Đèo Cả đặt mục tiêu thi công khoảng 10.000 tỷ đồng cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2

Tác giả: Nam Hải

saosaosaosaosao
Đường bộ 04/09/2022 10:44

Tập đoàn Đèo Cả đặt mục tiêu trong giai đoạn 2022 - 2025, doanh nghiệp sẽ tham gia thi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 tương đương giá trị khoảng 10.000 tỷ đồng.


Đèo Cả đặt mục tiêu thi công khoảng 10.000 tỷ đồng cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 - Ảnh 1.

Ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả phát biểu tại buổi lễ

Hôm qua (3/9), tại TP.Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, Tập đoàn Đèo Cả đã tổ chức chương trình "Giao lưu, hợp tác cùng phát triển Đèo Cả - Vì một khát vọng Việt Nam" với sự tham gia của rất nhiều đối tác, khách hàng, nhà thầu thuộc các lĩnh vực liên quan đến đầu tư hạ tầng giao thông.

Tại hội nghị, Ban điều hành Tập đoàn Đèo Cả giới thiệu chung về văn hoá Đèo Cả, chiến lược phát triển giai đoạn 2022 - 2030 và các phương thức hợp tác của Tập đoàn.

Theo đó, Đèo Cả phát triển hệ sinh thái xoay quanh 4 lĩnh vực: Đầu tư hạ tầng giao thông; tổng thầu thi công xây lắp; Quản lý khai thác vận hành, bảo trì công trình giao thông; Đầu tư bất động sản, công nghiệp, dịch vụ… gắn liền với công trình giao thông.

Hiện nay, Đèo Cả đang triển khai nghiên cứu các dự án cao tốc Bắc - Nam và các dự án liên kết vùng phía Bắc, miền Trung - Tây nguyên, miền Nam. Mục tiêu trong giai đoạn 2022 - 2025, Đèo Cả sẽ tham gia thi công cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 tương đương giá trị khoảng 10.000 tỷ đồng; đấu thầu các dự án đầu tư công khác với giá trị khoảng 15.000 tỷ đồng; thi công các dự án do Tập đoàn đầu tư khoảng 12.000 tỷ đồng.

Đèo Cả đặt mục tiêu thi công khoảng 10.000 tỷ đồng cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 - Ảnh 2.

Quang cảnh chương trình "Giao lưu, hợp tác cùng phát triển Đèo Cả - Vì một khát vọng Việt Nam"

Để làm được khối lượng công việc lớn như thế, Tập đoàn cần có sự hợp tác, đồng hành của các đối tác. Trong thời gian qua nhiều nhà thầu đã nhận được sự hỗ trợ của Tập đoàn từ chuyên môn kỹ thuật, tài chính… đã vươn mình trở thành những nhà thầu lớn trong lĩnh vực hạ tầng giao thông.

Cũng tại hội nghị này, Tập đoàn Đèo Cả đã chia sẻ mô hình "Đèo Cả One", rủi ro chia sẻ - lợi ích hài hoà. Theo đó, Đèo Cả xác lập về quyền lợi và trách nhiệm chung của từng đối tác. Cụ thể, các nhà thầu cần phải chứng minh năng lực phù hợp về khả năng thi công thông qua nhân lực, máy móc thiết bị, tự chủ tài chính và kinh nghiệm. Đèo Cả sẽ tổ chức đánh giá ngay từ đầu và kiểm tra định kỳ để đồng hành hoặc thay thế…

Khi hợp tác cùng Đèo Cả, các đối tác, nhà thầu được đảm bảo dòng tiền, lợi nhuận từ hoạt động thi công. Ngoài ra, căn cứ năng lực tài chính, nhân sự, máy móc thiết bị… các đối tác, nhà thầu sẽ được tạo mọi điều kiện lựa để chọn công việc phù hợp với năng lực và thế mạnh của mình. Bên cạnh đó, Đèo Cả sẵn sàng cung cấp và hỗ trợ tài chính, pháp lý khi các đơn vị gặp khó khăn.

Đèo Cả đặt mục tiêu thi công khoảng 10.000 tỷ đồng cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Chí Thành - Chủ tịch HĐQT Công ty Hoàng Long Hà Tĩnh

Là người đồng hành cùng Tập đoàn Đèo Cả từ khi Đèo Cả vào giải cứu cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đến nay là đầu tư xây dựng cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, ông Nguyễn Chí Thành - Chủ tịch HĐQT Công ty Hoàng Long Hà Tĩnh chia sẻ: "Sau 7 năm đồng hành hợp tác, khi được chứng kiến, được nghe, được thấy và cảm nhận, tôi rất tâm đắc và học tập được rất nhiều từ Đèo Cả về mô hình quản trị của Tập đoàn. 

"Với phạm vi hoạt động trải dài khắp cả nước và với hơn 6.000 người lao động, nhưng phương pháp quản trị, điều hành của Đèo Cả rất hợp lý và khoa học. Với tầm nhìn và sự quyết tâm, Tập đoàn Đèo Cả đã để lại nhiều giá trị cho đất nước bằng chính những sản phẩm mà Tập đoàn này làm ra", ông Thành nói.