Chuyện đón giao thừa ngoài đường của những chiến sỹ CSGT

Tác giả: Văn Huế

saosaosaosaosao
Pháp luật giao thông 31/01/2023 14:46

Đó là câu chuyện của những chiến sỹ CSGT, Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội. Những ngày vui, lễ, Tết của nhân dân lại là ngày làm việc căng thẳng, vất vả hơn ngày thường của lực lượng CSGT, TTGT - những người thầm lặng giữ bình yên cuộc sống cho toàn xã hội.


Chuyện đón giao thừa ngoài đường của những chiến sỹ CSGT - Ảnh 1.

Thiếu tá Trần Quang Chinh - Phó Đội trưởng Đội CSGT Đường bộ số 6 chỉ huy tổ công tác làm nhiệm vụ

20 năm đón giao thừa ngoài đường

Trò chuyện với PV Tạp chí GTVT, Thiếu tá Trần Quang Chinh - Phó Đội trưởng Đội CSGT Đường bộ số 6 (Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội) chia sẻ, đến thời điểm hiện tại anh có 20 năm làm CSGT thì cả 20 năm đều không có mặt ở nhà vào đêm giao thừa. Thời khắc đó, anh và đồng đội thường làm nhiệm vụ hướng dẫn phân luồng, đảm bảo trật tự ATGT cho nhân dân đi lại thông suốt, an toàn.

"Bất kỳ một bạn trẻ nào mới lập gia đình mà người bạn đời làm trong ngành Công an hay những ông bố bà mẹ có con mới theo học ngành này thì một, hai năm đầu đều bỡ ngỡ, có chút cảm thấy thiệt thòi so với người khác", Thiếu tá Chinh mở đầu câu chuyện và cho hay: "Con người ta cần sự chia sẻ, người vợ cần một bờ vai của chồng cũng như bố mẹ muốn có một bữa cơm tất niên với đầy đủ các thành viên gia đình. Đó là điều tất nhiên của cuộc sống, của quy luật tình cảm, thế nhưng với tôi và các đồng đội gần như 100% ngày Tết đều vắng nhà, mà nếu có về thì cũng chỉ tranh thủ, chớp nhoáng rồi lại nhanh chóng quay trở lại đơn vị thực hiện nhiệm vụ.

Thiếu tá Chinh cho hay, có những lúc vợ thấy tủi thân vì không được chồng đưa đi chơi Tết, thăm bà con họ hàng như bao chị em khác, rồi lại phải phải lọ mọ thay chồng thắp hương đêm giao thừa... "Nhưng sau bao năm bên nhau, vợ tôi cũng như bao người vợ của những chiến sỹ CSGT dần quen, chia sẻ với những vất vả của chồng và đồng nghiệp, thậm chí còn thấy thương chồng nhiều hơn", anh Chinh bộc bạch.

"Cảm nhận được sự quan tâm của người thân, những tuyến đường thông suốt, an toàn, những lời thăm hỏi, chúc mừng năm mới của người dân tham gia giao thông đêm giao thừa đến lực lượng CSGT làm nhiệm vụ trên đường, anh em chúng tôi cảm thấy có thêm động lực, phấn khởi và biết rằng công việc của mình và đồng đội có ý nghĩa hơn", Thiếu tá Chinh chia sẻ.

Cũng như Thiếu tá Chinh, Thiếu tá Nguyễn Việt Anh - cán bộ Đội CSGT Đường bộ số 7 (Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội) vào ngành được 19 năm thì cũng chừng đó thời gian anh không mặt ở nhà đêm giao thừa.

"Có thể nói, những ngày vui, ngày lễ, Tết của nhân dân cũng là những ngày làm việc vất vả của lực lượng CSGT", Thiếu tá Việt Anh nói và chia sẻ: "Vắng mặt triền miên vào các đêm giao thừa, tôi may mắn có được người vợ luôn chia sẻ, động viên và sẵn sàng gánh vác công việc nhà thay chồng".

Chuyện đón giao thừa ngoài đường của những chiến sỹ CSGT - Ảnh 2.

Thiếu tá Nguyễn Việt Anh - cán bộ Đội CSGT Đường bộ số 7 (Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội) giúp nữ nạn nhân bị TNGT trên đường

Sẵn sàng với nhiệm vụ được giao

Theo Thiếu tá Chinh, những đêm giao thừa, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước thường đến nhà dân để chúc Tết. Việc di chuyển của các đồng chí lãnh đạo thường đột xuất. "Khi có lệnh, kể cả anh em đang ứng trực tại đơn vị hay làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát đều khẩn trương lên đường về điểm tập kết, sẵn sàng nhiệm vụ đón, dẫn đoàn, đảm bảo ATGT...", anh Chinh kể và cho hay, có những lần anh em bỏ dở bữa cơm tại đơn vị để thực hiện nhiệm vụ.

Cũng theo Phó Đội trưởng Đội CSGT Đường bộ số 6, thông thường sau khi bảo vệ, đảm bảo an ninh trật tự, ATGT tại các điểm bắn pháo hoa, công tác chống đua xe sẽ được triển khai luôn. "Dịp Tết năm 2020 nổi lên tình trạng các thiếu niên tuổi còn rất trẻ thường tụ tập ở vùng ven các huyện để tổ chức phóng nhanh, vượt ẩu, chạy với tốc độ cao... Việc dừng xe các trường hợp thanh thiếu niên phóng xe máy lạng lách, đánh võng, chạy với tốc độ cao rất nguy hiểm, đòi hỏi phải có phương án phù hợp, nếu không sẽ xảy ra TNGT, để lại hậu quả khôn lường. Chính vì vậy, lực lượng của đơn vị đã bàn bạc rất kỹ và lên phương án phối hợp nhịp nhàng, linh hoạt với với công an địa bàn để triển khai phối hợp chặn bắt các trường hợp vi phạm mà không để lại hậu quả đáng tiếc nào", Thiếu tá Chinh cho biết.

Còn theo Thiếu tá Nguyễn Việt Anh, sau giao thừa, khoảng thời gian từ 2 đến 3 giờ sáng mồng 1 mới vãn người đi lại trên đường. Tuy nhiên trong quá trình tuần tra, lực lượng chức năng vẫn thường gặp các tình huống người dân tham giao thông bị tai nạn. Thiếu tá Nguyễn Việt Anh nhớ lại: "Đêm giao thừa cách đây vài năm, khi làm nhiệm vụ đảm bảo trật tự ATGT trên đường Phạm Hùng, tôi gặp trường hợp 2 nữ sinh viên (quê Tuyên Quang, học Trường Đại học Ngoại ngữ) trên đường đi đón giao thừa về thì không may xảy ra TNGT (tự gây ra), một bạn ngồi sau chảy nhiều máu ở chân. Tôi cùng anh em trong ca trực nhanh chóng đến hỗ trợ rồi đưa 2 nữ sinh về nơi ở trong Trường Đại học Ngoại ngữ an toàn".

Còn rất nhiều, rất nhiều những câu chuyện cảm động, những hình đẹp về người chiến sỹ CSGT "vì nước quên thân, vì dân phục vụ" vẫn ngày đêm hiện diện trên mỗi cung đường góc phố, bảo đảm trật tự ATGT, giữ gìn cuộc sống bình yên cho nhân dân vui xuân, đón Tết.

Ấm lòng tình nghĩa quân dân

Ông Đinh Văn Đại - Đội trưởng Đội Thanh tra GTVT huyện Phúc Thọ (TP. Hà Nội) cho hay, vào những đêm giao thừa có lịch bắn pháo hoa, anh em Đội Thanh tra GTVT huyện Phúc Thọ đều phải ứng trực 100% quân số theo Kế hoạch của Thanh tra Sở GTVT Hà Nội.

"Tôi nhớ mãi kỷ niệm thời điểm làm nhiệm vụ tại chốt phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại cầu Đồng Quang, khi chuẩn bị thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới 2021. Đây là thời điểm dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp, việc đi lại khó khăn, vì vậy người dân cũng như chính quyền địa phương đã hỗ trợ tổ công tác trứng gà, mì tôm, hoa quả. Những món quà tuy giản dị nhưng chân thành của người dân khiến anh em trong tổ công tác cảm thấy ấm lòng, yên tâm làm nhiệm vụ khi thời khắc đặc biệt đang đến gần", ông Đại bồi hồi.