"Chặt" nhỏ cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang: Đường một nơi, cầu một nẻo

Đường bộ 28/04/2023 14:22

Trao đổi với Tạp chí Giao thông vận tải, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng cơ bản giao thông đều không đồng tình với việc chủ đầu tư chia nhỏ các gói thầu thuộc dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đoạn qua tỉnh Tuyên Quang.

"Chặt" nhỏ cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang: Đường một nơi, cầu một nẻo - Ảnh 1.

Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Tuyên Quang. Dự án có tổng chiều dài 77km, tổng mức đầu tư 6.800 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương (Ảnh minh họa)

Chia nhỏ để ưu ái nhà thầu địa phương?

Theo thông tin của Tạp chí Giao thông vận tải, đầu tháng 1/2023, UBND tỉnh Tuyên quang đã ban hành Quyết định 09 về việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Tuyên Quang.

Đáng chú ý là hạng mục xây lắp của dự án được UBND tỉnh Tuyên Quang chia thành 6 gói thầu (từ gói thầu 19 đến gói thầu 25), lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước qua mạng theo phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ,  thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà thầu trong quý 1, quý 2/2023.

Cả 6 gói thầu xây lắp của dự án đều áp dụng loại hợp đồng trọn gói có đơn giá điều chỉnh, thời gian thực hiện hợp đồng trong 24 tháng. Trong đó, gói thầu có giá trị nhỏ nhất là gói thầu 21 (520,2 tỷ đồng), lớn nhất là gói thầu 20 (1.271,3 tỷ đồng), chiều dài bình quân mỗi gói thầu khoảng hơn 10km.

"Chặt" nhỏ cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang: Đường một nơi, cầu một nẻo - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp

Trước đó, để có cơ sở ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, UBND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Quyết định 1868 ngày 21/12/2022 phê duyệt dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Tuyên Quang. Dự án có tổng chiều dài 77km, tổng mức đầu tư 6.800 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương.

Trao đổi với Tạp chí Giao thông vận tải, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết, dù áp dụng hình thức đấu thầu hay chỉ định thầu thì việc phân chia quy mô gói thầu rất quan trọng. Bởi lẽ, nhà thầu nào cũng mong muốn quy mô gói thầu đủ lớn để huy động, tập kết máy móc, phương tiện, con người, đầu tư trang thiết bị để tổ chức thi công.

"Đối với cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đoạn qua tỉnh Tuyên Quang dài khoảng 77km, dù đưa ra lý gì thì việc phân chia các gói thầu cũng phải căn cứ vào quy mô nhất định, không nên chia bé quá", ông Hiệp nói và cho biết, việc chia quá "vụn" ắt sẽ dẫn tới tình trạng khó đảm bảo về quá trình khớp nối, kiểm soát chất lượng thi công đồng nhất.

Theo ông Hiệp, căn cứ năng lực thực tế của các nhà thầu thi công cao tốc ở Việt Nam hiện nay thì các dự án đường cao tốc nên chia mỗi gói thầu theo quy mô từ 20 - 30km là hợp lý.

"Các công trình giao thông do địa phương làm chủ đầu tư tâm lý chung là đều muốn quan tâm đến các nhà thầu ở địa phương. Những nhà thầu làm đường ở trong nội bộ tỉnh thì hầu như quy mô vốn rất có hạn, năng lực đáp ứng yêu cầu gói thầu có hạn. Vì thế, việc phân chia gói thầu cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang có chăng là để các doanh nghiệp của tỉnh trúng được thầu, tạo công ăn việc làm cho nhà thầu ở địa phương?", ông Hiệp băn khoăn.

"Không chia nhỏ gói thầu; xác định các tiêu chuẩn, tiêu chí để lựa chọn nhà thầu phù hợp với thực tế và quy định pháp luật; đảm bảo công khai, minh bạch, nghiêm túc, hiệu quả, tuân thủ quy định pháp luật để lựa chọn được nhà thầu thực sự có năng lực, uy tín, kinh nghiệm quản lý dự án quy mô lớn, có năng lực vận hành và triển khai hiệu quả"
Văn bản số 29 ngày 15/2/2023 của Văn phòng Chính phủ thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến công tác kiểm tra và làm việc về tình hình triển khai các công trình, dự án trọng điểm ngành Giao thông.


Làm cao tốc không phải tạo việc làm cho nhà thầu nhỏ

Đồng quan điểm, PGS.TS.Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) nói thẳng: "Làm cao tốc không phải là để tạo công ăn việc làm cho nhà thầu nhỏ".

Theo đề xuất của Bộ GTVT và Bộ KH-ĐT, Thủ tướng Chính phủ đã phê chuẩn phương án xây dựng hệ thống đường cao tốc nói chung. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh việc phân chia gói thầu dựa trên nguyên tắc không chia nhỏ, không manh mún.

"Việc phân chia gói thầu, trước hết phải xuất phát từ yêu cầu kỹ thuật, chất lượng của đường cao tốc. Vì vậy, không nên manh mún! Mỗi đoạn ngắn do một nhà thầu khác nhau thực hiện, rồi đến khi hoàn thành, chất lượng đường có thể cũng sẽ khác nhau, vậy thì làm sao đảm bảo được tính êm thuận cho toàn tuyến được?", ông Chủng nói.

"Chặt" nhỏ cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang: Đường một nơi, cầu một nẻo - Ảnh 4.

PGS.TS.Trần Chủng

Theo ông Chủng, đường cao tốc là công trình giao thông cấp đặc biệt. Do đó, chủ đầu tư cần chọn những nhà thầu có năng lực tốt, từ kỹ thuật, con người, thiết bị,… Bởi các đơn vị này đã có nhiều kinh nghiệm, họ hiểu rõ cấu trúc của đường cao tốc, cách thức tổ chức, các điều kiện tác động của môi trường, khí hậu thế nào trong từng giai đoạn,…

Ông Chủng phân tích thêm, ở góc độ địa phương, thường tỉnh nào cũng muốn cho các nhà thầu trên địa bàn được tham gia dự án để nâng cao năng lực. Trong khi, các nhà thầu lớn cũng cần sự tham gia của các nhà thầu địa phương để tận dụng nguồn lực tại chỗ. Thậm chí, tổng thầu còn có thể giao trang thiết bị cho các thầu phụ để nâng cao năng lực thi công.

"Tôi ủng hộ nguyên tắc không chia nhỏ gói thầu. Các gói thầu lớn thì phải được giao cho những nhà thầu giàu năng lực, kinh nghiệm. Các nhà thầu địa phương muốn trưởng thành thì trước hết phải làm thầu phụ. Không thể vẫn đang là nhà thầu nhỏ mà lập tức một lúc ôm hết các phần việc thì sẽ có rất nhiều khó khăn", ông Chủng nói.

"Chủ đầu tư cần giải trình việc làm ngược chủ trương"

TS.Nguyễn Ngọc Long, nguyên Phó chủ tịch Thường trực Hội Kho học kỹ thuật Cầu đường Việt Nam

Việc chia gói thầu nhỏ hay lớn thì kết quả cuối cùng trọng nhất là công trình phải hoàn thành đúng hạn, đúng chất lượng. Theo chỉ đạo từ Chính phủ, nguyên tắc không chia nhỏ gói thầu đã rõ ràng. Vì vậy, nếu làm theo hướng chia nhỏ gói thầu thì chủ đầu tư cần phải có giải trình lý lẽ phù hợp, đúng với quy định hiện hành, đặc biệt là phải đảm bảo các mục tiêu cuối cùng của dự án, đó là đảm bảo tiến độ, chất lượng, giá thành, công bằng, không có những hành vi vi phạm pháp luật,…

Nếu chủ đầu tư chứng minh được cách chia nhỏ gói thầu của mình là đúng, là phù hợp với thực tiễn thì khi được đặt câu hỏi về việc tại sao chủ trương thế này, mà lại làm theo hướng khác, chủ đầu tư cần phải giải trình cụ thể. Nếu giải trình một đằng mà kết quả một nẻo thì chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm cụ thể về quyết định của mình, khi cách làm này không đảm bảo các mục tiêu của dự án.

Đường một nơi, cầu một nẻo

Theo thông tin của Tạp chí Giao thông vận tải, trong 6 gói thầu xây lắp của dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đoạn qua tỉnh Tuyên Quang, riêng phần cầu được chủ đầu tư tách thành một gói thầu riêng (gói thầu số 24, giá trị 880,39 tỷ đồng) gồm 22 cầu để tổ chức lựa chọn nhà thầu.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Tạp chí Giao thông vận tải, TS.Nguyễn Ngọc Long, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường Việt Nam cho biết, từ trước đến nay, thông lệ chung từ các dự án dùng vốn trong nước hay các dự án dùng vốn ODA, những cầu nhỏ, cống chui thuộc về phần việc của đoạn đường. Nếu tách riêng các cầu nhỏ và phần đường ra sẽ kéo theo rất nhiều bất cập trong việc kết hợp giữa các nhà thầu.

"Trường hợp đường đầu cầu đang làm nhưng phần cầu chưa triển khai thì làm sao mà thông tuyến được?! Việc nhà thầu vừa làm đường, vừa làm cầu sẽ đảm bảo quá trình tổ chức thi công đồng nhất", ông Long nói và cho biết, thực tế, các cầu vừa và lớn thì theo nguyên tắc sẽ phân chia thành gói thầu riêng, có thể từ vài cầu gộp vào chung trong một gói thầu.

Tuy nhiên, cách làm này đòi hỏi phải song hành với một kế hoạch phối hợp tiến độ bài bản. Nếu không sẽ dẫn tới tình trạng, ông đắp đường thì bảo đang đợi ông làm cầu, ông làm cầu lại bảo là đang đợi ông làm đường. "Chẳng nhẽ, nhà thầu xây đường phải vượt sông, vượt suối, mở các mũi thi công,… mỗi lần như vậy lại phải làm cầu tạm?", ông Long chia sẻ.

TS.Nguyễn Ngọc Long phân tích thêm, từ trước đến nay khi xây cầu nhỏ đều gộp vào phần việc của gói thầu làm đường nhằm tránh tình trạng phải "bôi" thêm những công trình phụ trợ phục vụ quá trình thi công. "Thực tế trình độ thi công hiện nay, các nhà thầu đã đủ năng lực đảm đương xây lắp đường thì thừa khả năng làm những công trình cầu nhỏ, cống chui. Do đó, việc tách các cầu nhỏ ra thành một gói thầu riêng biệt là không cần thiết", ông Long chia sẻ.

Bộ GTVT phân chia gói thầu cao tốc Bắc - Nam thế nào?

Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn 2) dài 719km, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 146.990 tỷ đồng. Dự án được chia thành 12 dự án thành phần: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau.

Để triển khai công tác thi công, Bộ GTVT chia 12 dự án thành phần thành 25 gói xây lắp. Trong đó, gói thầu xây lắp có giá trị thấp nhất là XL02, cao tốc Bùng - Vạn Ninh (2.413 tỷ đồng) và gói thầu có giá trị lớn nhất là Cần Thơ - Hậu Giang (giá trị 7.555 tỷ đồng)

Bình luận thêm về vấn đề này, PGS.TS.Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cũng nói thẳng: "Chủ đầu tư dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang phân chia gói thầu như vậy nghe qua tưởng chừng là tốt, muốn làm cho chuyên nghiệp hóa, ông làm đường thì chuyên làm đường, ông xây cầu thì chỉ chuyên xây cầu. Nhưng khi phân tích kỹ hơn sẽ thấy cách làm này tồn tại nhiều điều bất hợp lý".

Theo ông Chủng, với 22 cầu nhỏ trên cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đoạn qua tỉnh Tuyên Quang, việc tổ chức thi công sẽ xen vào gói thầu làm đường. Chẳng hạn, nhà thầu làm đường chưa triển khai nhưng nhà thầu làm cầu đã thi công thì nhà thầu làm cầu phải làm riêng đường công vụ tiếp cận công trường, bãi đúc riêng, trạm trộn bê tông riêng,… dù chỉ là làm một cầu nhỏ.

Nhưng khi nhà thầu làm đường đã triển khai rồi, đã làm đường công vụ, đường tiếp cận công trường, bãi đúc dầm, trạm trộn,… thì liệu có đạt được thỏa thuận để cho nhà thầu làm cầu sử dụng chung hay không?

"Việc chia 22 cầu nhỏ thành một gói thầu riêng với giá trị khoảng hơn 880 tỷ đồng nhưng trải dài trên toàn tuyến hơn 70km là điều không phù hợp về mặt tổ chức lao động, yêu cầu kỹ thuật, đặc biệt là việc tổ chức thi công sẽ bất hợp lý. Tại sao chủ đầu tư không giao phần đường và phần cầu chung cho một nhà thầu? Tại sao lại phải chia thành các gói thầu nhỏ, rồi các gói thầu lại triển khai theo kiểu đan xen vào nhau như vậy? đây là điều rất khó hiểu", ông Chủng băn khoăn.

Liên quan đến việc phân chia gói thầu cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang, đoạn qua tỉnh Tuyên Quang, sáng nay (28/4), PV Tạp chí Giao thông vận tải đã liên hệ với ông Trần Viết Cương - Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Tuyên Quang (chủ đầu tư) nhưng chỉ nhận được câu trả lời: "Tôi đang bận?!".