Ngày 22/3, Bộ GTVT tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp hàng hải và đường thủy nội địa tại TP. HCM. Chủ trì hội nghị có Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, các bộ, ban, ngành, địa phương các sở GTVT của 19 tỉnh, thành.
Cùng dự hội nghị có đại diện các doanh nghiệp cảng biển, đường thủy nội địa, các hãng tàu, doanh nghiệp vận tải, các hiệp hội và chuyên gia trong ngành.
Vượt khó để tăng trưởng
Theo Bộ GTVT, Hội nghị đối thoại doanh nghiệp là hoạt động thường niên của ngành GTVT, là cơ hội để Bộ GTVT, các bộ, ngành liên quan, chính quyền các địa phương ghi nhận các ý kiến đề xuất, các sáng kiến của hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp với các giải pháp nhằm khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng cảng biển, vận tải, dịch vụ logistics, phát triển đội tàu vận tải.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cho biết, thời gian qua, tình hình thế giới biến động nhanh, khó dự báo và chưa có tiền lệ, xung đột chính trị tại một số khu vực trên thế giới ngày càng phức tạp, lạm phát tăng cao tại nhiều nước, sức tiêu thụ hàng hóa giảm; các vấn đề về biến đổi khí hậu, dịch bệnh, thiên tai diễn biến phức tạp… đã tác động không nhỏ đến tình hình kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh vận tải, trong đó có hàng hải và đường thủy nội địa.
Đến nay, mặc dù nền kinh tế thế giới đã phục hồi nhưng chưa ổn định, vận tải biển vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, nguồn hàng vận tải giảm, chi phí đầu vào tăng cao.
Trước tình hình đó, ngành GTVT đã có một số giải pháp kịp thời để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bảo đảm hoạt động vận tải được thông suốt, an toàn và hiệu quả, góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa nội địa và xuất nhập khẩu.
Bộ GTVT dẫn chứng, trong nhiều năm trở lại đây, lĩnh vực hàng hải và đường thủy nội địa luôn có tốc độ tăng trưởng hàng hóa cao, ổn định. Vận tải hàng hóa năm 2023 đạt 2.344 triệu tấn, tăng 15,4%. Trong đó, vận chuyển hàng hóa đường thủy đạt 476 triệu tấn (tăng 18,7%) và đường biển đạt 116 triệu tấn (tăng 7,8%). Vận chuyển hành khách năm 2023 đạt 4.679 triệu lượt khách (tăng 12,3%) Trong đó, vận chuyển hành khách bằng đường biển 7,3 triệu hành khách (tăng 21%), đường thủy đạt 318 triệu hành khách (tăng 21,1%).
Phát triển đội tàu “xanh”
Tại buổi tham luận, nhiều đại biểu quan tâm đến quy hoạch Cảng Trung chuyển quốc tế Cần Giờ, việc tổ chức nạo vét duy tu các luồng tuyến hàng hải, nâng tĩnh không các cầu về đường thủy nội địa, miễn thuế một số hạng mục cho các doanh nghiệp và việc đồng nhất các loại thuế phí, thay đổi các quy định không phù hợp… để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn.
Về vấn đề thanh lý các tàu cũ và mua mới các tàu phù hợp với tiêu chuẩn của quốc tế, theo ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam thì đây là khó khăn kéo dài, chưa được giải quyết.
Theo ông Liêm, để đáp ứng được các yêu cầu của lộ trình giảm phát thải mà IMO đưa ra, giải pháp lâu dài cần phải được triển khai là thanh lý các tàu già cũ, đặc biệt là khó khăn để đáp ứng được quy định của MARPOL về tiêu chuẩn EEXI và CII. Ngoài ra, cần đầu tư ứng dụng các tiến bộ của công nghệ mới trong ngành tàu thủy để thu gom khí thải; đầu tư trẻ hóa đội tàu bằng các tàu Eco-ship và tàu sử dụng lưỡng nhiên liệu (dual fuel); từng bước nghiên cứu đầu tư phát triển các tàu sử dụng nhiên liệu xanh.
Tuy nhiên, khó khăn trong việc đầu tư phát triển đội tàu của các doanh nghiệp nhà nước còn vướng về các thủ tục quy định của pháp luật đấu thầu về người đại diện. Việc làm hồ sơ chào thầu trước khi xác định được người bán tàu sẽ rất khó xây dựng điều khoản thanh toán, địa điểm bàn giao, thời điểm bàn giao, thời điểm kiểm tra tàu trước khi ký hợp đồng...
"Vì vậy, do hình thức mua bán tàu theo thông lệ quốc tế khác biệt hoàn toàn so với hình thức đấu thầu theo quy định pháp luật Việt Nam nên việc mua tàu của các doanh nghiệp nhà nước thực hiện thông qua việc đấu thầu là rất khó. Từ khi có Nghị định 171 đến nay, chưa có doanh nghiệp nhà nước nào mua được tàu biển quốc tế.
Chính vì những khó khăn này, từ năm 2010 đến nay, đội tàu liên tục giảm, năm 2010 có 110 tàu với tổng dung tích 3 triệu tấn, đến năm 2016 còn 89 tàu với tổng dung tích 2 triệu tấn và hiện nay chỉ còn 59 tàu với tổng dung tích hơn 1,2 triệu tấn", ông Liêm dẫn chứng.
Ông Vũ Thanh Hải - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vận tải và Xếp dỡ Hải An cũng có ý kiến về việc các đội tàu của Việt Nam đang giảm dần và không phù hợp với các hãng vận tải quốc tế. Ông Hải nêu khó khăn: "Hiện nay vốn đầu tư cho đội tàu là khá lớn, lãi suất vay ngân hàng cao dẫn đến chi phí lãi vay lớn. Với cỡ tàu 1.800 TEU đóng mới, vay 50% từ ngân hàng, thời gian vay là 96 tháng thì chi phí lãi vay là 20% tổng chi phí đầu tư.
Mặt khác, theo ông Hải, chi phí VAT nhập khẩu tàu hiện tại là 10% giá mua tàu, làm gia tăng gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp. Vì vậy, kiến nghị Nhà nước có chính sách tốt về lãi vay cho doanh nghiệp đầu tư phát triển đội tàu container, miễn hoặc giảm thuế VAT nhập khẩu tàu container.
Đồng thời, tại Hội nghị, các đơn vị cũng kiến nghị tăng tuổi tàu được phép đăng ký và treo cờ Việt Nam từ 15 lên 17 tuổi; quản lý và điều chỉnh các chi phí liên quan đến hoạt động khai thác tàu container tại tất cả các cảng biển Việt Nam một cách đồng nhất và ưu tiên giá tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Tháo gỡ khó khăn thủ tục từ các địa phương
Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) nêu kiến nghị về việc áp dụng các thủ tục, nghĩa vụ tài chính theo Luật Khoáng sản vào hoạt động duy tu nạo vét trước bến cảng Bà Rịa - Vũng Tàu.
Ông Kỳ cho rằng, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang áp dụng các thủ tục, nghĩa vụ tài chính theo Luật Khoáng sản vào hoạt động duy tu nạo vét ở bến cảng là chưa hợp lý. Đây là địa phương duy nhất đang áp dụng việc này.
Trước tháng 5/2023, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không công bố khu vực đổ chất nạo vét trên bờ theo quy định tại khoản 2, Điều 47, Nghị định 159 quy định về trách nhiệm của UBND tỉnh trong việc công bố địa điểm đổ chất nạo vét trên bờ và ngoài biển thuộc phạm vi quản lý.
Tuy nhiên, tỉnh này vẫn thu và truy thu các nghĩa vụ tài chính theo Luật Khoáng sản đối với vật chất nạo vét đổ lên bờ. Khi các doanh nghiệp đồng loạt gửi kiến nghị nhiều lần, các cơ quan lĩnh vực hàng hải, báo đài vào cuộc liên tục, mạnh mẽ từ năm 2021 đến tháng 5/2023 thì tỉnh mới công bố khu vực đổ trên bờ.
Hiện nay, các doanh nghiệp cảng Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn phải thực hiện các thủ tục và nghĩa vụ tài chính theo Luật Khoáng sản khi thực hiện duy tu nạo vét khu nước trước bến. Trên cả nước hiện chỉ có tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát sinh vấn đề này.
Trước những khó khăn, bất cập, Bộ GTVT và Cục Hàng hải Việt Nam đã và sẽ tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ vướng mắc, "nút thắt".
Đại diện Công ty TNHH Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) cũng kiến nghị Bộ GTVT tiếp tục thúc đẩy làm việc với các Bộ, ngành để sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định 159 nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp cảng tháo gỡ khó khăn…
Phải tận dụng thế mạnh "trời cho"
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng khẳng định vai trò của các doanh nghiệp hàng hải và đường thủy nội địa trong việc đóng góp vào sự phát triển của ngành GTVT là vô cùng to lớn.
Ngoài những mục tiêu phấn đấu để cải thiện thị phần vận tải hàng hóa quốc tế, giảm phát thải khí thải thì vấn đề tận dụng thế mạnh "trời cho" đường bờ biển dài từ Bắc vào Nam như thế nào luôn là sự trăn trở của Bộ GTVT.
“Hiện nay, chúng tôi rất quan ngại khi vận tải đường bộ chiếm tới gần 80%, trong khi hệ thống đường biển, cảng biển, đường thủy dày đặc nhưng vẫn chưa khai thác được hiệu quả. Do đó, Bộ GTVT mong muốn trong thời gian tới phải xác định việc nâng được thị phần vận tải trong nước là điều ưu tiên, mục tiêu phấn đấu chiếm 50% tỷ trọng”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.
Bộ trưởng khẳng định, việc nâng được thị phần vận tải hàng hóa bằng vận tải đường biển, đường thủy nội địa sẽ có cơ hội giảm chi phí vận chuyển, gắn với chi phí logistics, tiết kiệm tối đa chi phí bảo trì, bảo dưỡng; giảm được TNGT, giảm được số người chết, người bị thương trên đường bộ.
"Trên cơ sở các kiến nghị của các hiệp hội và doanh nghiệp, Bộ GTVT sẽ tiếp thu và chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ thực hiện một số nhiệm vụ để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định và cho biết sẽ tập trung khai thác hiệu quả vận tải biển nội địa nhằm giảm tải cho đường bộ, góp phần giảm chi phí và điều tiết hợp lý cơ cấu thị phần của các loại hình vận tải; phát huy tối đa lợi thế về vị trí của các cảng biển, đặc biệt là cảng cửa ngõ quốc tế để thu hút các tàu trọng tải lớn vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu đi các tuyến vận tải biển xa.
Đồng thời, đẩy nhanh thủ tục tàu thuyền ra, vào cảng, tối ưu hóa công tác xếp, dỡ hàng hóa, thực hiện các giải pháp cho tàu lớn vào cảng nhằm giảm thời gian và tăng cường hiệu quả hoạt động tàu thuyền trong bối cảnh giá cước vận chuyển trên các tuyến tăng cao; xem xét nghiên cứu giải pháp tăng cường công tác quản lý giá dịch vụ tại cảng biển, giá thu các loại đối với hàng hóa tại cảng biển; nghiên cứu bổ sung quy định về quản lý tuyến vận tải nhằm tạo môi trường kinh doanh minh bạch cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển.
Lãnh đạo Bộ GTVT đề nghị các hiệp hội tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò nhằm kết nối, định hướng phát triển và hỗ trợ cho các doanh nghiệp nâng cao trình độ, năng lực đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng, xử lý tranh chấp liên quan đến hoạt động vận tải.
Để tạo thuận lợi hơn nữa cho ngành Hàng hải, Đường thủy nội địa phát triển, Bộ GTVT đề nghị các bộ, ngành tiếp tục đồng hành với Bộ GTVT thực hiện các giải pháp, cụ thể như:
Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ trong công tác thực hiện các quy hoạch ngành, các chính sách về đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển, cảng thủy nội địa, đội tàu vận tải.
Bộ Tài chính xem xét bổ sung các quy định về tăng cường quản lý giá dịch vụ, phụ thu đối với hàng hóa tại cảng biển, phí và lệ phí; tiếp tục cải cách thủ tục hải quan, đặc biệt tại các cảng biển trung chuyển nước sâu, khu vực cảng mở.
Bộ Công thương thực hiện các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển dịch vụ và giảm chi phí logistics, tạo thuận lợi cho vận tải hàng hóa hoạt động hiệu quả.
UBND các tỉnh, thành nghiên cứu, xem xét ban hành các chính sách hỗ trợ trong công tác bố trí vị trí đổ thải cho hoạt động nạo vét được thuận lợi, đạt tiến độ đề ra, bảo đảm cho tàu thuyền hoạt động an toàn.
Về phía các doanh nghiệp tiếp tục đồng hành với các bộ, ngành, địa phương và hiệp hội thực hiện các giải pháp nêu trên; tiếp tục đóng góp các sáng kiến mới để thúc đẩy phát triển ngành Hàng hải, Đường thủy nội địa.
Với tinh thần đồng hành cùng phát triển, cùng có trách nhiệm với ngành và xã hội, Bộ GTVT mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp để thực hiện hiệu quả công tác vận tải hàng hóa bằng đường biển và đường thủy nội địa.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.