Nhiều phương tiện gặp sự cố về nổ lốp
Nắng nóng gia tăng sự cố về lốp
Chiều ngày 4/4, thông tin từ Cục CSGT – Bộ Công an tính từ 00h ngày 1/4 đến 12h ngày 4/4 trên tuyến Cam Lộ - La Sơn đã xảy ra 12 trường hợp phương tiện bị sự cố vỡ lốp xe. Cũng theo thông tin từ Cục CSGT, vào lúc hơn 12h trưa ngày 4/4, nhiệt độ đo tại mặt đường trên tuyến này lên đến 63 độ C. Nguyên nhân của sự sự cố vỡ (nổ) lốp xe là do thời tiết tại khu vực tỉnh Quảng Trị nắng nóng gay gắt khiến nhiệt độ mặt đường tăng, quãng đường từ Km0 đến Km102 trên tuyến cao tốc không có điểm dừng nghỉ, xe phải lưu thông liên tục nên lốp xe ô tô không chịu được độ nóng của mặt đường, áp suất lốp xe ô tô cũng tăng cao dẫn tới sự cố vỡ lốp xe.
Điều này rất giống với tuyến cao tốc Sài Gòn – Trung Lương năm 2010 (khi mới đưa vào khai thác) cũng xảy ra hàng loạt các vụ TNGT liên quan đến phương tiện bị nổ lốp khi lưu thông trên tuyến cao tốc.
Hiện nay, Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 5, Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường sắt, Cục CSGT đang tiếp nhận thông tin về trung tâm chỉ huy, cùng với thực tế ghi nhận tại hiện trường, các vụ việc xe ô tô bị vỡ lốp không chỉ dừng lại ở loại xe ô tô con mà còn xảy ra ở cả xe ô tô khách, xe container, xe đầu kéo.
Trao đổi với Tạp chí GTVT anh Trần Văn Kiên, lái xe Bắc Nam của Công ty TNHH Thương mại vận tải Minh Thành cho biết, tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn tôi đi qua một vài lần, những ngày qua chúng tôi đã chủ động lựa chọn tuyến QL 1A vì nếu xảy ra sự cố thì dịch vụ sửa chữa có nhiều hơn trên cao tốc.
Được biết, tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn (phân kỳ đầu tư) dài 102 Km đi qua địa bàn 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế, hiện đang vào thời tiết mùa hè với nhiệt độ thời tiết cao, đồng thời trên tuyến chưa có điểm dừng nghỉ.
Một phương tiện bị sự cố về lốp
Cần xem xét dưới góc độ khoa học
Trao đổi với Tạp chí GTVT anh Nguyễn Văn Dũng, lái xe khách Công ty TNHH vận tải Hoàng Long cho biết, nhiệt độ cao, hoạt động liên tục, thiếu trạm dừng nghỉ không hẳn phải là nguyên nhân của việc nổ lốp. Theo kinh nghiệm khai thác của tôi, chất lượng của lốp, thời gian sử dụng, trọng tải, kỹ năng điều khiển phương tiện, và địa hình là các yếu tố tác động trực tiếp đến việc nổ lốp. Giả dụ xe chở quá tải, đi vào đường địa hình dốc, ôm cua, tốc độ cao lúc đó trọng lực sẽ dồn về một phía, lốp yếu (thời gian sử dụng nhiều) thì dẫn đến nổ lốp là đương nhiên.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, thông thường lốp mới sử dụng với điều kiện sử dụng bình thường thì nhiệt độ hơn 60 độ C không thể làm nổ lốp. Tuy nhiên, nếu lốp quá cũ thì nhiệt độ mặt đường chỉ gần 45 - 50 độ C đã có thể gây nổ lốp.
Ngoài ra, trong trường hợp khi bị thiếu hơi, lốp xe sẽ phải chịu áp lực lớn hơn. Bên cạnh đó, bề mặt tiếp xúc của lốp với mặt đường lớn hơn, khiến sinh nhiệt cao, cộng thêm ma sát với mặt đường sẽ dẫn tới tình trạng quá nhiệt và nổ. Ngược lại, nếu lốp quá căng cũng tăng nguy cơ bị nổ, nhất là khi bị có va đập đột ngột. Ngoài ra lốp có thể bị nổ nếu đâm vào vật sắc nhọn như: Đinh, đá, miếng kim loại…. Việc này có thể chỉ khiến lốp xe bị thủng nhưng cũng có thể dẫn tới nổ lốp, đặc biệt là khi xe đang chạy tốc độ cao.
Do đó, với số liệu thống kê từ Cục CSGT, cơ quan chức năng cần vào cuộc để đánh giá cụ thể, khoa học như: Phân loại loại xe gì? Có chở quá tải hay không? Sử dụng loại lốp nào? Chất lượng lốp ra sao (đánh giá thời điểm bị nổ). Để tránh những sự cố kể trên trước mắt, khi chưa có trạm dừng nghỉ, các lái xe trước khi vào cao tốc cần kiểm tra kỹ tình trạng của xe, đặc biệt là lốp và hệ thống an toàn, bên cạnh đó đơn vị quản lý cần bố trí một số bãi để lái xe có thể dừng kiểm tra phương tiện.
Đồng quan điểm này TS. Khương Kim Tạo cho biết, mặt đường cao tốc được làm với vật liệu tạo nhám cao, do đó nếu phương tiện sử dụng chất lượng thấp, thời gian sử dụng lâu, mà chở quá tải trọng thì tất yếu sẽ dẫn đến sự cố vỡ lốp.
Phương tiện vượt ẩu trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn
Còn theo ThS. Ngô Văn Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội ATGT Việt Nam, xét thực tế đối với cao tốc Cam Lộ - La Sơn (đang ở giai đoạn phân kỳ đầu tư) với 2 làn xe, trong khi cứ 10 Km mới có một điểm vượt dài 1,4 km… tài xế rất ức chế khi phải đi ở cao tốc này, do vậy lý giải làm sao rất nhiều trường hợp tránh vượt sai quy định trong thời gian qua. Để khai thác an toàn, tuyến này trong khi đợi chủ trương của Quốc hội mở rộng lên 4 làn xe, khi chưa có trạm dừng nghỉ thì cần đưa về tuyến đường cấp III (tốc độ tối đa 70 km/h), không kẻ vạch liền, mà sử dụng vạch đứt đoạn… lúc đó ta giải quyết được việc chưa có trạm dừng nghỉ, ức chế của lái xe khi muốn vượt như hiện nay.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.