm dừng nghỉ để tiếp nhiên liệu đổ xăng, ăn uống, đi vệ sinh cho tài xế và hành khách là không phù hợp. Nếu Nhà nước không có đủ tài chính thì cần có quy chế cụ thể để có thể kêu gọi các doanh nghiệp bỏ vốn vào đầu tư để phục vụ nhu cầu cho người dân.

Cách nào kéo giảm TNGT trên cao tốc mới đưa vào khai thác?- Ảnh 2.

Tuân thủ tốc độ và biển báo giúp lái xe giảm thiểu nguy cơ TNGT

Khai thác hiệu quả

Trao đổi với Tạp chí GTVT, lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, Cục đã yêu cầu các Sở GTVT chỉ đạo các cơ sở đào tạo lái xe thực hiện nghiêm túc chương trình đào tạo lái xe đảm bảo đủ thời gian, nội dung chương trình đào tạo. Đồng thời giám sát chặt chẽ việc sử dụng cabin học lái xe ô tô, phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để học viên nhận biết, học đủ các kỹ năng và xử lý các tình huống khi điều khiển xe trên đường cao tốc. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo căn cứ chương trình khung đào tạo lái xe trên các loại đường, trong đó có đường cao tốc để học viên dễ dàng tiếp thu, ghi nhớ và thực hành đầy đủ các thao tác, xử lý khi lái xe trên đường cao tốc đảm bảo an toàn.

Song song với đó sẽ đánh giá đánh giá lại phương án tổ chức giao thông, trường hợp trên tuyến tình hình giao thông phức tạp, thường xuyên xảy ra TNGT nghiêm trọng, cần tổ chức đếm xe để nghiên cứu hạn chế một số loại phương tiện có nguy cơ gây tai nạn nghiêm trọng. Nghiên cứu hạn chế tốc độ, đặc biệt là các vị trí nút giao, các đoạn cong cua không đảm bảo tầm nhìn, các đoạn đèo dốc dài, đường cong lớn.

Cách nào kéo giảm TNGT trên cao tốc mới đưa vào khai thác?- Ảnh 3.

Xây dựng các trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc

Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh, Phó Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an cho rằng, Nhà nước cần ưu tiên phát triển đồng bộ hơn nữa hạ tầng giao thông trên đường bộ cao tốc, đảm bảo đúng tiêu chuẩn mới đưa vào khai thác, sử dụng đồng bộ. Đối với những đoạn tuyến cao tốc trong giai đoạn phân kỳ (chưa đạt chuẩn cao tốc) cần phải nhanh chóng hoàn thiện để đạt chuẩn; cần xây dựng quy định tiêu chuẩn cao tốc theo quy chuẩn. Ngoài ra, công tác đào tạo, cấp, đổi giấy phép lái xe cần thay đổi bổ sung, nâng cao chất lượng đào tạo; giao trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị quản lý hạ tầng trên đường bộ cao tốc; chủ động khắc phục sự cố hạ tầng kỹ thuật nếu có nguy cơ mất an toàn, lực lượng CSGT sẽ tăng cường trách nhiệm, TTKS, xử lý nghiêm các vi phạm...

Còn theo ông Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, giao thông trên cao tốc có tốc độ cao nên quá trình khai thác vận hành và lái xe đều phải tuân thủ theo các quy định chặt chẽ. Nếu ai đó tùy tiện, chủ quan sao nhãng chỉ một vài giây có thể dẫn tới TNGT thảm khốc. Chính vì vậy tài xế cần phải tự trang bị các kỹ năng cho mình để tự bảo vệ bản thân và người cùng lưu thông, như: có sức khỏe, tập trung khi lái xe, nắm rõ hành trình (đi, dừng nghỉ), tuân thủ quy tắc giao thông, có kinh nghiệm lái xe trên cao tốc, nếu mới lái cần có thời gian bổ túc, học hỏi từ người có kinh nghiệm. Có như vậy sẽ hạn chế những tai nạn xảy ra.