Để lái xe vi phạm tốc độ là trách nhiệm của doanh nghiệp

Tác giả: KL

saosaosaosaosao
Vận tải 18/10/2023 19:02

Tạp chí GTVT đã có cuộc phỏng vấn ông Đỗ Công Thuỷ, Phó trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam về xử lý dữ liệu giám sát hành trình, cũng như trách nhiệm của doanh nghiệp và cơ quan quản lý.

Để lái xe vi phạm tốc độ là trách nhiệm của doanh nghiệp - Ảnh 1.

Hiện trường vụ TNGT trên QL 20 khiến 5 người tử vong do lái xe của nhà xe Thành Bưởi vi phạm tốc độ, điều khiển phương tiện không có GPLX

Có phải việc Cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) chậm công bố thông tin từ dữ liệu giám sát hành trình (GSHT) của các phương tiện kinh doanh vận tải dẫn đến không ngăn chặn được các xe vi phạm tiếp tục kinh doanh, thậm chí gây tai nạn?

Việc cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu các đơn vị tham gia kinh doanh vận tải lắp thiết bị GSHT hay camera trước tiên là phục vụ công tác quản lý, điều hành của doanh nghiệp. Khi xảy ra sự việc (sự cố, TNGT), cơ quan quản lý căn cứ vào dữ liệu của doanh nghiệp để điều tra tai nạn, phân tích nguyên nhân và xử lý vi phạm.

Để lái xe vi phạm tốc độ là trách nhiệm của doanh nghiệp - Ảnh 2.

Ông Đỗ Công Thủy, Phó trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam

Phải khẳng định rằng: Doanh nghiệp kinh doanh vận tải phải chịu trách nhiệm theo dõi, chấn chỉnh các hành vi vi phạm của lái xe thông qua dữ liệu từ thiết bị GSHT. Ngay cả khi không có thiết bị GSHT, doanh nghiệp vẫn phải có trách nhiệm giám sát, đảm bảo an toàn trong quá trình kinh doanh.

Và cũng nói rõ, thiết bị GSHT, camera hay bất kỳ thiết bị nào khác không phải là thiết bị vạn năng để ngăn xảy ra tai nạn.

Để xảy ra tai nạn, trước tiên là doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ trách nhiệm, không quản lý được lái xe, ý thức của người lái xe không tuân thủ và thực hiện nghiêm túc các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh, không tuân thủ đúng tốc độ giới hạn trên đường.

Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT đã quy định chi tiết, đầy đủ trách nhiệm của doanh nghiệp vận tải thực hiện quy trình đảm bảo ATGT trong quá trình kinh doanh. Trong đó, quy định cụ thể trước và trong quá trình vận chuyển doanh nghiệp phải làm gì, kiểm tra các điều kiện của phương tiện, người lái ra sao. Để lái xe vi phạm tốc độ, phương tiện vượt quá tốc độ nhiều lần là trách nhiệm của doanh nghiệp.

Để lái xe vi phạm tốc độ là trách nhiệm của doanh nghiệp - Ảnh 3.

Doanh nghiệp phải quản lý lái xe

Như vậy dữ liệu thống kê của Cục ĐBVN sử dụng với mục tiêu nào và tại sao lại chậm công bố?

Theo quy định tại Nghị định 10, dữ liệu vi phạm tốc độ trên hệ thống dữ liệu của Cục ĐBVN được tổng hợp theo tháng để phục vụ công tác xử lý vi phạm thu hồi phù hiệu.

Do hệ thống được xây dựng thời gian đã lâu (từ năm 2015), công nghệ lạc hậu, hạn chế về năng lực xử lý, dữ liệu tổng hợp hàng tháng chưa được nhanh và kịp thời. Nguyên nhân là do nguồn kinh phí hầu như không có. Tuy nhiên, Hệ thống hiện vẫn đang thực hiện tiếp nhận và giám sát theo thời gian thực.

Các Sở GTVT có thể thực hiện trích xuất dữ liệu vi phạm hàng ngày để chấn chỉnh, nhắc nhở ngay đối với các đơn vị kinh doanh vận tải có xe vi phạm chứ không chờ đến khi hệ thống tổng hợp xong dữ liệu theo tháng.

Tới đây để phát huy hiệu quả của thiết bị GSHT và ngăn ngừa các vụ vi phạm như vụ tai nạn xe khách Thành Bưởi vừa qua Cục ĐBVN sẽ có giải pháp nào?

Trước mắt, Cục ĐBVN sẽ tiếp tục có văn bản đề nghị các Sở GTVT tăng cường khai thác dữ liệu để nhắc nhở ngay đối với các đơn vị kinh doanh vận tải có vi phạm để có biện pháp chấn chỉnh lái xe kịp thời.

Hiện nay, Cục ĐBVN đang tham mưu cho Bộ GTVT xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 10/2020/NĐ-CP sẽ siết việc cấp và thu hồi phù hiệu, biển hiệu đối với xe kinh doanh vận tải.

Để lái xe vi phạm tốc độ là trách nhiệm của doanh nghiệp - Ảnh 4.

Lắp đặt camera là phục vụ chính lợi ích của doanh nghiệp trong quản lý, điều hành, giám sát lái xe và phương tiện

Theo đó, bổ sung quy định đối với các xe bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu thì sau 30 ngày mới được cấp lại, khi đó xe kinh doanh phải nằm bãi một tháng, ngay lập tức đánh vào lợi ích kinh tế của chủ phương tiện. Đây cũng là cảnh báo đối với chủ doanh nghiệp, buộc phải có trách nhiệm hơn trong việc quản lý lái xe và phương tiện.

Đồng thời, để phát huy hiệu quả thiết bị GSHT, các trường hợp vi phạm được xử lý kịp thời, tăng tính răn đe đối với các trường hợp vi phạm, bổ sung quy định tại Nghị định 10 nội dung: Đơn vị kinh doanh vận tải bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu khi trích xuất dữ liệu từ thiết bị GSHT của mỗi phương tiện trong một ngày có từ 3 lần vi phạm tốc độ trở lên (không tính các trường hợp vi phạm tốc độ dưới 5 km/h), thay vì chờ tổng hợp một tháng 5 lần vượt quá tốc độ mới xử lý như hiện nay.

Với quan điểm ứng dụng toàn diện công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số lĩnh vực đường bộ, Bộ GTVT đã phê duyệt Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực đường bộ giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến 2030".

Trong đó, một trong những nhiệm vụ lớn đến năm 2025 là phải thực hiện xây dựng, hoàn chỉnh các hệ thống CNTT quản lý hoạt động vận tải phục vụ công tác quản lý Nhà nước. Khi hệ thống xây dựng xong sẽ hình thành cơ sở dữ liệu về hoạt động vận tải dùng chung cho các ngành GTVT, Công an, Thuế, Hải quan để phục vụ công tác quản lý.

Khi đó hệ thống tự động tổng hợp các lỗi vi phạm của đơn vị kinh doanh vận tải, xe kinh doanh vận tải, lái xe để hỗ trợ cơ quan quản lý trong thanh tra, kiểm tra, xử phạt nguội.

Xin cảm ơn ông!