Sáng 27/9, các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam gấp rút triển khai các phương tiện đưa đón người dân vùng xung yếu đến khu vực an toàn, phòng tránh bão số Noru.
Có mặt tại xã Tam Thanh (TP Tam Kỳ) lúc 7h sáng cùng ngày, PV Tạp Chí GTVT ghi nhận hàng trăm hộ dân "tay xách nách mang" tập trung tại các khu nhà văn hóa, chờ đến lượt lên xe buýt di chuyển lên TP. Tam Kỳ vào các khu vực an toàn tránh bão.
Bà Nguyễn Thị Châu (52 tuổi, xã Tam Thanh) cho biết, nghe tin chính quyền sơ tán dân đến khu vực an toàn, trong tối 26/9, các thành viên trong gia đình thu gom đồ đạc chuẩn bị đến nơi tránh trú bão.
"Nghe đài báo đây là cơn bão mạnh nên gia đình tôi rất lo lắng, căn nhà cấp 4 xây nhiều năm đã xuống cấp hư hỏng. Chỉ sợ bão to, đi tránh bão về nhà sập không có mà ở", bà Châu nói.
Chính quyền địa phương điều động tối đa lực lượng công an, cơ quan quân sự, dân quân phối hợp với lực lượng Bộ đội biên phòng, Công an tỉnh Quảng Nam giúp dân vận chuyển đồ đạc, đưa người già, người khuyết tật đến khu vực an toàn.
Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND xã Tam Thanh (TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) cho biết, công tác sơ tán được thực hiện từ chiều tối qua, đến sáng nay công tác sơ tán dân vùng xung yếu, nguy hiểm cơ bản đã hoàn thành. Sau khi sơ tán, bà con đã được đưa đến ba khu tập trung ở TP. Tam Kỳ và các khu xen ghép.
"Toàn xã có khoảng 459 hộ, hơn 1.600 khẩu được đưa về các địa điểm xen ghép trên địa bàn gồm cơ quan Bộ đội biên phòng, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam… Để tạo sự yên tâm cho người dân, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục tăng cường lực lượng giúp đỡ người dân, phối hợp với các đơn vị thúc trực, triển khai các biện pháp phòng, chống bão", ông Bình nói.
Ông Nguyễn Thế Đức - Phó chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) cho hay, công tác sơ tán người dân đang được lực lượng các xã triển khai. Toàn huyện có tổng số hộ sơ tán là 3.718 hộ/11.444 nhân khẩu. Trong đó, sơ tán tập trung 1.478 hộ/4.340 nhân khẩu; sơ tán xen ghép 2.231 hộ/ 7.104 nhân khẩu.
"Địa phương đã cơ bản thực hiện tốt việc cắt tỉa, chằng chống cây xanh, nhà cửa, nạo vét khơi thông dòng chảy tại các cống qua đường, mương, rảnh,…thoát nước; tháo dỡ các panô, áp phích có nguy cơ đỗ ngã", ông Đức nói.
Theo số liệu tổng hợp của các địa phương tại tỉnh Quảng Nam, tính đến 5h sáng 27/9, tổng số dự kiến di dời là 45.834 hộ/155.269 người. Trong đó, sơ tán tập trung 18.388 hộ, 67.481 khẩu; sơ tán xen ghép 27.466 hộ, 87.841 khẩu.
Tại cuộc họp chiều tối 26/9, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh yêu cầu các địa phương có dân ở vùng xung yếu phải triển khai sơ tán dân xong trước 9h sáng 27/9.
Hiện nay, trên khu vực Hoàng Sa vẫn còn 9 tàu/100 lao động của tỉnh Quảng Nam đang di chuyển xuống phía Nam. Tuy nhiên, tốc độ di chuyển rất chậm (từ 1-2 hải lý/h). Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với gia đình và địa phương thông báo cho các tàu nhanh chóng di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm. Hiện tại, vẫn giữ liên lạc được với 9 tàu, người và tàu đều an toàn.
Để ứng phó với mưa bão số 4, đảm bảo ATGT, Cục QLĐB III (Tổng Cục đường bộ Việt Nam), Sở GTVT các tỉnh/thành khu vực miền Trung đã yêu cầu các đơn vị, lực lượng khẩn trương kiểm tra các tuyến đường giao thông bị hư hỏng, kịp thời bố trí lực lượng canh gác, thiết bị cảnh báo tại các điểm sạt lở, ách tắc, đảm bảo giao thông thông suốt, đặc biệt là các tuyến giao thông QL, liên tỉnh, liên huyện.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.