Dồn tổng lực thi công cầu Rạch Miễu 2

Tác giả: Mỹ Lệ

saosaosaosaosao
Đầu tư - Hạ tầng 27/01/2023 06:06

Trên hệ thống sông Tiền đang đang xuất hiện thêm cây cầu Rạch Miễu 2 quy mô, kết cấu hiện đại bên cạnh cầu Mỹ Thuận và cầu Rạch Miễu hiện hữu.


Nhà thầu Công ty Cổ phần Xây lắp 368, gói XL04 thi công cọc khoan nhồi dưới sông tại dự án cầu Rạch Miễu 2

Nhà thầu Công ty Cổ phần Xây lắp 368, gói XL04 thi công cọc khoan nhồi dưới sông tại dự án cầu Rạch Miễu 2

Trên hệ thống sông Tiền đang dần xuất hiện thêm cây cầu Rạch Miễu 2 quy mô, kết cấu hiện đại bên cạnh cầu Mỹ Thuận và cầu Rạch Miễu hiện hữu. Đây là niềm tự hào đối với hàng triệu người dân đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khi hệ thống giao thống kết nối khu vực đang dần được hoàn thiện, mở ra nhiều cơ hội để khu vực phát triển và cất cánh.

Tuyến giao thông huyết mạch cho khu vực phía Đông ĐBSCL

Xác định giao thông là "mạch máu" của nền kinh tế với mong muốn giảm UTGT tại cầu Rạch Miễu hiện hữu, giảm thiểu TNGT, đồng thời phát huy hiệu quả các dự án trên QL60 và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, dự án xây dựng cầu Rạch Miễu 2 vượt sông Tiền là một công trình trọng điểm không chỉ riêng cho tỉnh Bến Tre mà cho cả vùng ĐBSCL.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam, với tốc độ phát triển kinh tế nhanh như hiện nay tất yếu sẽ kéo theo nhu cầu vận tải ngày càng cao. Từ khi cầu Cổ Chiên được đưa vào sử dụng, lưu lượng giao thông trên tuyến QL60 tăng nhanh, thường xuyên xảy ra UTGT, nhất là vào các dịp lễ, Tết, cuối tuần. Trong tương lai, khi cầu Đại Ngãi được xây dựng và đưa vào khai thác thì QL60 trên địa bàn tỉnh sẽ trở thành tuyến giao thông huyết mạch thứ hai nối liền các tỉnh duyên hải phía Đông ĐBSCL với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam bộ. Do đó, lưu lượng xe, phương tiện tham gia giao thông sẽ tiếp tục tăng nhanh và dẫn tới quá tải. Chính vì vậy, việc xây dựng cầu Rạch Miễu 2 là vô cùng quan trọng và có ý nghĩa to lớn cho sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Bến Tre nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung.

Ông Trần Văn Thi - Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, cầu Rạch Miễu 2 là dự án được nhân dân trong vùng mong mỏi từ lâu. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ GTVT, Ban QLDA Mỹ Thuận đã quán triệt, yêu cầu các nhà thầu nghiêm túc thực hiện theo đúng các quy định pháp luật, quy định hợp đồng, thi công đảm bảo chất lượng, an toàn. Thời gian qua, hai tỉnh Bến Tre và Tiền Giang đã phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT, Ban QLDA Mỹ Thuận trong công tác GPMB để khởi công dự án đúng tiến độ. Tuy nhiên, Ban mong muốn hai địa phương phối hợp tốt hơn để giải quyết những vướng mắc trong GPMB còn lại giúp các nhà thầu thi công đảm bảo tiến độ chung của dự án.

Công tác cắm bấc thấm xử lý nền đất yếu tại gói thầu XL05

Công tác cắm bấc thấm xử lý nền đất yếu tại gói thầu XL05

Dự án cầu Rạch Miễu 2 có tổng mức đầu tư 5.175 tỷ đồng. Điểm đầu dự án nằm trên ngã tư Đồng Tâm (nút giao QL1 với ĐT870) thuộc địa bàn tỉnh Tiền Giang, điểm cuối dự án ở km16+660 trên QL60, cách mố cầu phía Bắc cầu Hàm Luông gần 100 m thuộc địa bàn TP. Bến Tre, tỉnh Bến Tre.

Chiều dài cầu Rạch Miễu 2 khoảng 17,6 km, trong đó chiều dài cầu dẫn khoảng 2 km, chiều rộng trên 20 m.

Tập trung thi công từ những ngày đầu

Theo Ban QLDA Mỹ Thuận, hiện nay dự án đang triển khai thi công 3 gói thầu XL04, XL05, XL06. Đối với gói thầu XL02 "Cầu chính dây văng" và gói thầu XL03 "Xây dựng nhịp dẫn và đường đầu cầu Rạch Miễu" hiện đã phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán, dự kiến khởi công tháng 01/2023. Trong công tác thi công, khối lượng thực hiện đạt 7,68% giá trị hợp đồng, vượt 0,85% so với kế hoạch.

Tại gói thầu XL04, anh Lê Đình Huấn - Chỉ huy trưởng gói thầu xây lắp 04 cho biết, ngay từ khi nhận nhiệm vụ, đơn vị xác định dự án cầu Rạch Miễu 2 là một công trình trọng điểm nên sau khi nhận được mặt bằng, Công ty CP Xây lắp 368 đã huy động đầy đủ thiết bị nhân công tại công trường. Ngay từ khi triển khai dự án, lực lượng công nhân đã chia làm 3 ca để tăng tốc thi công. Đến thời điểm cuối năm 2022, đơn vị xây lắp đã thi công được 7/15 cọc khoan nhồi dưới sông của trụ đúc hẫng chính và kết thúc giai đoạn 1 cọc khoan nhồi trên cạn.

Thực tế tại dự án, việc tập kết vật liệu bằng đường bộ rất khó khăn nên nhà thầu đã tận dụng vận chuyển bằng đường thủy. Tại 90 m phía đầu cầu, đơn vị đang triển khai cắm bấc thấm và đắp gia tải 3 giai đoạn, tổng thời gian gia tải là 15 tháng. Theo hợp đồng, gói thầu XL04 sẽ được thực hiện trong vòng 26 tháng. Để kịp đưa dự án về đích đúng tiến độ, đơn vị đang dồn tổng lực với quyết tâm và khí thế cao nhất.

Theo chia sẻ của anh Võ Quốc Cường - Chỉ huy trưởng gói thầu XL05, đại diện nhà thầu Tân Nam, từ khi có mặt bằng đơn vị đã tập trung thi công ngay. Hiện nhà thầu đang triển khai công tác xử lý đất yếu tại 1,4 km mặt bằng được bàn giao. Tại khu vực cầu Ba Lai, đơn vị vẫn đang triển khai đóng cọc và thi công. Anh Cường cho hay, khu vực thi công vẫn đang thiếu cát, tại gói 4 nhu cầu cát đắp khoảng 250.000 m3, trong khi đơn vị mới chỉ đắp được 45.000 m3. Do đó, nhà thầu vẫn đang tiếp tục tìm kiếm nguồn cát từ các tỉnh như Đồng Tháp, Tiền Giang và Vĩnh Long để phục vụ dự án.

Đối với gói thầu XL06 hiện vẫn chưa nhận đủ mặt bằng để thi công. Một vài điểm có mặt bằng nhưng xôi đỗ, không thể tập trung máy móc thi công. Trong những ngày cuối năm 2022, đơn vị liên danh Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn và Công ty CP Xây dựng công trình Trường Lộc đã hoàn thành nhà ban điều hành, đang huy động, tập trung nhân công máy móc cho công tác thi công. Đại diện nhà thầu chia sẻ, khó khăn chính tại dự án là mặt bằng vẫn chưa "sạch", thời gian này nhà thầu vẫn đang tranh thủ phát quang, đo đạc và san lấp những điểm đã có mặt bằng.

Theo Ban QLDA Mỹ Thuận, hiện công tác GPMB tại các địa phương triển khai rất chậm: Bến Tre đã chậm 3 tháng, Tiền Giang chậm 5 tháng so với kế hoạch. Tiến độ phía Tiền Giang không đảm bảo bàn giao mặt bằng cho phía Mỹ Tho theo cam kết với Bộ GTVT. Dự kiến, trong tháng 01/2023, đơn vị mới nhận bàn giao mặt bằng, gây ảnh hưởng đến công tác tập kết máy móc thiết bị và thi công của các nhà thầu. Bên cạnh đó, phạm vi mặt bằng đã bàn giao không liên tục gây khó khăn lớn cho công tác tổ chức triển khai thi công của nhà thầu.

Cũng theo Ban QLDA Mỹ Thuận, khó khăn về nguồn vật liệu cát dẫn đến thiếu hụt ảnh hưởng tiến độ thi công. Vật liệu chủ yếu của dự án là cát và đá cấp phối, trong khi khối lượng cát sử dụng cho toàn dự án cần khoảng 1,4 triệu m3. Thời gian tới, khi triển khai thi công đồng loạt thì vật liệu cát rất có thể không đáp ứng đủ. Hiện nay, dự án không sử dụng được các nguồn cát của địa phương do một số mỏ không đủ chất lượng và một số mỏ hiện đã hết thời gian khai thác, vì vậy địa phương đang triển khai thủ tục cấp phép khai thác lại mỏ cát, tuy nhiên thời gian có thể bị kéo dài.