Gỡ vướng mặt bằng cho dự án đường Hồ Chí Minh qua Kiên Giang

Tác giả: Mỹ Lệ

saosaosaosaosao
Đường bộ 26/05/2024 20:31

Mặc dù chủ đầu tư dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất và Gò Quao - Vĩnh Thuận đã bàn giao cọc giải phóng mặt bằng cho tỉnh Kiên Giang từ tháng 11/2023, nhưng đến nay địa phương chỉ mới bàn giao mặt bằng hơn 8,1 km trong tổng số hơn 45,3 km.

UBND tỉnh Kiên Giang vừa có buổi làm việc với các địa phương để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất và Gò Quao - Vĩnh Thuận.

Theo đó, dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất và Gò Quao - Vĩnh Thuận khởi công ngày 6/3, dự kiến cơ bản hoàn thành vào cuối năm 2025. Tuy nhiên, đến nay dự án chỉ mới được bàn giao mặt bằng hơn 8,1 km trong tổng số hơn 45,3 km.

Gỡ vướng mặt bằng cho dự án đường Hồ Chí Minh qua Kiên Giang- Ảnh 1.

Dự án được khởi công từ tháng 3/2024 nhưng mặt bằng chưa được bàn giao theo cam kết

Các phạm vi còn lại của dự án hiện chỉ mới đo đạc, kiểm đếm, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu... để thực hiện công tác di dời hạ tầng kỹ thuật, xây dựng khu tái định cư.

Theo kế hoạch của chủ đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng, dự kiến đến tháng 12/2024 mới bắt đầu bàn giao phần mặt bằng còn lại. Trong khi đó, hiện nay các nhà thầu đã huy động đầy đủ máy móc, thiết bị, nhân lực... để tổ chức thi công tại công trường. Vì vậy, do chưa có mặt bằng nên nhà thầu chỉ triển khai thi công các hạng mục của 7/20 cầu như cầu KH6 (trụ T1, T2), cầu Cái Lớn (trụ T4 đến trụ T8), cầu Ngã Ba Cái Tàu (trụ T6, T7), cầu Chắc Băng (trụ T4, T5). Còn lại, các vị trí nhà thầu đề nghị ưu tiên giải phóng mặt bằng để thi công đồng bộ vẫn chưa được địa phương bàn giao.

Gỡ vướng mặt bằng cho dự án đường Hồ Chí Minh qua Kiên Giang- Ảnh 2.

Nhà thầu tập trung máy móc về công trường nhưng chưa thể thi công do thiếu mặt bằng

Hiện nay, công tác đo đạc, kiểm đếm trên địa bàn huyện Châu Thành và Gò Quao thực hiện rất chậm do lực lượng mỏng trong khi khối lượng công việc rất lớn. 

Được biết, địa bàn huyện Châu Thành có chiều dài tuyến 8 km nhưng số hộ dân ảnh hưởng rất lớn (khoảng 741 hộ). Địa bàn huyện Gò Quao chiều dài tuyến gần 22 km, số hộ dân ảnh hưởng khoảng 710 hộ. Các huyện này hiện chưa bổ sung thêm lực lượng cán bộ kỹ thuật dẫn đến nguy cơ không hoàn thành công tác đo đạc kiểm đếm trong tháng 5/2024.

Đối với công tác di dời hạ tầng và tái định cư, các huyện vẫn chưa ký hợp đồng thuê đơn vị tư vấn lập phương án; chưa thực hiện khảo sát, lập giá đất phạm vi qua huyện Gò Quao và Châu Thành theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Nhàn tại cuộc họp Ban chỉ đạo ngày 15/5.

Theo Cục Quản lý Đầu tư xây dựng ( Bộ GTVT), dự án phải hoàn thành trong năm 2025, trong khi đó thời gian xử lý nền đất yếu qua địa bàn tỉnh Kiên Giang mất khoảng 18 tháng (thi công bấc thấm khoảng 2 tháng, gia tải và chờ lún khoảng 14 tháng và 2 tháng hoàn thiện). Nếu không được bàn giao mặt bằng các vị trí "đường găng" tiến độ và hoàn thành bàn giao mặt bằng trong tháng 7/2024 thì dự án có nguy cơ chậm tiến độ, không thể thi công và hoàn thành vào cuối năm 2025 theo chỉ đạo của Chính phủ.

Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cho biết sẽ chỉ đạo UBND huyện Châu Thành sớm trình UBND tỉnh kế hoạch sử dụng đất và ban hành thông báo thu hồi đất cho dự án. Ngoài ra, Trung tâm Phát triển quỹ đất, Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường tăng cường, bổ sung lực lượng để tập trung đo đạc, kiểm đếm, trong đó ưu tiên việc lựa chọn đơn vị tư vấn xây dựng giá đất bồi thường để tiến hành ngay công tác khảo sát, lập giá đất, có thể áp giá đền bù sau khi có kết quả.

Theo Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, trong giai đoạn đầu, để có mặt bằng thi công, đơn vị kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện Vĩnh Thuận, Gò Quao, Châu Thành tổ chức họp dân để vận động các hộ nhận tiền tạm ứng một phần (nhà thầu sẽ ứng cho các địa phương) để bàn giao mặt bằng các vị trí ưu tiên cho dự án. Sau khi có quyết định phê duyệt phương án chính thức sẽ chi trả theo quy định và thu hồi tiền đã tạm ứng hoàn trả cho nhà thầu.

Đối với công tác tái định cư, do thủ tục thực hiện kéo dài, Ban QLDA kiến nghị địa phương áp dụng các giải pháp lập suất tái định cư tối thiểu để chi trả cho các hộ dân, bố trí tái định cư tại chỗ hoặc phân tán. Đối với các trường hợp bắt buộc phải xây dựng khu tái định cư, Ban đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các huyện khẩn trương thực hiện lựa chọn đơn vị tư vấn để lập dự án, từ đó sớm lựa chọn các nhà thầu theo quy định để triển khai, đồng thời áp dụng chính sách hỗ trợ tạm cư đối với các hộ dân thuộc diện tái định cư để bàn giao mặt bằng trước cho dự án.

Đối với công tác di dời hạ tầng kỹ thuật, đề nghị rà soát và xác định vị trí, giấy phép và thời gian thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật hiện trạng trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (tập trung chủ yếu ở phần mở rộng QL61 đoạn qua huyện Châu Thành) làm cơ sở, căn cứ lập phương án bồi thường, di dời và yêu cầu di dời, đảm bảo thực hiện đúng theo quy định.