Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 9/2021, mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam dài khoảng 9.014km. Trong đó, Chính phủ đề ra mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam sẽ có 5.000km đường cao tốc để góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế, xã hội đất nước…
Thế giới đã có nhiều câu chuyện đột phá kinh tế thành công, nhờ đường cao tốc. Điển hình là cao tốc Gyeongbu nối Seoul và Busan - hai thành phố lớn nhất Hàn Quốc.
Từ câu chuyện cao tốc Gyeongbu ở Hàn Quốc…
Cao tốc Gyeongbu dài 428km, được xây dựng bằng tinh thần "cứ làm đi" của người Hàn Quốc, khi nước này yếu và thiếu cả vốn lẫn công nghệ.
Năm 1964, Tổng thống Hàn Quốc Park Chung Hee đi thăm Tây Đức, khi trở về, sự phồn thịnh của nước bạn khiến ông trăn trở. Để phát triển kinh tế Hàn Quốc, ông có ý định làm con đường cao tốc, nối cảng Busan với thủ đô Seoul. Nhưng vào thời điểm đó, ông bị phản đối từ nhiều phía, đặc biệt là phe đối lập và ngân hàng thế giới. Họ cho rằng vào lúc dân ăn chưa no, mặc chưa đủ ấm mà làm đường cao tốc là điên rồ, không khả thi, viển vông…
Tuy nhiên, Tổng thống Park không nản lòng và vẫn quyết tâm thực hiện mục tiêu. Sau một thời gian cùng các Bộ Xây dựng, Tài chính, Giao thông, vụ Kế hoạch… nghiên cứu, tính toán, ông Park đã quyết định giao công trình xây dựng đường cao tốc Gyeongbu cho Công ty Huyndai (hiện nay là Tập đoàn Huyndai) làm tổng thầu.
Ngày 01/02/1968, đường cao tốc nối Busan với thủ đô Seoul chính thức khởi công. Công ty Huyndai làm "đầu tàu" giám sát thi công cao tốc, và đảm nhận vai trò thi công chính đoạn đường dài 133km, trong đó có 5km đường hầm địa hình phức tạp nhất, còn lại 295km, chia thành nhiều gói thầu nhỏ, giao cho 16 công ty khác. Các nhà thầu huy động tới hơn 8 triệu lao động để làm 3 ca, làm suốt cả ngày lẫn đêm.
Sau 2,5 năm xây dựng với ý chí quyết tâm và nghị lực của người Hàn Quốc, tuyến cao tốc dài 428km được hoàn thành sớm hơn một năm so với kế hoạch. Ngày 27/7/1970, Chính phủ Hàn Quốc tổ chức lễ khánh thành con đường cao tốc đầu tiên của Hàn quốc. Phát biểu tại buổi lễ, Tổng thống Park nói: "Bằng tài nguyên, kỹ thuật và sức người của Hàn Quốc, chúng ta đã xây dựng thành công con đường cao tốc với thời gian ngắn nhất trong lịch sử xây dựng đường cao tốc của thế giới".
Đúng như tính toán của Tổng thống Park, sau khi đường cao tốc Seoul - Busan được khai thông, nền kinh tế của Hàn Quốc tăng trưởng vượt bậc, bứt phá ngoạn mục thành một trong những cường quốc thế giới. Tổng công ty Đường cao tốc Hàn Quốc (KEC) ước tính cao tốc Gyeongbu tạo ra 13.550 tỷ won giá trị kinh tế mỗi năm.
Câu chuyện về Gyeongbu ở Hàn Quốc hay hệ thống xa lộ Autobahn ở Tây Đức là minh chứng điển hình cho việc muốn thúc đẩy phát triển kinh tế của một quốc gia, đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông là điều tất yếu.
… đến câu chuyện đào hầm xuyên núi ở Việt Nam
Tương tự như cao tốc Gyeongbu của Hàn Quốc, thì ở Việt Nam một dự án từng được coi là viển vông, thậm chí bị mỉa mai là "điên rồ" khi một nhà đầu tư đề xuất xây dựng đường hầm xuyên núi Cả.
Năm 2009, khi ông Hồ Minh Hoàng (nay là Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả) đề xuất thực hiện dự án hầm đường bộ Đèo Cả, khi đấy mới chỉ ngoài 30 tuổi và là Tổng giám đốc của một công ty xây dựng ở địa phương. Hơn nữa, việc đào hầm xuyên núi thời điểm đó ở Việt Nam vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào con người, máy móc thiết bị, công nghệ của nước ngoài…
Về nguồn vốn, trong giai đoạn 2003 - 2010, ngân sách để đầu tư hạ tầng giao thông chủ yếu sử dụng vốn vay ODA nhưng cũng bắt đầu bị hạn chế, vốn vay từ ngân hàng trong nước thì lãi suất rất cao, còn nguồn từ vốn ngân sách nhà nước là rất ít.
Nhưng với ý chí, khát vọng và suy nghĩ "Hãy cứ ước mơ đi! Rồi ta sẽ tìm ra cách thức để biến ước mơ ấy thành hiện thực" cùng những phương án khả thi, ông Hồ Minh Hoàng đã thuyết phục được Chính phủ và các bộ, ngành để thực hiện con đường hầm xuyên núi Cả. Năm 2010, dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, tới năm 2012 khởi công xây dựng và đến năm 2017 thì hầm Đèo Cả hoàn thành đưa vào khai thác.
Dự án có tổng chiều dài 13,9 km, trong đó tuyến hầm Đèo Cả dài 4.125m, tuyến hầm Cổ Mã dài 0,5 km và 9,3 km đường dẫn, vận tốc 80km/giờ. Đây là công trình do bàn tay, khối óc người Việt thực hiện và sử dụng nguồn vốn huy động trong nước. Dự án hoàn thành vượt kế hoạch 4 tháng, đảm bảo an toàn tuyệt đối, đặc biệt tạo ra câu chuyện khó tin khi tiết giảm được gần 4.000 tỷ đồng (trong tổng số hơn 15.000 tỷ tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu) để làm thêm hầm Cù Mông.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (khi đó đang là Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ) đến thăm dự án hầm Đèo Cả hồi tháng 9/2014, đã bày tỏ niềm vui: "Tôi rất tự hào vì đây là công trình hầm do chính người Việt Nam thực hiện. Việc đảm đảm nhận dự án lớn có tính phức tạp thể hiện sự trưởng thành vượt trội của các nhà đầu tư, nhà thầu trong nước, nhất là đội ngũ công nhân, kỹ thuật, kỹ sư, giám sát thi công".
… và mục tiêu hoàn thành 5.000km cao tốc
Quay trở lại câu chuyện cao tốc Việt Nam, mục tiêu của Chính phủ phấn đặt ra đến năm 2025 cả nước có 3.000km đường cao tốc, và tới năm 2030 có 5.000km đường cao tốc. Như vậy, trong 9 năm cần phải hoàn thành khoảng 3.700km cao tốc là một thách thức không hề nhỏ, bởi gần 20 năm qua, Việt Nam chỉ mới đầu tư, hoàn thành đưa vào khai thác được khoảng 1.300km đường cao tốc.
Tuy nhiên, với năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu Việt hiện nay, chúng ta có khả năng đạt được mục tiêu mà Chính phủ đặt ra. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng doanh nghiệp trong nước hoàn toàn thừa sức làm nếu Nhà nước biết huy động nguồn lực to lớn trong nhân dân bằng việc ưu tiên chọn nhà thầu trong nước.
Tuy nhiên, để chọn lựa được những đơn vị vừa có "tâm" vừa có "tầm" để các dự án không rơi vào tình thế đội vốn, chậm tiến độ,… cần dựa trên minh chứng qua thực tế các công trình đã thực hiện.
Là doanh nghiệp đã đầu tư, thi công hoàn thành 25km hầm đường bộ, 275km đường cao tốc và quốc lộ, 6 cây cầu lớn, ông Ngọ Trường Nam - Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho biết, Đèo Cả tự tin vào kinh nghiệm, năng lực của mình và sẵn sàng đồng hành cùng Chính phủ làm cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, đặc biệt là các dự án có công trình hầm lớn.
Cao tốc Gyeongbu được làm bằng ý chí của người Hàn Quốc. Đường mòn Hồ Chí Minh xuyên Trường Sơn được làm bằng sự đồng lòng của toàn dân tộc ta. Hầm đường bộ Đèo Cả được hoàn thành bởi khát vọng chinh phục, khẳng định người Việt Nam hoàn toàn làm được những công trình mang tầm cỡ quốc tế… Như vậy, nếu có sự quyết tâm, đồng lòng từ Trung ương đến địa phương, sự chung tay hợp lực của các nhà đầu tư, nhà thầu trong nước, thì chắc chắn đến năm 2030 Việt Nam sẽ có 5.000km đường cao tốc.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.