"Canh trời", nhà thầu cấp tập vá sửa mặt đường QL1 qua tỉnh Bình Định

Tác giả: Đại Thắng

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 09/01/2025 14:50

Tranh thủ thời tiết nắng ráo, nhà thầu quản lý bảo trì, doanh nghiệp BOT huy động phương tiện, thiết bị, nhân lực, vật tư, bố trí nhiều mũi thi công, tập trung vá sửa mặt đường, đảm bảo giao thông tuyến QL1 qua tỉnh Bình Định.

vá sửa QL1
Canh trời, nhà thầu cấp tập vá sửa mặt đường QL1 qua tỉnh Bình Định - Ảnh 1.

Vá sửa mặt đường tại Km1234+050 - Km1234+120 tuyến QL1 qua tỉnh Bình Định

Những ngày này, tranh thủ thời tiết tạnh ráo, các đơn vị quản lý bảo dưỡng thường xuyên, nhà thầu BOT, doanh nghiệp dự án đồng loạt tổ chức nhiều mũi thi công sửa chữa mặt đường hư hỏng, bong tróc vá sửa ổ gà trên tuyến QL1 qua địa bàn tỉnh Bình Định, đảm bảo mặt đường êm thuận, giúp phương tiện lưu thông thuận lợi, an toàn.

Theo ghi nhận của PV, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Bình Định, mưa to kéo dài khiến cho mặt đường QL1 phát sinh hư hỏng, ổ gà. Để đảm bảo giao thông, đơn vị quản lý bảo trì, duy tu đã thực hiện vá sửa tạm mặt đường bằng vật liệu phù hợp. Đến nay, thời tiết nắng ráo, các đơn vị quản lý bảo dưỡng thường xuyên, nhà thầu BOT, doanh nghiệp dự án huy động phương tiện, thiết bị, vật tư, nhân lực, đồng loạt triển khai nhiều mũi thi công khắc phục hư hỏng, vá sửa triệt để các vị trí mặt đường bằng bê tông nhựa nóng.

Cụ thể, trong những ngày qua, Công ty BOT Bắc Bình Định thực hiện sửa chữa mặt đường tại các đoạn từ Km1148+582 - Km1153, Km1131 - Km1132, Km1129 - Km1131. Đây là đoạn tuyến nằm trong gói trùng tu mặt đường có khối lượng hơn 55.000 m², với tổng kinh phí 35 tỷ đồng. Đến nay, Công ty BOT Bắc Bình Định đã triển khai sửa chữa triệt để mặt đường được khoảng 17.000 m².

Đối với đoạn tuyến Km1234+200 - Km1236+400 và một số vị trí hư hỏng nhỏ trên đoạn tuyến từ Km1218+850 - Km1214, với diện tích mặt đường hư hỏng khoảng 2.800 m². Những ngày qua, nhà thầu đã huy động máy móc, thiết bị thực hiện cào bóc, hoàn trả mặt đường bằng lớp thảm bê tông nhựa dày 7 cm, ước tính khối lượng đã sửa chữa được 2.400 m2. Hiện nhà thầu đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ sửa chữa, đảm bảo chất lượng theo quy định.

Đối với những đoạn tuyến bảo dưỡng thường xuyên, nhà thầu Công ty CP Đường bộ Bình Định đang cấp tập triển khai khắc phục ổ gà bằng bê tông nhựa nóng. Tại những vị trí, khu vực có tình trạng mặt đường hư hỏng nặng, nhà thầu quản lý bảo dưỡng thường xuyên sử dụng phương tiện cào bóc mặt đường và hoàn trả mặt đường bằng bê tông nhựa nóng với chiều dày từ 7 - 12 cm tùy theo đoạn.

Canh trời, nhà thầu cấp tập vá sửa mặt đường QL1 qua tỉnh Bình Định - Ảnh 2.

Dây chuyền thảm bê tông nhựa nóng hoàn trả mặt đường QL1 đoạn qua thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định

Theo lãnh đạo Khu QLĐB III (Cục Đường bộ Việt Nam), ngay từ trước mùa mưa, Khu QLĐB III đã có văn bản gửi các đơn vị quản lý, bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên hướng dẫn biện pháp thực hiện công tác khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo giao thông trên các quốc lộ.

Theo đó, việc khắc phục thiên tai bảo đảm giao thông được thực hiện theo quy định tại điểm 1 khoản 10 Điều 1 Thông tư số 22/2023/TT-BGTVT ngày 30/6/2023 của Bộ GTVT (sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 13 Thông tư số 03/2019/TT- BGTVT ngày 11/01/2019).

Riêng đối với biện pháp khắc phục hư hỏng mặt đường, Khu QLĐB III có hướng dẫn thống nhất như sau, đối với hư hỏng mặt đường dạng lún, lún trồi, ổ gà gây mất ATGT, trong điều kiện thời tiết bất lợi chưa thể vá sửa triệt để, nhà thầu sử dụng vật liệu phù hợp (vật liệu cào bóc trộn xi măng/nhũ tương, đá dăm chêm chèn...) vá sửa tạm để đảm bảo giao thông.

Khi thời tiết thuận lợi, nhà thầu phải xử lý triệt để hư hỏng móng, mặt đường. Theo đó, đối với kết cấu móng, tùy theo hiện trạng, nhà thầu có thể tận dụng móng cấp phối đá dăm hiện hữu, bổ sung 5% xi măng để cào bóc tái chế hoặc bóc bỏ và thay mới móng cấp phối đá dăm gia cố 5% xi măng.

Đối với chiều sâu hư hỏng sâu lớp móng bên dưới có thể dùng đá dăm tiêu chuẩn, cấp phối đá dăm hoặc vật liệu khác phù hợp, kết hợp biện pháp xử lý nước ngấm (nếu có). Tuyệt đối không được sử dụng vật liệu cấp phối đá dăm làm lớp mỏng trên, không được sử dụng đầm bản để lu lèn. Nhà thầu thi công chỉ được sử dụng lu để lu lèn, trường hợp mặt bằng không cho phép hoặc vị trí nhỏ lẻ thì dùng đầm cóc.

Đối với lớp mặt, tùy theo diện tích hư hỏng và điều kiện thực tế, có thể sử dụng bê tông nhựa nóng hoặc bê tông nhựa nguội. Riêng đối với hư hỏng ổ gà xen kẹp rạn nứt mai rùa, tùy theo hiện trạng đoạn tuyến, khối lượng mặt đường rạn nứt để xử lý toàn bộ hoặc một phần diện tích rạn nứt.

Khu QLĐB III cũng yêu cầu các văn phòng QLĐB chủ trì phối hợp với các bên liên quan kiểm tra, rà soát hiện trường các hạng mục công trình bị hư hỏng để chỉ đạo xử lý khắc phục, tránh trùng lặp với khối lượng công tác bảo dưỡng thường xuyên, hư hỏng thuộc dự án đang trong thời gian bảo hành, hư hỏng trong phạm vi lý trình dự án đang triển khai thi công.

Canh trời, nhà thầu cấp tập vá sửa mặt đường QL1 qua tỉnh Bình Định - Ảnh 3.
Canh trời, nhà thầu cấp tập vá sửa mặt đường QL1 qua tỉnh Bình Định - Ảnh 4.
Canh trời, nhà thầu cấp tập vá sửa mặt đường QL1 qua tỉnh Bình Định - Ảnh 5.
Canh trời, nhà thầu cấp tập vá sửa mặt đường QL1 qua tỉnh Bình Định - Ảnh 6.
Canh trời, nhà thầu cấp tập vá sửa mặt đường QL1 qua tỉnh Bình Định - Ảnh 7.
Canh trời, nhà thầu cấp tập vá sửa mặt đường QL1 qua tỉnh Bình Định - Ảnh 8.
Canh trời, nhà thầu cấp tập vá sửa mặt đường QL1 qua tỉnh Bình Định - Ảnh 9.
Canh trời, nhà thầu cấp tập vá sửa mặt đường QL1 qua tỉnh Bình Định - Ảnh 10.
Canh trời, nhà thầu cấp tập vá sửa mặt đường QL1 qua tỉnh Bình Định - Ảnh 11.

Các doanh nghiệp dự án BOT, đơn vị bảo dưỡng thường xuyên đồng loạt ra quân sửa chữa triệt để các vị trí mất ATGT trên tuyến QL1, nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trước, trong và sau Tết năm 2025