Ngày ấy Mường Ảng là một thị trấn nhỏ nằm trong địa giới của huyện Tuần Giáo. Từ Mường Ảng đến Điện Biên chỉ còn khoảng chưa đầy bốn mươi cây số. Ngày mai, còn phải vượt đèo Tằng Quái và qua một số cây cầu yếu, nhỏ hẹp… và như vậy giờ Ngọ đoàn xe chở tượng đã có thể về đến Điện Biên.
Sau khi sắp xếp ổn định công tác bảo vệ và lo chỗ ăn nghỉ cho cán bộ công nhân của Công ty Vietransimex, Phó Chủ tịch tỉnh Hoàng Văn Nhân thay mặt Tỉnh ủy, UBND tỉnh Điện Biên mời đoàn chúng tôi về Điện Biên ăn tối với lãnh đạo tỉnh, nghỉ ngơi đến sáng hôm sau sẽ quay lại Mường Ảng.
Gần 8 giờ tối chúng tôi mới về đến nhà khách. Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Long Biên, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Văn Nhân, Phạm Hoàng Be… niềm nở mời chúng tôi vào luôn phòng ăn.
Vì lo lắng cho chặng đường cuối cùng phải vượt qua vào ngày mai và vì một nguyên nhân khá tế nhị khác, Đoàn công tác của Bộ GTVT và Cục Cảnh sát Giao thông cùng đứng dậy xin phép các vị lãnh đạo Điện Biên được về phòng nghỉ trước.
Sáu giờ sáng hôm sau, ngày 01 tháng 3 năm 2004, chúng tôi lên xe quay lại Mường Ảng.
Sau khi tất cả các xe xuống đến chân đèo Tằng Quái, Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức đã yêu cầu đoàn xe dừng lại để rà soát và sắp xếp lại đội hình do trong quá trình vượt đèo đã phải thay đổi thứ tự các xe. Theo quan niệm "đầu xuôi đuôi lọt", chiếc xe chở phần đầu, phần nặng nhất của tượng đài được xếp đi trước và chiếc xe chở phần đế tượng đi sau cùng.
Hôm đó, cũng là ngày tham gia "kéo tượng" cuối cùng của chúng tôi, là chặng cuối cùng của đoàn xe chở tượng lên Điện Biên. Chặng đường còn lại tuy chưa đầy bốn mươi cây số nhưng phải vượt qua con đèo Tằng Quái quanh co hiểm trở với nhiều khúc cua tay áo gấp khúc và dốc đứng chẳng kém đèo Pha Đin. Đoạn tuyến này thuộc QL 279 ngày nay đã được cải tạo nâng cấp, nhưng ngày ấy mặt đường cấp phối chỉ rộng từ 4 đến 6 m, với hàng chục cầu nhỏ bằng bê tông cốt thép thường, vượt nhịp trên dưới 10 m, cắm biển hạn chế tải trọng 10 T hoặc 13 T như cầu Nà Yên, cầu Bằng 2, cầu Nà Tấu… Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến 2 cây cầu là cầu Nà Nhạn dài 19 m một nhịp dầm thép, rộng 4 m và cầu Nà Noi hai nhịp bê tông cốt thép thường, tổng dài 18 m. Cả 2 cây cầu này đều cắm biển hạn chế tải trọng 13 T. Khi chúng tôi dừng lại khá lâu dưới cây cầu Nà Noi, mọi người đều tỏ ra lo ngại và đều chui xuống quan sát xem xét rất kỹ cây cầu này. Điều đáng quan tâm là chất lượng gối cầu của các nhịp dầm bê tông cốt thép thường vượt khẩu độ 9 m. Với cây cầu này, chúng đều còn tốt.
Trong khi, tôi đang loay hoay quan sát, xem xét và chụp ảnh gối cầu, phía dưới bản mặt cầu thì lóng ngóng để rơi chiếc máy ảnh xuống suối. Chiếc máy ảnh này do Tiến sĩ Mino, Chủ tịch Công ty Xây dựng Sumitomo (Sumitomo Construction Co, Ltd - trước năm 2003 chưa hợp nhất với Mitsui) tặng cho tôi năm 1996, khi lần đầu tiên tôi bước chân đến xứ sở của hoa anh đào dự Hội thảo Khoa học về Kết cấu thép. Tôi vội vớt lên, tìm cách lau khô, rồi tháo pin ra. May mắn là về Hà Nội, khi đem chiếc máy ảnh đến một hiệu sửa máy ảnh ở phố Vọng Đức thì mới biết là các bức ảnh đã chụp vẫn còn tốt và máy ảnh không bị hỏng. Chỉ tiếc là tôi không có một bức ảnh nào liên quan đến chặng đường cuối cùng của những ngày tham gia kéo tượng lên Điện Biên hồi ấy để đưa lên bài viết cuối cùng này.
Khi đoàn xe tiến gần đến cửa ngõ vào Thị xã Điện Biên, chúng tôi bắt gặp một nhóm các nữ công nhân duy tu ở Hạt "Vườn đào" đã kịp chặt những cành hoa Ban nở muộn của núi rừng Tây Bắc đem tới và xin được gài vào phía trước của những chiếc xe kéo tượng đi đầu. Màu đỏ thắm của các tấm vải che phủ các khối của tượng đài hòa với màu trắng hồng tinh khôi của hoa ban trong nắng sớm như thổi hồn thiêng chiến thắng vào đoàn xe chở tượng đang hân hoan kéo vào mảnh đất Điện Biên lịch sử.
Trước khi đoàn xe chở tượng tiến vào Thị xã Điện Biên, Đoàn công tác của Bộ GTVT và các cán bộ sĩ quan của Cục Cảnh sát Giao thông đã cùng Giám đốc Công an Điện Biên bàn bạc thống nhất phương án giữ gìn trật tự, bảo vệ an ninh hai bên trục đường chính và xung quanh đồi D1, nơi đoàn xe sẽ tập kết để tiến hành lắp ráp và theo kế hoạch, ngày 13/3/2004 sẽ khánh thành tượng. Đồi D1 được chọn làm địa điểm đặt Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ bởi nằm ở vị trí trung tâm Thị xã, địa thế đẹp và từ vị trí này có thể quan sát toàn bộ lòng chảo Mường Thanh.
Đúng giờ Ngọ, ngày 1 tháng 3 năm 2004, đoàn xe chở tượng nối đuôi nhau tiến vào Điện Biên trong niềm hân hoan của hàng ngàn người dân cầm hoa cầm cờ đứng hai bên đường vẫy chào. Đoàn xe đi chậm lại để bà con kịp cài các bó hoa tươi thắm lên từng chiếc xe và trao tặng các anh lái xe, kỹ thuật viên của Công ty Vietransimex những bó hoa. Dọc theo trục đường chính, đường 7/5 của Thị xã ngày ấy (nay là đường Võ Nguyên Giáp) đoạn từ Công ty TNHH Thủy lợi Điện Biên đến chân đồi D1 tràn ngập sắc màu của đoàn xe và của các bộ quần áo dân tộc xen lẫn màu áo xanh thân thương của quân phục. Hòa vào dòng xe, dòng người hôm đó, chúng tôi cùng có cảm giác đoàn xe chở tượng cùng đồng bào các dân tộc ở Điện Biên với các bộ quần áo màu sắc sặc sỡ, các cựu chiến binh năm xưa là các chiến sĩ Điện Biên quân phục chỉnh tề, huân huy chương lấp lánh… như đang tái tạo lại hình ảnh trong các bức ảnh, thước phim tư liệu lịch sử về ngày chiến thắng Điện Biên Phủ năm mươi năm về trước.
Sung sướng, cảm động, có chút mặc cảm xen lẫn tự hào là đã hoàn thành công việc đúng như yêu cầu, không ai bảo ai, chúng tôi lặng lẽ cùng đi về nhà khách. Sau khi ăn trưa, anh Hoàng Văn Nhân, Phó Chủ tịch tỉnh Điện Biên đến trao tặng cho mỗi thành viên trong đoàn một pho "Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ" thu nhỏ để trong một chiếc hộp màu đỏ rất trang trọng. Sau đó, chúng tôi xin phép tạm biệt anh Nhân và cùng lên xe rong ruổi về xuôi.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.