Theo báo cáo từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tháng 11/2024, toàn thị trường tiêu thụ 44.200 xe. Doanh số các thành viên thuộc VAMA đã thiết lập kỷ lục mới, tăng cao nhất từ đầu năm 2024, tăng 14% so với tháng trước và tăng đến 58% so với tháng 11/2023.
Trong đó, xe du lịch bán ra 34.835 xe, tăng 15%, 9.017 xe thương mại, tăng 9% và xe chuyên dụng đạt 348 xe, tăng 54% so với tháng 10.
Về nguồn gốc, doanh số bán của xe lắp ráp trong nước đạt 25.114 xe, tăng 19% so với tháng trước và doanh số xe nhập khẩu nguyên chiếc là 19.086 xe, tăng 8% so với tháng trước.
Sở dĩ doanh số toàn thị trường tăng cao, đặc biệt là xe lắp ráp trong nước là bởi tháng 11/2024 là tháng cuối áp dụng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ từ Chính phủ. Do đó, người tiêu dùng tranh thủ mua xe để hưởng ưu đãi với giá lăn bánh xe giảm sâu.
Luỹ kế doanh số từ đầu năm, người Việt tiêu thụ 308.544 xe, tăng 17% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, sản lượng xe lắp ráp trong nước bán ra đã tăng 1,6%, trong khi xe nhập khẩu tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thời điểm này, các doanh nghiệp sở hữu toàn bộ dải sản phẩm xe lắp ráp trong nước như TC Motor với thương hiệu Hyundai hay VinFast đều chưa công bố doanh số bán hàng. Do đó, số liệu trên vẫn còn ghi nhận sự tăng trưởng bất ngờ trong tháng 11/2024.
Thời điểm này, chính sách giảm lệ phí trước bạ cho xe lắp ráp trong nước đã chính thức hết hiệu lực. Xe nhập khẩu và lắp ráp đang trở lại vạch xuất phát trên đường đua doanh số tháng cuối cùng của năm 2024.
Các chuyên gia dự đoán, thị trường ô tô Việt Nam cuối năm 2024 và đầu năm mới sẽ gặp khó bởi nhu cầu sẽ giảm. Các hãng sẽ buộc phải “cắt máu” để tung ra các chương trình ưu đãi nhằm kích cầu tiêu dùng nếu không muốn có một năm doanh số thụt lùi so với các đối thủ.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.