Công ty CP Thông tin tín hiệu Đường sắt Đà Nẵng được giao quản lý, bảo trì thường xuyên kết cấu hạ tầng thông tin tín hiệu đường sắt từ Km521+800 đến Km1095+540 trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh theo đơn đặt hàng của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, trải dài qua 7 tỉnh thành (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định). Phạm vi quản lý hơn 600 km tuyến đường trục thông tin, 56 ga, trạm và 3 trung tâm giám sát đường ngang cảnh báo tự động với tổng số 337 đường ngang, trong đó 150 đường ngang có gác, 187 đường ngang cảnh báo tự động; kết nối tín hiệu đường sắt - đường bộ tại 12 vị trí đường ngang.
Đặc điểm địa bàn quản lý của Công ty đi qua thành phố, thị xã, thị trấn, khu đông dân cư, gây nhiều khó khăn cho đơn vị trong công tác đảm bảo an toàn thông tin tín hiệu nói riêng, an toàn chạy tàu nói chung. Do đó, những năm qua, Công ty đã chủ động triển khai thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, đặc biệt là đảm bảo an toàn chạy tàu. Trong công tác đảm bảo hành lang, Công ty đã phối hợp với các đơn vị, cơ quan chức năng địa phương giải tỏa các công trình vi phạm bảo vệ đường dây; kiểm tra các "điểm đen", nguy cơ tiềm ẩn mất ATGT. Thời gian qua, trên địa bàn vẫn còn xảy ra vụ việc phương tiện giao thông va chạm làm hư hỏng cần chắn. Từ đầu năm 2022 đến nay, Công ty đã phối hợp với công an các địa phương xử lí và yêu cầu khắc phục hậu quả 6 vụ việc xảy ra trên địa bàn quản lý.
Đối với 16 trường hợp vi phạm "phạm vi bảo vệ công trình thông tin tín hiệu, hệ thống cấp điện đường sắt" (Quảng Trị: 5 vụ, Thừa Thiên - Huế: 1 vụ, Đà Nẵng: 1 vụ, Quảng Nam: 7 vụ, Quảng Ngãi: 1 vụ, Bình Định: 1 vụ) từ đầu năm đến nay, Công ty đã trình báo và lập biên bản phối hợp giải quyết, đồng thời báo cáo lên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Vì vậy, cùng với các biện pháp trên, Công ty đã tích cực triển khai nhiều biện pháp đồng bộ khác như: thực hiện chế độ nhân công trực, kiểm tra thường xuyên đảm bảo thiết bị hoạt động ổn định, kịp thời phát hiện sự cố, hư hỏng phát sinh, có biện pháp xử lý khắc phục ngay; cử nhân viên cảnh giới tại các đường ngang cảnh báo tự động có mật độ phương tiện giao thông qua lại cao trong các dịp lễ, Tết.
Đặc biệt, Công ty đã đẩy mạnh áp dụng các đề tài nghiên cứu KHCN vào thực tế quản lý của công ty, đặc biệt là hệ thống giám sát đường ngang cảnh báo tự động kết hợp với hệ thống giám sát hình ảnh camera tại đường ngang qua đường truyền cáp quang của ngành Đường sắt tạo thành trung tâm quản trị giám sát thông tin tín hiệu, qua đó kịp thời phát hiện các trở ngại, sự cố và đưa ra những chỉ đạo nhanh chóng, phù hợp nhất, từ đó nâng cao năng lực quản lý thiết bị của Công ty. Các đề tài KHCN đã được đưa vào áp dụng như:
- Nghiên cứu giải pháp khắc phục tình trạng tầm nhìn phát xe của trưởng tàu đối với tài xế bị hạn chế tại ga Hải Vân;
- Thiết kế và lắp đặt hệ thống khống chế ga Hải Vân để khống chế tàu qua ga không phải dừng ký thử hãm (cho cả tàu số chẵn và số lẻ);
- Nghiên cứu, thiết kế mạch điện thiết bị phòng vệ cầu chung Long Đại km538+398;
- Nghiên cứu thiết kế, lắp đặt thí điểm hệ thống giám sát các điểm xung yếu trên đường sắt bằng hình ảnh.
Thời gian qua, Công ty đã phối hợp với Sở khoa học và Công nghệ TP. Đà Nẵng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thực hiện Đề tài "Hệ thống thông tin tín hiệu thông minh đường ngang đường sắt kết hợp thiết bị trợ giúp lái tàu". Ngoài ra, Công ty thường xuyên đầu tư đồng bộ thiết bị và đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, từng bước nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, phục vụ công tác duy tu bảo trì và thi công xây lắp các công trình thông tin tín hiệu đường sắt chất lượng, hiệu quả, phục vụ hữu hiệu công tác đảm bảo an toàn chạy tàu.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.