Tham dự hội nghị có đại diện các Khu quản lý đường bộ, các Sở GTVT, các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT quốc lộ, cao tốc, cầu, các doanh nghiệp quản lý, bảo dưỡng thường xuyên quốc lộ, cao tốc…
Tại hội nghị, ông Lê Hồng Điệp, Phòng quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, Cục ĐBVN đã trình bầy dự thảo Kế hoạch thực hiện, trong đó sẽ quán triệt quan điểm, mục tiêu, nội dung, giải pháp quy định tại Chỉ thị số 10/CT-TTg và Kế hoạch 4485/KH-BGTVT đến toàn bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị, công chức, viên chức, người lao động, cá nhân liên quan trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách, quy hoạch, chiến lược, quy chuẩn, tiêu chuẩn; tổ chức thực hiện các công việc quản lý, bảo trì KCHTGT đường bộ, vận tải đường bộ, đào tạo sát hạch lái xe và các công việc có liên quan khác thuộc phạm vi nhiệm vụ của Cục ĐBVN. Bên cạnh đó để nâng cao nhận thức về công tác bảo đảm TTATGT đường bộ trong tình hình mới, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ về bảo đảm TTATGT thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Cục ĐBVN các cơ quan, đơn vị trực thuộc và các doang nghiệp tham gia đầu tư, xây dựng, khai thác, sử dụng KCHTGT của các tuyến quốc lộ, đường cao tốc, đường khác thuộc phạm vi nhiệm vụ của Cục ĐBVN và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà đầu tư có liên quan.
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Khu Quản lý đường bộ IV cho biết, cần gắn chặt trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, doanh nghiệp, tổ chức trong công tác bảo đảm TTATGT nhất là công tác bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ, vì hiện nay tình trạng đấu nối, lấn chiếm hành lang ATGT đường bộ diễn ra khá phổ biến. Bên cạnh đó cần cần phải tổ chức và tổ chức lại giao thông khoa học, hợp lý, đồng bộ, gắn với việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông. Do đó, đối với công tác lập dự án, thiết kế, rà soát, thẩm định của chủ đầu tư, thẩm tra của tư vấn và thẩm định của Cục ĐBVN cần chú trọng yêu cầu tổ chức giao thông khoa học, hợp lý và đồng bộ trong tổ chức giao thông các dự án đầu tư xây dựng, các dự án hoặc báo cáo thiết kế kỹ thuật sửa chữa công trình đường bộ, khắc phục điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT. Cũng đồng quan điểm này, đại diện Tổng công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) cho biết, hiện trên tuyến QL5 do doanh nghiệp đang quản lý và khai thác tình trạng xâm phạm hành lang ATGT khá nghiêm trọng, chỉ đơn cử qua địa phận tỉnh Hưng Yên có 24 vị trí, cá biệt đoạn qua huyện Văn Lâm có 10 vị trí bị xâm phạm như: Xây dựng công trình trong đất hành lang ATGT, họp chợ trong lòng đường gom, lấn chiếm hành lang đường bộ làm điểm tập kết, buôn bán vật liệu… mặc dù VIDIFI đã phối hợp với Chi cục QLĐB I.6 đã làm việc với chính quyền địa phương, tuy nhiên những vi phạm này vẫn tồn tại và tái diễn. Do đó cần làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu địa phương trong công tác quản lý bảo vệ hành lang ATGT…
Tại Hội nghị, nhiều địa phương quan tâm đến việc giảm thiểu các thủ tục trong việc xóa điểm đen, điểm mất ATGT bởi hiện nay việc xóa các điểm đen còn nhiều thủ tục rườm rà.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, ông Nguyễn Xuân Cường Cục trưởng Cục ĐBVN cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ trong tình hình mới, Cục Đường bộ Việt Nam và các cơ quan, đơn vị đã quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện, đưa công nghệ áp dụng vào các lĩnh vực bảo đảm TTATGT, nhất là ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong công tác sát hạch cấp giấy phép lái xe. Cùng với đó cơ sở vật chất của các cơ sở đào tạo được nâng lên, chương trình đào tạo được rà soát, chỉnh sửa, bổ sung đảm bảo chất lượng đào tạo cấp GPLX an toàn, triển khai tốt công tác bảo trì, sửa chữa, xử lý điểm đen và kiểm soát tải trọng xe có kết quả tích cực, giảm TNGT.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Cục trưởng yêu cầu lãnh đạo các đơn vị tập trung xử lý hồ sơ tất cả các điểm đen, điểm mất ATGT trước ngày 31/5 với nguyên tắc "xoá điểm đen là việc cần làm ngay" với tinh thần như vậy vốn để làm sẽ ghi vào sửa chữa thường xuyên, nếu kinh phí lớn sẽ được ghi vào mục khẩn cấp và vốn quá lớn sẽ được phân kỳ đầu tư để các địa phương, đơn vị chủ động trong việc thi công xóa điểm đen, xóa điểm mất ATGT. Đối với hành vi tự ý đấu nối vào quốc lộ, các đơn vị quản lý, nhân viên phải chủ động phát hiện kịp thời, kiên quyết xử lý và thông báo cho địa phương để phối hợp giải quyết theo quy định.
Cục trưởng yêu cầu các công ty đầu tư BOT nghiêm túc thực hiện đảm bảo ATGT, nâng cao trách nhiệm để quản lý chất lượng công trình đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Cục để chủ động đảm bảo ATGT đường bộ.
Cục trưởng đề nghị giám đốc các khu, giám đốc các sở GTVT, các nhà đầu tư BOT, nghiêm túc thực hiện đảm bảo giám sát chặt chẽ chất lượng thực hiện, đầu tư máy móc thiết bị.
Về công tác đào tạo cấp GPLX, Cục trưởng yêu cầu đảm bảo cấp đổi GPLX đúng quy định, hoàn thiện Đề án ứng dụng CNTT và chuyển đổi số với tinh thần áp dụng công nghệ vào trong chuyển đổi số, đào tạo sát hạch cấp GPLX, nâng cao chất lượng.
Cục trưởng nhấn mạnh đến trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan các cấp thuộc Cục, các Sở GTVT, doanh nghiệp quản lý bảo trì, tập thể và cá nhân liên quan nêu cầu tinh thần trách nhiệm để hoàn thành các nhiệm vụ được giao trong kế hoạch, nếu để xảy ra mất ATGT theo kế hoạch đã ban hành thì trách nhiệm của người đứng đầu các cấp và các cơ quan, đơn vị liên quan.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.