Phân cấp triệt để
Xin ông cho biết công tác quản lý về đào tạo, sát hạch lái xe hiện nay được tổ chức và thực hiện thế nào?
Ông Lương Duyên Thống: Công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Nghị định số 65/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe đã quy định cụ thể từ điều kiện kinh doanh, cấp và thu hồi giấy phép đào tạo lái xe ô tô, giấy chứng nhận trung tâm sát hạch lái xe đủ điều kiện hoạt động. Trong đó, các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, tổ chức thực hiện việc đào tạo, duy trì dịch vụ, đảm bảo các điều kiện kinh doanh đào tạo và sát hạch lái xe theo quy định; Sở GTVT thực hiện việc kiểm tra, cấp giấy phép đào tạo, trực tiếp thực hiện quản lý công tác đào tạo và trực tiếp tổ chức sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho người học lái xe tại các cơ sở đào tạo tại địa phương.
Cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe đã được xã hội hóa, tất cả các thành phần kinh tế có đủ điều kiện đều được tham gia đầu tư theo quy định của Chính phủ và Bộ GTVT; Bên cạnh cơ sở được đầu tư từ ngân sách nhà nước (các cơ sở thuộc các Bộ, Ngành và UBND các tỉnh, thành phố) còn có các cơ sở từ các thành phần kinh tế tư nhân chiếm đa số.
Công tác quản lý đào tạo, sát hạch lái xe được phân cấp triệt để cho địa phương, trách nhiệm trong công tác quản lý được phân công rõ ràng: Các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch chịu trách nhiệm duy trì điều kiện cơ sở vật chất, tổ chức đào tạo lái xe đảm bảo thời gian, chương trình và nội dung theo quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp và của Bộ GTVT; Các Sở GTVT trực tiếp quản lý hoạt động của các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch, tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch trong việc chấp hành các quy định; Bộ GTVT, Cục Đường bộ Việt Nam tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho công tác quản lý nhà nước và tổ chức thanh tra, kiểm tra việc quản lý công tác đào tạo, sát hạch lái xe tại các Sở GTVT.
Nhiều địa phương, cơ sở đào tạo, sát hạch còn buông lỏng quản lý
Được biết, Bộ GTVT vừa kết thúc đợt 1 công tác kiểm tra công tác quản lý nhà nước về công tác quản lý đào tạo, sát hạch lái xe tại các Sở GTVT, kết quả kiểm tra cụ thể thế nào, thưa ông?
Ông Lương Duyên Thống:
Từ đầu năm 2023, thực hiện Quyết định số 80/QĐ-BGTVT ngày 09/02/2023, Kế hoạch số 954/KH-BGTVT ngày 03/02/2023 của Bộ trưởng Bộ GTVT, các cơ quan của Bộ GTVT đã lập 03 Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra công tác quản lý đào tạo, sát hạch cấp GPLX tại 63 Sở GTVT. Đoàn kiểm tra số 3 của Cục Đường bộ Việt Nam được giao kiểm tra 31 Sở GTVT trên toàn quốc.
Qua kiểm tra đã phát hiện một số tồn tại trong công tác quản lý của Sở GTVT các địa phương, cũng như các cơ sở đào tạo. Cụ thể:
Đối với cấp Sở GTVT vi phạm phố biến gồm: Thứ nhất, một số Sở GTVT qua kiểm tra chưa có phương án tổ chức đào tạo, sát hạch, cấp GPLX đặc thù cho các đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số, không biết đọc, không biết viết tiếng Việt. Thứ hai, chưa sâu sát, chưa quyết liệt trong khâu quản lý; chưa thường xuyên tổ chức kiểm tra và giám sát khâu đào tạo tại các cơ sở đào tạo. Thứ ba, chưa kiểm tra, rà soát quá trình đào tạo, để cho một số cơ sở đào tạo vẫn có học viên chưa đủ điều kiện vẫn tham dự các kỳ sát hạch để cấp GPLX. Thứ tư, trong quá trình sát hạch, qua giám sát trên hệ thống camera giám sát tại các trung tâm đào tạo sát hạch vẫn còn có hiện tượng học viên trao đổi bài trong quá trình sát hạch.
Đối với các cơ sở đào tạo: Một số cơ sở chưa thực hiện đúng nội dung, chương trình, kế hoạch và tiến độ đào tạo và chưa kiểm tra, rà soát để các học viên chưa học đủ nội dung và chương trình được tham gia kiểm tra cấp chứng chỉ và tham dự các kỳ sát hạch để cấp GPLX. Bên cạnh đó công tác quản giáo viên, quản lý xe tập lái chưa chặt chẽ, vẫn còn tình trạng thay đổi giáo viên, xe tập lái không đúng kế hoạch, tiến độ đào tạo, nhưng các cơ sở đào tạo chưa kịp thời báo cáo đối với các Sở GTVT, nơi quản lý công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX tại địa phương. Đồng thời một số cơ sở đào tạo chưa lắp đủ thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe trên xe tập lái theo quy định tại Nghị định số 138/2018/NĐ-CP ngày 08/10/2018 của Chính phủ...
Xử lý nghiêm các vi phạm
Vậy phương án để xử lý các vi phạm trong quá trình đào tạo, sát hạch cấp GPLX trong thời gian tới thế nào, thưa ông?
Ông Lương Duyên Thống: Thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT Đoàn kiểm tra của Cục Đường bộ Việt Nam đã kiểm tra công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX theo nguyên tắc công khai, minh bạch, độc lập, khách quan, nghiêm túc, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Qua kiểm tra, đã phát hiện một số bất cập trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX để kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thể chế để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng và phòng ngừa tiêu cực trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX.
Những tồn tại, vi phạm trong việc chấp hành quy định pháp luật của các Sở GTVT, các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe trong công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX; Đoàn kiểm tra đã đề nghị Bộ GTVT xem xét, chuyển cơ quan chức năng xử lý vi phạm của một số cơ sở đào tạo lái xe ô tô có dấu hiệu vi phạm; đã kiến nghị Sở GTVT tổ chức kiểm tra, thanh tra, xử lý các vi phạm của một số cơ sở đào tạo theo đúng quy định của pháp luật; trường hợp, phát hiện các hành vi gian dối trong đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe thì chuyển cơ quan có thẩm quyền ở địa phương xử lý nghiêm.
Thông qua công tác thanh kiểm tra, chúng tôi đã hướng dẫn các Sở GTVT trong việc phòng ngừa, phát hiện và chấn chỉnh các vi phạm và hướng dẫn các đơn vị được kiểm tra thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Cảm ơn ông!
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.