Cần khẩn trương phân cấp quản lý quốc lộ về cho các địa phương

Tác giả: KL

saosaosaosaosao
Chính trị 27/12/2024 16:27

Đây là chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Hồng Minh tại hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Cục ĐBVN diễn ra ngày 27/12/2024.


Cần khẩn trương phân cấp quốc lộ về cho các địa phương - Ảnh 1.
Cần khẩn trương phân cấp quốc lộ về cho các địa phương - Ảnh 2.

Bộ trưởng Trần Hồng Minh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Minh biểu dương sự nỗ lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên chức, người lao động Cục ĐBVN về kết quả đã đạt được trong năm qua. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu Cục ĐBVN cần phải tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ để nâng cao chất lượng công tác bảo trì hệ thống quốc lộ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính, xây dựng chính phủ điện tử, chuyển đổi số để nâng cao năng lực thực thi công vụ, đáp ứng ngày càng tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp…

Về giải pháp thực hiện trong năm 2025, Bộ trưởng yêu cầu Cục ĐBVN chú trọng nhiệm vụ hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật theo chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được giao; tổ chức phổ biến, quán triệt thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật ngay khi có hiệu lực thi hành đảm bảo đồng bộ, hiệu quả; đẩy mạnh rà soát, đề xuất sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật còn bất cập, vướng mắc.

Tập trung, quyết liệt chỉ đạo triển khai công tác chuẩn bị để triển khai công tác phân cấp quản lý quốc lộ từ ngày 01/01/2025; triển khai hướng dẫn và tổ chức kiểm tra, giám sát các cơ quan đơn vị trong công tác tiếp nhận, thực hiện công tác phân cấp đảm bảo thống nhất, tuân thủ quy định hiện hành.

Tổ chức rà soát cơ cấu tổ chức, thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức của Cục nhằm đảm bảo nâng cao hiệu quả hoạt động; đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử và chuyển đổi số theo hướng lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm phục vụ; xây dựng các cơ sở dữ liệu nền tảng dùng chung và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hướng tới quản lý, điều hành dựa trên dữ liệu số. Đồng thời, cần tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức còn thiếu có liên quan đến công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ; phối hợp tốt với các cơ quan hoàn thiện bộ định mức chuyên ngành lĩnh vực xây dựng cơ bản.

Thực hiện đổi mới hoạt động vận tải để nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ cũng như đáp ứng kịp thời nhu cầu vận tải phục vụ phát triển kinh tế xã hội và nhu cầu đi lại của người dân. Đồng thời, cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và Bộ Công an để triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như chở quá khổ, quá tải, xe dù, bến cóc, vi phạm quy định về nồng độ cồn…

Cần khẩn trương phân cấp quốc lộ về cho các địa phương - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó cục trưởng Cục Đường bộ VN

Hoàn thành tốt nhiệm vụ

Trước đó, báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó cục trưởng Cục Đường bộ VN cho biết, trong năm 2024 với nỗ lực Cục ĐBVN đã hoàn thành một khối lượng văn bản khổng lồ xây dựng 17 thông tư, 6 nghị định và Luật Đường bộ. Các văn bản QPPL đã cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trong thực hiện đột phá về KCHT và tái cơ cấu các phương thức vận tải, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, với nhiều đổi mới, đột phá tháo gỡ các điểm nghẽn để huy động tối đa các nguồn lực trong đầu tư xây dựng, bảo trì KCHT GTĐB; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh gắn với chuyển đổi số nhằm phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Công tác cải cách hành chính được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đến nay, Cục đã cắt giảm 10/20 thủ tục hành chính, cắt giảm thành phần hồ sơ 5/5 thủ tục hành chính và cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh đối với 35/62 điều kiện kinh doanh.

Triển khai Chính phủ điện tử, chuyển đổi số, Cục đã ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản triển khai Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia theo Nghị quyết số 175/NQ-CP của Chính phủ và các chỉ đạo, điều hành của Bộ GTVT về xây dựng Chính phủ điện tử và chuyển đổi số; hoàn thành kết nối, đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đối với 96,4% GPLX (còn khoảng 3,6% GPLX do chưa đủ thông tin hoặc thông tin chưa phù hợp, Cục ĐBVN đã giao các Sở GTVT chỉ đạo các cơ sở đào tạo lái xe kiểm tra, rà soát, cập nhật để tiếp tục phối hợp với Cục C06 Bộ Công an đồng bộ dữ liệu); thực hiện tiếp nhận, xử lý hồ sơ trực tuyến toàn trình đổi GPLX do ngành GTVT cấp trên hệ thống Dịch vụ công quốc gia và hoàn thành cung cấp 100% các thủ tục hành chính trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ; hoàn thành xây dựng CSDL chuyên ngành kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, sẵn sàng kết nối với hệ thống CSDL dùng chung của Bộ GTVT; đồng thời, đang cung cấp hiệu quả 43 dịch vụ công trực tuyến (trong đó có 42 dịch vụ toàn trình, 01 dịch vụ một phần) và 03 thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa.

Đối với nguồn vốn đầu tư công (được giao Kế hoạch vốn đầu năm 2024 là 827,8 tỷ đồng/12 dự án), đến nay, giá trị giải ngân đạt 759,2 tỷ đồng (91,7%), ước giải ngân cả năm đạt 100% kế hoạch vốn giao.

Với phần vốn được Bộ GTVT giao bổ sung 541 tỷ đồng, Cục đã yêu cầu các Ban QLDA xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết để theo dõi, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu giải ngân trên 337 tỷ đồng (62%); đồng thời rà soát các dự án gặp khó khăn, khả năng không giải ngân hết phần vốn giao bổ sung, báo cáo Bộ GTVT cho kéo dài thời hạn giải ngân sang năm 2025 theo quy định của Luật ngân sách khoảng 204 tỷ đồng (38%).

Đối với nguồn vốn bảo trì đường bộ, đến nay giá trị giải ngân đạt 9.800 tỷ đồng (81%). Tiến độ giải ngân bị ảnh hưởng lớn từ các đợt mưa bão xảy ra liên tục trong năm (đặc biệt là các cơn bão số 3, 6, 7…, gây mưa lớn kéo dài từ ngày 05/9 - 10/11/2024 và đến nay vẫn tiếp mưa lớn kéo dài tại các tỉnh khu vực Trung, Nam bộ). Cục đã yêu cầu các Chủ đầu tư rà soát, chuẩn xác lại kế hoạch giải ngân, tăng cường kiểm tra, đôn đốc từng gói thầu; trình Bộ điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch bảo trì và dự toán chi 2024 kịp thời, sát thực tế, đảm bảo giải ngân cả năm trên 95% kế hoạch vốn được giao…