Chính thức phê duyệt đầu tư dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú hơn 8.300 tỷ đồng

Tác giả: Đình Quang

saosaosaosaosao
Đường bộ 06/09/2022 19:35

Dự án được thực hiện bằng hình thức PPP, loại hợp đồng BOT, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 8.365,6 tỷ đồng.


Chính thức phê duyệt đầu tư dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú hơn 8.300 tỷ đồng - Ảnh 1.

Dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú được thực hiện bằng hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT (Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao), sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 8.365,6 tỷ đồng (ảnh minh họa)

Hôm nay (6/9), Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú có chiều dài khoảng 60,1km. Điểm đầu dự án tại Km0+000, giao với QL1 tại Km1892+500, trùng với điểm cuối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, thuộc địa phận thị trấn Dầu Giây, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Điểm cuối tại Km60+100 (qua vị trí giao cắt với QL20 tại Km69+400), thuộc địa phận xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai (kết nối với dự án đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc).

Về quy mô, dự án được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc thiết kế 100km/h. Giai đoạn hoàn chỉnh sẽ xây dựng 4 làn xe, nền đường rộng 24,75m, phân kỳ đầu tư xây dựng giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 17m. Tại các vị trí xử lý nền đất yếu, nền đường đào sâu, đắp cao, phạm vi nút giao liên thông, điểm dừng xe khẩn cấp, công trình cầu trên chính tuyến thiết kế mặt cắt ngang theo quy mô giai đoạn hoàn chỉnh, nền đường 24,75m.

Dự án được thực hiện bằng hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT (Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao), sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 8.365,6 tỷ đồng. Cơ cấu nguồn vốn gồm: Phần vốn nhà đầu tư và vốn huy động khoảng 7.065,6 tỷ đồng, vốn nhà nước tham gia khoảng 1.300 tỷ đồng.

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP được hưởng các ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật về thuế, đất đai, đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan. Đồng thời, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP được hưởng các bảo đảm đầu tư theo quy định của Luật PPP và pháp luật về đầu tư.

Về cơ chế chia sẻ phần tăng/giảm doanh thu của dự án sẽ thực hiện theo quy định tại Điều 82 của Luật PPP và Nghị định 28 ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo hình thức PPP. Nguồn vốn dự kiến sử dụng để chi trả phần giảm doanh thu từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương.

Dự án đầu tư xây dựng cao tốc Dầu Giây - Tân Phú nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, giảm tải và đảm bảo an toàn giao thông trên QL20; hoàn thành và đưa vào khai thác đồng bộ các tuyến đường bộ cao tốc có năng lực lớn, an toàn giao thông và tốc độ cao trên hành lang vận tải TP.HCM - Dầu Giây - Liên Khương, thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh Đồng Nai nói riêng và vùng Đông Nam bộ nói chung. Dự án sẽ tạo động lực liên kết, thúc đẩy hợp tác và phát triển vùng Đông Nam bộ với đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Tây Nguyên và Nam Trung bộ; tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ theo quy hoạch, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh.