Hàng loạt dự án lớn đã được khởi công, khánh thành
Ông Lê Quyết Tiến cho biết, trong năm 2023, Bộ GTVT được giao nhiệm vụ thực hiện khối lượng các công việc rất lớn. Từ chuẩn bị đầu tư, khởi công, đến triển khai thi công các dự án với tổng giá trị vốn cần giải ngân hơn 94.000 tỷ đồng.
Ngay từ đầu năm, Bộ trưởng, các Thứ trưởng đã tập trung chỉ đạo, điều hành, quyết liệt yêu cầu các cơ quan tham mưu, các chủ đầu tư xây dựng kế hoạch thực hiện gắn với từng mốc thời gian cụ thể làm cơ sở theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc. Bộ GTVT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành các chỉ thị, công điện; trực tiếp ban hành nhiều chỉ thị, công điện, văn bản để chỉ đạo các chủ thể thực hiện công tác quản lý dự án, bảo đảm chất lượng, tiến độ, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
Đồng thời, Bộ GTVT đã tổ chức các cuộc họp, kiểm tra hiện trường, làm việc với các địa phương để đôn đốc tiến độ, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc. Bộ GTVT đã kịp thời nhận diện các khó khăn, vướng mắc để chủ động làm việc với các bộ, ngành liên quan cũng như báo cáo Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT kịp thời có các chỉ đạo, điều hành, tháo gỡ.
Cùng với đó, các cơ quan tham mưu, các Ban Quản lý dự án (QLDA), các nhà thầu cũng đã nỗ lực triển khai và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Ngoài ra, Bộ GTVT cũng đã phối hợp cùng các cơ quan liên quan để hoàn thành hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Bến Lức - Long Thành, dự án Giải phóng mặt bằng (GPMB) Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành, cũng như phối hợp với các địa phương rà soát chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP).
Ông Tiến cho biết, để khởi công các dự án, Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị nỗ lực triển khai thực hiện; đồng thời phối hợp với các địa phương, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, hỗ trợ kỹ thuật, cách thức tổ chức thực hiện, thực hiện thẩm định các dự án, phối hợp trong công tác GPMB.
Đến nay, cùng với các địa phương làm cơ quan chủ quản, đã khởi công 13 dự án, điển hình như dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Vành đai 3 TP.Chí Minh, Vành đai 4 Thủ đô Hà Nội vừa được khởi công đồng loạt vào trung tuần tháng 6/2023, đáp ứng tiến độ yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Với các dự án đang triển khai thi công, Bộ GTVT đã yêu cầu lãnh đạo chủ đầu tư/Ban QLDA thường xuyên kiểm tra hiện trường để trực tiếp chỉ đạo điều hành, kịp thời tháo gỡ khó khăn; chỉ đạo các nhà thầu huy động tối đa nguồn tài chính, nhân lực, thiết bị, thi công tăng ca, tăng kíp để đẩy nhanh tiến độ thi công; kiên quyết điều chuyển khối lượng hoặc thay thế nhà thầu chậm; kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn về nguồn vật liệu, về giải phóng mặt bằng, tổ chức điều hành thi công,…
Một số dự án chậm tiến độ đến nay đã có những chuyển biến tích cực. Đặc biệt đã đưa vào khai thác 9 dự án, trong đó dịp 30/4 và 19/5 đã đưa vào khai thác 4 dự án thành phần đoạn Mai Sơn - QL45, Phan Thiết - Dầu Giây, Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết tạo được hiệu ứng lớn, sự tin tưởng của các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự phấn khởi của nhân dân về sự phát triển hệ thống đường bộ cao tốc.
Theo ông Tiến, với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ GTVT, 6 tháng đầu năm 2023, Bộ GTVT đã giải ngân được 35.627 tỷ đồng đạt khoảng 37,4% kế hoạch năm; so với cùng kỳ năm 2022, kết quả giải ngân cao hơn cả về giá trị và tỷ lệ (gấp hơn 2 lần giá trị, tỷ lệ cao hơn 7%). Kết quả đạt được trong thời gian qua là rất đáng ghi nhận, tạo tiền đề để trong 6 tháng cuối năm các đơn vị tiếp tục nỗ lực triển khai hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm 2023.
Tập trung đẩy nhanh tiến độ khởi công thêm 16 dự án giao thông
Đề cập đến nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, ông Tiến cho biết, thời gian từ nay đến cuối năm không nhiều với khối lượng công việc, giá trị cần giải ngân rất lớn, khoảng 59,5 nghìn tỷ đồng, đòi hỏi các chủ thể tham gia dự án cần nhận thức rõ trách nhiệm, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ vì danh dự, uy tín của ngành.
Theo đó, các đơn vị chủ đầu tư, Ban QLDA, tư vấn thiết kế, cơ quan thẩm định phải thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm, cách chỉ đạo điều hành; bám sát hiện trường kịp thời giải quyết các phát sinh, cố gắng, tập trung nỗ lực hoàn thành công việc trong thời gian ngắn nhất với chất lượng cao nhất.
Đồng thời, các Ban QLDA cần kiện toàn, nâng cao đội ngũ cán bộ, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ chủ đầu tư đã được Bộ GTVT giao; chủ động xử lý các vướng mắc thuộc thẩm quyền để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.
Trong đó, cần tập chỉ đạo các đơn vị tư vấn hoàn thành hồ sơ để phê duyệt dự án đầu tư 17 dự án; tổ chức lập, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán, lựa chọn nhà thầu để khởi công 16 dự án; chỉ đạo các nhà thầu huy động tối đa nguồn tài chính, nhân lực, thiết bị, tổ chức thi công tăng ca, tăng kíp để trong năm 2023 hoàn thành 19 dự án. Đặc biệt, cần phải nỗ lực triển khai thi công để hoàn thành đúng tiến độ các dự án QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Mỹ Thuận - Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận 2.
Bên cạnh đó, các ban quản lý dự án cần theo dõi sát kế hoạch triển khai, kịp thời có các biện pháp chấn chỉnh, điều chỉnh để bảo đảm tiến độ hoàn thành dự án Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo trong năm 2024; trường hợp nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án không đáp ứng tiến độ phải có biện pháp xử lý kịp thời.
"Các chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với các địa phương, chỉ đạo các nhà thầu hoàn thành dứt điểm việc đăng ký khai thác các mỏ vật liệu xây dựng cho các dự án được áp dụng cơ chế đặc thù về khai thác khoáng sản trong thời gian sớm nhất, đảm bảo hoàn thành trong năm 2023, không để kéo dài qua năm 2024; phối hợp chặt chẽ, đồng hành với các địa phương để hoàn thành việc bàn giao GPMB theo đúng tiến độ yêu cầu", ông Tiến chia sẻ.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.