Cận cảnh đường sắt qua Quảng Bình, Quảng Trị bị mưa lũ cuốn trôi

Tác giả: Đại Thắng

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 28/10/2024 10:01

Nước lũ dâng cao, chảy siết đã cuốn trôi nhiều hạng mục, kết cấu hạ tầng đường sắt đoạn qua địa bàn 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị, khiến tuyến đường sắt bị tê liệt. Ngành Đường sắt đang nỗ lực khắc phục, đảm bảo an toàn chạy tàu và thực hiện chuyển tải hành khách bằng đường bộ.

đường sắt
Cận cảnh tuyến đường sắt qua Quảng Bình, Quảng Trị bị mưa lũ cuốn trôi - Ảnh 1.

Hành khách đi tàu được chuyển tải bằng ô tô giữa 2 ga Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) và ga Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình)

Ngày 28/10, ông Võ Quốc Anh, Quyền Trưởng phòng Quản lý An toàn đường sắt II, Cục Đường sắt Việt Nam thông tin, nhằm khôi phục tuyến đường sắt qua địa bàn 2 tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, đảm bảo an toàn chạy tàu, phục vụ người dân, hành khách đi lại trên tuyến, hiện nay các đơn quản lý đường sắt, nhà thầu bảo trì đang nỗ lực khắc phục hư hỏng, thiệt hại do mưa lũ sau cơn bão số 6.

Ông Anh cho hay, từ trưa ngày 27/10, mưa lũ sau cơn bão số 6 đã gây thiệt hại nhiều hạng mục công trình đường sắt, kết cấu hạ tầng đường sắt trên tuyến đường sắt qua địa bàn 2 tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình. Điển hình như trên đoạn tuyến khu gian đường sắt Sa Lung (tỉnh Quảng Trị) - Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) bị thiệt hại nghiêm trọng. Nước lũ đã cuốn trôi, xói lở hàng trăm mét dài nền đá, tà vẹt, đường ray... khiến đoạn tuyến đường sắt này bị tê liệt hoàn toàn. 

Cận cảnh tuyến đường sắt qua Quảng Bình, Quảng Trị bị mưa lũ cuốn trôi - Ảnh 2.

Khu gian đường sắt Sa Lung (Quảng Trị) - Đồng Hới (Quảng Bình) bị hư hại nghiêm trọng

Theo ông Anh, ngày 27/10, sau cơn bão số 6, mưa to, gió lớn khiến nhiều cây xanh ngã đổ trên tuyến đường sắt khu vực từ TP. Huế đến Kim Liên (Đà Nẵng). Nước lũ gây ngập mặt ray, chảy xiết, trôi nền đá từ Km578+680 đến Km589+00 nên đã phong tỏa khu gian Sa Lung - Tiên An. Tiếp đó, nước lũ làm sạt lở mố cầu Km569+292 khu gian Mỹ Trạch - Thượng Lâm phía thượng lưu.

Ông Anh cho biết, mưa lũ cũng gây thiệt hại lớn về hệ thống thiết bị tín hiệu đường sắt, như thông tin tín hiệu tại Thượng Lâm - Mỹ Trạch - Sa Lung (Quảng Trị), thông tin tín hiệu Đồng Hới - Lệ Kỳ (Quảng Bình).

Để đảm bảo hành trình cho hành khách đi tàu, đơn vị quản lý, khai thác đường sắt phải thực hiện chuyển tải hành khách bằng ô tô qua lại giữa 2 ga Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) và ga Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình). 

Video chuyển tải hành khách qua lại giữa 2 ga Đông Hà (Quảng Trị) - Đồng Hới (Quảng Bình)

Theo đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã có lệnh chuyển tải hành khách của tàu SE6, SE7, SE5, SE3, SE19 qua vùng mưa bão bằng ô tô đi từ ga Đồng Hới đến ga Đông Hà và ngược lại. 

Cụ thể, tàu SE7 đến tại ga Đồng Hới lúc 16h37 ngày 27/10/2024, với số lượng hành khách là 263 hành khách (chuyển tải bằng ô tô từ ga Đồng Hới - Đông Hà). Tàu SE5 đến tại ga Đồng Hới lúc 2h25 ngày 28/10/2024 với số lượng hành khách là 258 hành khách (chuyển tải bằng ô tô từ ga Đồng Hới - Đông Hà). Tàu SE3 đến tại ga Đồng Hới lúc 5h29 ngày 28/10/2024 với số lượng hành khách là 278 hành khách (chuyển tải bằng ô tô từ ga Đồng Hới - Đông Hà). Tàu SE19 đến tại ga Đồng Hới lúc 6h3 ngày 28/10/2024 với số lượng hành khách là 342 hành khách (chuyển tải bằng ô tô từ ga Đồng Hới - Đông Hà). 

"Nhờ có sự chuẩn bị phương án nên công tác chuyển tải hành khách trên tuyến được thực hiện an toàn, thuận lợi cho hành khách đi tàu. Đặc biệt, đơn vị quản lý, khai thác đã thực hiện phục vụ miễn phí suất ăn chính và suất ăn phụ cho hành khách trong thời gian phong tỏa, dừng tàu", ông Anh thông tin.

Video cận cảnh đoạn tuyến đường sắt khu gian Sa Lung - Đồng Hới bị hư hỏng do nước lũ cuốn trôi