Tiềm ẩn nhiều điểm mất ATGT
Từ tháng 4/2011 đến nay Công ty được UBND TP. Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội giao nhiệm vụ thực hiện Gói thầu số 2 "Đảm bảo ATGT tại các điểm đường bộ giao cắt với đường sắt trên địa bàn các huyện Thường Tín, Phú Xuyên", trong đó huyện Thường Tín có 10 vị trí, Phú Xuyên 3 vị trí. Ngay khi được giao nhiệm vụ trực cảnh giới, đơn vị đã tổ chức và thành lập 1 đội trực gác đường ngang dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông. Đồng thời xây dựng nội quy, quy chế trực gác, phân công giao nhiệm vụ, tập huấn và mở lớp nghiệp vụ gác đường ngang cho cán bộ, công nhân đảm bảo đủ quân số phục vụ cho công tác đảm bảo ATGT tại các vị trí đường ngang giao cắt với đường sắt.
Đơn vị thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương huyện Thường Tín và Phú Xuyên và Công ty Cổ phần đường sắt Hà Ninh, lực lượng CSGT, TTGT trên địa bàn và thường xuyên phối hợp liên ngành kiểm tra rà soát công tác đảm bảo an toàn đường sắt trên tuyến đường QL1. Tham mưu và thực hiện chỉ đạo của Sở GTVT Hà Nội, Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông trong công tác trực gác, hoàn thành các khối lượng tôn vuốt mặt đường bê tông nhựa, sơn tổ chức giao thông, cắm đầy đủ các loại biển báo trên tất cả 13 vị trí được giao nhiệm vụ trực cảnh giới.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện trực gác, đơn vị gặp phải không ít khó khăn. Các vị trí đơn vị đang thực hiện trực gác đều là các lối ra vào khu dân cư, cụm công nghiệp mật độ các phương tiện tham gia giao thông đông thường xuyên va chạm làm hư hỏng các thiết bị như biển báo, barie… gây ảnh hưởng đến công tác bảo đảm an toàn. Ngoài ra trong 13 vị trí trực hiện nay còn có một vị trí (Km199+900 lối vào thôn Tử Dương - xã Tô Hiệu) không có mặt bằng để dựng trạm, đơn vị đã phải đi thuê ki-ốt để dựng trạm, ngoài ra còn một số vị trí trạm trực gần khu dân cư gây có khăn cho công nhân trực gác.
Bên cạnh đó, hiện tại còn 5 vị trí trực cảnh giới chưa có đèn và chuông cảnh báo tự động đơn vị đang phải dùng điện thoại để liên lạc lấy thông tin giờ tàu như: Km191+270 (trạm 500Km), Km199+020 (trường mầm non xã Thắng Lợi), Km203+860 (xã Quang Trung), Km204+00 (xã Minh Cường), Km211+450 (thôn Đoàn Kết xã Đại Xuyên).
Quyết tâm gìn giữ ATGT
Để nâng cao chất lượng công tác trực cảnh giới tại 13 vị trí đường ngang giao cắt đường sắt, Công ty đã triển khai bố trí đầy đủ lực lượng công nhân trực gác tại 13 vị trí với tổng số 78 người làm việc 3 ca. Ngoài ra, Công ty còn bố trí 16 công nhân dự phòng thay thế khi có công nhân nghỉ ốm hoặc nghỉ đột xuất và 03 công nhân tuần đường. Toàn bộ số công nhân trực gác của Công ty đều có đầy đủ chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp trực gác và kinh nghiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ngoài ra hàng năm Công ty kết hợp với các đơn vị đào tạo tổ chức tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho toàn thể cán bộ công nhân viên.
Bên cạnh đó, Công ty áp dụng công nghệ mới vào công tác quản lý đường ngang như: Đầu tư lắp đặt 13 camera cảnh giới tại các điểm giao cắt, phục vụ công tác giám sát và trang bị 3 xe máy cho lực lượng tuần đường và mua mới 13 điện thoại smatphones để phục vụ cảnh giới, sửa chữa lại toàn bộ hệ thống đèn điện thắp sáng, bàn ghế, quạt điện, đèn pin, nước lọc, nhà để xe, nhà WC… Thay mới tủ điều khiển đèn, chuông bị hỏng tại Km196+030 đường vào cụm công nghiệp Quất Động; Sửa chữa bổ sung bản lát đường vào trạm 500KV huyện Thường Tín; Tôn vuốt đường ngang giảm chênh cao giữa đường bộ và đường sắt tại Km211+450 đường vào thôn Đoàn Kết xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên trong những năm qua.
Đồng thời, Công ty thường xuyên trao đổi thông tin và phối hợp cùng chính quyền 2 huyện Thường Tín và Phú Xuyên để giải tỏa hành lang, đóng các điểm mở trái phép, lập đường gom để tạo lối đi qua các nút có gác chắn để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện giao thông; chủ động ngăn ngừa những tại nạn, trở ngại do chủ quan gây ra... Để thực hiện được mục tiêu bảo đảm an toàn cho mỗi chuyến tầu, bên cạnh sự nỗ lực của Công ty thì còn rất cần sự quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ của chính quyền địa phương trong việc kiểm tra, xử lý các vi phạm về hành lang an toàn giao thông đường sắt như: chấm dứt việc tự ý mở lối đi dân sinh vượt qua đường sắt; xây dựng các công trình vi phạm hành lang, tệ ném đất đá lên tàu, trộm cắp các thiết bị là vật tự đường sắt, cản trở người thi hành nhiệm vụ bảo vệ an toàn giao thông đường sắt... Phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người tham gia giao thông, điều khiển phương tiện giao thông và người dân sinh sống dọc 2 bên đường sắt...
Công ty mong sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương và chủ động tích cực của Công ty sẽ là cơ sở để hạn chế và đẩy lùi các nguy cơ tai nạn giao thông đường sắt tại các điểm giao cắt giữa đường sắt với đường bộ. Lãnh đạo công ty luôn xác định: Sự phát triển của ngành Đường sắt chỉ thực sự bền vững, khi giữ vững được an toàn chạy tàu; an toàn tài sản của quốc gia; an toàn tính mạng, tài sản của hành khách và người dân tham gia giao thông...
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.